Nhà văn Nhật Chiêu ra mắt "thơ lạ"

07.01.2016

Nhà văn Nhật Chiêu ra mắt

Nhà văn, nhà giáo Nhật Chiêu vừa ra mắt tập thơ mang nhan đề giả lập một tứ lạ: Tôi là một kẻ khác. Và lạ hơn là trong tập thơ này, Nhật Chiêu lần đầu tiên giới thiệu hai loại thơ do ông khởi xướng, gọi tên là Thơ giao lời kể, và Thơ tượng quẻ.

Như một cách thay đổi phong vị và tìm kiếm hình thức mới lạ để diễn đạt mạch nguồn cảm xúc khi đặt bút làm thơ, Thơ giao lời kể được bố cục mỗi bài thơ gồm hai phần, phần đầu là bốn câu thơ bắt đầu bằng cụm từ “tôi là…”, sau đó đến phần “giao lời kể” gồm những dòng thơ triển khai cái tứ đã diễn đạt trong đoạn thơ kia.

Có vẻ Nhật Chiêu thiên về một chút kỹ thuật, nhưng chiêm nghiệm những bài thơ trong tập, thấy kiểu thức mới này có tác dụng đặt người làm thơ vào hai trạng thái khác nhau để cùng diễn đạt một nội dung hàm ẩn.

Chẳng hạn như bài về cây rìu, với đoạn thơ thế này: “Tôi là một cái rìu/ đốn cây xưa bên phố/ hạ bóng tình tan tác/ ngả tơi tả hồn yêu”. Và đoạn “giao lời kể”: Nhìn cây xưa bị đốn hạ/ người sinh viên ứa nước mắt/ đọc thơ Nguyễn Trãi/ “hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ quét sân ngày lệ bóng hoa tan”.

Nếu không có đoạn “giao lời kể”, bài thơ trên đây vẫn có thể được đồng cảm ở chỉ bốn câu đầu. Nhưng chính cái đoạn giao lời kể ấy đã đặt người đọc vào một cảnh huống khác, tiếp cận với thông tin và mạch suy nghĩ khác.

Với bốn câu thơ đầu, người ta thấy Nhật Chiêu hóa thân trong cái rìu đốn hạ cây trên phố. Bấy nhiều cũng có cả thăng trầm đau khổ rúng động, bởi những hình ảnh thơ được chắt lọc đến mức khốc liệt “bóng tình bị hạ tan tác”, “hồn yêu đã ngả tả tơi”… Nhưng chính cái đoạn giao lời kể kia mới có sức nặng của một nhát rìu, giáng vào cái nhìn của những ai đang hời hợt trông những gì diễn ra trong cuộc sống.

Chặt cây trên phố ư, nhiều người hẳn sẽ bàng quan cho rằng chuyện ấy không liên can đến mình, nhưng cũng mảnh đất ấy trong lòng dân tộc ấy, mấy trăm năm trước từng có người thốt lên “quét sân ngày lệ bóng hoa tan”, đến động tác quét sân mà còn ngại sẽ làm tan mất bóng hoa. Thế thì làm sao lại đến cái ngày người ta thản nhiên đốn cây trên phố, để bóng tình tan tác, tơi tả hồn yêu?

Hóa ra, thơ giao lời kể là một cách để Nhật Chiêu giao cái phần suy nghĩ, trăn trở, ưu tư khi đặt bút làm thơ cho… độc giả. Tác giả chủ động bắt người đọc phải nhận lấy những điều ấp ủ, nối kết cái phần lẽ ra chỉ dừng ở thơ với phần ngôn từ giấu mình dưới dạng lời kể nhưng vẫn đầy ngụ ý sâu xa…

"Nhốt" thơ vào quẻ Dịch

So với Thơ giao lời kẻ,Thơ tượng quẻ có hàm lượng kỹ thuật nhiều hơn. Người ta thấy Nhật Chiêu thử nghiệm cách “nhốt” các câu thơ vào trong một quẻ kép của Kinh Dịch. Như vậy mỗi bài thơ chỉ được có sáu dòng. Và ông triển khai mỗi dòng sáu chữ.

Sự “tượng quẻ” không phải ở chỗ mỗi dòng thơ tương ứng với một hào trong quẻ Dịch, mà mỗi dòng thơ “được minh họa” bởi một hào trong quẻ Dịch. Sự minh họa ấy chỉ thuần là hình thức, tức tác giả tô màu cho thấy cái dòng thơ ấy được minh họa là hào âm hay hào dương. 

Sở dĩ nói mỗi dòng thơ trong loại thơ tượng quẻ này chỉ “được minh họa” chứ không phải tương ứng với mỗi hào trong quẻ Dịch, là vì Nhật Chiêu chỉ dùng ý nghĩa chung của mỗi quẻ để triển khai thành ý cho bài thơ 6 câu. 

Như bài thơ Mưa và đất được minh họa cho quẻ Tỉ (nghĩa là “kết giao”): Mưa đến đây mưa đến đây/ và mưa mang theo điệu hát/ mưa còn bay đất còn ngây/ ai như dại ai như say/ ngực nàng mọng môi mưa đầy/ nàng một cõi mưa nghìn tay

Lam Điềm
(tuoitre.vn)