Hermann Hesse và những hành trình tuổi trẻ
Hesse nói trong "Demian: Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair" rằng hầu hết những điều họ dạy chúng ta đều đúng đắn và chuẩn mực tuyệt đối không nghi ngờ gì nhưng chúng ta có thể có một cách nhìn khác
Kiệt tác "Demian" của Hermann Hesse dưới nhan đề "Demian: Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair" (HCl dịch, Tsuki LightNovel và NXB Thế giới ấn hành 2019) vừa ra mắt độc giả Việt Nam sau sự kiện gây sốt làng giải trí K-pop.
Hành trình khám phá bản thân
"Demain" ra đời trong một cơn hưng phấn tột độ của Hermann Hesse và hoàn thành trong vỏn vẹn 3 tuần, kết quả của cuộc khủng hoảng kéo dài từ chính bản thân nhà văn suốt Thế chiến thứ nhất. Do tư tưởng hòa bình, ông bị báo chí Đức công kích trực diện, bị bạn bè xa lánh, tiếp đó là người cha thân yêu qua đời đã đẩy ông vào trạng thái căng thẳng phải đi điều trị tâm lý. Quá trình điều trị đã dẫn dắt ông đến mối quan hệ trực tiếp với một trong những nhà tâm lý học vĩ đại nhất thế giới Carl Gustav Jung. Cho nên, ta có thể nhận ra những ảnh hưởng trực tiếp từ học thuyết của Jung lên tác phẩm "Demain" này.
Câu chuyện về hành trình khám phá bản thân của chàng trai Emil Sinclair chính là cuộc hành trình đi dọc lại đường hầm tâm hồn của chính Hermann Hesse, phân tích những ẩn ức dồn nén của tuổi thơ. Emil trở thành đối ảnh trong tấm gương mà ở đó Hesse có dịp soi tỏ chính mình. Ngay từ mở đầu của tiểu thuyết, độc giả phải chứng kiến nhân vật Emil giã từ tuổi nhỏ đến bước vào quá trình trưởng thành, lập tức, cậu nhận ra cái thế giới "Cha và Mẹ" mà cậu vẫn cho là ấm áp, đầy sự chở che bỗng chốc trở nên xa lạ và đối chọi với mình.
Hesse viết cuốn tiểu thuyết này khi đã bước vào độ tuổi 40 nhưng những miêu tả tinh tế của ông về những chuyển điệu nhỏ nhặt nhất trong tâm hồn tuổi trẻ khiến cho ta phải ngạc nhiên. Phân tâm học đã cung cấp cho ông những phương tiện cần thiết và "tân thời" để đưa ra được những kiến giải hữu lý và bản chất của giai đoạn vị thành niên, cùng với việc thoạt tiên, ông ký tên là Emil Sinclair thay vì dùng tên thật khiến cho cuốn tiểu thuyết càng nhuốm màu sắc tự truyện. Giới trẻ thời bấy giờ sau cơn khủng hoảng và những thay đổi chóng mặt về ý thức hệ, kể từ lúc chiến tranh, đã tìm thấy ở "Demain" một người bạn và người thầy tinh thần mới. Cuộc hạnh ngộ của tuổi trẻ với Hesse cũng giống như cuộc hạnh ngộ của Emil với Demian trong tiểu thuyết, chính là một kiểu "giác ngộ" trên con đường đi tìm chân lý ở đời. Nếu quá khứ chỉ là điểm mù thì tương lai giờ đây đã có một lối đi. Đó là chủ đề lớn trở đi trở lại trong các sáng tác của Hesse, từ "Siddartha" qua "Sói thảo nguyên" đến "Nhà khổ hạnh và gã lang thang".
Một cách nhìn khác
Như trong tiểu thuyết ngắn "Siddhartha" hay còn thường được biết đến ở Việt Nam với tên gọi "Câu chuyện dòng sông", Hermann Hesse tuy không trực tiếp nói về cuộc đời Đức Phật nhưng trong hành trình đi tìm chân lý của Siddhartha lúc nào cũng có hình ảnh Đức Phật hiện lên như ngọn đèn soi tỏ. Lấy bối cảnh đúng vào thời Thích Ca còn tại thế, việc Hermann Hesse tách tên Đức Phật ra để thành tên 2 nhân vật trong tiểu thuyết của mình: một là Phật đã thành và một là Phật sẽ thành như một khẳng định rằng tự thân trong mỗi con người đã có Phật tính vậy, nên hành trình đi tìm đạo hay tìm Phật chính là đi tìm lại chính mình, đi sâu vào những trải nghiệm cá nhân, tương giao với vạn vật của đời để thấu hiểu nội tâm của mình.
Ở các tiểu thuyết của Hesse, ta có thể thấy sự tách mình ra trong một trạng thái lưỡng phân như trong tác phẩm "Sói thảo nguyên" là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa bản ngã người và bản ngã sói trong cùng một cơ thể. Với Emil của "Demian", đó là cuộc đấu tranh giữa thế giới thực với thế giới tinh thần, giữa thân xác và linh hồn, nơi mà "chú chim đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết phải phá hủy một thế giới".
Không ngạc nhiên khi trước đây ở Việt Nam có một bản dịch "Demian" của Hoài Khanh, tên là "Tuổi trẻ băn khoăn". Nhưng ở đây, "băn khoăn" dường như vẫn còn là từ rất nhẹ để miêu tả trạng thái tinh thần của Emil, nhất là trong những bước đường trưởng thành đi từ "quả trứng" đến "chú chim" ấy là những cám dỗ của những dục vọng mà nếu không có người bạn bí ẩn Demian thì khó lòng vượt qua được. Cái vỏ trứng có thể rất mỏng nhưng đập được nó ra thì vô cùng khó, chịu đựng sự tối tăm ẩm ướt hay là thoát ra, bay đi vươn mình ra trời cao, là lựa chọn của mỗi người trẻ một lần trong đời. Nói như chính Hesse trong "Demian: Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair": "Hầu hết những điều họ dạy chúng ta đều đúng đắn và chuẩn mực tuyệt đối không nghi ngờ gì nhưng chúng ta có thể có một cách nhìn khác".
Ăn khách theo cách không ngờ nhất
Nếu còn sống, chắc hẳn đại văn hào Đức Hermann Hesse sẽ rất bất ngờ khi biết rằng có ngày tên mình phổ biến đến thế trong cộng đồng người nghe nhạc... K-pop. Chính cộng đồng ấy, đầu năm 2019 đã tổ chức bản thảo và tái bản kiệt tác "Demian" của ông. Nguyên nhân của lần xuất bản "khác thường" này có lẽ đến từ nhóm nhạc thần tượng gồm 7 thành viên BTS có lượng khán giả hâm mộ trên toàn thế giới. Năm 2017, nhóm nhạc này phát hành ca khúc "Blood, Sweat & Tears" với hình ảnh ma mị, u ám mà thoạt trông rất khó để liên hệ MV này với "Demain" của Hesse nếu như BTS không tự nhận rằng mình lấy cảm hứng và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuốn tiểu thuyết kinh điển của một trong những nhà văn Đức vĩ đại nhất mọi thời đại này.
Vậy là sau 100 năm, kể từ lần phát hành đầu tiên vào năm 1919, "Demain" đã mở rộng phạm vi độc giả của mình theo cách không ngờ đến nhất. Dù rằng lúc khởi thảo viết tiểu thuyết này, Hesse không có nhu cầu viết ra một tác phẩm với các yếu tố câu khách nhưng suốt hơn 100 năm qua, nó vẫn không ngừng chiêu mộ thêm những "tín đồ" mới cho mình.
Huỳnh Trọng Khang
(nld.com.vn)