'Nửa mặt trời vàng': Bi thương và rực rỡ một vùng đất

19.04.2017

'Nửa mặt trời vàng': Bi thương và rực rỡ một vùng đất

 Ngozi Adichie đã mang đến một tác phẩm thông minh, hy vọng và từ bi cho lịch sử đau đớn của Biafra trong cuốn tiểu thuyết "Nửa mặt trời vàng".

Để nắm bắt được câu chuyện của cuốn tiểu thuyết này, trước hết cần biết về địa danh Biafra. Đây là một bang ly khai của miền Đông Nigeria, chỉ tồn tại được ba năm, và tên nó đã trở thành khẩu hiệu toàn cầu trong cuộc chiến tranh chống nạn đói.

Cuốn tiểu thuyết Nửa mặt trời vàng tập trung vào câu chuyện của hai chị em sinh đôi, Olanna và Kainene, con cái của giới tinh hoa. Họ phải đấu tranh với lòng trung thành với sự thất vọng và phản bội.

Du học Anh quốc trở về, hai chị em song sinh Olanna và Keinene với hai tính cách trái người đã đi theo hai con đường khác nhau. Keinene nối nghiệp cha - một ông trùm có thanh thế của miền Bắc Nigeria, và bắt đầu mối tình với Richard, một người say mê nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Igbo. Còn Olanna chuyển đến sống cùng anh chàng “người tình cách mạng” Odenigbo của mình, họ tìm được sự hòa hợp tuyệt đối về tâm hồn và chí hướng.

Olanna là một mẫu người phụ nữ cũ, yêu chồng và chăm con, nhân ái với người giúp việc, hòa hợp với láng giềng và bạn bè, vâng lời cha mẹ, chiều chuộng người chị sanh đôi của mình. Là cô gái con nhà giàu lái xe hơi riêng, được chàng công tử Hausa tên là Mohammed yêu say đắm nhưng Olanna từ chối tình yêu này để chọn yêu một anh giảng viên nghèo thích làm cách mạng.

Chiến tranh khiến cuộc sống của nàng trở nên nghèo khó, thiếu thốn đến độ không có cả cháo ăn với cá khô (một món ăn của dân nghèo mà Olanna có dịp chứng kiến ở nhà láng giềng của người cậu khi Olanna đến thăm cậu). Tình yêu của Olanna và Odenigbo là một tình yêu rất bình thường.

Trong khi đó, Keinene lại là điển hình cho mẫu người phụ nữ hiện đại, cá tính mãnh mẽ, quyết liệt. Cô có một mối tình với Richard, nhưng bản thân cô luôn băn khoăn, cô xem trọng sự nghiệp, và luôn thể hiện bản lĩnh trước mọi sóng gió của đời sống.

Khi cuộc nội chiến Biafra còn trong thời kỳ phôi thai, Kainene đã viết một lá thư ngắn, trong đó cô phân vân: “Có phải tình yêu là cái nhu cầu đặt không đúng chỗ mà hầu như lúc nào em cũng cần có anh bên cạnh? Có phải tình yêu là cái cảm giác an toàn em cảm thấy trong sự im lặng của hai đứa mình? Có phải là cái cảm giác chúng ta thuộc về nhau, cái cảm giác có đầy đủ mọi thứ khi chúng ta có nhau?”

Trong tình yêu, cô gái da đen tuyệt đối là người cầm cương, dẫn dắt chàng trai da trắng vào thế giới của cô. Có lẽ, hình tượng Kainene cũng chính là một ẩn dụ nghệ thuật mà tác giả muốn hướng đến, trong mối quan hệ giữa châu Phi và nền văn minh phương Tây.

Cuốn tiểu thuyết được kể qua những quan điểm lồng vào nhau của ba nhân vật: Ugwu, chú bé nhà quê 13 tuổi, ít học, mê tín, ngô nghê, thần tượng hóa ông chủ và bà chủ của chú là Odenigbo và Olanna. Ugwu thông minh, ham học, được sự bảo bọc và thương yêu của hai vợ chồng Odenigbo – Olanna. Chú cũng yêu thương gia đình chủ như chính gia đình mình.

Olanna, một phụ nữ thượng lưu của Biafra đã từ bỏ cuộc sống tươi đẹp của mình để đến sống cùng người yêu, chàng giáo sư nghèo, Odenigbo; và Richard, một nhà báo Anh, nhận được tài trợ để viết một cuốn tiểu thuyết Nigeria.

Cuộc sống đẩy ba nhân vật chính đến Nsukka, ở phía Nam Nigeria, nơi trở thành trung tâm của cuộc nội chiến ở nước này.

Adichie đã đào sâu cuộc xung đột chính trị này, tạo nên nhưng căng thẳng về kinh tế, sắc tộc, văn hóa và tôn giáo giữa các dân tộc khác nhau của Nigeria, để rồi sau đó làm bật lên những hậu quả nặng nề về tình cảm và những tổn thương tâm lý đối với mỗi nhân vật. Đồng thời khắc họa một vùng đất xa xôi, oằn mình trong bi thương mà rực rỡ và say đắm.

Đây là một cuốn tiểu thuyết siêu việt với nhiều vấn đề sắc xảo, trong đó đã làm bật rõ ảnh hưởng tàn bạo của cuộc chiến tranh đối với nông dân và trí thức, là một bài học lịch sử trong hình thức hư cấu, được viết một cách mạnh mẽ, đầy đặn, chảy trôi.

Lối kể chuyện của Adichie trong cuốn tiểu thuyết dù không phong phú, có đôi lúc khá nghèo nàn, đơn thuần, nhưng khi viết về lòng trung thành và sự phản bội, nữ nhà văn tỏ rõ bút lực của mình nhất, với những trang viết thấm đẫm đời sống. Cô dường như là người rất thích đặt nhân vật của mình tại các ngã tư, nơi những giá trị trái ngược đụng độ và va chạm nhau.


Và giống như nhà văn trẻ người Mỹ Tom Bissell, người mà cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành một người say mê định hình thông qua người cha cựu chiến binh bị tàn phế, Adichie tiếp cận bạo lực trong quá khứ của đất nước với sự pha trộn giữa khoảng cách thế hệ và ám ảnh gia đình.Những tác phẩm văn học phản ánh cuộc chiến Biafra đã có một lịch sử khá lâu đời với những tác phẩm của các nhà thơ Christopher Okigbo, đến Chinua Achebe, Cyprian Ekwensi và Flora Nwapa. Sinh năm 1977, Adichie không sống trong giai đoạn nội chiến, nhưng trí tưởng tượng của cô dường như được hình thành từ đó: Một số thành viên trong gia đình cô sống sót qua Biafra, một số khác thì không.

Sự xa lạ và gắn bó này mang lại cho Nửa mặt trời vàng một giai điệu đồng cảm, xúc động, vượt lên những câu chuyện về anh hùng, bạo lực hay quỷ dữ.

Nền văn học Nigeria dường như còn khá xa lạ với bạn đọc Việt Nam.   sẽ là một cơ hội thú vị để làm quen và hiểu về lịch sử đất nước Nigeria của lục địa đen. Chắc chắn bạn sẽ hoàn toàn bị hấp dẫn bởi những chi tiết sinh động của cuốn sách này với bối cảnh là cuộc nội chiến Biafra.

Chiến tranh và những hậu quả do chiến tranh gây ra như chết chóc, tàn phá, đói kém... ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có những điểm giống nhau. Nỗi đau đớn do cuộc chiến Biafra mang đến cho mỗi người dân Nigeria trở nên thêm sâu sắc, bi thương bởi sự kỳ thị sắc tộc, tôn giáo, giai cấp.

Chimamanda Ngozi Adichie hiện nay được coi là nhà văn nữ trẻ tuổi xứ Nigeria xuất sắc nhất từ khi quyển tiểu thuyết Nửa mặt trời vàng có số bán hàng triệu bản trên khắp thế giới và được trao tặng giải thưởng văn chương Orange của Anh quốc.

 Phong Linh
(news.zing.vn)