Sông chảy về trời - thơ Nguyễn Công Bình
Đôi khi chút thoáng qua trong đầu, một khoảnh khắc ngân rung của trái tim hoặc một ánh nhìn bất chợt… tất cả đều choàng lên vai nhà thơ, một gánh trĩu nặng khôn cùng. Ấy là cảm xúc cũng rất bất chợt, khi tôi đọc tập Sông chảy về trời* của Nguyễn Công Bình. Một tập thơ khá kỳ lạ: từ đầu đến cuối, với hơn 160 bài, đều… 3 câu!
Tôi đặt tựa cho bài giới thiệu ngắn này như vậy là bởi, có thể có một sự đồng cảm, tương ý của người làm thơ. Là bởi, bất cứ lúc nào trong đời sống phong phú, lúc xô bộn hay tĩnh lặng, bạn đều có thể nảy ra một ý nghĩ, mà nếu không chộp lấy, thì sẽ vụt bay, và sẽ không bao giờ có lại được!
Mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, tay sờ… tất thảy đều có sự chuyển hóa thần tình với một chớp sát-na trong những bài thơ ngắn 3 câu của Bình.
Này là với bài Sân si: “Cởi cà sa/Giấu tràng hạt/Tiểu nàng rón rén thèm chua”; rồi Chay trường: “Đàn bò gặm cỏ/Chay trường/Cực lạc miền dao thớt”. Nghe như có gì đó đắng đót, nghe như có gì đó rất đời, mà chẳng thể diễn tả nổi.
… Ấy là có những lúc luận một chút về cõi đời, trong bài Kiến và người: “Con kiến sa giọt nước/Bầy kiến nối vòng kéo lên/Người ngụp dòng đời mơ kẻ vớt”; hay như Cầu cho em: “Cầm cặp vé cửa ga số phận/Cầu cho em/Ngày nhỡ chuyến tàu”…
Rồi lạc vào một miền ký ức, có mấy ai đắm đuối đến bất ngờ bằng mấy câu ngắn như Nguyễn Công Bình: Không có mẹ/Quê hương còn một nửa/Người về lạ cả lời ru! (Một nửa); hay như: Chưa trọn đêm chèo/Một thời đại đi qua/Chú hề dụi mắt (Đêm chèo), rồi Cối xay lúa sứt quai/Vỏ trấu ngày xa tím ngắt/Phó cối, giờ nơi nao? (Ký ức).Còn với bài thơ lấy tựa cho toàn tập, đọc bỗng thấy nao nao lòng: Cô chạch ấp trứng ngọn đa/Chú sóc nghịch sóng/ Sông chảy về trời…
Đến với bài Nợ, thì đã tuyệt đỉnh của sự luận bàn về cõi nhân sinh, ví như khi ta nhấc một chung trà nhỏ vào buổi sáng sớm, chợt nghe đâu đây tiếng động rất khẽ của một bàn tay nhỏ giơ tay hái búp chè xanh:
Ong nợ hoa
Trả mật
- Nợ lòng nhau, trả gì?
(Nợ)
Một câu hỏi mà đi suốt kiếp nhân sinh không thể trả lời, xem như có lúc thì sinh ly, lúc lại tử biệt, vẫn chỉ biết còn nợ nhau. Không biết phải thế chăng?
Còn quá nhiều bài hay, mỗi bài một vẻ, nhưng mỗi một bài ngắn, mà gói được cả một tứ thơ thâm căn cố đế, thì mới biết không phải không dụng công.
Nhưng cũng vì có quá nhiều bài, cùng một thể thơ, mà tác giả có thể bị nghi là lạm dụng, điều này chắc người làm thơ cũng thể tình?
Hỏi, tức là đã trả lời!!!
20.1.2016
Trần Thanh Bình
(nhavantphcm.com.vn)