Đây là cuốn sách viết về gia đình của Lê Minh Quốc nhưng thông qua đó đã khái quát lên “nếp nhà” chung của người Việt từng được diễn đạt qua văn chương xưa nay.
Nhà thơ Lê Minh Quốc dành nhiều trang viết về người mẹ mới qua đời của anh. Mẹ của Lê Minh Quốc dành cả đời để chăm lo cho chồng con và mẹ luôn dành tình cảm đặc biệt cho người con thiệt thòi nhất trong gia đình - Lê Minh Quốc, khi mới 18 tuổi đã đi bộ đội sang tận đất Campuchia, đối diện với cái chết và khi tình duyên luôn lận đận. Những ai từng ghé thăm nhà của nhà thơ Lê Minh Quốc trong một hẻm nhỏ ở Sài Gòn sẽ gặp bà cụ từ Đà Nẵng vào chăm con. Lê Minh Quốc mãi là đứa trẻ trong mắt bà. Với những đứa con dù lớn tuổi, thành đạt thế nào dưới gầm trời này cũng đều là trẻ thơ trong mắt những người mẹ. Mẹ đã đi chợ về còn nhắc đến những bà mẹ rất đỗi bình thường nhưng rất vĩ đại của những người bạn của Lê Minh Quốc. Mẹ của anh hay bất cứ người mẹ nào khác cũng đều là những người mẹ vĩ đại.
Viết về mẹ bao nhiêu trang sách, bao nhiêu bài thơ là đủ? Xin thưa là không đủ khi mẹ vắng đi trên cõi đời này! Đọc Mẹ đã đi chợ về thỉnh thoảng thấy Lê Minh Quốc hốt hoảng kêu lên: “Mẹ ơi, ngày ấy nay đâu?”. Khi về Đà Nẵng thọ tang mẹ xong trở lại Sài Gòn, bạn bè gặp Quốc chia buồn. Nhà thơ Phạm Hồng Danh nhận xét: “Trông Quốc già hẳn”. Đúng là Quốc già thật chỉ sau mấy hôm mẹ anh vĩnh viễn ra đi.
Nhà thơ Lê Minh Quốc thừa nhận viết về cha rất khó, bởi cha anh rất tiết kiệm nụ cười, nghiêm khắc khó gần. Nhưng đọc Mẹ đã đi chợ về khi cha của Quốc đã không còn nữa, mới thấy ông là người rất thương con theo kiểu của ông. Cả tuổi thơ của Quốc không biết quê nội là gì vì cha Quốc quê ở Ninh Bình, Nam tiến và ở lại Đà Nẵng “nằm vùng”, từng bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Ông dạy con theo cách riêng để sau này mỗi lần vấp ngã, Lê Minh Quốc gọi thầm “cha ơi!” và nhớ lại những điều ông dạy như một chỗ dựa tinh thần. Quốc là người sợ nước, trong một lần đi biển ông hất Quốc xuống biển để con vượt qua nỗi sợ mà tập bơi. Chính hành động này của ông đã giúp Quốc thoát chết khi bơi vượt sông ở chiến trường K. Và cũng chính nhờ tủ sách của người cha mà Quốc lén đọc từ tấm bé đã hình thành một người viết trong Lê Minh Quốc sau này.
Người anh của nhà thơ Lê Minh Quốc, anh Lê Minh Tâm, bị liệt hai chân từ nhỏ nhưng cả đời sống rất lạc quan. Ngay cả lúc cuối đời sống chung với bệnh ung thư, anh Tâm cũng rất lạc quan. Anh Lê Minh Tâm cũng là người làm cầu nối, rồi trực tiếp vào bệnh viện chăm sóc cháu Hồ Thị Dôm, người dân tộc thiểu số ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Cháu Dôm bị lửa thiêu cháy một chân do cha mẹ đi làm rẫy để cháu ở nhà bò vào bếp lửa. Dôm đi học bằng cách nhảy lò cò trên một chân còn lại. Anh Tâm đã liên lạc với quỹ từ thiện “Môtô học bổng” tìm cách giúp cháu. Và khi cháu Dôm được tài trợ phẫu thuật, anh Tâm đã vào bệnh viện lo cho cháu đến khi hai chân của Dôm chạm đất như nhau. Anh ra đi để lại bao nhiêu niềm thương tiếc…
Chị Ái của Lê Minh Quốc là người chị thương yêu gia đình, nhất là với những người anh em của mình. Ở nhiều làng quê Việt, một thời người ta cho rằng “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Sinh được con gái đầu lòng kể như là nhờ vả được rất nhiều trong công việc hàng ngày. Nhiều người chị gái hy sinh tất cả vì đàn em của mình, có người mù chữ vì phải ở nhà giữ em cho cha mẹ làm việc thay vì đến trường đi học. Chị Ái của Quốc luôn quan tâm đến ông em lớn tuổi nhưng cứ lông bông trong tình duyên. Một lần gần tết, khi mẹ anh còn đang ở Sài Gòn, tại quê nhà Đà Nẵng, chị Ái đã “lệnh” cho Quốc phải chuẩn bị thăm hỏi nhà một người nữ mà Quốc muốn cưới làm vợ. Khi cha không còn, mẹ ở xa thì người chị thay thế cha mẹ lo việc vợ con cho Quốc. Quốc còn chần chừ, chị Ái đập tay xuống giường buộc Quốc phải thực hiện ngay. Quốc nói: “Có phải chị không chị?” và thấy tính cách của chị sao giống mẹ mình quá.
Mẹ đã đi chợ về cho thấy mối liên hệ ruột thịt trong một gia đình, những đứa con được sinh ra một nửa của cha hòa với một nửa của mẹ. Tính cách của chị Ái, của anh Tâm cũng phần nào phản ánh tính cách của Quốc, của em Quốc, tạo thành một “nếp nhà” sinh sôi đến mãi đời con cháu… Sợi dây liên hệ ấy còn thuộc về tâm linh không thể nào lý giải. Đêm chị Ái qua đời ở quê, Quốc nhận được tin báo nhưng không báo cho mẹ. Sáng hôm sau, mẹ Quốc dậy sớm nói, tối qua bà nằm mơ thấy: “Con Ái nó gọi mẹ ở đâu về với con”.
Có nhiều chi tiết thú vị trong Mẹ đã đi chợ về, chẳng hạn Lê Minh Quốc “tiết lộ” viết sách không vì chữ “danh”, anh viết vì muốn khoe với cha mẹ mình. Nhưng tất cả những cuốn sách của Quốc đều chưa từng đến được tay cha, còn mẹ anh thì không đọc vì bà mù chữ. Chi tiết này cho thấy Quốc quá cô đơn giữa cõi trần gian; khi Quốc không vợ con dù đôi lần kết hôn, người ruột thịt ngày càng vắng dần và lúc còn sống thì cha mẹ cũng không chia sẻ được điều Quốc viết. Có còn chăng một sự hốt hoảng về những gì đã qua như Quốc kêu lên: “Mẹ ơi, ngày ấy nay đâu?”.
Mẹ đã đi chợ về không còn là câu chuyện của riêng gia đình Lê Minh Quốc. Cuốn sách khái quát được tình cảm chung của các “nếp nhà” người Việt trong tình thương yêu. Mẹ đã đi chợ về còn như một hồi ký của Lê Minh Quốc về xứ Quảng một thời mà gia đình của anh làm “hạt nhân” của câu chuyện.
Hoàng Nhân
(sggp.org.vn)