Điều đọng lại sau Mùi hương còn lại

23.09.2016

Điều đọng lại sau Mùi hương còn lại

Khi cầm tập truyện “Mùi hương còn lại” của Nguyễn Thế Hùng tặng, tôi đã dành thời gian đọc hết, điều mà lâu nay tôi ít khi làm, bởi tôi tự cho mình cái quyền chỉ đọc những tác giả mà tôi thích với những truyện ngắn mà tôi cho là hay như “Khách ở quê ra” của nhà văn Nguyễn Minh Châu; “Người chăn kiến” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn; “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ...

Nhà thơ Phan Cung Việt vừa tặng tôi tập “Văn mới - 5 năm” (2011-2015) do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tôi đọc một số truyện của các tác giả mà tôi quen biết, trong đó có truyện ngắn “Người nhẹ vía” của nhà văn Nguyễn Thế Hùng.

Thú thực là tôi ngạc nhiên. Quen biết Nguyễn Thế Hùng đã nhiều năm nay, người viết văn cùng quê Hà Tĩnh, quả thực đây là truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Thế Hùng mà tôi đọc. Trước đó, dù nhiều lần Nguyễn Thế Hùng có truyện đăng trên tờ Tiền Phong chủ nhật thời tôi còn làm Tổng biên tập, nhưng, tôi chỉ xem lướt qua, nên cũng không để lại ấn tượng gì.

Đọc truyện “Người nhẹ vía” tôi cứ tự trách mình lâu nay chỉ đọc thơ của các tác giả trẻ chứ rất ít đọc truyện. Mới hay, nhà văn trẻ Nguyễn Thế Hùng (ở xứ ta nhà văn sinh năm 1972 vẫn được coi là trẻ) đã xuất bản 6 tập truyện ngắn, hai tập tiểu thuyết và đã được nhiều giải thưởng như giải truyện ngắn của Báo Tuổi Trẻ; giải thưởng của Bộ Quốc phòng; của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải nhất truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long; Giải tiểu thuyết của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội...

Khi cầm tập truyện “Mùi hương còn lại” của Nguyễn Thế Hùng tặng, tôi đã dành thời gian đọc hết, điều mà lâu nay tôi ít khi làm, bởi tôi tự cho mình cái quyền chỉ đọc những tác giả mà tôi thích với những truyện ngắn mà tôi cho là hay như “Khách ở quê ra” của nhà văn Nguyễn Minh Châu; “Người chăn kiến” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn; “Không có vua” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ...

Tôi không so sánh những tác giả này với Nguyễn Thế Hùng. Họ là những nhà văn tài năng và danh tiếng. Nhưng, đọc một số truyện trong tập “Mùi hương còn lại” cứ làm tôi suy nghĩ, cứ ám ảnh tôi. Không sến súa, không ngôn tình và hình như tác giả cũng không có ý định cách tân theo kiểu này, kiểu nọ như nhiều người viết văn trẻ bây giờ.

Lối kể chuyện chân thật, hóm hỉnh, như là người viết vừa gõ bàn phím vừa cười nửa miệng. Có những chỗ cười nửa miệng mà nước mắt chảy vào trong ...

Tôi thích nhất là truyện ngắn “Tiếng đêm”. Hình ảnh đối lập giữa “hai thủ trưởng” cùng người bố, người anh với người mẹ, người em thật ấn tượng.

Hai “thủ trưởng” oai vệ trước hai người con và người mẹ rụt rè, sợ sệt cùng những câu đối thoại khiến ta không khỏi liên tưởng đến thế thái nhân tình đầy những chuyện bi hài hiện nay. Tác giả viết như không, viết như đang kể cho ai đó nghe câu chuyện ở nhà mình, quê mình với chất giọng vừa hài hước lại vừa thâm trầm tinh tế...

Người bố và người anh noi gương “hai thủ trưởng” trên con đường thăng tiến, ra thị thành, người bố lấy vợ mới, người anh luôn dặn em “Em có công, anh có của ...”, rồi mặc người em và người mẹ tảo tần hai sương một nắng ở vùng quê nghèo... Hình ảnh người mẹ hy sinh tất cả cho chồng con thật cảm động, cho đến khi: “Khi sắp mất, mẹ lần cạp quần đưa cho tôi một chỉ vàng và nói: “Con sắm lấy cái giường, cái chiếu cho tươm, để nếu anh con có đưa các cháu về còn có chỗ nằm”...

Truyện “Sô cô la màu đất” tôi vừa đọc vừa cười một mình. Chi tiết ông Tây có nước da màu đất, mỗi lần nhìn thấy ông, đứa con của người kể chuyện lại bảo bố: chắc ông ấy không dám ăn Sô cô la đâu nhỉ... vì sợ cắn vào ngón tay mình!

Nhà ông Tây mới mua lại ở gần nhà một nhà văn. Cái ông nhà văn “mậu dịch” về già nổi cơn hâm đưa một cô gái điếm về làm vợ. Ngỡ rằng “cải tạo” được nó như người ta thường nói: Lấy đĩ về làm vợ chứ ai lấy vợ về làm đĩ! Cho nên khi vợ mang thai, ông nhà văn già mừng lắm, khi sinh con ông chạy vội đến xem mặt con, hóa ra là cái giống “Oẳn tà roằn”... Và người kể chuyện bỗng nhiên nổi đóa khi nhìn thấy cái bụng của vợ mình cũng đã... lùm lùm!

Cố nhà thơ Hoàng Cầm mượn “Lá Diêu Bông” - một thứ lá không có trên thế gian này để nói về mối tình ngàn đời nay dở dang và đầy ảo vọng. Nguyễn Thế Hùng cũng tạo ra những thứ hoa không có trên thế gian này như “Mùa hoa Khánh Hà”; “Mùa hoa Lam Hà”; “Mùa hoa Ngân Hà” (tên những chuyện ngắn trong tập “Mùi hương còn lại”) để nói về những mối tình có có không không! Vui, mà cũng buồn, buồn mà cũng vui, mà cũng không buồn. Trong tình yêu đôi lứa, sự cách trở, dở dang, nói như một nhà thơ “Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở”... Đó cũng là một cách dẫn dắt bạn đọc đến với tác phẩm, cũng là một cách tác giả đến với nghệ thuật, nhất là nghệ thuật viết văn.

Văn là người. Đọc văn cũng có thể biết người. Người văn Nguyễn Thế Hùng có lẽ cũng chất chứa nhiều điều muốn nói mà đôi khi cũng chỉ nói... nửa chừng. Văn chương nghệ thuật phải đi đến tận cùng, tận cùng cảm xúc, tận cùng số phận của nhân vật, tận cùng cả những tình huống, chi tiết... Nhưng, văn chương cũng nên dừng ở chỗ đáng dừng để bạn đọc còn tự mình nghĩ tiếp, viết tiếp trong suy nghĩ, tâm tưởng chăng? Tôi thiển nghĩ vậy.

 Và tôi cũng thiển nghĩ rằng, mặt mạnh và chưa mạnh của Nguyễn Thế Hùng cũng chính là ở chỗ đó.

 Khi đọc xong một tác phẩm văn chương nghệ thuật, hoặc chỉ là thỏa mãn cảm giác tò mò, hoặc trôi tuột đi, hoặc còn đọng lại những suy nghĩ, day dứt, băn khoăn về cuộc đời, về số phận con người, về nhân tình thế thái...

 Đọc tập truyện “Mùi hương còn lại”, tôi cảm thấy còn đọng lại một điều gì đó trong tôi, một điều gì đó khó nói nên lời...


Xuyên Cầm
(nhavantphcm.com.vn)