“Phần đời kẻ khác” - Tiểu thuyết tình báo hấp dẫn

03.09.2015

“Phần đời kẻ khác” - Tiểu thuyết tình báo hấp dẫn

Cuốn tiểu thuyết tình báo “Phần đời kẻ khác” của 2 tác giả Hà (Lâm Hà) và Loan (Vũ Đức Loan), NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành, được ra mắt người đọc cả nước đúng vào dịp mừng Quốc khánh.

Dường như 2 tác giả theo đuổi quan niệm “ma túy văn chương” như các nhân vật trong cuốn sách suy ngẫm và chiêm nghiệm. Cho nên mặc dù sách khá dày, 430 trang nhưng càng đọc, độc giả càng bị cuốn hút bởi các tình tiết phản gián gay cấn, nóng bỏng, ly kỳ. Câu chuyện bắt đầu từ chỗ tiến sĩ Dũng bị nổ xe banh xác, đường dây đó gắn với giám đốc Công ty Tuấn Khang chuyên tìm người “đóng thế” để môi giới mại dâm các ngôi sao, lấy giá “trên trời”. Chuyện thụ tinh trong ống nghiệm rồi mang thai hộ suýt dẫn đến cái chết của Bích Hà và Hoàng Anh, 2 người trẻ yêu nhau rồi phát hiện ra là anh em ruột… Sự xung đột của câu chuyện được đẩy lên cao trào giữa tình bạn, tình yêu hồn nhiên và đầy lý tưởng trong quá khứ với thủ đoạn gian trá, thấp hèn ở hiện tại.

Nhưng thực ra, đôi tình nhân không phải anh em, bố thật của Hoàng Anh là sĩ quan an ninh Hoàng Nam, còn bố thật của Bích Hà lại là một gián điệp tầm cỡ quốc tế - Richard Bùi và họ chẳng hay biết gì về những đứa con. Họ cùng cơ quan an ninh, phản gián Việt Nam và các cơ quan gián điệp quốc tế đấu trí, đấu mưu, đấu lực để mua hoặc tìm bắt kẻ “bán mình”, một quan chức Việt Nam cỡ bự, nhắm tới giành một dự án kinh tế có lợi hàng tỉ USD…

Địa bàn diễn tiến câu chuyện rất rộng, từ New York đến Tokyo, Canada, Anh… và nhiều nơi trên thế giới; từ những hang ổ chỉ huy hết sức bí mật đến nhà hàng, công viên thơ mộng. Cả câu chuyện là hành trình trở về với Tổ quốc Việt Nam của một số phận vốn đầy nghịch cảnh và cũng là câu chuyện về cuộc chiến đấu khốc liệt thầm lặng của cơ quan an ninh Việt Nam chống “thù trong, giặc ngoài” để bảo vệ an ninh quốc gia.

“Một cuốn tiểu thuyết có nghề, có cỡ, quý và hiếm với những rượt đuổi và mưu mô, thắt nút và cao trào liên quan đến an ninh quốc gia, lý giải những nguyên nhân “bán mình” của kẻ có chức quyền nhưng nhúng chàm, sa đọa. Cũng có chuyện mật mã bị lộ, phản gián bị lừa, găng tay bắn điện cao thế, đồ trang sức tạo cơn viêm phổi chết người… các thứ “đồ chơi” thường có trong chuyện phản gián. Tâm lý nhân vật được miêu tả khá sâu bằng bút pháp tiểu thuyết. Nhưng, điều quan trọng nhất là câu chuyện đã tái hiện được những giai đoạn, hồi ức, kỷ niệm và số phận của những lớp người mới lớn ở miền Nam sau ngày thống nhất mà văn chương Việt Nam thường bỏ quên” - nhà văn Trần Thanh Giao nhận xét.

 

Hòa Bình
(nld.com.vn)