Cuốn sách để đời của một đời văn
Bảy mươi tuổi, làm tuyển tập, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo, nhà báo Nguyễn Ngọc Thiện gộp vào cuốn sách ba mảng lớn theo các thể tài mình dụng bút là Tiểu luận và nghiên cứu, Phê bình và Chân dung một số nhà lí luận phê bình.
Hơn 800 trang sách khổ lớn (16 x 24 cm), bìa cứng, trình bày trang nhã, với nội dung phong phú gồm hơn 100 bài viết của tác giả gần nửa thế kỉ chuyên làm nghiên cứu, phê bình, kèm lời bạt của nhà văn Ma Văn Kháng, với phụ lục chi tiết 7 cuốn sách in riêng, chủ biên 21 cuốn sách, in chung trong 49 cuốn khác; những tấm ảnh đánh dấu cuộc đời học tập và nghiên cứu; tiểu sử tự thuật; thư mục nghiên cứu về tác giả đã làm cho cuốn sách xứng đáng là tác phẩm để đời của một đời văn.
Bảy mươi tuổi, làm tuyển tập, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo, nhà báo Nguyễn Ngọc Thiện gộp vào cuốn sách ba mảng lớn theo các thể tài mình dụng bút là Tiểu luận và nghiên cứu, Phê bình và Chân dung một số nhà lí luận phê bình.
Không giống các đồng nghiệp khác vừa viết nghiên cứu, phê bình vừa làm thơ, viết kí (GS Hà Minh Đức, GS - TS Lê Văn Lân); vừa viết nghiên cứu, phê bình vừa viết truyện ngắn (GS - TS Nguyễn Thanh Hùng); hoặc vừa viết nghiên cứu, phê bình vừa dịch thuật (GS - TS Trần Đình Sử), PGS - TS Nguyễn Ngọc Thiện chỉ nhất tâm, chuyên chú độc canh trên cánh đồng lí luận phê bình. Nguyên việc dựng chân dung gần 40 nhà lí luận phê bình văn học cũng cho thấy sự ý thức cao về nghề nghiệp; lòng kính trọng những bậc trưởng thượng, bậc thầy, bậc đàn anh và đồng trang lứa trong cái lĩnh vực “khó nhằn” mà anh đã dấn thân.
Riêng một việc đọc cho hết những công trình, bài báo của mỗi người (mà số lượng thì phần lớn có thể khái quát một câu là “thiên kinh vạn quyển”); rồi suy ngẫm đánh giá những đóng góp riêng của họ đã là một việc hết sức công phu mà nếu không có sự chịu khó, cẩn trọng và tôn trọng, say mê thì cũng khó mà làm nổi.
Có thể nói, đây là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Ngọc Thiện mà trước đó chưa có ai làm. Viết chân dung các nhà nghiên cứu lí luận phê bình, Nguyễn Ngọc Thiện có dịp bày tỏ tấm lòng nhân hậu và ấm áp; đồng thời anh cũng có cơ hội bay bổng trong những cảm xúc thăng hoa, nhất là đối với những người thầy, người anh gần gũi ở Đại học Tổng hợp, ở Viện Văn học.
Những năm tháng may mắn của cuộc đời học tập, công tác giúp cho Nguyễn Ngọc Thiện tiếp xúc và học hỏi những điều “căn cốt” của một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp tâm huyết, chí thú với công việc, tạo lập một tư duy khách quan, độc lập, thực chứng.Cũng chính ở đây, người đọc thấy tác giả là người khiêm tốn học hỏi, nặng tình nặng nghĩa với những người đã trực tiếp làm việc, trực tiếp dìu dắt anh trên con đường dài theo đuổi việc viết nghiên cứu lí luận, phê bình văn chương. Và một cách vừa trực tiếp vừa gián tiếp, nhà nghiên cứu đã học tập, tích lũy kinh nghiệm, bồi đắp kiến văn để tiếp nối công việc một cách hiệu quả.
Điều đó đã được thể hiện nổi bật và nhất quán trong hai phần “Tiểu luận và nghiên cứu” và “Phê bình” của tập sách. Tôi thích các bài viết phóng khoáng xen nhiều kỉ niệm riêng và thấm đẫm những tình cảm cá nhân trong các bài viết “Bài học về tư duy thực chứng và đối thoại trong nghiên cứu văn học từ một người Thầy” (về GS Đinh Gia Khánh), “Thầy chủ nhiệm Hà Minh Đức”, “Nam hữu kiều mộc” (về nhà nghiên cứu Nam Mộc), “Chữ “Nhẫn” với Nguyễn Phúc”, “Người đồng nghiệp đi trước, người láng giềng thân thiết” (về GS Phong Lê).
Được học tập ở Trường Đại học Tổng hợp, một trường danh tiếng của nước ta; tốt nghiệp được về công tác ở Viện Văn học, một cơ quan nghiên cứu hàng đầu; qua Cộng hòa Dân chủ Đức tu nghiệp ở Trường Đại học Tổng hợp Karl Marx, lại về công tác ở Viện Văn học, rồi Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Nguyễn Ngọc Thiện có cơ hội và điều kiện lí tưởng để thực hiện công tác nghiên cứu, phê bình của mình. Và anh đã biến những cơ hội và điều kiện ấy thành những sản phẩm chất lượng cao.
45 bài nghiên cứu và tiểu luận ở phần thứ nhất là kết quả những năm bền bỉ theo đuổi sự nghiệp của Nguyễn Ngọc Thiện. Một phần quan trọng trong số các tiểu luận trên, tác giả dành cho việc tìm hiểu đường lối văn nghệ của Đảng, đặc biệt là việc nghiên cứu Đề cương văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng của nó đối với đời sống văn hóa văn nghệ của đất nước.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu đã dày công phác họa bức tranh toàn cảnh về Lí luận phê bình văn học Việt Nam 1930-1945, Lí luận phê bình văn học Việt Nam 1945 -1954, Diện mạo mới của sự phát triển lí luận phê bình văn học Việt Nam 1945-1975.
Trong nhiều bài viết có dung lượng ngắn dài khác nhau, với các mục đích khác nhau (tham luận hội thảo, chủ biên sách, viết cho tạp chí, nghiên cứu độc lập đưa vào sách in riêng…) chúng tôi đặc biệt ấn tượng với các bài viết công phu có tính học thuật và khái quát cao, phục vụ thiết thực cho việc nghiên cứu và đóng góp tích cực vào đời sống lí luận phê bình.
Đó là các bài viết “Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939”, “Sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết hiện đại và lí luận tiểu thuyết hiện đại ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX”, “Vấn đề người đọc - tiếp nhận trong lí luận tiểu thuyết ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho đến nay”, “Tiểu thuyết hướng nội trong văn xuôi Việt Nam hiện đại”, “Nghiên cứu sáng tác của Vũ Trọng Phụng trong tiến trình văn học dân tộc - hiện đại thế kỉ XX”. Những bài viết này thể hiện độ chín của ngòi bút, sự nhuần nhuyễn những phương pháp nghiên cứu khoa học và kĩ thuật trình bày, những thăng hoa sáng tạo của tác giả.
Phần thứ hai của cuốn sách với nhan đề là “Phê bình” gồm 21 đề mục tập hợp những bài phê bình văn học, trong đó có 13 lời bình ngắn cho truyện ngắn và 9 bài viết về nhà văn Ma Văn Kháng. Chuyển sang địa hạt phê bình, ngòi bút của tác giả tung tẩy hơn, tính chất hàn lâm không đậm như ở phần “Tiểu luận và nghiên cứu”.
Nhưng ở đây vẫn nhất quán một tinh thần Nguyễn Ngọc Thiện là tỉ mỉ, thực chứng, và luôn luôn trân trọng những tác giả mà mình dụng bút. Văn phê bình của Nguyễn Ngọc Thiện là văn của người nghiên cứu khoa học. Anh không viện dẫn ông nọ, nhà kia, trường phái này khác của thế giới mà nói như nhà văn Ma Văn Kháng đánh giá “Cái tài của anh là cái tài ẩn mình trong sự giản dị” (PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện - con người như tên gọi).
Ở đây, phẩm chất của người viết phê bình có nghiên cứu cũng thể hiện khá rõ. Mặc dù bài viết đầu tiên, tác giả viết về thơ của nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật, rồi cũng có viết về thơ Hoàng Kim Dung, thơ Mai Văn Phấn, nhưng anh nhận ra có lẽ viết về thơ không phải là sở trường, cho nên anh tập trung bút lực vào mảng văn xuôi.
Và trong nhiều tác giả văn xuôi của văn chương Việt Nam đương đại, anh chọn một nhà văn để nghiên cứu, viết phê bình chuyên sâu là nhà văn Ma Văn Kháng. Quả là không sai khi đồng nghiệp, học trò gọi anh là “Nhà Ma Văn Kháng học”. Những bài phê bình của người viết được chính nhà văn tri ân không phải người viết phê bình nào cũng có thể có được.
Nhà văn Ma Văn Kháng coi anh là người “dấn thân hết lòng vì bạn bè” và đánh giá anh rất cao không chỉ các bài viết về ông, mà cả một đời nghiên cứu: “Nguyễn Ngọc Thiện là một nhà nghiên cứu văn học trong tinh thần khoa học nghiêm túc, cẩn trọng, rất đáng khâm phục và tin tưởng” (Lời bạt, đã dẫn).
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoa, người cùng tu nghiệp ở Đức, người dịch thơ Đức và cùng với Nguyễn Ngọc Thiện biên soạn “Tuyển tập thơ văn xuôi Việt Nam và nước ngoài” đã viết về 4 nhà trong một Nguyễn Ngọc Thiện. Đó là nhà nghiên cứu lí luận viết lí luận phê bình, nhà giáo đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ, nhà báo công bố bài đều đặn trên các báo, tạp chí và nhà quản lí. Tôi thấy rằng bốn nhà ấy đoàn kết hỗ trợ nhau, nâng đỡ nhau làm nên tên tuổi nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện chuyên viết nghiên cứu phê bình.
Trong bài viết nhan đề “Phê bình văn học - Bạn đồng hành cùng người đọc và nhà văn”, Nguyễn Ngọc Thiện có viết:
“Phê bình văn học đích thực là một nghề chuyên môn loại biệt, không phải ai làm cũng được, mà người cầm bút phê bình phải tự xét mình, một khi hội đủ các điều kiện (kiến thức, năng khiếu và tài năng, sự thành thật và dũng cảm…) mới nên dấn thân, chung thủy với sự nghiệp phê bình” (Tuyển tập, trang 139). Tôi nghĩ đó là điều Nguyễn Ngọc Thiện rút ra từ chiêm nghiệm cuộc đời cầm bút của mình, và đó cũng là điều anh muốn gửi gắm các bạn trẻ có ý định bước vào nghề viết bằng con đường lí luận phê bình, một con đường không hề bằng phẳng, mà cứ khoảng năm chục người cầm bút viết văn thì mới chỉ có một, hai người làm lí luận phê bình.
Là nhà giáo cũng có đeo đuổi nghiệp lí luận phê bình, cùng chuyên ngành với tác giả, tôi thật sự vui mừng trước thành tựu của người đồng nghiệp trong cuốn sách để đời "Thăng hoa Sáng tạo và Thẩm mĩ Tiếp nhận Văn chương".
Hà Nội, 24 tháng 10 năm 2018Vũ Nho
(vnca.cand.com.vn)