“Kỳ nhân làng Ngọc”- Vẻ đẹp từ cuộc sống bình dị

20.05.2015

“Kỳ nhân làng Ngọc”- Vẻ đẹp từ cuộc sống bình dị


Tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc là đứa con tinh thần của nhà văn Trần Thanh Cảnh. Tác phẩm thể hiện lòng trăn trở cũng như tình yêu đối với quê hương của một người con Kinh Bắc. Vào quý I năm 2015, cuốn sách Kỳ nhân làng Ngọc do NXB Trẻ ấn hành chính thức đến với độc giả yêu văn chương.

Kỳ nhân làng Ngọc gồm 14 truyện ngắn, mỗi câu truyện gắn với mỗi cuộc đời, số phận khác nhau nhưng những nội dung: con người gắn với bi kịch tình yêu, con người trong thời kinh tế thị trường, con người trong sự biến động của lịch sử và con người gắn với phong tục, nếp sống của quê hương là những vấn đề chính mà tác giả muốn gửi gắm qua cuốn sách này.

Con người gắn với bi kịch tình yêu được tái hiện lại trong truyện ngắn Hội làng và Mùa thiGiấc mơ, sương đêm cuối ngõ. Đây đều là những câu truyện tình buồn, không đến được với bến bờ hạnh phúc.

Hội làng là câu truyện tình giữa Hằng - một cô gái nổi tiếng xinh đẹp của làng Ngọc và Nghĩa - chàng trai hàng xóm thông minh, học giỏi. Họ yêu nhau với tất cả sự trong sáng, ngây thơ của tuổi hoc trò. Thế rồi, trong cái đêm hội làng “xòe tình phập” linh thiêng ấy, họ đã trao cho nhau tất cả, và ngày hôm sau nàng theo chồng vào Nam, chàng học đại học rồi lấy vợ ngoài Hà Nội. Nhưng số phận lại một lần nữa đưa họ về với nhau. Trong chuyến du lịch vịnh Pattaya, gia đình Hằng gặp lại gia đình Nghĩa, chàng và nàng đã thì thầm vào tai nhau, hẹn gặp lại nhau trong mùa hội làng sau. Mùa hội làng trên miền đất huê tình ấy luôn trở đi trở lại trong tâm trí đôi trai gái làng Ngọc. Họ cùng trở về làng Ngọc sau bao năm xa quê, hai con người ấy chẳng biết đã nói với nhau điều gì, đã trao cho nhau những gì để rồi sớm ngày mai Hằng lại vào Nam với gia đình, Nghĩa lái xe về Hà Nội. Số phận một lần nữa đẩy họ ra xa mãi mãi.

Hoàng - thủ thư kiêm nhân viên hành chính và Thúy - thanh tra giáo dục là nhân vật chính của truyện ngắn Mùa thi. Họ cùng học trường đại học khoa học tự nhiên, nhưng khác khoa. Thời sinh viên, Thúy là hoa khôi của trường, nhưng Thúy rất ghét Hoàng, vì anh chàng này vụng về, đâm sầm vào “tòa thiên nhiên” của Thúy làm cô nàng đau ngất đi mà chẳng buồn xin lỗi. Tình cờ gặp lại nhau trong đợt thi hết kỳ của một trường cấp ba nọ, họ đến với nhau như số phận đã định sẵn, họ bù đắp cho nhau những thiếu hụt mà gia đình không hiểu và mang đến được. Mối tình vụng trộm này không kéo dài, họ chỉ như “hai đường thẳng trên một mặt phẳng, giao vào nhau trong một lát cắt của số phận để rồi mỗi người trên mỗi đường thẳng của cuộc đời mình. Lại xa nhau mãi mãi về phía vô cực”.

Viết về con người trong thời kinh tế thị trường là những truyện: Gái đảm, Sếp tổng, Có trời và Ngôi biệt thự bỏ hoang. Nhân vật trong những truyện ngắn này đều là những con người “tài” trong công việc, thế nhưng cuộc đời của họ lại trớ trêu và bất hạnh.

Truyện ngắn Gái đảm viết về số phận của người con gái làng Ngọc, doanh nhân Hòa Yến. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, Yến chỉ học hết cấp hai rồi đi làm thuê cho gia đình Vịnh. Cũng từ đó, tình yêu giữa Vịnh và Yến nảy sinh, cả hai cùng nhảy xuống giếng nước linh thiêng tự tử nhưng bất thành vì giếng làng rộng nhưng nông. Cuối cùng, đôi tình nhân ấy lại trở thành trò cười cho cả làng. Vịnh ra Hà Nội học rồi lấy Ngân, gia đình hòa thuận, êm ấm. Yến ở lại làng cay cú, trở thành “gái” lúc nào không hay. Cuộc đời tình duyên lận đận, lấy đại gia ngành than, rồi lấy anh chồng hiền lành trên mạn Tiến Dũng, cạp bồ với đại gia và trở thành giám đốc doanh nghiệp Hòa Yến nhưng vẫn cô đơn đến suốt cuộc đời còn lại.

Sếp tng là câu truyện về quy cách làm ăn trong thời buổi kinh tế thị trường. Sếp Tiến từ một đứa con trong gia đình nghèo, bị cha bỏ rơi leo lên vị trí tổng giám đốc công ty Hà Lạng. Tiến sở hữu một gia sản khổng lồ do ăn hối lộ, kiếm tiền như nước nhờ cái ghế tổng giám đốc. Anh ta có nhiều mối tình vụng trộm bởi đẹp trai, quyền, tiền đều đủ cả. Hạnh - cô sơn nữ mười bảy tuổi là một trong số tình nhân của gã giám đốc đa tình này. Bị Tiến bỏ rơi, Hạnh tự tử nhưng không thành. Số phận trớ trêu khi người cứu Hạnh lại chính là bố đẻ của Tiến, ông ta đưa cô gái trẻ về nhà chăm sóc, chăm lo cho cả đứa con trong bụng Hạnh khi đã chán chung sống với ba bà vợ. Bố mất, Tiến làm giỗ thật to, trong đám giỗ, Hạnh đưa đứa con trai mười tuổi về làm sếp Tiến trở thành người thực vật. Gia sản khổng lồ, những dự án béo bở, những khoản tiền ở nước ngoài... giờ vợ con Tiến toàn quyền sử dụng. Bao nhiêu năm vơ vét, giờ Tiến chỉ còn có thể nằm trơ mắt trên giường đến ngày cuối đời.

Truyện ngắn Có trời kể về bi kịch gia đình Quang “bản phủ”. Nguyên chánh án ở tòa án huyện, Quang có sự nghiệp cũng như gia đình viên mãn, bốn người con trai đi học ở nước ngoài, tiền kiếm được từ chức chánh án đủ để Quang sống cả đời không lo đến việc mưu sinh. Có tiền, có quyền, Quang ngoại tình giống như hầu hết những nhân vật nam khác trong truyện ngắn. Cuộc sống cứ thế trôi đi, đến tuổi nghỉ hưu, Quang lại nghiện cờ bạc, rồi hết tiền, bán nhà, ăn cắp tiền của vợ. Minh - con trai cả về nước, nghe mẹ kể chuyện, cầm dao chém bố, gia đình Quang tan nát từ đấy. Cuối đời, Quang phải dọn đến căn nhà nhỏ cuối làng sinh sống, chẳng còn đâu một ông chánh án huyện quyền uy, người dân làng Ngọc chỉ nhìn thấy một ông già tâm thần, cả ngày đi lang thang, miệng lẩm bẩm: “Tứ tử trình làng. Cứ ăn cứ chơi, có trời ủng hộ....”

Ngôi biệt thự bỏ hoang là câu truyện về những con người làm việc trong ngành giáo dục: Vi, Bằng. Đây là những con sâu đục khoét, làm hỏng nền giáo dục nước nhà. Hai con gái của Vi - giám đốc sở giáo dục đã tuyên bố thẳng: “trong nhà con xin nói thật, chúng con thừa biết cách kiếm tiền của bố mẹ. Chúng con không muốn đi theo con đường ấy nữa.” Cuộc sống của một gia đình gia giáo bị xáo trộn khi Vi cặp bồ, làm nhân tình tự tử đồng thời cũng làm ông Vân - bố của Vi choáng mà mắc bệnh alzeimer. Căn biệt thự to và đẹp nhất làng Ngọc trở nên hoang tàn, không có bóng dáng người ở.

Truyện ngắn Hoa núi, Kỳ nhân làng Ngọc thể hiện số phận của con người trước những biến động của lịch sử.

Cuộc đời của cô Như - người con gái làng Ngọc được tái hiện lại trong truyện ngắn Hoa núi. Câu truyện được tái hiện lại qua lời kể của Minh, cháu đi tìm cô theo lời di nguyện trước khi mất của bố. Cuộc đời của cô và gia đình là minh chứng cho sự khổ đau của nhân dân trước những đổi thay, thăng trầm của lịch sử. Gia đình ông chánh Xiêm giàu có nhất làng Ngọc, ông có năm người con trai Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Cải cách ruộng đất, ông bị đấu tố, bị bắn chết rồi đạp xác xuống sông Đuống, bà Xiêm tự tử theo chồng. Gia đình ông chánh Xiêm tan tác, rồi chết hết không còn một ai. Tín lấy cô Như làm vợ, hai vợ chồng phải bỏ nhà lên miền núi, rồi bị bọn cướp giết chết. Nơi cô chú bị giết mọc rất nhiều hoa mận trắng nhưng không bao giờ có quả, giống như cô đến khi qua đời vẫn còn trinh trắng...

Được dùng tên để đặt cho cả tập truyện, Kỳ nhân làng Ngọc là câu truyện về kỳ nhân Bình - một người con trai đất kinh Bắc. Lịch sử của dân tộc làm biến đổi cuộc đời của con người, trong đó có Bình. Bình là con trai ông Ba Be ở làng Ngọc nhưng từ nhỏ đã ở nhà bác ngoài Hà Nội trên phố Khâm Thiên làm nghề sửa xe đạp. Tại đây, anh ta được “bà chị phố Khâm Thiên” đưa “vào đời”. Trở về thăm quê, Bình hiếp Liên Hương, hàng xóm bên cạnh, anh ta bị đưa lên công trường xây dựng đường sắt miền núi cải tạo. Bình gặp và lấy cô Thinh, cuộc sống với anh ta trôi qua buồn tẻ. Chiến tranh chống Mỹ phá hoại nổ ra, Bình bỏ vợ, đi nhập ngũ và chiến đấu anh dũng, được thưởng huân chương nhưng khi xét lý lịch để thăng chức thì Bình không trong sạch. Uất ức, anh ta bỏ về làng Ngọc cưới vợ - một cô gái vừa tròn mười tám, sinh được năm người con gái. Cuối đời, ông Bình chuyển đến ở với bà cô Ngơ - Liên Hương, hai vợ chồng ra ngoài bờ sông tắm và từ đó không bao giờ thấy họ trở về.

Truyện ngắn Ngay trong đêm, Giỗ hậu lại tái hiện một mặt rất khác của cuộc sống: con người gắn với phong tục, nếp sống. Truyện ngắn Giỗ hậu giải thích về phong tục: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng 8, 16 nhớ về giỗ chay” của người dân vùng đất Kinh Bắc. Đó là ngày lễ để tưởng nhớ đến bà Hàn Xuân - người có công xây chùa, phát ruộng lập ấp cho nhân dân làng Ngọc. Ngay trong đêm lại là tiếng nói tố cáo, phản đối hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống của nhân dân Bắc Bộ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Quan niệm sai lầm ấy đã hủy hoại cuộc đời của Số - nhân vật chính trong truyện. Số là con nhà giàu, anh ta lấy cô giáo Vân Anh và sinh được hai con gái xinh xắn. Thế nhưng do sợ không có con trai nối dõi tông đường, Số đã ngoại tình với Thư. Hai người sinh được hai con trai, một đứa thì nghiện ngập, thằng còn lại thì cờ bạc, bị đánh cho liệt nửa người. Cuộc đời Số bất hạnh khi Vân Anh bỏ lên thành phố với hai con gái làm giảng viên đại học, anh ta phải ở quê với vợ hai và hai đứa con trai hư hỏng.

Kỳ nhân làng Ngọc không giống như tên gọi của nó, những nhân vật trong truyện đều là những con người hết sức bình thường, họ không phải những “kỳ nhân”. Tất cả những nhân vật trong tác phẩm đều là những con người mang trong mình vết thương lòng. Họ luôn tìm cách vượt qua số phận, thoát khỏi bi kịch nhưng những cố gắng đều vô nghĩa. Họ là “kỳ nhân” vì dám đấu tranh chống lại số phận mặc dù cuối cùng có thể bị số phận nhấn chìm, bế tắc và không có lối thoát. Có lẽ, đây chính là bi kịch của con người trong xã hội hiện đại.

Là một người con làng Ngọc, khi viết về quê hương, nhà văn Trần Thanh Cảnh tỏ ra là một người rất am hiểu mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Hình ảnh lễ hội, quan niệm của người dân nơi đây được tái hiện sống động trên trang giấy. Tác giả đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm cần phải thay đổi của người dân nơi đây. Qua đó, nhà văn thể hiện tình yêu sâu sắc của mình đối với mảnh đất quê hương.

Kỳ nhân làng Ngọc là một cuốn sách mới mẻ nhưng gần gũi, quen thuộc. Mới mẻ không chỉ bởi nội dung: viết về những vấn đề nóng hổi, sex mà còn mới mẻ ở lối viết của nhà văn. Những truyện ngắn sử dụng bút pháp huyền ảo, xây dựng những biểu tượng: hoa mơ - sự trinh trắng của người con gái, sương đêm - cuộc đời mờ nhạt, vô vị. Những câu văn ngắn, dồn dập: “Làng Ngọc, quê Hằng, vào đám, mở hội” (Hội làng), “Xuân. Hạ. Thu. Đông” (Hoa gạo tháng ba)... tạo cảm giác mới lạ. Các nhân vật được đặt cho biệt danh hài hước, châm biếm: Quang bản phủ, ông Ba be... cùng với giọng văn sắc lạnh. Tất cả những điều đó tạo ra sự mới mẻ cho độc giả. Bên cạnh đó, văn học dân gian cũng được nhà văn đưa vào trong tác phẩm của mình qua những câu ca dao, tục ngữ: “Tháng riêng là tháng ăn chơi/Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”, “Cờ bạc là bác thằng bần/ Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm”… tạo ra sự gần gũi, quen thuộc với văn học truyền thống.

14 truyện ngắn đều là những truyện ngắn dễ đọc, dễ hiểu, thế nhưng chỉ cần đọc một lần, độc giả sẽ không thể nào quên. Có lẽ, điều đặc biệt ấy được tạo nên từ cách kết thúc truyện đặc biệt của nhà văn Trần Thanh Cảnh. Tất cả những truyện ngắn đều có kết thúc ám ảnh, gợi nên triết lý cuộc sống mà tác giả muốn truyền đạt. Phần lớn trong số đó là triết lý về tình yêu, bởi khi tình yêu là một trạng thái kỳ lạ, ẩn chứa biết bao điều bí ấn.

Sau tập truyện ngắn Đại gia, Kỳ nhân làng Ngọc thể hiện sự trưởng thành của tác giả Trần Thanh Cảnh. Tập truyện ngắn này là tiếng nói trăn trở, tha thiết của một người con khi suy ngẫm về quê hương mình. Cuốn sách này hứa hẹn sẽ mang lại sự thú vị, độc đáo cùng những trải nghiệm lý thú cho độc giả.

Huyền Trang
(Vanhocquenha.vn)