(ĐCSVN) Đời mỗi người ai cũng lưu giữ ít nhiều hoài niệm. Có hoài niệm vui giúp ta yêu hơn, trân trọng hơn mảnh đất ta đã cất tiếng khóc chào đời; tình người dành cho nhau, nhất là lúc gian nan, hoạn nạn. Có hoài niệm buồn giúp ta hiểu thêm nỗi niềm nhân thế, để chọn đúng đường đi, tìm được bạn hiền tri kỷ… Với suy nghĩ ấy, tôi thích thú đọc tập thơ “Hoài niệm” của một nhà thơ hơn bốn thập niên đã gắn bó, tận tâm với binh nghiệp công an.

Với anh, “đời chiến sĩ gian nan vô tận/ Nay trở về ngõ nhỏ trước hoàng hôn” - “nơi mẹ tảo tần một mình một phận/ Nơi cha hi sinh những ngày xung trận/ Đất đã nghèo một thuở lại xác xơ (Phía sau; Gió qua đời mẹ…). Vâng, đất Thái Bình quê anh là vùng đất nghèo khó, có người đã gọi đùa là “nhà máy cháo”, nhưng chính từ đồng quê lam lũ ấy, đã sinh ra hàng trăm anh hùng, tướng tá, trong đó có tướng an ninh Bùi Quảng Bạ! Hưởng hạnh phúc hôm nay, anh viết những dòng thơ da diết về người mẹ anh “tóc mẹ trắng một đời lo tần tảo/ Mỗi sợi bạc là một ngày giông bão”; về người cha một thời “tay cuốc, vai bừa”, đã vì nước dâng hiến cuộc đời; về người chị đã “giấu mẹ, lên đường vào tuyến lửa” cống hiến cả tuổi xuân trong đội ngũ Thanh niên xung phong mở đường ra trận (Chân dung mẹ; Phía quê; Chị tôi…). Những con người thân thiết ấy đã sống quây quần một thời thơ ấu dưới mái rạ, bên gốc tre làng cạnh sông Diêm Hộ; với hoa lộc vừng bung nở giữa xuân; với hoa gạo đỏ trời đầu hạ cùng tiếng ve ran cuốn hút tuổi thơ; với biển gọi vào mùa ra khơi vào lộng… Trong cơ man kỷ niệm thân thương ấy, có một “ngõ nhỏ, phố nhỏ” rất đỗi thiêng liêng “thoảng hương thầm hoa bưởi/ thơm dịu mái tóc bay”. Nơi ấy chứng kiến nụ hôn đầu đời, vội vàng, e ấp; giờ mỗi lần về thăm quê, trở lại chốn xưa thấy “mênh mông lòng trống vắng/ một mình bên chiều rơi!”. Chiến tranh buộc mỗi người mỗi ngả vì nhiệm vụ khác nhau, nay thời bình “dẫu muộn mằn hương sắc”, bóng dáng em vẫn luôn chập chờn “trong giấc lành đêm qua” (Em đi qua phố; Họa mi và em…). Đọc đến đây tôi tự hỏi: ai bảo “công an là khô cứng, chỉ điều tra, bắt người”? Tôi nhớ lời Đại tướng Mai Chí Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, trong Hội nghị tổng kết Chỉ thị 135 truy quét tội phạm năm 1989, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng: “Công an cũng là con người; và ở khía cạnh sâu xa, là Người nhất, vì đã và đang giáo dục những người lầm lỗi để thành người lương thiện”. Cảm ơn những vần thơ bình dị, chân mộc của tướng Bùi Quảng Bạ giúp tôi thêm yêu, thêm quý những tình cảm rất người của anh khi viết về gia đình, quê hương và bạn bè thân thiết…

Với anh, quê hương, Tổ quốc là những gì rất gần gũi, gắn bó và tiếp lửa cuộc đời. Đó là dòng sông “khi trong xanh, lúc đỏ ngầu/ Thăng trầm như cuộc bể dâu dân làng”, là bến cũ “đò ai chèo vội về bên ấy/ Nhớ thả trăng em lại chốn này; là “hàng cau ngày xưa mẹ trồng sai quả/ Đám cưới làng mình tíu tít đưa dâu”; là “biển cứ cháy mỗi ngày/ Bỏng chân trời rực lửa/ lung linh màu hoàng hôn (Dòng sông quê; Biển gọi…). Xa quê mấy thập niên, anh cảm ơn đất mẹ đã tiếp sức cho anh vượt gian nan đường đời, dâng hiến thời trai trẻ; và hôm nay đeo quân hàm cấp tướng, anh vẫn tiếp nhận nguồn sức mạnh từ làng quê đang thay da đổi thịt từng ngày, khiến anh “về ngơ ngác phố”,“phố nhỏ chiều xuống vội/ Em như vừa qua đây”. Trong hành trình công tác dọc dài đất nước, có phút giây đứng lặng bên Cổng trời Tổ quốc “giữa không trung vời vợi/ Bát ngát tình biên cương”, bồi hồi khi uống một chén trà nghi ngút trên đình dốc Kun và “ly cà phê nóng thơm tình đất/ Ấm cả trời đông giữa chốn này” (Em đi qua phố; Ly cà phê mùa đông…). Phải yêu lắm dải đất Hà Giang, thương lắm những người lính biên phòng và các dân tộc đang chung lòng, chung sức canh giữ bình yên phên dậu cực Bắc Tổ quốc, anh mới có những vần thơ nồng ấm tình đất, tình người như vậy!

Qua dải đất miền Trung “lầm lũi đời sa mạc/ Bạc trắng màu thời gian/ Vắt kiệt mình sớm tối/ Cát nhọc nhằn nuôi cây”, không chỉ đồng cảm sẻ chia sự vất vả gian lao ấy, lòng anh vẫn sáng niềm hi vọng “trong hoang vu triền cát/ Lấp lánh ngàn sao xa” (Mưa miền Trung; Vùng cát trắng…). Ở đó, có em đang cần mẫn trải màu xanh trong mùa đổi gió “vỡ một màu sáng trong”. Và trong dòng chảy thời gian hối hả, anh về lại vùng châu thổ sông Hồng với“đêm mênh mông cốm thơm đầu ngọn gió/ Ngọt lịm sương giăng, ngày lúa lên đòng/ Trĩu nặng vườn cây chín vàng hoa trái”… Vậy là, thơ anh không chỉ là hoài niệm, mà còn là hiện tại; quá khứ đã là bệ phóng của hiện tại; hiện tại là cơ sở của tương lai. Tôi coi đây là một trong những yếu tố tạo nên “sức đọng” và “sức gợi” của tập thơ.

Giữa đất trời đang chuyển mình đổi mới, đi qua mỗi vùng đất, anh không quên ghi lại những cảm xúc trào lên trước vẻ đẹp của hình hài Tổ quốc, với nhiều lớp người, trong đó có “em” ngày xưa và em hôm nay giữa đêm thu trăng sáng, giữa ngày đông giá lạnh với “hoa dại đầy lối xưa”; những mùa heo may nhung nhớ năm nào, anh khoác tay em đi trong ngõ vắng buổi hoàng hôn; nay trở lại khi hoàng hôn sắp buông, chỉ có mình anh đơn bóng… Từ ngõ nhỏ ra phố lớn, anh thấy “hoa ban ngơ ngác phố”, “thẹn thùng đua nở”, "chốn cũ vấn vương”. Chung quy là dáng em không còn hiện hữu nơi đây, khiến anh “một thoáng bối rối, ngỡ ngàng”. Nhưng dù vương vấn, tiếc nuối kỷ niệm, anh vẫn thấu nhận “Ngõ phố của tôi thêm màu gió mới” - màu của Tây Bắc bao la “dành chút tình riêng gửi về Hà Nội” (Em đi qua phố; Lửa thu; Con đường xưa em qua; Hoa ban về phố…). Là một nhà khoa học với hàm Giáo sư, những vần thơ của anh đang làm “xanh hóa” trang viết, thổi sức sống nội tâm, sáng đẹp tình người trong gian khó: “Em nói mùa hè đầy nắng lung linh/ Giữ lại sắc hương một mùa sen nở/ Gửi lại nơi tôi một mùa dang dở/ Để tháng ngày thơm thảo mãi trong nhau” (Những bông sen cuối mùa).

Gấp lại tập thơ, tôi thấy thoang thoảng đâu đây hương trà ướp sen trong ngõ nhỏ trước hoàng hôn, giữa Hà Nội bốn mùa rực sắc hoa đủ loại. Và rộng ra là cả vùng đồng bằng quê anh đang xanh ngát lúa, ngô - nơi đã và đang tiếp lửa cho anh niềm đam mê sống và sức sáng tạo dồi dào…./.

Nguyễn Hồng Vinh
(cpv.org.vn)