Đọc “Hoa Tường vi” tập thơ mới xuất bản của Bằng Việt

20.08.2018

Đọc “Hoa Tường vi” tập thơ mới xuất bản của Bằng Việt

Tường vi là một loài hoa chùm, nhiều màu sắc, được trồng trong vườn nhà, nhất là ở những tường rào khu vực nông thôn, hoặc sân thượng trong các tòa nhà khu đô thị. Hoa Tường vi nở thành từng chùm ở ngọn, mỗi chùm khoảng năm đến bảy hoa không lớn bằng hoa hồng nhưng bù lại sắc hoa khá rực rỡ, tươi sáng, dễ thương. Mỗi màu hoa Tường vi mang ý nghĩa khác nhau nhưng tụ chung lại đều nói đến tình yêu. Có lẽ vì thế Nhà thơ Bằng Việt đã rung động sáng tác bài thơ “Hoa Tường vi”, đồng thời là tên Tập thơ gồm 45 bài thơ do tác giả tự chọn.

Thật là cảm động, vào ngày cuối Hạ, đầu Thu Mậu Tuất (2018), tôi bất ngờ gặp và được Nhà thơ Bằng Việt tặng tập thơ “Hoa Tường vi” vừa mới xuất bản với lưu bút “Quý mến tặng…”. Nhà thơ Bằng Việt bộc bạch: “ Mình gần 80 tuổi vừa bàn giao chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội từ cuối tháng 4/2018 cho NSND Quốc Chiêm, xuất thân diễn viên chèo tại Nhà hát Chèo Hà Nội, được mệnh danh “hoàng tử chèo”. Mình đã đảm nhiệm chủ tịch Hội này 2 khoá liền. Tuổi này nghỉ là phải rồi, là sáng suốt,  ôm chức chủ tịch Hội mệt mỏi, tổn thọ!”.

Tôi cùng Nhà thơ Quang Hoài và một số Nhà thơ có mặt hôm đó chúc mừng Nhà thơ Bằng Việt “hạ cánh an toàn”. Bây giờ là cầu chữ “nhàn”, về nghỉ thảnh thơi, có điều kiện dưỡng già, thường xuyên gặp gỡ bạn bè hàn huyên, sáng tác tiếp!

Tôi về nhà đọc một mạch hết 45 bài thơ trong tập thơ “Hoa Tường Vi” của Bằng Việt. Thơ của Bằng Việt chẳng có gì là kĩ xảo, gọt tỉa mà toát lên sự mộc mạc, giản dị, hàm súc, khái quát, gợi nhớ ký ức một thuở, như có một thứ gió lạ kì lay động tâm hồn  người đọc: 
 
                      “Trưa lặng thầm hoa tường vi thức dây,
                       Nắng đọng mật ngọt ngào ngỡ vốc được trên tay
                       …
                       Lại thấy lại góc sân với đầu hồi yên tĩnh
                       Chuông xe điện leng keng, vị keo kéo ngọt bùi…” (Hoa Tường vi)

Bằng Việt là một người đa tài, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu luật, dịch thuật, biên soạn chân dung nghệ sĩ nước ngoài, biên soạn từ điển về văn học - nghệ thuật, chủ biên nhiều tuyển tập văn học, sách biên khảo có giá trị. Tra trên Google, Bằng Việt xếp hạng nổi tiếng thứ 63755 trên thế giới và thứ 505 trong danh sách Nhà thơ nổi tiếng ( https://nguoinoitieng.tv/nghe-nghiep/nha-tho/bang-viet/pq). Ông đã in 10 tập thơ, một tập thơ dịch. Những tác phẩm nổi tiếng một thời của Bằng Việt như: Hương cây - bếp lửa (1968 - in chung với Lưu Quang Vũ); Những gương mặt - những khoảng trời (1973); Khoảng cách giữa lời (1984); Phía nửa mặt trăng chìm (1995); Nheo mắt nhìn thế giới (2008)… Thơ Bằng Việt đã được dịch in ở Nga, Pháp, Đức và nhiều nước khác.  Năm 2010, Bằng Việt ra mắt tập thơ thứ 10: Bằng Việt - Tác phẩm chọn lọc đánh dấu chặng đường 50 năm cầm bút của mình.

“Hoa Tường vi” là tập thơ thứ 11 của Bằng Việt gồm những bài thơ tiêu biểu do ông tuyển chọn như: “Nghĩ lại về Pauxtôpxky” (Nhà văn Nga 1892 – 1968), “Beethoven và âm vang hai thế kỷ” (Nhạc sĩ thiên tài người Đức 1770 – 1827), “Ukraina, 50 năm sau…”, “Trò chuyện với thành phố của đời mình”… Những bài thơ  trong tập thơ “Hoa Tường vi” ghi lại  những dấu mốc trong cuộc đời ông từng là sinh viên khoa Luật - Đại học Tổng hợp Kiev (Ukraina) thời Liên Xô những năm 60 của thế kỷ trước, cũng từng làm việc ở một viện nghiên cứu pháp lý, rồi nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội (từ 1991 - 2000)…

Đáng kể nhất trong tập “Hoa Tường vi” vẫn là bài “Bếp lửa” viết từ năm 1963 khi Bằng Việt đang học khoa Luật tại Kiev (Ukraina). Còn nhớ, khi còn học trung học phổ thông, rồi học Khoa Sử khoá 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội (1968 – 1972), trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt bằng không quân của Mỹ, phải đi sơ tán nhiều nơi, tôi rất tâm đắc, ái mộ bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt, là một áng thơ hay về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình. Bài thơ này đã khắc hoạ nỗi nhớ về một bếp lửa tuổi thơ, nhớ rành rọt, nhớ ngọn ngành, da diết. Nhà thơ đã thổi bùng lên một bếp lửa ấp iu nồng đượm trong kí ức để hiện lên tình cảm bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa,

Tình cảm bà cháu như một dòng sông chở đầy kỉ niệm: một bếp lửa và một làn sương sớm. Tiếng tu hú và giọng kể chuyện của bà. Đó là những kỉ niệm trôi theo một nhạc điệu tâm tình âm ỉ, thầm thì, triền miên như nỗi nhớ, như dòng sông êm đềm và trong vắt vẫn âm thầm chảy. Dòng sông của tình cảm bà cháu đã đổ vào biển cả, của tình yêu quê hương, đất nước:

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh
Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen…

Điều khái quát sâu xa, từ tình cảm bà cháu đẹp như trong truyện cổ tích, bài thơ "Bếp lửa" gợi lên những yêu thương đầu tiên, những suy nghĩ đầu tiên về cuộc đời, về đất nước… Cảm xúc tinh tế, chân thật của nhà thơ trỗi dậy trong kí ức người đọc những kỉ niệm về cuộc sống gia đình, về truyền thống tình nghĩa của người Việt “tắt lửa tối đèn có nhau”. Đó chính là sức hấp dẫn của bài thơ “Bếp lửa” và cũng là hấp dẫn của tập thơ “Hoa Tường vi” của Bằng Việt.


Vũ Xuân Bân
(vanhien.vn)