Nguyễn Phương Thúy - Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển
Nguyễn Phương Thúy là một cây bút thơ trẻ, mới xuất hiện trong khoảng hơn 2 năm nay. Dù mới xuất hiện trên thi đàn nhưng chị tỏ ra là người cần mẫn trên cánh đồng chữ. Có thể nói đó là sự đam mê, một sự đam mê đầy nhiệt huyết của một cô giáo trẻ nơi vùng biển tỉnh Khánh Hòa.
Sau những nỗ lực, chịu khó tìm tòi, học hỏi Phương Thúy bước đầu cũng tạo cho mình được những dấu ấn tới độc giả. Bằng chứng là trong năm 2014, Nguyễn Phương Thúy đã nhận được Giải Ba cuộc thi thơ (bài thơ Ngày thứ sáu màu sôcôla) trong cuộc thi Thơ tình mùa xuân do báo Tuổi trẻ tổ chức.
Tập thơ Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển ra đời là sự đánh dấu bước đầu trên con đường thơ ca của chị.
Nguyễn Phương Thúy có cách viết mới, ẩn chứa nhiều những bất ngờ và thú vị. Chị biết làm mới trên từng con chữ, tứ thơ, hình ảnh để tạo được nét riêng; dù chỉ mới bước vào “nghề”.
Với 79 bài trong 1 tập sách, phần nào cũng cho thấy sự cố gắng lớn của một người viết trẻ. Ở đó, thể hiện được nhiều cung bậc, thanh âm, những trắc trở, chông chênh trong tình yêu, những hoài nghi, trăn trở trước cuộc sống. Mọi thứ được chị thể hiện dưới cái nhìn, bằng cách viết của một người đã có nhiều trải nghiệm, những va đập trước cuộc đời.
Người ta tìm thấy ở thơ chị nỗi ám ảnh, dằn vặt, sự cô đơn. Cái buồn và cô đơn của kiếp người. Những được- mất, sự hẫng hụt trong tình yêu lứa đôi và cả những hoài vọng, mơ ước, đợi chờ của một trái tim đa cảm. Đó là những cuộc tình không trọn vẹn, sự dang dở, nỗi chờ đợi, nhớ mong của nhân vật trữ tình với tấm lòng chân thành, hồn hậu.
Ta đan bàn tay vào nhau vào nhau
Chẳng biết rồi sẽ giữ được bao lâu anh nhỉ
Chỉ biết khoảnh khắc ấy nỗi buồn nhàu nhĩ
(mà) niềm vui lên ngôi…
Dẫu kéo dài thêm tí nữa cũng thế mà thôi
Chẳng thể nào xóa hết khoảng cách mà cuộc đời mặc định
Như ngày đan vào đêm bịn rịn
Không thể dài hơn một hoàng hôn.
Biết chẳng thể cùng nhau đi suốt con đường
Vẫn muốn đan vào nhau những khi trời lạnh
Vẫn muốn khi người này buồn, người kia đến ngồi bên cạnh
Nhẹ nhàng đan những ngón tay...
Muốn mượn đời một chút thơ ngây
Bứng rễ lo âu ra khỏi vườn thương nhớ
Để bàn tay anh gặp tay em trả nợ
Một cái đan tay đã hẹn tự kiếp nào.
Xin một ngày nắng ngút ngắt trên cao
Mười ngón tay em giả vờ đau ốm
Ta gác công việc lên kệ, nhét công việc xuống bàn, không dưng muốn mình đổ đốn
Chạy ra ngoài đan những bàn tay...
(Những bàn tay đan)
Dù mới hơn 2 năm tuổi nghề, chị đến với thơ bằng sự đam mê nhưng viết được nhiều và cho ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay với dung lượng như thế thì đó là điều đáng khích lệ. Không khó để người đọc tìm ra những câu thơ, bài thơ hay, những hình ảnh mới, lạ, độc đáo trong tập thơ của chị. Chẳng hạn: bài thơ Đan nắng vào đông là một ví dụ.
Con chim chao cánh làm rách gió
Con chuồn chuồn ngủ mê không nhìn thấy xác ngày
Mây gói mặt trời đi mất
Đêm chùng trong màu cánh gián đầy sân.
Chị là giáo viên nên trong thơ chị vẫn có nét dịu dàng, mô phạm của một người đứng trên bục giảng. Đôi lúc, tôi nhận thấy chị cũng muốn bứt phá và sự bứt phá ấy cũng có những cái đáng yêu, làm nên nét duyên dáng cho thơ chị.
Đọc thơ Phương Thúy, người đọc hình dung ra chị là một con người giàu tình cảm, sống nội tâm, dễ xúc động, dễ gần. Do vậy, thơ chị chan chứa cảm xúc. Bất cứ điều gì cũng làm cho chị động lòng trắc ẩn. Một cơn gió, một chiếc lá vàng rơi, bóng hoàng hôn, chiếc ghế đá công viên, sự chuyển mùa… cũng đủ làm cho chị xao động tâm hồn, đủ cho chị rơi những giọt lệ.
Em sợ mùa Đông gió gãy cây cầu
Con nắng ốm
gầy khung trời hai đứa
(Trầm mặc mùa đông)
Hay ở bài Nhớ anh sau chiêm bao:
Em có gọi đâu mà nỗi nhớ dạ thưa
Ách tắt trong từng câu chữ
Để bài thơ sáng nay trùng tu dẫm phải lời dị ngôn đã cũ
Bén rễ nồng nàn !
Anh đừng cắt phép cuối tuần vội vã chạy sang
Giấc chiêm bao đang trên bàn phẫu thuật
Trên móng tay em dấu môi hôn còn nóng hừng nóng hực
Cuộc yêu !
Bên cạnh những ưu điểm, thơ Phương Thúy còn có những hạn chế nhất định. Nếu chị biết tiết chế, điều chỉnh, trau chuốt; tôi tin Phương Thúy sẽ là cây bút thơ nữ trẻ có triển vọng.
Những bài thơ viết về tình yêu có thể coi là những bài thơ thành công nhất trong tập này. Mọi sắc thái, cung bậc yêu được chị chuyển tải vào thơ với những hình ảnh, ngôn từ vừa gần gũi, giản dị, vừa cao vời, ám ảnh, ấn tượng; tạo nên những liên tưởng thú vị và bất ngờ. Chẳng hạn chị dùng những câu chữ, hình ảnh kiểu như: Con trăng buồn tự kỉ cả mùa đông, Đêm nghe mùa hạ khóc đợi chờ, Giấc chiêm bao bỏ quên trong lụa áo, Mưa rủ nhau về rúc vào ngực lá, Con chim chao cánh làm rách gió/ Con chuồn chuồn ngủ mê không nhìn thấy xác ngày…
Tình yêu ở đó có thể là tình yêu viên mãn, hạnh phúc tràn đầy; cũng có thể là sự hiểu nhầm, tình yêu đơn phương không được đáp trả, hay sự bội bạc, chênh vênh… Phần nhiều trong thơ chị đó là nỗi buồn, nỗi buồn của nhân vật trữ tình “EM”; dù sống thật đến tận cùng, yêu đến tận cùng, nhớ thương da diết, mòn mỏi chờ đợi, ngóng trông… để rồi vẫn là người chịu nhiều thua thiệt.
Đứng bên đời cưu mang giấc mơ, có đôi lần gãy cánh
Nỗi buồn em cổ điển, trước khi bão tràn qua.
Ba mươi năm đủ dài để chăm bẵm giấc mơ.
Dát vàng khung trời hai đứa
Chợt nhận ra người đàn ông không thể chung thủy cả cuộc đời
Để chiều nay, những nốt lặng thoát thai thành cơn bão nổi.
(Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển)
Đặc biệt là tình yêu của những người trẻ, thế hệ tiếp thu lối sống mới, hiện đại. Ở đó hiện lên hình ảnh của những bà mẹ, người chị, những người đàn bà mang nhiều nỗi đau và sự mất mát trong tình yêu và cả trong cuộc sống thường nhật.
Những yếu mềm của đàn bà như dải khăn bịt mắt
Mà bàn tay tìm nhau....
Tiếng con muỗi vo ve khiến đêm tối nát nhàu
Con thạch sùng nhìn thấy gì mà đứng im tặc lưỡi
Em chạy theo giấc mơ, những nét chì chết đuối
Lưng chừng...
(Phác thảo giấc mơ)
Trong Hương đàn bà, hình ảnh người đàn bà hiện lên với những nỗi đau, sự khổ ải, tảo tần. Tất cả cũng vì gia đình, vì chồng, vì con. Sự thành công của các ông chồng và sự khôn lớn trưởng thành của các con phần nhiều là công của người phụ nữ; chính họ là hậu phương vững chắc cho chồng con. Những người phụ nữ ấy, họ hi sinh nhiều thứ: tuổi xuân, nhan sắc, ước mơ… thậm chí đến độ nhếch nhác đầy ngậm ngùi.
Người đàn bà đánh đổi tuổi xuân cho duyên nợ
Thành người giúp việc 24/24 giờ, cả đời không nhận nổi đồng lương.
Những người đàn bà vác giò lên cổ chạy để mưu sinh
Chỉ có mùi sữa, mùi chua, mùi mồ hôi hăng hắc
Phần nhiều những người đàn bà khác không mùi không hương như nước lọc
Bởi lẽ hương đã bay theo tiếng trẻ thơ cười.
Không ít những lời càm ràm và tiếng la chan chát trên môi
Quần xén ống thấp, ống cao, áo dài xộc xệch
Cái duyên mặn mà ẩn sâu trong từng đường chỉ khâu, nếp nhà, hốc bếp
Hương đàn bà ẩn vào từng bước đi và sự thành đạt của người đàn ông.
Tập Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển với 79 bài là quá nhiều đối với một tập sách của một tác giả mới làm thơ như chị. Nếu chị bỏ bớt, chọn khoảng 50- 60 bài thì tập thơ sẽ chất lượng hơn. Dẫu sao mọi sự cố gắng của chị đều đáng được ghi nhận.
Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển là sự thể nghiệm bước đầu cho sự nghiệp cầm bút lắm nhọc nhằn và chông gai ở phía trước của cây bút thơ trẻ Nguyễn Phương Thúy.
Nguyễn Văn Hòa
(http://nhavantphcm.com.vn)