Những thanh âm từ “Trong những lời yêu thương”(*) - Nguyễn Nhã Tiên
Thoạt tiên, mới nhìn lướt qua cái tiêu đề của tập thơ, xem ra trong veo, nhẹ nhàng. "Trong những lời yêu thương" hẳn là chả mấy gay cấn, chả mấy hàm chứa bí mật, hoặc là ánh lên một thứ lửa lạ lẫm như một thứ kiểu sức thời thượng làm dáng vẻ cho thơ mà thỉnh thoảng ta thường bắt gặp nơi này nơi kia. Vâng, tên gọi tập thơ quả thật dung dị, như hàm ý phơi mở một tâm hồn trong veo giữa nhật - nguyệt. Chưa vội mở tập sách, chỉ từ cái đề của thi tập không thôi, cảm giác tức thì của tôi tưởng như đây là cả một thế giới vang ngân cung bậc của những khúc thánh ca. Mà không chừng, cũng rất có thể Đinh Thị Như Thúy là nhà thơ am tường cái triết lý Ki-Tô, rằng trong ba điều căn cơ trong phúc âm: niềm tin, hy vọng và tình yêu thương, thì điều thứ ba là cao trọng hơn tất cả.
"Có ai đứng bên giường tôi khi tôi trôi dập dềnh đâu đó trong một cõi lạ lùng không không gian, không thời gian? Có ai chắp tay thành kính (kiểu như) cầu nguyện: Lạy Chúa lòng lành thương xót? Có ai xoắn vào nhau đôi bàn tay (kiểu như) tuyệt vọng thì thầm van vỉ: Hãy trở về đi. Hãy tỉnh lại đi. Làm ơn. Hãy mở mắt ra đi? Tôi chỉ một mình. Như mọi con người. Cảm giác một mình luôn thường trực".
Đây là nỗi "một mình" tôi vô ý bắt gặp, như một cuộc lang thang góp nhặt những điều ước, chợt phát hiện ra hoa trái mình ưa thích từ bài thơ có cái đề dài lê thê "Không phải ai cũng có thể tồn tại sau khi rơi xuống". Dường như Đinh Thị Như Thúy muốn viết một định nghĩa mới về thơ bằng cách làm ra những bài thơ văn xuôi (gọi tắt là thơ xuôi) theo kiểu của mình. Thơ xuôi thì lâu nay không hiếm, nhưng cách làm mới của nhà thơ là muốn xóa nhòa cái biên giới giữa thơ xuôi và truyện. Hay nói một cách khác, nhà thơ muốn thơ và truyện hòa quyện vào nhau trong những trường hợp nào đó có thể. Nghĩa là trong thơ xuôi cũng có nhân vật, cũng có lời thoại, nếu khoảnh khắc đó cần thể hiện một cấu trúc thơ như vậy. Tôi chưa nói đến sự thành công, hay đấy chỉ là sở thích những cuộc phiêu lưu kiểu Dadaism nhằm thỏa mãn nỗi khao khát phá bỏ những... vách tường rêu . Có điều, khi đọc một bài thơ kiểu như thế này, nếu nó đứng độc lập không ở trong một tập hợp của thi tập nào đó thì không chắc người ta gọi đấy là thơ. Một cuộc rong chơi với ngôn từ như vậy quả thật không phải ai cũng làm được. Làm thi sĩ, mà lại là một nữ thi sĩ - kiểu Đinh Thị Như Thúy, bấy nhiêu đó với tôi đã xứng danh là kẻ "Có bàn chân dài hơn con đường" (thơ Phạm Phú Hải). Chỉ có những bàn chân siêu hình cùng với những bước đi siêu nhiên lạ thường ấy, nhà thơ mới tạo dựng ra một cõi giới riêng khu biệt cho mình, hoặc là khám phá mở ra một chân trời mới, hoặc là sẽ kết thúc.
"Nhớ tối mùa đông, Vũ đến nhà chở đi Big C Đà Nẵng coi phim Chạng vạng. Các phòng chiếu phim đều ở lầu tư. Hai đứa giấu hai chai nước trong cái áo khoác rộng lùng phùng. Và hai ổ bánh mì dài. Ăn nhẩn nha trên ghế băng. Nơi tràn ngập người mua sắm lại qua. Nhớ đã thích mê. Không phải vì nội dung phim. Mà vì cảnh rừng ôn đới ẩm ướt. Những thân cây phủ đầy rêu. Sương mù dâng. Những cỏ hoa hiện ra bất ngờ. Trong một nắng hiếm hoi. Ở một nơi mưa nhiều nhất thế giới. "(Chỉ chúng ta mới được quyền kết thúc cuộc chơi này).
Thơ thế ấy đọc lên có khác gì truyện, thậm chí (đôi khi là sự cố ý) còn trần trụi hơn cả truyện. Liệu một cách diễn đạt như vậy, ngoài tự nghĩa của ngôn từ thì văn phong ấy còn ẩn mật một ý niệm nào sâu thẳm tạo nên bể chứa hàm lượng nuôi dưỡng sức sống đẹp cho thơ?
Nhưng Đinh Thị Như Thúy không chỉ thể hiện cách thế mới trong thơ xuôi, mà thơ tự do của chị cũng tạo riêng một phong cách vừa hiện đại vừa như phong kín những niềm bí mật. Đành rằng tự thân ngôn từ nào cũng chất chứa trong lòng nó những tự nghĩa, nhưng trong thơ của Thúy, ngôn từ dường như còn là một thứ vật liệu trong cấu trúc thơ, có dụng ý đa nghĩa ngay trong cả thanh âm hướng tới kích thích mọi khả năng tiếp cận.
"Tháng Bảy mùa ngâu không mưa ngâu/ Phố phố khô giòn vỡ/ Tôi hốt từng bụm mảnh trên tay/ Ngón ngón bầm máu chảy/ Một tối thủy tinh rơi/ Một tối sành sứ rơi/ Một tối chiếc gương soi rơi/ Mặt tôi ngàn mảnh vụn/ Những âm thanh khô/ Mỗi tối rớt trên sàn/ Những ngọn gió khô/ Mỗi trưa rớt tràn da thịt/ Những chờ đợi/ Mãi rớt vào đường phố khô ngùn ngụt/ Chiếc áo tôi mặc vỡ khô trong tái nhợt/ Tôi hốt linh hồn tôi khô vỡ vụn... (Mùa vỡ).
Trích chừng bấy nhiêu, đã nghe ngổn ngang mọi thanh âm từ "Mùa vỡ". Cũng có thể xuyên suốt hơn sáu mươi bài thơ trong "Trong những lời yêu thương" hẳn là cả một thế giới thanh âm: trong veo như thánh ca, sắc lẻm như thủy tinh, vỡ nát như chiếc gương soi rơi, mặt tôi ngàn mảnh vụn... Tất cả những vang ngân, rạn vỡ kia đều từ liên tưởng mà nghe thấy được. Nhưng có một thứ âm thanh không làm sao nghe ra cho dù có giàu có sức liên tưởng đến đâu chăng nữa:
Tôi hốt linh hồn tôi khô vụn vỡ
Hoang mang
Chẳng biết chôn cất vào đâu". (Mùa vỡ)
Đấy là thanh âm của sự quẫy cựa, sự rạn vỡ và bức bối của nội tại ( immanence). Mà muốn nghe ra những thanh âm đó, người ta chỉ có thể vin vào thế giới hiện tượng, hoặc may ra, phải tựa vào cái năng lượng nhiệm màu "Nhĩ căn viên thông" trong triết lý nhà Phật mới nghe thấy và diễn dịch hết mọi thanh âm ngữ nghĩa từ cõi lặng im bí mật đó được. Bàn về thơ, thi sĩ dị thường Bùi Giáng từng viết rằng: "Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể diễn dịch được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu..." (Thi ca tư tưởng).
Tỉ mẩn lật từng trang thơ "Trong những lời yêu thương" của Đinh Thị Như Thúy, nhẹ nhàng thế mà tôi thì cứ từ bước lạc này qua bước lạc kia. Và chừng như những bước chân lạc lối (diệu kỳ) ấy dẫn tôi bắt gặp cái bóng cây xanh "Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?". Tôi không rõ lắm, tâm hồn Đinh Thị Như Thúy - nỗi lòng nữ thi sĩ ấy đã ru khẽ lên những chiếc lá đầu mùa chưa, nhưng bài thơ của Pierre Emmanuel "Seuls comprennents le fous" (Chỉ những người điên mới hiểu được) đã neo đậu vào thơ Thúy một câu hỏi: "Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?" Vâng, con mắt xanh thế giới sẽ xanh rờn, có thể đó cũng là niềm ưu tư của nữ thi sĩ. Mở ra và khép lại, cứ thế sự trôi chảy về miền im lặng không hề cạn cái màu xanh vĩnh cửu của sự sống. Thế giới ấy lại bắt đầu ru khẽ lên những chiếc lá đầu mùa, như thanh âm thơ Đinh Thị Như Thúy khẽ ngân rung đâu đó trong nắng sớm:
Một ngày đẹp sẽ bắt đầu như vậy
Và âm thanh của cuộc sống dâng ngập trái tim.
Gác khói bay. Tháng 9/2018
N.N.T
(Non Nước số 249)