Đừng theo trăng em nhé & tri âm

16.06.2015

Đừng theo trăng em nhé & tri âm

Tập thơ Đừng theo trăng em nhé của nhà thơ - nhà báo Phạm Đức Mạnh do NXB Hội Nhà văn ấn hành, đã được một số bạn đọc tri âm đón nhận và chia sẻ…

 

1 - Lâu nay tôi đọc hết bài thơ của anh trên trang nhà, nhận thấy anh quả thật là người sáng tác thơ với lối viết đa dạng. Bài thơ “Vô tình” rất trẻ trung và dễ thương:

 

                                            Vô tình nút cấm quên cài

                                          Để ai lúng liếng ngực ai trăng tròn

                                          Mắt vương trên đỉnh đồi non

                                          Quẩn quanh khe núi hương còn đang bay.  

  

Có những bài thơ rất trữ tình, cũng có những bài quá ư là lãng mạn. Có lần chị Kiều Oanh nói đọc thơ thấy anh không già chút nào, đến nỗi anh Phong Tâm phải lên tiếng nói khó tin bởi hai câu kết trong bài “Ngắm em”:    

 

                                            Anh xấu tính chỉ muốn em lộng lẫy

                                          Để ngắm em hai mươi bốn tiếng mỗi ngày.

 

Hoặc “Nếu em tàng hình”:

 

                                            Anh thấm thía nỗi buồn cô độc

                                          Vấu víu khoảng không khàn giọng gọi em.

 

Trong “Chén mơ” của anh, không biết loại chi mà nghe qua làm người mất cả hồn:

 

                                           Chén cười như có bùa mê

                                         Mới vừa chạm mắt đã tê cả lòng.

 

Thành thật mà nói, đối với sự phong phú, đa dạng của thơ anh tôi viết như thế nầy là chưa đủ. Lúc đầu tôi chỉ đọc một số thơ của anh để tìm hiểu về anh, không ngờ cách viết của anh khiến tôi bị cuốn hút đọc hết bài nầy rồi bài khác. Lúc đó mới biết anh sáng tác đa dạng, và có lối sáng tạo rất đặc biệt…

                                                                                                             

VÕ CHÂU PHƯƠNG (Hoa Kỳ)

 

 

 2 - Tôi đã đọc rất nhiều thơ của tác giả Phạm Đức Mạnh trên mạng và bây giờ là bản thảo: "Đừng theo trăng em nhé ". Tôi bắt gặp ở đây một hồn thơ đa dạng, phong phú về cách nhìn, cách nghĩ và cả cách dùng âm điệu, ý từ cho thơ, có lúc mộc mạc hồn nhiên:  

 

                                Ước mong mỗi tối sáng đèn

                                Ngôi nhà em đợi lại quen dáng người

                                Lại trong veo ngập tiếng cười

                                Là anh - là cả cuộc đời em thương.

                                                  (Đừng bỏ em một mình)

     

Bài "Đôi Mắt tròn xoe" - làm say đắm lòng người và cũng là ánh lửa soi dẫn trong đêm đen của tâm hồn, đôi mắt ấy mãi mãi vượt qua mọi ánh sao trên bầu trời. Lời thơ ngọt ngào, lãng mạng, tràn đầy tình cảm. Bài "Giọt nhớ mộng mơ" - là một bài thơ giàu nhân bản, mượt mà, tình cảm: "Bao nhiêu vụng dại của em/ Bấy nhiêu giọt nhớ êm đềm mộng mơ..." - lời thơ phát xuất từ một trái tim bao dung, yêu thương cái đẹp của tâm hồn, và chỉ có những người yêu nhau chân thành thì mới chấp nhận sự vụng dại của người mình yêu mà thôi. Với bút pháp tinh tế, sắc sảo, tài tình, tác giả đã sử dụng bút pháp thăng hoa, gợi cảm mà không dung tục, lời thơ thật sự thanh thoát:   

 

                                    Đi nghiêng tránh ngọn gió thừa

                                  Tóc em cuốn cả vạt mưa vào người

                                  Cơn mưa đang khóc - lén cười

                                  Mân mê say ngọn núi đôi thẹn thùng.

                                                                  (Ghẹo mưa)

    

Nói chung hồn cốt thơ của anh rất trữ tình, mượt mà,...đôi lúc dùng từ rất lạ, bức phá, hóm hỉnh, nhưng không kém phần sâu xa.                                                                                      

                                                                                       

DIỆP VY

(Hội viên Hội VHNT lâm Đồng)

 

 

 3 - Khi đọc thơ anh mới nhận ra con người thơ nầy có nội lực thâm hậu, thơ tình có sức truyền cảm, thâm thúy, cả lắt léo, đùa cợt…Thử đọc những câu trong bài “Ghẹo mưa”:

 

                                          Mặc ba ba, kệ thuồng luồng

                                          Con chim teo ngắt vẫn thường tắm mưa.

         

Hay: “Mân mê say ngọn núi đôi thẹn thùng” mới thấy ý tứ linh hoạt trong thơ anh.

“Đời qua hai lần đò” rất nhiều tình tiết của sự từng trải đã tạo ra được dòng cảm xúc mạnh. Tôi thương quá hai câu:           

 

                                           Bám vào lòng mẹ bao dung

                                         Tôi nhai nước mắt lạnh lùng buông rơi.

       

Lại nữa: “Gặp em chở nắng đi giao/ Em cho hơi ấm dạt dào tình quê”. Hay: “Mặt đời thường bạc như vôi/ Sao em can đảm cho tôi trọ tình”.

                                    

PHONG TÂM

(Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre)  

 

4 - Hôm nay (21/4/2013) ở trên nước Đức, nắng vàng rực rỡ, những chồi non được đánh thức bằng những sợi nắng sau những ngày tháng dài ngủ đông đầy tuyết phủ. Ngồi nhâm nhi cốc cà phê buổi sáng và mở Intennet… Thật bất ngờ và càng xúc động hơn khi được đón nhận bài thơ “Lời người xa xứ” của anh. Đây là món quà vô giá: “Rưng rưng đọc những vần thơ/ Nửa vòng trái đất múi giờ đâu xa/ Động viên em lúc xa nhà/ Dạt dào sắc nắng đậm đà tình quê”.

 

BÙI NGUYỆT   

(Hội Văn Học Nghệ Thuật TP.Chemnitz, CHLB Đức) 
                                                                           

“Đời qua hai lần đò” của Phạm Đức Mạnh là một kinh nghiệm sống hay và cảm động lẫn cảm thông. Lúc chưa đọc thơ, chỉ đọc cái tựa, Nguyễn Tuyết tự hỏi không biết đò qua nhiều chuyến, có vui không, rồi tò mò đọc tới hai câu kết, thiệt là một lời răn rất chân tình. Cám ơn huynh cho đọc một bài thơ hay và cũng chí lí thay!

 

                  Nếu ai thuận chuyến đò yên

                  Xin đừng dại dột qua thêm đò buồn.

    

Như vậy là hiểu rồi, qua đò nhiều chuyến chẳng có vui nhiều…

    

Phục huynh Đức Mạnh sáng tác nhiều bài thơ độc chiêu. “Quà ghen” - một bài thơ rất hay, rất đặc biệt, và rất thật, rồi “Lỡ bến”,…  bài thơ nào cũng hay và mang nét tích cực trong cuộc sống.

 

NGUYỄN TUYẾT (Hoa Kỳ)

      

6 - Con vừa đọc bài thơ “Ghẹo mưa” của bác, con rất thích. Nó gợi nhớ đến tuổi thơ của bác và cũng là của chúng con ngày nhỏ. Những trưa hè oi ả không ngủ trốn bố mẹ đi chơi. Tắm mình trong những cơn mưa rào mùa hè, đội nón đi bắt cá rô nhai, có nơi còn gọi là “cá rô treo mang”, hay “cá biết đi”.

     

Cảm nhận của con trong những vần thơ của bác là những hồi ức về tuổi thơ, là nỗi nhớ quê hương gia đình. Chúc bác xuất bản tập thơ thật hay.

 PHẠM GIA KHÁNH
(Công ty Kiến trúc Đô thị Hà Nội)
(nhavanphcm.com.vn)