Tập sách Đà Nẵng - 25 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian (1997 - 2022) - một tuyển tập nghiên cứu mang tính học thuật cao

29.12.2021
BBT
Chào mừng 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997 - 2022) và 20 năm thành lập Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng (2002 - 2022), Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng tiến hành chắt lọc, tuyển chọn trong hàng trăm bài viết công phu, cùng hàng mấy chục tham luận khoa học về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Quảng được đăng tải trên tập san Văn nghệ dân gian đất Quảng, Văn hóa dân gian Đà Nẵng, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, các tạp chí Nghiên cứu trong nước; trên các diễn đàn Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế và địa phương, để ấn hành tập sách Đà Nẵng - 25 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian (1997 - 2022).

Tập sách Đà Nẵng - 25 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian (1997 - 2022) - một tuyển tập nghiên cứu mang tính học thuật cao

Cuốn sách gồm có 612 trang, khổ 16 x 2 cm, do NXB Đà Nẵng ấn hành vào trung tuần tháng 12 năm 2021. Với 70 bài viết được tuyển chọn các bài viết nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian của Đà Nẵng và xứ Đàng Trong, góp phần cùng các học giả, nhà nghiên cứu đi trước, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Tập sách tập hợp nhiều nội dung nghiên cứu đa dạng. Đầu tiên phải kể đến là các bài nghiên cứu về văn hóa Đà Nẵng như Lễ hội đình làng Túy Loan của Lê Duy Anh, Miếu Tam Vị làng Hòa Phú trong sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân địa phương của Bùi Xuân, Những pho tượng Phật chùa làng Phong Lệ của Võ Văn Thắng, Tín ngưỡng thờ cúng cây cối của cư dân Đà Nẵng Tri thức dân gian của ngư dân Đà Nẵng và vấn đề bảo tồn trong quá trình đô thị hóa hiện nay của Đinh Thị Trang, Lăng thờ cá Ông và lễ hội Cầu ngư làng biển Tân Trà của Hồ Tấn Tuấn, Lễ hội dân gian Đà Nẵng của Trần Quang Thanh, Tinh thần đấu tranh trong vè ở Đà Nẵng của Đinh Thị Hựu, Từ ngày Tây lại Cửa Hàn của Trương Đình Quang, Cao Sơn - Phú Thượng biết bao nhiêu chè của Lưu Anh Rô, Biển Đà Nẵng - những thách thức về văn hóa của Bùi Văn Tiếng…

Ngoài những bài nghiên cứu về văn hóa người Việt, còn có nhiều bài nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Champa và Cơ Tu ở Đà Nẵng như Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Chăm Phong Lệ của Võ Văn Thắng, Đôi điều về truyền thuyết vàng Hời” của Lưu Anh Rô; Mỹ Sơn - viên ngọc quý hơn nghìn năm tuổi của Nguyễn Thị Trinh; Truyền thống và biến đổi văn hóa dân gian tộc người Cơ Tu xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang của Đỗ Thanh Tân, “Vỉa quặngvăn hóa Cơ Tu trong hồ sơ điểm đến của Văn Thành Lê, Biểu tượng tính thiêng trong tín  ngưỡng dân gian Cơ Tu Nghệ thuật tạo hình trên thổ cẩm Cơ Tu của Võ Văn Hòe…

Đặc biệt, Văn hóa dân gian bản địa Đà Nẵng là một bộ phận của văn hóa dân gian đất Quảng, vì vậy tập sách có nhiều bài theo hướng mở rộng sưu tầm, nghiên cứu toàn bộ văn hóa dân gian đất Quảng như Nhận diện văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng Giai thoại đất Quảng của Hoàng Hương Việt, Ý tình dân gian xứ Quảng với hát bộ của Trương Đình Quang, Món ăn Nam tiến của Lê Quang, Đặc trưng nghệ thuật bài chòi ở Quảng Nam Đà Nẵng của Trần Hồng, Hát kiến tại của Trương Duy Hy, Sắc bùa mừng xuân của Trần Hồng…

Ngoài ra, trong công trình này còn có nhiều bài biết nghiên cứu các vấn đề văn hóa ở phạm vi rộng hơn về phía Nam và cả nước như Văn hóa, văn nghệ dân gian trong đời sống đô thị đương đại Trương Đồ Nhục - sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Hiển Dĩnh từ một truyện cổ dân gian của Bùi Văn Tiếng, Biểu tượng nữ thần Thiên Y A Na dưới góc nhìn giao lưu tiếp biến văn hóa Kinh - Chăm của Nguyễn Thị Thanh Xuyên, Từ tín ngưỡng Bắc Đế Trấn Vũ, nghĩ về sự tiếp giao văn hóa Việt - Hoa - Nhật ở Chùa Cầu (Hội An) của Võ Văn Hoàng…

Các bài viết là quá trình tìm tòi, điền dã thực tế và qua các tư liệu đã được công bố của các nhà nghiên cứu ở Đà Nẵng. Tập sách hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc và các nhà nghiên cứu những trải nghiệm thú vị về vùng đất Đà Nẵng và cả xứ Đàng Trong.