Phùng Hiệu nặng lòng với biển đảo

20.03.2019

Phùng Hiệu nặng lòng với biển đảo

Trong số 5 tác phẩm được Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM tuyển chọn để NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành lần này, có tập thơ Dấu chân biển cả (ảnh) của nhà thơ Phùng Hiệu (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM). 
 
Sau các tác phẩm được yêu thích: Tình không dám ngỏ, Thức giấc, Trong thế giới ngụy trang, Biên bản thặng dư..., những câu chuyện “người thật, việc thật” về tinh thần bất khuất quyết bám biển, giữ đảo của người dân đảo Lý Sơn cùng niềm tự hào dân tộc đã giúp Phùng Hiệu thăng hoa để cho ra đời tập thơ mới toanh, đầy hào khí này.

Bằng những ngôn từ mộc mạc, Phùng Hiệu dẫn người đọc về với biển đảo ngàn xưa, để nghe tiếng tiền nhân gửi gắm, chia sẻ về cuộc hành trình dựng nước và giữ nước vất vả: “Theo cánh sóng ngược về bao thế kỷ/Thuở cha ông nòi giống Tiên Rồng/Thuở đất nước giữa hai đàng chia cắt/Thuở dân binh còn nằm trọ giữa đồng/Từ phía biển thoáng trong tầm mây mỏng/Kìa Hoàng Sa đang réo gọi đoàn thuyền/Những binh sĩ niềm vui chưa ráo mắt/Biển gầm lên trận bão kinh thiên” (Dấu chân biển cả). Còn ở nơi hậu phương, bóng mẹ già liêu xiêu đổ dài trong từng câu thơ vẫn mòn mỏi đợi các người lính đảo trở về: “Hai thứ tóc khói hương gầy dáng mẹ/Tuổi thơ con dằng dặc những cung đường/Con mãi bước hành quân chưa ngoảnh lại/Vết chân trần vai mẹ đẫm màu sương” (Tình xuân lính đảo).
Biển đảo trong thơ anh không chỉ gắn với lịch sử oai hùng, những trận chiến dữ dội, mà còn có cả những vấn vương bâng khuâng rất đỗi riêng tư trong những câu thơ mượt mà: “Ngày mai xa biển mất rồi/Làm sao nói được những lời yêu thương/Gọi mùa hoa là vấn vương/Chông chênh vạt nắng cuối đường thu sang/Anh đi dạt bước phong trần/Hành trang sót lại mấy vần thơ yêu/Buồn dâng theo ngọn thủy triều/Chim nghiêng cánh nhớ trắng chiều đơn côi”. Bởi thế, biển đảo trong tập thơ Phùng Hiệu vừa thiêng liêng, mà lại thân thương, gần gũi xiết bao.

Lê Công Sơn
(thanhnien.vn)