Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược

16.07.2015

Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược

Dày hơn 1.400 trang, bộ sách đồ sộ Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược vừa ra mắt, tập hợp đầy đủ và chi tiết “khoảng lặng mà hết sức sôi động bi hùng” của 200 nhà văn có số phận đặc biệt.
 

Nhà văn khi sa vào tay kẻ thù đều trung kiên bất khuất như bất kỳ chiến sĩ yêu nước nào. Nhưng khác với người thường, nhà văn tuy mất tự do, thể xác đau đớn, nhưng vẫn giữ được hồn thơ, vẫn chăm chú quan sát và ghi chép các cảm xúc, sự kiện quanh mình.

Nhiều người vì duyên nợ văn chương yêu nước mà phải ngồi tù; nhiều người vào tù rồi làm thơ, trở thành nhà thơ, ra tù viết hồi ký trở thành nhà văn. Với tình cảm thiết tha và tinh thần trách nhiệm, trong cuốn sách này, tác giả Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần), chiến sĩ cách mạng bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội thời kỳ 1947-1954, giúp độc giả thấy được góc khuất trong cuộc đời nhiều nhà văn quen thuộc với tính cách cố hữu bộc lộ cả trong hoàn cảnh đau đớn, khó khăn: Ông già Sơn Nam ngồi trong nhà giam Phú Lợi phập phèo khói thuốc thả hồn về miệt vườn Nam bộ viết Hương rừng Cà Mau; nhà thơ trào phúng Tú Mỡ hài hước cả khi bị bắt và khi trốn thoát khỏi đồn Tây; Nguyễn Tuân khinh bạc chỉ ghi vẻn vẹn một câu trong lý lịch để ở cơ quan Hội Nhà văn “Đi - căng một năm vì chứa chấp Phùng”.

Rất nhiều nữa: Khí phách Tạ Ngọc Phách (Trần Độ), Bài thơ Nhớ máu và món nợ máu Trần Mai Ninh, ngòi bút cứng cỏi Vũ Hạnh, nữ sĩ Vân Đài tiểu thư khuê các Hà Nội trong nhà tù hiến binh Nhật… Đó là điều khác biệt đầu tiên giữa cuốn sách này với những cuốn đã xuất bản về chân dung nhà văn Việt Nam.

Dưới mỗi chân dung, tác giả Lê Văn Ba trích đăng thơ, bút ký, truyện ngắn, hồi ký viết về nhà tù, cảnh tù đày... của họ. Thơ, văn viết về cuộc sống tù đày được nhiều người biết nhưng thường lẻ tẻ và xếp trong những chương, sách gọi chung là văn chương yêu nước, cách mạng. Với Lê Văn Ba, như ông tâm sự: Thấy trước mặt mình cả một một gia tài đồ sộ, vô giá. Một rừng văn chương. Một dòng văn học cuồn cuộn tràn đầy sức sống xuất hiện rất sớm- thời nhà Minh, nhà Thanh đô hộ nước ta. Thể hiện qua văn chương của Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Biểu, Đặng Dung...

Dòng văn học nhà tù, trại giam này có đủ thể loại ca dao, hò vè, ca trù, xẩm… Có hồi ký, nhật ký, truyện ngắn, tiếu lâm, giai thoại, thơ Đường luật thất ngôn bát cú, thơ lục bát, thơ mới… Viết bằng than đầu que diêm, bút xương cá vạch trên giấy lá bàng, bằng lưỡi (truyền khẩu), bằng máu cắn ra từ ngón tay quệt trên tường xà lim; viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, quốc ngữ, tiếng nước ngoài. Được các tác giả sáng tác trước giờ lên máy chém, trong nhà ngục Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, nhà tù Santé nước Pháp, đảo tù Guyane, Tahiti (châu Mỹ), nhà tù Liễu Châu (Trung Quốc), nhà tù Băng Cốc (Thái Lan)… Và biết bao tác phẩm dang dở, người đọc chỉ mới được xem mấy trang đầu in trên các báo, tạp chí trước năm 1945: Người tù được tha (Vũ Trọng Phụng), Người tù 8023(Lan Khai), Người tù 69 (Nguyễn Vĩ), Xiềng xích (Khái Hưng), Đời trong ngục (Nhượng Tống), Tú Mỡ cai tù (Tú Mỡ)…

Trong lời giới thiệu sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Hữu Thỉnh ghi nhận: “Những năm qua đã có nhiều cuộc hội thảo, lễ tưởng niệm, cùng các ngành, đoàn thể ra những cuốn sách về nhà văn liệt sĩ và chiến sĩ nhà văn. Những gì làm được quả là ít ỏi so với sự hy sinh to lớn của lớp người đi trước. Riêng mảng văn học viết về nhà tù trại giam - một mặt trận theo đúng nghĩa của nó - chưa được quan tâm thích đáng, mà nhân chứng, tư liệu ngày càng mất mát, có dấu hiệu đi vào quên lãng. Ở đây, không chỉ là giáo dục truyền thống, động viên lòng yêu nước mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là văn hóa. Trong bối cảnh đó, bộ sách Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược có ý nghĩa như một tượng đài vinh danh các nhà thơ, nhà văn, tác gia, tác phẩm ưu tú đã làm nên một dòng văn học độc đáo trong văn học Việt Nam”.

Văn Cương Kiện
(tienphong.vn)