Nguyễn Trí là trường hợp lạ của văn chương đương thời. Cả một đời lăn lộn với nhiều nghề như phu đào vàng, đào đá quý, tìm trầm hương, chạy xe ôm, dạy tiếng Anh... Cho tới khi con gái bị sát hại, ông đã viết thư xin giảm án cho kẻ giết con, từ đó nương vào con chữ vượt qua nỗi đau.
Tập truyện ngắn đầu tiên của ông - Bãi vàng, đá quý, trầm hương - đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2013). Từ đó, những tập truyện ngắn, tiểu thuyết Đồ tể, Thiên đường ảo vọng, Ảo và sợ, Bụi đời thục nữ, Ngụy... liên tiếp xuất bản.
Ở cuốn tiểu thuyết mới của mình, Ăn bay, tác giả Nguyễn Trí đã vượt khỏi vùng sáng tạo ngược xuôi đương thời, đưa độc giả ngược về những bụi bặm phận người của gần 50 năm trước. Các trang văn Nguyễn Trí đều được viết ra từ cuộc đời của ông. Ở đó, các nhân vật thường có số phận ở dưới đáy hoặc ở bên lề xã hội. Đó là những tay anh chị yêng hùng quẫy đạp chốn giang hồ để rồi nhận những kết cục chua xót; là những phận đời chua xót, cay đắng.
Nhân vật chính của tác phẩm là Sơn - con trai một sĩ quan Cộng hòa ở một tỉnh nhỏ miền Nam Trung Bộ. Cuộc đời Sơn cũng đầy lang bạt, biến động, gắn liền với một giai đoạn lịch sử dân tộc. Trong đó, tuổi trẻ Sơn trải từ những năm đầu thập niên 70 thế kỷ XX đến trước Đổi mới.
Là con của lính, có thể nói Sơn có tuổi thơ nhung lụa. Khi cậu bước vào tuổi thiếu niên cũng là lúc bão táp lịch sử bắt đầu lên cao trào. Cậu bị cuốn vào dòng xoáy thời cuộc, trải qua những thăng trầm không thể khác được của một thế giới đang được sắp xếp lại.
Sơn phải đối mặt với những đổi thay, trải qua những tâm trạng như Đau đớn bất lực chứng kiến cảnh tháo chạy của Mỹ ngụy năm 1975, hoang mang trong kính sợ trước đội quân Giải phóng tiếp quản thị xã quê hương; Sơn đồng thời vật lộn với bao sóng gió để tồn tại mưu sinh, để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Cho đến khi có sức mạnh của tình yêu vực anh dậy, neo lại những khổ đau để anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Tiểu thuyết này cũng giống bao tác phẩm khác của Nguyễn Trí, dù nhân vật có những hành động tàn ác đến đâu, hành vi vô luân cỡ nào... cuối cùng vẫn hướng về phía ánh sáng. Cậu “đi lao cải”, lên xây dựng vùng kinh tế mới, tham gia hợp tác xã; dở khóc dở cười với thời đổi tiền... Rốt cuộc, cái bản tính ngang tàng trong một thời cuộc phức tạp khiến anh ta không thể yên ổn ở bất cứ đâu, phải rong ruổi sống kiếp “ăn bay”, “bỉ vỏ”, bị ma túy hành hạ...
Ở Ăn bay, ông Sơn của hiện tại đã có một cuộc sống khác, bình yên và hạnh phúc, tích cực và hướng thiện.
Ăn bay không chỉ kể câu chuyện của một nhân vật. Cuốn sách này chứa một bức tranh thu nhỏ về tỉnh lẻ miền Nam những năm 1970-1985. Đó là hiện thực gian khó và bi tráng, căng cứng và ngổn ngang, trong sự phấn khích của niềm vui thống nhất.
Đọc sách, để nhìn lại, để biết và cảm nhận thêm về đời sống lịch sử, qua một cây bút văn xuôi đã tìm được phong cách riêng, ngồn ngộn chất liệu và bụi bặm phong trần, có thể thiếu chút suy tư nhưng đầy men say của đời thường.