Cứ thênh thang sống, cứ bồi hồi thơ

02.01.2018

Cứ thênh thang sống, cứ bồi hồi thơ

Quen với tên Mã Giang Lân từ lâu khi anh được giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ 1969, biết GS.TS Lê Văn Lân (tên thật của Mã Giang Lân) muộn hơn trong mấy cuộc chấm luận án, nhưng tôi biết rất ít về cuộc sống riêng của nhà khoa học kiêm nhà thơ này...

 

Tôi cũng đọc khá kĩ những trang nhà thơ Vũ Từ Trang viết về anh. Song cũng chẳng có được nhiều thông tin ngoài chuyện nghèo và chuyện anh hài hước, say sưa, cần mẫn. Thành thử tôi không dám chắc cái vế “cứ thênh thang sống”. Nhưng vế thứ hai “cứ bồi hồi thơ” thì rõ rồi. Ở cái tuổi vượt ngưỡng “cổ lai hy” mà anh vẫn cho in tập “Phía sau tưởng tượng”, tập thơ thứ 7 trong mảng sáng tác là một minh chứng cho điều này.

 

Ở cái tuổi chỉ tính tháng (“như thường lệ bảy mươi tính năm, tám mươi tính tháng” - Gió lên rồi), con người “đăm đắm” với thời gian là điều bình thường. Nhà thơ cũng vậy:

 

Bây giờ đăm đắm một điều 
còn bao thu nữa còn nhiều nhặn không

 

(Thu)

 

Nhưng không chỉ có thế. Người viết còn đau đáu với cuộc sống của “những cuộc đời lầm lụi” (Sẩy chân một lần) lặng lẽ, những kiếp người, “những cuộc đời/ tháng ngày trôi lặng lặng” (Gió lên rồi). Và  chỉ có một bài thơ nói về nỗi buồn (“Buồn như không cửa không nhà/ không thân thích cũng không hòa hợp ai/ buồn như một tiếng thở dài” - Buồn) nhưng đó là nỗi buồn “dai dẳng” ẩn sau những câu chữ, sau những tưởng tượng.

 

Một trong lý do sâu xa của nỗi buồn ấy phải chăng là bởi tại “Bây giờ”? Bây giờ nhiều đổi khác, lòng người bất an. Một nỗi sợ làm con người rụt rè “nem nép lối đi/ sợ qua đường/ sợ xe điên người vô cảm” - Ra phố). Bây giờ có những con đường lập thân, chạy chức nhiều chiêu trò kì quặc lạ lùng:

 

Con đường lập thân 
giở trò quấy càn che dốt nát  
mượn vẻ âm u thay uyên bác 
chẳng cần tu thân
Con đường chạy chức 
chạy như cháy nhà 
chỗ nào cũng húc 
miễn có nơi vinh thân phì gia

 

(Đường phố)

 

Bây giờ có những kẻ hãnh tiến, mới có tí chức con con đã mặt dày, vênh váo:

 

Chẳng cần X quang cắt lớp 
tôi thấy cái mặt dày thêm một phân 
lệch nghiêng chín mươi độ 
mà mới là viện, vụ.

 

(Gặp hàng ngày)

 

Bây giờ hố sâu ngăn cách giàu nghèo quá lớn:
Người không chỗ đặt lưng 
bao căn nhà đắp chiếu 
Lục lạc vàng kết nối những miền quê 
vừa xem vừa lau nước mắt  
tắt màn hình 
lòng ngổn ngang bão rớt

 

(Cô đơn)

 

Nhà thơ thường giàu cảm xúc và cường độ xúc động mạnh mẽ khác thường. Buồn, giận, nhưng không bi quan, không chán nản. Trong sâu thẳm, anh vẫn tin:

 

Tinh mơ ngọn gió tươi quét dọn mặt đất 
lau sạch bầu trời 
kì vọng một ngày thanh thản hơn

 

(Bây giờ)

 

Và có niềm tin ấy mới có thể “thênh thang sống”. Bên anh còn có những bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp; còn em dù cách xa “Em giờ ở tận cuối trời” còn có những “cơn mưa giải nhiệt”, còn thiên nhiên tươi tắn, trong trẻo “cỏ xanh ngăn ngắt cứ bời bời non” (Ngẫu hứng đầu năm); “Nắng rót mùa hè/ hoa xà cừ li ti trắng/ thơm nhẹ nhàng/ quên cả tiếng ve” (Nắng). Và những cơn  mưa đêm như quà tặng của đất trời “Tiếng mưa đêm thơm nhẹ thanh tao” (Mưa đêm).

 

 

Thông thường, lục bát thì  từ cuối của câu lục vần với từ thứ 6 của câu bát. Nhưng với Mã Giang Lân, không biết có phải là sự cố ý, hay là một “kiểu” nghĩ, chi phối kiểu gieo vần, chữ thứ 6 và thứ 7 của câu bát mới làm thành một từ. Và vì thế mà chỉ có một nửa từ vần với từ cuối của câu lục. Phần lớn các cặp lục bát của 14 bài lục bát trong tập đều được gieo vần như vậy.

 

Cũng là một chốn nương thân 
ngày chưa cạn chỉ mới ngân ngấn chiều

 

(Quê nhà)

 

Lên cao với nắng bời bời
với lam lũ gió với vời vợi xa

 

(Lên cao)

 

Bây giờ còn lại một tô
một thương một xót một bồi hồi xa

 

(Ngẫu hứng đầu xuân)

 

Anh về nằm với cỏ cây
ngày đầu năm lạnh mưa lây rây phùn

 

(Khấn anh nước mắt khôn cầm)

 

Thời gian không định dừng chân
hè lai rai nắng thu tân ngần đi

 

(Bất chợt)

 

Một loại lục bát bắt vần kiểu Mã Giang Lân. Đọc thấy thú vị. Phải chăng đây cũng là một cách làm mới lục bát vốn quá quen?

 

Hà Nội, 10 tháng 9 năm 2017

Theo VNCA