“Loa kèn trắng đợi anh” và những cung bậc của đời sống
“Loa kèn trắng đợi anh” – đó là tên tập tản văn của tác giả Phạm Thị Diệu Thu vừa được NXB Văn học tái bản tháng 4/2018.
“Loa kèn trắng đợi anh”, những góc nhỏ, những thoáng qua chạm nhẹ trong cuộc sống, một kỷ niệm, chút ưu tư, đôi lần tự vấn….được tác giả viết ra như là cách ghi chép thường ngày vì thế rất giản dị, tự nhiên. Người đọc chẳng phải cau mày suy ngẫm, mà chỉ chợt à lên, mỉm cười thú vị. Tản văn là thể loại tưởng như ai cũng viết được vì nó tự do, lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp nhân vật hoàn chỉnh. Nhưng tản văn cũng có đòi hỏi khắt khe của nó: cấu tứ phải độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân, và trên hết phải tái hiện được các hiện tượng giàu ý nghĩa của xã hội. Nếu chỉ viết vài tản văn nhỏ chơi chơi e là khó tạo nên được cái độc đáo, cốt cách, giọng điệu. Với 58 câu chuyện nhỏ , phong phú về đề tài,chủ đề Phạm Thị Diệu Thu đã làm được điều đó.
Tôi thích cách kể chuyện của Diệu Thu. Kể những chuyện về cuộc sống thường ngày tưởng như là điều bình thường ai cũng làm được. Nhưng kể một cách có duyên, vừa thể hiện tính khách quan , thể hiện sự tinh tế, bộc lộ cảm quan trước cuộc sống, truyền tải những thông điệp mang giá trị nhân văn phải là người luôn tin yêu cuộc sống, là người cầm bút vững vàng. Cuộc sống đan xen rất nhiều mảng màu, với nhiều chiều cảm xúc,và biết bao nhiêu phức tạp. Có những ngọt ngào yêu thương như : “Thiên lý của mẹ”, “Thuốc “tiên””, “ Nhớ món bánh trần của ngoại”…. có chút gì mằn mặn như “Lệ phòng”, “Tờ bạc 50.000 đồng”….rồi có cả những nỗi day dứt không nguôi như “Những tờ báo không im lặng”, “Hoa thừa”… cả những thất vọng, băn khoăn , khó hiểu về lối ứng xử của người này người kia… Tác giả chưa lúc nào nhìn cuộc đời một cách bất an, ngay cả trong câu chuyện về “Bạn”, có ngỡ ngàng đấy, có chút bùi ngùi, có cả cái lắc đầu khó hiểu nhưng hình như từ tận đáy lòng mình chị rất hiểu cho nhiều cảnh huống của cuộc đời. Và trên hết có lẽ chị đang buồn thay cho cậu bạn phó giám đốc kia, cậu bạn thư ký Bộ trưởng nọ…
Trong cuốn tản văn, Diệu Thu kể chuyện của đời sống xung quanh và kể chuyện mình, những kỉ niệm nho nhỏ về người thân, một chút xao lòng, một chút cảm xúc vừa lạ vừa quen…Có lúc là sự thảng thốt giật mình về cách ứng xử như “ Lời hứa chiều mưa”, “Bài học tĩnh tâm”… Những chuyện nhỏ, thông điệp nhỏ, mang giá trị lớn.
Tập tản văn còn thấm đẫm chất trữ tình. Cũng dễ hiểu thôi Phạm Thị Diệu Thu vốn là người viết thơ. Quen chị chưa lâu nhưng tôi đọc khá nhiều thơ của chị. Diệu Thu nói thôi cũng ra thơ vì thế khi đọc văn lẩn quất trong câu chữ, trong lối biểu đạt vẫn thấy ngân nga giai điệu. Ngay trong cách đặt tiêu đề, có nhiều bài ngỡ như là đặt cho thơ : “Sinh nhật mùa thu”, và nhiều lần “Mùa thu” được thốt lên đầy cảm xúc, cũng với lối điệp cú pháp để khắc sau thêm về ấn tượng mùa sinh nhật của nhân vật trong câu chuyện. Thậm chí Diệu Thu còn đưa cả thơ của mình vào một cách khéo léo, tạo một góc mềm mại , gây ấn tượng nhẹ nhàng , sâu lắng. Nói đến chất trữ tình thấm đẫm nhất vẫn là “Loa kèn trắng đợi anh”- Đây cũng chính là tên của cuốn tản văn. Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ trên blog, qua mail, một người viết văn và một người mê văn. Một tình bạn kết nối thú vị và hình như có cái gì đó hơn là tình bạn… Rồi họ hẹn gặp nhau vào mùa loa kèn nở… và rồi chiếc bình của người “Em gái Hà Nội” mãi chẳng được cắm hoa như lời người hứa….Có cái gì hụt hẫng, bâng khuâng, se sắt, người em gái ấy cứ lặng đi mỗi khi mùa loa kèn tới… Câu chuyện ấy để lại cho tôi biết bao cảm xúc, tình người vấn vương là thế, vượt qua không gian, thời gian, dù không thấy ảnh thấy hình, có những thứ tưởng chỉ ảo thôi nhưng lại thật lắm trong rung cảm của trái tim…
Tình người, những cung bậc của đời sống và cả chất thơ thấm đẫm trong “Loa kèn trắng đợi anh”.
TL-25/5/2018
(vanhien.vn)