Thơ của nhà giáo- nhà thơ nơi “Miền Đông đất đỏ”
Đầu Hè năm 1976, tôi có kỷ niệm khó quên với Bùi Thị Biên Linh, khi đạp xe về tận nhà tìm gặp và chọn Linh về lớp đào tạo, bồi dưỡng các em học sinh có năng khiếu sáng tác văn học của tỉnh. Đây là trại viết do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức, mang ý nghĩa đầu tiên trên cả nước.
Bùi Thị Biên Linh, quê Đồng Vi, Đông La, Đông Hưng, Thái Bình, cô học sinh từng làm nên tiếng vang ở đội tuyển văn với nhiều lần đoạt giải cao trong các cuộc thi trên phạm vi toàn quốc.
Từ 1976, có tới bốn mùa hè về tập trung ở cơ quan Hội, “làm” nhóm các “nhà văn nhí” theo đuổi công việc “văn chương bếp núc,” Bùi Thị Biên Linh là một trong số những “cây bút” tốp đầu, có khá nhiều sáng tác được in trên Tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật, của Nguyệt san Báo Thái Bình, của Báo Thiếu niên Tiền Phong, của “Buổi Phát thanh Văn nghệ” - Đài Tiếng nói Việt Nam… từ khi mới mười một tuổi.
Nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Phạm Hổ được mời về Thái Bình làm thầy giảng dạy từng viết, ngợi khen Linh, ngợi khen một giọng điệu tâm hồn với cái duyên văn chương, chữ nghĩa …
Văn chương là “cái nghiệp.” Là thứ “trời phú.” Bởi vậy, hơn hai chục năm Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình liên tục làm công việc khơi nguồn, gieo cấy, những mong, tạo bến mở đầu tiên cho các em, cho mỗi cây bút trên dặm dài hành trình, neo đậu.
Song, trước lối rẽ của ngưỡng cửa cuộc đời, Bùi Thị Biên Linh mang “cái Có,” “cái phồn sinh” của nội lực hồn mình bước vào trường Đại học. Tốt nghiệp hai trường Đại học Sư phạm và Đại học kinh tế, chính trị. Với hai tấm bằng Cử nhân, Bùi Thị Biên Linh từ giã Thái Bình, xung vào Bình Phước, xứ sở của “miền Đông, đất đỏ ”… Và, cô gái từ “mảnh vườn ươm gieo” thuở nào đã trở thành một cán bộ quản lý của ngành giáo dục, rồi về trường cấp Ba, làm thầy dạy Văn trong niềm yêu, niềm khát khao nơi con tim tuổi trẻ.
Đúng như đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân…” Quả vậy. Với Bùi Thị Biên Linh, dẫu đã buộc chặt đời mình vào sự nghiệp trồng người, sự nghiệp cao quý của một người dạy dỗ đàn em dưới mái trường yêu dấu. Nhưng, ngọn lửa văn chương, có lúc nào nguôi cháy, nguôi đeo đẳng trong cõi lòng bão bùng, vật vã?
Kể từ buổi lên mười, tới mấy chục năm sau nữa, với văn chương, Bùi Thị Biên Linh đâu có “tắt lửa lòng?” Linh vẫn âm thầm, bền bỉ: “Viết và viết.” Linh viết Văn. Viết Thơ. Viết Tiểu thuyết. Viết những bài “tiểu luận” với cách cảm, cách nghĩ, cách phát hiện, kiến giải riêng mình. Linh viết để giãi bày. Viết để ký thác những hoài ức, kỷ niệm. Viết như nhu cầu lấp đầy những khoảng trống nào đó đang day trở hồn mình.
Thật không ngờ. Bùi Thị Biên Linh, tác giả của những trang văn thật diết da, nồng đượm lại có hàng trăm bài thơ ra đời. Thơ Biên Linh đã được trao giải tại các cuộc thi viết “về Nhà giáo.” Về “Đất và Người miền Nam sau 10 năm giải phóng.” Về “Cách mạng tháng Mười Nga - Xô viết”…
Thơ Bùi Thị Biên Linh xuất hiện trên thi đàn được những nhà nghiên cứu, những bạn đọc, bạn viết bình phẩm, giới thiệu. Biên Linh được giới văn nghệ sĩ Bình Phước - Bình Dương gọi là “Xuân Quỳnh của Sông Bé.” Được lớp lớp những thế hệ học trò coi là “thi sĩ” trong tâm hồn yêu thương và nể trọng của các em.
Liệu có cẩn trọng và chậm đến quá không? Khi, từ năm 1976, “Cây bồ kết” một sáng tác đầu tay in trên mặt báo, đến nay, đã qua 39 năm, Bùi Thị Biên Linh mới đắn đo, chọn lựa và cho in tập thơ, mang tên “Ý nghĩ ban mai?”
Có thể nói, đọc “Ý nghĩ ban mai,” người đọc gặp Biên Linh với tình yêu thiên nhiên đầy mộng mơ, thi vị. Một tấm lòng nâng niu, thương cảm luôn đeo nặng ơn sâu trước bao nhiêu bao dung, cao cả và nhân ái cuộc đời. Một cõi lòng thương cha, kính mẹ. Một tình yêu với sân trường, mùa phượng, với tâm tình dào dạt, nồng sâu trước bao lứa học trò ...
“Ý nghĩ ban mai” là dòng chảy thật mát lành, xao động của hồn thơ mát tươi, giàu có. Dễ thấy, Bùi Thị Biên Linh, người thơ này luôn mở toang cánh cửa hồn mình mà cảm rung, uống thấm.
Không khổ đau, vò xé trước thân phận, tình đời. Không bi ai trong ngắm nhìn, trong tình riêng trắc trở. Không tự mình tố lên những muộn sầu, phiền lụy…Thơ Biên Linh luôn đem mình diện kiến mà va đập, để sau đó là những gì có được của sự tan hòa nơi khoảng xanh bỗng vọng vang, bỗng dồn lên thi tứ.
Bùi Thị Biên Linh:
… Nghe thì thầm trong đêm
Rừng cây mùa thay lá
Vườn ươm đang trở dạ
Sinh sôi ngàn chồi non…
Rồi:
Trưa… Ngủ im như đếm được
tiếng nước lùa xa xa…
Hoặc:
Khoảng trời trước khi vào tối
Tím mềm như chiếc khăn voan …
Rõ ràng, không có con tim dễ lung linh, xao động, Bùi Thị Biên Linh không có cái nghe, cái nhìn, dễ bâng khuâng, ngơ ngác trước thế giới rộng lớn quanh mình là vậy. Có điều, Linh luôn bám chặt ngoại giới. Ngoại giới cho Linh trực giác. Cho Linh liên tưởng và bất ngờ có được những thần cú, thần tự “thăng hoa”:
Đọc:
Tôi ngỡ ngàng khi mới sớm mai nay
Bóc tờ lịch khi mùa hè đã đến
Hoặc:
Tiếng con chim hót sau vườn
Giục nhành mai nở vàng hơn mọi lần …
Quả tình, cảm xúc là “cái Gốc” của thơ. Lấy cảm xúc để đốt mình, để tìm sức bùng nổ cho ảnh hình, thi liệu. Nhưng, có thể Bùi Thị Biên Linh không bám vào lợi thế, bám vào cái vượt trội của mạch nguồn độc thoại. Thơ Biên Linh tìm lấy cái hay ở sức cảm, ở cái duyên của khả năng tự sự, giãi bày. Ở năng lực phát sáng, có từ nhiều góc khuất với nhiều chiều liên tưởng. Ví như, ở “cái chân, cái mộc” từ câu thơ tả thực lại có được cái hiệu quả, hiệu ứng đáng nhớ:
Nhà mình ở lưng chừng dốc
Đất cao mạch nước khó tìm
Bố đào đá bằng cuốc chim
Mái tóc dính đầy bụi đất
…
Bây giờ đã tròn một năm
Con về mùa khô rát bỏng
Giếng bố đã đào xong rồi
…
Con đã lớn thêm một tuổi
Niềm vui làm con bối rối
Trước giàn mướp vừa trổ hoa
Có thể, những câu thơ trên còn ít cái lung linh, cái người viết cần được “cá thể hóa” hơn nữa, nhưng thơ Biên Linh vẫn quyến rũ, lay động người đọc ở “vía hồn” linh diệu.
Ở “Ý nghĩ ban mai,” Bùi Thị Biên Linh viết nhiều về thiên nhiên, về mùa thu, về mùa xuân. Viết nhiều về cha, về mẹ. Nhưng, dường như, nhà giáo, nhà thơ này giành nhiều hơn cho tình yêu vào trường lớp, vào khoảng xanh của lứa tuổi học trò.
Bùi Thị Biên Linh tựa vững vào mạch nguồn, vào thế mạnh của thi ca truyền thống. Ở mỗi bài thơ, Biên Linh đã gắng tìm để có được cái mới, cái hay, trước sức “văng xa, trải rộng,” khi thì ở “thi trung hữu ảnh”:
Ví như:
Hè ơi, muốn nói bao điều
Sao hoa phượng đỏ, nở nhiều như mây
Hoặc:
Hoa phượng có từ bao giờ
Em cũng không biết nữa
Chắc vì yêu học trò
Nên hè nào cũng nở
Hoặc, khi cái hay có được ở cái thật của cái tình, của cách ví von khác lạ:
Mùa mưa đã về rồi đấy
Mong ba như mong mưa vậy
Mưa với ba là … của con
Hoặc, cái hay của tâm trạng trước tình yêu, trước niềm riêng, suy ngẫm:
Em như chiếc nón chòng chành
Muốn che mát nửa phần anh trong đời
Hoặc:
Tôi không nói nổi một lời
Để ai cơn cớ đầy vơi chẳng lành
Hoặc, rốt cuộc là cái hay cốt lõi của thơ, của cảm rung và vang sâu ý tưởng:
Anh không như cánh chim bỏ lại cánh đồng
Anh trở về trong em lúc em buồn khổ nhất
Và em hiểu ra những điều chân thật
Rồi:
… Hạnh phúc dịu dàng, bé bỏng
Mà sâu nặng, mà dạt dào như sóng
Và:
Nhìn trời tầm tã mưa bay
Ứơc mai mốt, có một ngày nắng lên …v.v…và v.v…
Với Bùi Thị Biên Linh. Với “Ý nghĩ ban mai.” Có thể, người viết cần mở rộng biên độ không gian thơ hơn nữa, trong khai thác, đào tìm. Trong hình thức, giọng điệu cần thoát vượt cái êm vang, mềm lặng. Cái cần có những câu thơ lấp lánh ở thi ảnh thật riêng, thật cô đặc, thật dễ găm vào trí nhớ …
Song, với chặng hành trình “40 năm và thơ,” Bùi Thị Biên Linh đã làm nên dòng chảy thật đậm, thật vững ở cái nền, cái gốc: Thơ Biên Linh là những hạt phù sa lặng thầm, tươi mát. Là hoa trái ngọt lành, thơm thảo dọc đôi bờ vừa đi, vừa chiu chắt, dâng hương …
Quê Trạng Trình, Vĩnh Bảo, Hải Phòng - Mùa thu, 2015
Kim Chuông
(vanhocquenha.vn)