Phiêu lãng với Khúc thụy du của Du Tử Lê
Ngôn từ của Du Tử Lê sắc sảo, thâm trầm nhưng vẫn luôn mềm mại, quyến rũ, đầy tính thơ, mặc những sóng gió tình đời…
"Như con chim bói cá/Trên cọc nhọn trăm năm/Tôi tìm đời đánh mất/Trong vũng nước cuộc đời…" - những câu thơ quen thuộc trích trong "Khúc thụy du, 1968" của nhà thơ Du Tử Lê đã đến với hàng triệu bạn yêu thơ và yêu nhạc qua ca khúc do nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc, cũng chính là lời mở đầu cho tập thơ "Khúc thụy du" (Phan Book và NXB Hội Nhà văn ấn hành) vừa giới thiệu tới công chúng.
Du Tử Lê cũng là nhà thơ có rất nhiều tác phẩm được phổ nhạc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như "Đêm nhớ trăng Sài Gòn", "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", "Quê hương là người đó" ("Xa nguồn yêu thương") của nhạc sĩ Phạm Đình Chương; "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời", "Em hiểu vì đâu chim gọi nhau" của Trần Duy Đức, "Hiến chương yêu" (Nguyên Bích, Trúc Hồ), "K. khúc của Lê" (Đăng Khánh); "Người về như bụi" - Hoàng Quốc Bảo, "Trên ngọn tình sầu" - Từ Công Phụng; "Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau" - Phạm Duy…
Tập thơ thơm mùi mực mới đưa độc giả "Trôi, những ngày neo bão" (phần 1) với "Những con dế nghe kinh", "Ngồi trong đêm", "Ngọn nến/tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi", "Quê hương là người đó", "Như xa miền yên vui", "Nuôi người: trang sách thơm"…
Ngôn từ của Du Tử Lê sắc sảo, thâm trầm nhưng vẫn luôn mềm mại, quyến rũ, đầy tính thơ, mặc những sóng gió tình đời. Quá nhiều những bài thơ của Du Tử Lê trở thành cảm hứng cho các nhạc sĩ chuyển soạn thành ca khúc: "Tôi muốn giấu dòng sông trong mỗi túi" (Trần Dạ Từ chuyển thành ca khúc), "Thiên thần cất tiếng kêu" (đã được tác giả Tú Nguyễn phổ nhạc), "Như vết chàm tôi mang" (Nguyễn Đình Nguyên phổ nhạc), "Giỗ giấc người bất hạnh" (Trần Hữu Trung phổ nhạc), "Khi cuộc tình đã chết" (Phạm Đình Chương phổ nhạc), "Ta tiếc thiên đàng sớm lập xong" (Phạm Gia Cổn và Trầm Tử Thiêng chuyển thành ca khúc), "Pleiku và hoa quỳ" (Đắc Tâm và Nguyên Long soạn thành ca khúc), "Khúc tháng hai" (có tới ba tác giả cùng phổ nhạc là Trần Duy Đức, Song Ngọc và Mai Trường)...
Phần 2 - "Người về như bụi" có "Chẳng bao giờ dậy nữa" (Đăng Khánh soạn thành ca khúc), "Một bài thơ nhỏ" (Hoàng Quốc Bảo), "Tôi trôi theo tôi con sông" (Trần Dạ Từ), "Mùa thu và thơ mới ở đường Baker, Costa Mesa cũ" (Đăng Khánh phổ nhạc), "Trong tay thánh nữ có đời tôi" (Trần Duy Đức, Hoàng Thanh Tâm chuyển soạn), "Thương mẹ đã lưng đồi" (Trần Văn Thành, Nguyên Bích phổ nhạc), "Về từ vô vọng" (Hoàng Song Nhi, Ngọc Tiến chuyển thành ca khúc)…
Du Tử Lê từ những trang đầu đã nồng nàn "Người cho tôi mùi hương/Và mặt trời giữa ngực/Môi nếm vị Hoa Nghiêm/Tim trú rừng Bát Nhã/ Người cho tôi vực khuya/Đêm vọng, nồng tiếng hát/Những ngón tay xuân thì/Bươi tìm tôi thất lạc…" ("Những con dế nghe kinh") - Bài thơ đã được Chơn Nhân chuyển soạn thành ca khúc. Cho đến những trang cuối của tập thơ vẫn vẹn nguyên trẻ trung, tươi mới, hồn nhiên yêu: "Ừ thôi môi đã là môi khép/Chẳng hẹn trăm năm cũng tận cùng/Đêm qua có kẻ cuồng điên khóc/Em bảo tôi: Ồ, sao trẻ con! Ở chỗ nhân gian không thể hiểu/Tôi với người chung một trái tim" ("Bài nhân gian thứ ba") - Trần Duy Đức đã chuyển thành ca khúc.
Du Tử Lê là tác giả của 70 cuốn sách. Ông cùng với Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên… đã tạo ra một không gian lãng mạn, khí khái, nhân văn và giàu suy tưởng đặc thù của khí hậu văn chương miền Nam, một phần không thể không nhắc đến trong nguồn vốn văn chương của dân tộc. Du Tử Lê bày tỏ: "Cái còn lại sau cùng, vĩnh cửu vẫn là dân tộc, là đất nước. Mà, văn hóa nghệ thuật là một phần quan yếu của dân tộc đó. Nên nó sẽ tồn tại, sẽ sống sót đó, dù ở thể trạng nào".
Trong "Understanding Vietnam" (tạm dịch: "Hiểu Việt Nam"), tác giả - giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Du Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại các đại học Berkeley (California - Mỹ) và Cambridge (London - Anh).
Hòa Bình
(nhavantphcm.com.vn)