Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu

02.05.2018

Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu

Hòa mình với đời sống văn nghệ, hiểu rõ tâm hồn văn nghệ sĩ và chuyên tâm chụp văn nghệ sĩ, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã lưu lại qua ống kính chân dung các văn nhân một thời, bằng tất cả những nét cá tính hào hoa và đặc biệt nhất.

 

Những gương mặt văn nhân

 

Bức ảnh chụp Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, tác giả chớp đúng thời điểm ba ông đứng xoay người vào nhau ở góc sâu tấm ảnh. Mỗi người một tư thế nhưng đều thống nhất ở biểu cảm của nét mặt. Người được chụp rất tự nhiên nhưng người chụp cũng rất cao tay khi để ánh sáng ngời lên trên nét mặt tươi vui của họ, tạo ấn tượng về một sự tin yêu chân thành và niềm lạc quan. Cũng trong giờ giải lao tại trụ sở Hội Văn nghệ ở xóm Chòi, Thái Nguyên năm 1949 ấy, Trần Văn Lưu chụp bức ảnh 7 văn nghệ sĩ đứng dưới mái hiên bên ngoài. Bảy người đó là Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân. Tư thế của mỗi người không ai giống ai nhưng đều toát lên vẻ vô tư, bình thản, mặc cho hoàn cảnh kháng chiến vô cùng gian khổ. Đó cũng là thần thái của những người ý thức được về sứ mệnh của mình.

 

70 năm trôi qua, công chúng có dịp gặp lại những gương mặt quen thuộc là các văn nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tinh thần của các văn nhân từng truyền cảm hứng rất lớn cho cuộc kháng chiến được phản ánh qua ống kính của nhà nhiếp ảnh, để rồi tái hiện trong ấn phẩm “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” (NXB Kim Đồng, ra mắt sáng 19.4). Gần 200 trang sách khổ lớn, với gần 200 bức ảnh cũ và mới đã phác họa bức tranh sinh động về văn nghệ Việt Nam thời đạn lửa. Đó không chỉ là chân dung, các sự kiện mà còn ghi dấu ấn thời gian, in hằn cảm xúc tri kỷ, tri âm, tinh thần và tâm huyết của các văn nghệ sĩ trong đời sống lúc bấy giờ.

 

Đời sống lúc bấy giờ khắc khổ, ác liệt nhưng trong trẻo, huy hoàng. Ấy là nơi hội tụ những gương mặt hàng đầu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại đã dấn mình ở tuyến đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ. Những con người ấy đã cho ra đời các tác phẩm thơ ca, nhạc, kịch, họa đậm dấu ấn dân tộc và làm nên một phần lịch sử văn nghệ Việt Nam. Trần Văn Lưu là người đứng trong hàng ngũ ấy nhưng ông còn ghi lại qua ống kính của mình hình ảnh hàng chục tên tuổi lớn của nền văn nghệ Việt Nam khi ấy, khi mà “bậc trưởng lão” Ngô Tất Tố chưa đầy sáu mươi tuổi, hay nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi chưa tới ba mươi...

 

“Khoảnh khắc” đồng hành

 

“Một lần bố về nói với mẹ tôi rằng, ngày mai phải đi công tác chứ không nói đi đâu. Mãi về sau mẹ mới biết là bố đi chiến dịch. Hình ảnh đặc biệt của bố suốt những năm kháng chiến là bao giờ đằng sau cũng có một cái mũ phớt, khoác ba lô to, trong ấy không phải súng đạn mà là máy ảnh, có phim, giấy, thuốc… Đi đến đâu là làm ảnh ngay được đến đó”, ông Trần Văn Nhân, con trai nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu chia sẻ. Trước khi bước vào cuộc chiến, nghệ sĩ Trần Văn Lưu đã có cả một cửa hàng nhiếp ảnh ở số 2 Cột Cờ (nay là phố Điện Biên Phủ, Hà Nội) nhưng ông bị thôi thúc ghi lại khoảnh khắc sống động thời kháng chiến.

 

Đồ nghề mang theo là máy ảnh và vật tư, vật dụng làm nghề. Buồng tối là màn đêm núi rừng Việt Bắc. Nước ngâm phim từ nguồn suối bản làng, còn chậu đựng nước dùng cho khâu tráng phim, phóng ảnh là ống bương. Ống bương tuy không rộng bằng những chiếc chậu nhôm, chậu đồng, nhưng lăn qua lăn lại nhiều lần thì phim, ảnh cỡ nào cũng được láng kỹ. Chất lượng phim, ảnh in ra cũng không hề thua kém so với khi làm ở Hà Nội. Bằng cách ấy, Trần Văn Lưu tái hiện chân thực cuộc sống của một thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có chính tác giả đã đồng hành với cuộc kháng chiến toàn dân ở một “mặt trận” không kém khốc liệt.

 

Trong các tác phẩm, Trần Văn Lưu không chỉ là người bấm máy thông thường mà hòa vào đời sống ấy. Nhờ vậy, nhiều bức ảnh của ông đã đạt được cả hai tiêu chí: Tái hiện một phần lịch sử và nâng lên thành nghệ thuật nhiếp ảnh. Sức gợi của nghệ thuật ấy mở ra nhiều điều về tình bạn giữa các văn nghệ sĩ, về sự gắn bó giữa văn nghệ sĩ với nhân dân, với lãnh tụ… Như hình ảnh văn nghệ sĩ chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1950); hình ảnh nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn trưng bày các bức vẽ của mình ở ngoài chợ để đồng bào, chiến sĩ cùng xem…

 

Mỗi cuốn phim là tài sản quý giá. Điều kiện kháng chiến thiếu thốn, những thước phim được nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu trân trọng lưu giữ, mong một ngày làm được sứ mệnh của nó, truyền tải một phần lịch sử đời sống văn nghệ Việt Nam thời kỳ gian khổ mà hào hùng. “Ở đó toát lên giá trị đáng trân trọng. Những bức ảnh là di sản quý phản ánh tốt nhất đời sống văn nghệ kháng chiến và tài năng, tâm huyết của người chụp”, ông Nguyễn Huy Thắng - người biên soạn sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” nhận định.

Thái Minh
(nhavantphcm.com.vn)