"Những cảnh đời tỉnh lẻ": Tự họa của một thiên tài
Ở "Những cảnh đời tỉnh lẻ" (hồi ký, số khác xem nó là tiểu thuyết), Coetzee bơi giữa hai dòng hải lưu hiện thực và hư cấu để tạo thành tác phẩm xuất sắc, vừa mê đắm, vừa ngậm ngùi lại tự trào
M. Coetzee là nhà văn được đông đảo độc giả yêu mến lẫn giới phê bình ngợi khen. Giải Nobel Văn chương năm 2003 tôn vinh một sự nghiệp gần như trọn vẹn với những tác phẩm đã vẽ ra một thế giới con người vật lộn để tồn tại trên trái đất đang hồi phân rã của ông. Năm 1997 ông viết "Tuổi thơ", năm 2002 ông cho xuất bản "Tuổi trẻ" và năm 2009, "Mùa hè" ra đời. Bộ ba này về sau được in chung với cái tên "Những cảnh đời tỉnh lẻ" (Hương Châu dịch).
"Tuổi thơ" ghi lại khoảng thời gian từ lúc Coetzee là một đứa trẻ, một cậu bé da trắng ở lục địa đen, với những xung đột sắc tộc, ngấm ngầm lâu đời qua bao thế hệ ở đất nước Nam Phi phủ bóng bởi những bóng ma quá khứ. Sự xung đột không chỉ đến từ một xã hội hỗn loạn trên đà sụp đổ, mà còn hiển hiện trong sự tan vỡ của một gia đình. Ở đó, hình ảnh người mẹ hiện lên vừa xa cách, vừa là trở thành trụ cột chính nâng đỡ gia đình. "Tuổi thơ" giữ được cái nhìn vừa ngây thơ vừa hoài nghi của một đứa trẻ tổn thương bước chân vào thế giới, từ bạn bè, trường học sang những nông trại. Cậu bé mang trong mình trái tim của con chim muốn bay đi tìm tự do, và những cú đập cánh non nớt đó để chuẩn bị cho phần hai: "Tuổi trẻ".
Đứa trẻ bấy giờ đã trở thành một chàng trai kiếm tìm một tương lai ở nước Anh, dằn vặt giữa đời sống tẻ nhạt của công việc làm công ăn lương không có tương lai, với tâm hồn mơ mộng muốn trở thành nhà văn.
Từ "Tuổi thơ" qua "Tuổi trẻ" kết nối với nhau bằng những ưu tư về bản thể, sự lạc lõng của một cậu bé da trắng hóa thành sự lạc lõng của một thanh niên đến từ thế giới thứ ba, không hòa nhập được vào tinh thần chung của văn minh châu Âu. Toàn bộ "Tuổi trẻ" là sự vỡ mộng, thất bại trong công việc lẫn đời sống, mòn mỏi trong ngày tháng vô vị. Coetzee trốn chạy khỏi châu Phi, đến cuối lại trốn chạy thực tại. Chán ghét xã hội nhiễu nhương ở quê nhà, lại sa vào những xung đột trong chiến tranh lạnh. Coetzee thừa nhận ông nhanh chóng bị vỡ mộng, trở thành kẻ bên lề xã hội, tìm đến nghệ thuật như một thiên hướng, đồng thời là sự vượt thoát. Con đường mà ông sẽ sắp sửa bước vào, dấn thân và tìm thấy được vinh quang.
Nhưng Coetzee có vui sướng với điều đó không? Qua ba tập sách, ta có thể thấy nhà văn không ngần ngại bêu xấu chính mình, mặc cảm vì đã sống một cuộc đời mòn mỏi, vô cảm và đau đớn vì sự vô cảm của chính mình. Đến phần ba: "Mùa hè", những khuyết điểm đó được tô đậm hơn bằng lời chứng của những người từng tiếp xúc với Coetzee - nay đã… chết. Một người đàn ông trung niên vật lộn với cuộc sống, sau khi trở về Nam Phi, xa lạ với họ hàng, lãnh đạm với người cha, gần như không có khả năng kết nối được với mọi người. Dường như không có mối quan hệ nào đủ sức sống sót quanh người đàn ông mang họ Coetzee. "Mùa hè" là cú đảo chiều, để tất cả những ai trót tin đây là một hồi ký bỗng sững người nhìn lại.
Nhà văn J. M. Coetzee khởi sự công trình này vào cuối thập niên 1990, khi đã ngoài năm mươi. Nhiều người gọi "Những cảnh đời tỉnh lẻ" là hồi ký, số khác xem nó là tiểu thuyết. Coetzee bơi giữa hai dòng hải lưu hiện thực và hư cấu để tạo thành tác phẩm xuất sắc, vừa mê đắm, vừa ngậm ngùi lại tự trào.
Trong suốt "Những cảnh đời tỉnh lẻ", Coetzee vừa bộc lộ vừa che đậy, ta bị lạc trong mê cung của ông, như đi trong màn sương, để tìm trong tất cả những hỗn độn của ký ức đó là một chân dung Coetzee.
John Maxwell Coetzee sinh năm 1940, là một trong những nhà văn lớn của nền văn học châu Phi. Ông cũng hai lần đoạt giải Booker danh giá vào năm 1983 và 1999, trước khi trở thành chủ nhân của Giải Nobel Văn chương năm 2003.
Từ lâu tên tuổi ông đã được nhắc đến rộng rãi ở Việt Nam qua các tác phẩm "Cuộc đời và thời đại của Micheal K", "Người chậm",… được tái bản nhiều lần.
(nld.com.vn)