Nhà biên kịch Đoàn Tuấn: “Tôi không thể sống thiếu người đã mất”

31.07.2019

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn: “Tôi không thể sống thiếu người đã mất”

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn chia sẻ, anh cảm thấy rất tự hào được là một thế hệ sinh ra lấy ngực mình che chở cho Tổ quốc.


“Chiều chôn bạn trong nghĩa trang quen thuộc

Đêm về hầm còn lại mỗi mình tôi

Tôi mới thấy xót xa thương bạn

Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi

Tôi không thể sống thiếu người đã mất

Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi”…

Những câu thơ trong bài “Đất bên ngoài Tổ quốc” được nhà văn – nhà biên kịch Đoàn Tuấn viết từ lâu, xong đến tận bây giờ, nếu phải viết lại anh vẫn viết như thế. Tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” (1997), tập bút ký “Những người không gặp nữa” (2005) và mới đây nhất, hai tập hồi ký “Mùa chinh chiến ấy” và “Mùa linh cảm” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành gần đây cho thấy viết về đồng đội đã ngã xuống luôn là nỗi niềm đau đáu của nhà văn – nhà biên kịch Đoàn Tuấn.

PV: Thưa nhà biên kịch Đoàn Tuấn, anh trở thành người lính, vào thẳng chiến trường K năm bao nhiêu tuổi?

Nhà biên kịch (NBK) Đoàn Tuấn: Khi đó tôi mười tám tuổi, vừa học phổ thông xong, thi đại học và cũng biết mình đỗ vào khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi có giấy gọi tham gia nghĩa vụ quân sự, đi khám sức khỏe, thấy mình đủ tiêu chuẩn đi bộ đội thì đi luôn thôi. Chúng tôi nghĩ đơn giản, rằng đất nước mình bị xâm lược thì tuổi trẻ của mình phải bảo vệ biên giới đất nước.

Tôi cũng nghĩ, mình vào học khoa Ngữ văn, chưa có vốn liếng gì của đời sống, trong khi đó nhiều nhà văn tham gia quân đội hay đã trải qua chiến trường rồi, họ về học ở Tổng hợp Văn, và chúng tôi rất ngưỡng mộ. Thế nên mình phải đi chiến trường, về sau quay lại học thì mới cảm thấy giá trị của giảng đường, giá trị của từng buổi học. Thực tế vào bộ đội cũng là một trường Tổng hợp lớn. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào được là một thế hệ sinh ra lấy ngực mình che chở cho Tổ quốc.

PV: Vào lính một cách tự nhiên, song cũng đầy lý tưởng. Thời gian trong quân ngũ của anh là bao lâu, và anh đã đảm nhận các công việc nào?

NBK Đoàn Tuấn: Tôi ở bộ đội 5 năm. Lúc đầu tôi rất muốn vào pháo binh, nhưng lại được phân về trung đội thông tin, tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307. Tiểu đoàn 8 là đơn vị chủ công của trung đoàn, luôn phải đi đầu trong tấn công, đánh những trận ác liệt nhất, khó nhất. Trong tiểu đoàn 8, có đại đội 6 là đại đội chủ công, đánh những mũi nhọn nhất, hy sinh nhiều nhất, và tôi lại được cử đi phối thuộc để đánh vào  những chỗ hiểm yếu nhất đó.

Lúc đầu mình cũng không ý thức được điều này đâu, thấy anh em đi đâu thì mình đi đấy, họ chiến đấu thế nào thì mình cũng chiến đấu như thế. Mãi về sau, tôi hỏi anh trung đội trưởng là tại sao anh cử em đi nhiều thế. Anh bảo: “Tôi thấy khi đánh nhau Tuấn bình tĩnh, vẫn truyền đạt được lệnh về, điện về một cách rõ ràng chuẩn xác. Vậy Tuấn nên đi”.

Tôi cứ đi phối thuộc chiến đấu hết đơn vị này đến đơn vị khác suốt ba năm. Khi Tiểu đoàn 8 chuyển lên Anlong Veng, được bổ sung quân, tôi lại chuyển về ban tác chiến tiểu đoàn. Ở đây, tôi làm nhiệm vụ quản lý quân số cùng một số trang thiết bị của đơn vị. Nhưng hồi đó đơn vị hy sinh nhiều quá, chính trị viên là ông Vẳng người Hải Phòng – một người rất gầy yếu – ông lại bảo: “Thôi, Tuấn, bây giờ đang thiếu người, anh phải lo việc thương binh, tử sỹ sao cho tốt, để mọi người nhìn vào, họ biết là họ chiến đấu, hy sinh hay bị thương, vẫn luôn có người chăm sóc”. Tôi thấy cũng rất đúng. Và tôi lại chuyển sang làm công tác chăm sóc thương binh, tử sỹ.

PV: Đánh nhau với Pol Pot thì không run, còn khi chăm sóc cho đồng đội mình bị thương và hy sinh thì sao, thưa anh?

NBK Đoàn Tuấn: Tôi kể một câu chuyện nhỏ này. Có lần đánh tập kích, chúng tôi xông lên thì vấp mìn. Một anh bị mất rời cái chân, hy sinh ngay tại chỗ. Kéo được anh về rồi, nhưng thiếu cái chân. Cả đêm hôm đó, đơn vị phân công anh y tá bò lại trận địa tìm cái chân. Chúng tôi phải bắn rất nhiều đạn đại liên yểm trợ cho anh ấy. Đại đội trưởng nói một câu, là phải tìm được cái chân cho những người hy sinh để họ yên lòng vì được chôn cất đủ đầy, để anh em còn sống nhìn vào đây mà vững lòng chiến đấu. Chúng tôi đã tìm được cái chân đó về, cảm giác rất hài lòng.

Những năm tháng đó, lúc đầu chúng tôi phải chuyển thương binh đi. Bọn địch biết, chúng phục kích, đặt mìn, rồi bắn lén. Người hy sinh lại chết thêm lần nữa. Sau đó thì lại xin máy bay xuống chở. Máy bay xuống cũng không được nhiều, có lần còn không đáp đất được. Về sau đơn vị quyết định thành lập nghĩa trang ngay nơi đóng quân.

Chúng tôi lại cưa cây rừng, xẻ ván đóng quan tài. Rồi tổ chức tang lễ cho các liệt sỹ, cũng có lễ truy điệu, đọc điếu văn, bắn súng tiễn biệt. Tôi cùng các đồng đội làm hết những việc đó. Khi chôn đồng đội rồi, đơn vị được lệnh rút đi rồi, thời gian sau chúng tôi lại quay trở lại để bốc xác đồng đội đưa về Việt Nam. Tất cả những công việc này, chúng tôi làm hết lòng. 

PV: Những chi tiết mà nhà biên kịch Đoàn Tuấn vừa kể thì tôi cũng được gặp trong cuốn hồi ký “Mùa chinh chiến ấy” và “Mùa linh cảm” của anh. Bản thân anh đã có sự chuẩn bị cho ra đời các tác phẩm này như thế nào?

NBK Đoàn Tuấn: Vâng, tôi viết hai cuốn này hơi khó đấy. Đặc biệt là cuốn “Mùa chinh chiến ấy”. Lần đầu tôi cảm thấy giọng văn của mình dài, không có nét riêng, giống với thế hệ cha anh đã viết thời chống Pháp chống Mỹ. Tôi viết lại lần 2. Vì tôi là lính thông tin, tôi muốn kể chuyện dưới từng bức điện. Nhưng cũng không chuyển tải hết được những năm tháng tôi và đồng đội đã chiến đấu ra sao. Tôi lại bỏ đi.

Rồi những lần anh em họp mặt, nghe bạn bè kể, nhắc đến trận này – người này – việc này, tôi bảo “Ồ đúng là giọng lính đây rồi”! Nó vừa chân thật, vừa mang một chút hài hước, mang một chút đau đớn, nhưng không bao giờ bi lụy. Dù bị thương hay hy sinh, họ luôn ý thức rằng việc mình làm có ý nghĩa đây, và chỉ có một con đường duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ, với tâm thế giản dị, bình thường, không né tránh.

Tôi nghĩ phải truyền đạt được đúng giọng điệu của người lính thế hệ thứ ba này. Họ ra trận một cách một cách thanh thản, chết một cách thanh thản, và mình phải kể lại được, truyền được cảm hứng sống - chiến đấu cho những người đang sống hôm nay.

PV: Cùng với những câu chuyện về sự hy sinh của đồng đội, “Mùa linh cảm” và “Mùa chinh chiến ấy” còn nhiều câu chuyện về sự sống, sự tồn tại trong cái chết. Một trong những chi tiết mà tôi rất xúc động, đó là chi tiết anh gặp cô bé Việt Nam 15 tuổi, cô bé phải giấu thân phận mình khi sống ở đất nước Campuchia thời điểm đó. Tôi có ý nghĩ rằng, không biết anh lính Đoàn Tuấn có duyên gặp lại cô bé ấy không, và biết đâu những dòng viết này đến được với cô...?

NBK Đoàn Tuấn: Tôi rất ước mong những dòng này đến được với Naryn, cô bé mà tôi đã gặp cái đêm hôm đó. Cô dẫn tôi đi qua một cánh đồng lúa, đằng xa là cánh rừng đầy trăng sáng. Tiếng chó sói tru lên từ phía cánh rừng. Tôi hỏi cô bé bằng tiếng Khmer “Sơ mua ây” (Con gì thế?). Không ngờ, cô đáp rõ ràng từng tiếng “Con chó rừng”. Tôi cảm động quá. Ôi, người Việt Nam! Người Việt mình thời đó vị Pol Pot giết nhiều lắm.

Tôi cũng gặp những bà má gốc Việt bị đẩy lên miền núi, má kể rất nhiều câu chuyện hay. Má bảo có cái gì ngon cái gì tốt đều phải nhường cho người Khmer ở trong công xã, nếu không nhường, họ tố mình là người Việt Nam, mình sẽ bị giết. Cô bé này cũng thế, cô mang thân phận người Việt, nhưng phải giấu đi, cô mới tồn tại được. Tôi là người học ngữ văn, tôi rất trân trọng Tiếng Việt, vẻ đẹp Tiếng Việt.

Nghe Tiếng Việt ở giữa vùng núi xa xôi ấy, trên miệng một cô bé đang phải giấu thân phận mình là người Việt Nam để tồn tại, tôi cảm động vô cùng. Người Việt mình, là một kiếp người khốn khổ lắm. Nhưng họ vẫn dằn lòng lại để vươn lên. Chính những người phụ nữ Việt này đã giữ gìn vẻ đẹp, văn hóa con người Việt Nam trong trái tim trong tâm hồn họ. Đấy là điều mà về sau tôi nhận thức được và tôi phải kể ra cho mọi người biết.

PV: Gần đây có nhiều ý kiến tranh luận về sự thật trong hồi ký. Có người nói hồi ký phải là sự thật. Có người nói hồi ký là sự thật qua lăng kính tác giả. Có người lại nói hồi ký như một diễn ngôn của người viết. Vậy tôi muốn hỏi anh về độ trung thực của chính anh khi viết cuốn hồi ký này?

NBK Đoàn Tuấn: Theo tôi, người viết phải trung thực. Trung thực với chính bản thân mình là khó nhất. Thứ hai là trung thực với đồng đội mình. Thứ ba là trung thực với sự thật mình kể lại. Khi tôi viết xong, đưa lên Facebook để bạn bè đọc. Rất nhiều người kiểm chứng. Tuy nhiên, sự thực này mình phải khúc xạ lên, để nâng lên vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của câu chuyện.

Chẳng hạn như anh Lũy, anh mới vào đơn vị, bị vấp mìn, ai cũng nhìn thấy bàn chân nát đẫm máu của anh, có mồ hôi, có máu, có đất, có mùi thuốc nổ, có đớn đau…, nhưng tôi còn nhìn thấy vài cánh hoa nữa. Nếu không có chiến tranh, người lính trẻ ấy có thể ngắt những bông hoa đến tặng người yêu. Nhưng chiến tranh đã cướp đi của anh cơ hội đó.

Hiện nay tôi rất thích đọc hồi ký. Tôi vẫn tâm niệm về sức mạnh của sự trung thực, sức mạnh của chi tiết, của giọng kể. Sự trung thực có vẻ đẹp như nam châm. Nó hút chúng ta rất mạnh.  Đó là điều mà tôi muốn phấn đấu đến cùng. 

PV: Có những trường đoạn nào mà anh còn e ngại về kiểm duyệt, xuất bản, e ngại nhiều điều khác, khiến anh chưa thể viết hết, chưa thể đưa vào hồi ký của mình?

NBK Đoàn Tuấn: Có chứ. Chẳng hạn như đoạn chúng tôi đi báo tử cho một người lính ở Nha Trang. Anh này vào quân đội bị kỷ luật, bị xử bắn giữa quảng trường Xtung Treng tháng giêng năm 1979. Khi chúng tôi đến, gia đình đuổi chúng tôi đi. Sự thật này mình không né tránh, cần phải viết ra.

Một số người đảo ngũ sang Thái Lan, trong đó có người ở đơn vị tôi. Chúng tôi bị mang tiếng rất nhiều, phải chịu đựng. Nhưng trong cái chịu đựng này mình phải phấn đấu, phải vươn lên, như những cái cây lúa bị ngập lụt. Khi nước rút đi, trên bông lúa vẫn còn bùn đất, nhưng ở dưới ánh mặt trời vẫn tươi sáng. Đoạn này tôi viết rất kỹ, thế nhưng biên tập viên nhà xuất bản cắt đi.

Hoặc chuyện chúng tôi gặp gỡ với vàng bạc Campuchia. Hay bộ đội Việt Nam có con với phụ nữ Campuchia, họ trở lại thăm con, đã đăng ảnh lên Facebook rồi đấy, rất tưng bừng. Tôi nghĩ đó là chuyện con người rất tự nhiên. Nhưng tôi chưa được đề cập đến trong hồi ký này. Tôi hy vọng là mình sẽ được phép nói. 

PV: Xin cảm ơn anh!.

(VOV6)