Trong chặng đường sáng tác của mình, Dương Tường đến với thơ đầu tiên, nhiều tác phẩm thơ của ông lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực và phong trào tượng trưng. Khả năng sử dụng thành thạo tiếng Pháp đã cho phép ông tìm hiểu tới tận nguồn gốc của các trào lưu này và cũng chính điều đó đã thôi thúc ông ham muốn đổi mới ngôn ngữ.
Nhân sinh nhật ông tròn 85 tuổi, bạn bè đã tổ chức triển lãm “Dương Tường qua con mắt bạn bè” trưng bày 36 bức chân dung của ông do nhiều họa sĩ nổi tiếng vẽ tại Mai Gallery, Hàng Bông, Hà Nội vào đúng ngày sinh của ông (04/8/1932-04/8/2017).
Mới đây, tuyển tập “Dương Tường thơ” cũng đã được xuất bản và phát hành tới tay người thân, bạn bè và độc giả yêu mến dịch giả Dương Tường. Một buổi kỷ niệm và ra mắt tập thơ của Dương Tường do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức với các diễn giả tham gia: dịch giả, tác giả Dương Tường; nhà văn, dịch giả Châu Diên (Phạm Toàn); nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Độc giả và mọi người quan tâm có thể tham dự buổi trò chuyện ra mắt sách đồng thời mừng sinh nhật thứ 85 của tác giả vào lúc 9g30 ngày 12/8 tới tại Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội.
“Dương Tường thơ” là tuyển tập những sáng tác rải rác trong cuộc đời tác giả, được chia làm bốn phần: Tôi đứng về phe nước mắt, Le soir est tout soupirs, At the Vietnam wall và Thơ thị giác. Phần phụ lục gồm những bài viết của các nhà thơ, nhà phê bình như Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên, Trần Trọng Vũ… và phần Cộng hưởng do dịch giả Phạm Toàn chọn dịch từ những bài thơ của học sinh trường Quốc tế Pháp tại Hà Nội (trường Alexandre Yersin) gửi cho nhà thơ Dương Tường. Với “Dương Tường thơ”, một lần nữa Dương Tường lại đưa bạn đọc đi sâu hơn vào thế giới của mình, với hồn thơ “yêu người yêu bạn yêu đời” (Châu Diên) và chất thơ vừa mang phong cách hiện đại của phương Tây vừa vương vấn chút cổ điển phương Đông.
Nhân dịp xuất bản cuốn sách, bạn bè văn chương cũng dành nhiều lời ‘có cánh’ cho Dương Tường:
“Thơ Dương Tường như đánh đàn trên chữ.” (Nguyễn Huy Thiệp)
“Tôi cũng tin rằng, với hay không với ‘thi pháp âm bồi’, nhưng chắc chắn là với giọng điệu riêng, Dương Tường đã cho người yêu thơ những bài thơ mà hiệu quả âm nhạc, tạo hình là một với sức mạnh cảm xúc, tình cảm, ý tưởng, không tách bạch được đâu là ‘âm’, đâu là ‘nghĩa, đâu là hình thức, đâu là ‘nội dung’. Đủ để ghi tên một Dương Tường trong số các nhà thơ đóng góp vào sự phát triển của thơ hiện đại Việt Nam.” (Hoàng Hưng)
“Dương Tường là nhà thơ hiếm có mà trong thơ ông những chua chát cuộc đời hóa thân cả vào trữ tình bởi ngôn từ và mọi vẻ dịu ngọt của ngôn từ lại không thể không xót xa, lại hoàn toàn có thể cảm động như mọi xót xa ở đời.” (Trần Trọng Vũ)
Dịch giả, nhà thơ Dương Tường, tên đầy đủ là Trần Dương Tường. Ông sinh ngày 04/8/1932 tại thành phố Nam Định. Ông tham gia cách mạng năm 1945 tại Vĩnh Yên, thời kỳ kháng chiến chống Pháp (từ năm 1949-1955) tham gia quân đội, cán sự văn nghệ Trung đoàn 66, sư đoàn 304. Ông bắt đầu làm thơ từ năm1952; dịch sách từ 1961, tới nay đã dịch khoảng trên 50 tác phẩm. Ông cũng có 4 tập thơ đã xuất bản, trong đó có 2 tập in chung với các tác giả khác.
V.Vân
(vanhocquenha.vn)