Xóm của hồi ức của Kai Hoàng
Kai Hoàng là một người trẻ nhiệt huyết với chữ nghĩa. Anh xuất hiện trước hết với tư cách một nhà thơ với bút danh khá lạ. Tôi đọc thơ anh cũng bằng cái nhìn mới lạ ấy. Nhưng không phải bút danh mà chính những con chữ trên văn bản của anh đã gây thiện cảm với tôi về một giọng thơ trẻ giàu cá tính và triển vọng đi xa.
Tôi nhớ trong bài thơ Khúc ru mẹ, Kai Hoàng có viết:
“Con về mót những lời ru
thấy mình mỏng manh như cỏ
uống vội giọng hát mẹ gầy
nhớ lại mùa ấu thơ
rưng rức
Trên tay mẹ là những tháng năm nứt nẻ
trên tay con là những giấc mơ nở hiền
giấc mơ đi ra từ lời ru đêm trắng
đậu vào những thăng trầm
hát cạn đêm đêm”
Bằng tâm thế ấy không có gì ngạc nhiên khi Kai Hoàng hướng những trang tản văn trong tập Xóm của hồi ức của mình về một thời chưa xa đầy ắp kỷ niệm đẹp tuổi thơ nhưng lại có khả năng biến mất trước biến chuyển thần tốc của đời sống. Những tản văn cũng cá tính như thơ của anh.
Một xóm nhỏ nằm sát mép sông. Một con đường mòn sỏi đá đi tắt. Một khu vườn để dành chẳng của riêng ai. Những cội me già cổ thụ tỏa bóng mát. Cái quán liêu xiêu như dáng nội. Mùi khói bếp với bao món ngon của mẹ. Giấc ngủ trưa đong đưa cánh võng dưới vòm cây. Chiều chiều lãng mạn thả diều ngoài đồng. Những mùa hè thênh thang tung tẩy,… Tất cả được Kai Hoàng gọi tên Hồi ức, thể hiện bằng văn phong trong trẻo lôi cuốn, tái dựng những bức tranh sắc màu gợi cảm tiếc nuối, làm cho người đọc xa quê cảm thấy có hình bóng chính mình trong ấy bằng nỗi niềm vừa nhớ thương vừa day dứt, vừa bềnh bồng mơ mộng vừa nặng trĩu xót xa. Thiếu ký ức tuổi thơ con người khó có thể lớn lên và sáng tạo mạnh mẽ!
Không chỉ hướng ra thế giới bên ngoài mà một số cây bút trẻ còn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn sinh thành để tạo dựng cho mình một không gian văn hóa riêng biệt. Đây là điều đáng mừng trong giới văn trẻ hiện nay. Và nhà thơ Kai Hoàng đã trở thành một trong những người trẻ biết cách lưu giữ ký ức văn hóa, hay như anh viết là Bảo tàng ấu thơ, bằng ngôn ngữ tình yêu riêng mình, từ thơ đến tản văn. Đâu chỉ bảo lưu các hiện vật cụ thể như cái trống, cái chiêng, cái nồi, lọ gốm, viên gạch hay cái cối, cái chày, chiếc xuồng, mái chèo,… mà chính những trang viết thổn thức đầy xúc cảm như của Kai Hoàng đã góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa làng quê Việt đang dần mất đi trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Tôi rất thích thú khi anh tái hiện nhiều hình ảnh sinh động ấu thơ, như trong bài Xóm của hồi ức anh viết: “Tôi không biết liệu thời gian có chữa lành cho những mất mát bằng những thứ công nghệ hiện đại, những hàng quán lộng lẫy hay những khu vui chơi hào nhoáng hay không. Nhưng tôi cảm thấy vui khi chứng kiến nhiều người tìm kiếm tuổi thơ của mình bằng cách này hay cách khác, chẳng hạn như chiều nay nghe người ta réo gọi í ới một chú chở kem bằng xe đạp tạt ngang qua nhà, hoặc dừng lại ở gánh tàu hũ nóng bên kia hàng quán, không quên xin thêm chút nước đường ăn cho đỡ nhạt”.
Kai Hoàng là một người trẻ tìm cảm hứng trong sự cô đơn lặng lẽ trải nghiệm, tránh xa đám đông ồn ào trống rỗng và không chịu phụ thuộc vào kỹ thuật công nghệ hào nhoáng. Đó là một sự khác biệt so với nhiều bạn bè cùng thế hệ với anh. Và cũng chính nhờ sự già dặn trong tâm thức ấy đã giúp Kai Hoàng mang lại cho người đọc những trang viết bất ngờ thú vị, như anh thổ lộ trong bài Chạy xa vùng nhớ: “Giống như cách bạn nhớ lại chuyến đi Phú Yên hồi năm ngoái, chỉ cần một giây hồi tưởng bạn đã thấy mình đặt chân đến Ghềnh Đá Đĩa, đã cảm nhận được từng bậc đá xếp tầng khéo léo, cảm nhận rõ cái mùi biển hay những con sóng liếm chân ướt lạnh. Nhưng khi vô thức nhìn qua đứa bạn đồng hành, cũng năm ngoái, chỉ thấy một khoảng không chơi vơi trong tiềm thức của người ngồi cạnh, bạn thấy mình tiu nghỉu, điêu tàn như miếng giẻ lau nhúng nước. Đó là lúc bạn chợt nhận ra người ta có thể chạy xa vùng nhớ dù đã cùng trải nghiệm, chỉ bởi lúc đó thay vì chứng kiến bằng đầy đủ năm ngũ quan mà Tạo hóa ban cho thì người ta lại phó thác cho cái máy ảnh để nhìn, cho cái thẻ nhớ để lưu dấu”.
Lưu giữ ký ức sống động miền quê ấu thơ, Kai Hoàng cũng không ngừng đi, quan sát, chiêm nghiệm và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của thời tuổi trẻ khát khao. Anh như chiếc máy ảnh biết nói đã ghi lại mọi xúc cảm trên hành trình. Từ những con hẻm Sài Gòn, gánh hàng rong hay mùi khói bếp nhà bên cạnh khi anh trọ học cho tới những cơn mưa của mối tình đầu đều mang lại cảm hứng cho anh với bao suy tư, trăn trở. Và từ đó anh lại liên tưởng trở về thời thơ ấu. Nghĩa là chất liệu của hiện tại là cầu nối giữa tuổi trẻ và tuổi thơ của Kai Hoàng, để anh tái hiện thành những câu chuyện gần gũi có sức lan tỏa, lay động lòng người.
“Bạn hỏi, điều gì nhớ nhất khi xa nhà. Tôi đáp ngay chẳng dọ dự, mùi khói bếp. Bạn tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng tôi chỉ mỉm cười, thầm giữ cho riêng mình một bí mật. Bí mật đó, đơn giản chỉ là mỗi ngày được ăn những món ngon mẹ nấu, được thấy dáng ba loay hoay cặm cụi nhóm lửa, và bàn ăn lúc nào cũng rộn tiếng nói cười. Những điều đơn sơ đó, chỉ đến khi lẻ loi một thân một mình giữa thị thành, tự ăn vội bữa cơm chiều mới chợt thấy ý nghĩa xiết bao”. (Cay khói bếp nhà)
Mùi khói bếp, lời ru của mẹ và toàn bộ bảo tàng ấu thơ mà Kai Hoàng lưu giữ nhất định sẽ giúp anh bước đi vững vàng hơn trên con đường đời không ít sóng gió phía trước.Và tôi cũng như người đọc có quyền chờ đợi những trang văn thú vị khác của anh sau tập Xóm của hồi ức đáng đọc này.
Phan Hoàng
(nhavantphcm.com.vn)