Nụ hôn rừng - tập thơ Đặng Huy Lập
Đặng Huy Lập luôn có khát khao tìm hiểu nghệ thuật thi ca và anh đang hăng say kiếm tìm không mệt mỏi…
Nhạc sĩ Đặng Huy Lập đã có nhiều bài hát được phổ biến ở nhiều đơn vị quân đội và các địa phương. Anh sáng tác cả nhạc và lời, ca từ của Huy lập giàu chất thơ. Về thơ, tác phẩm của anh từng đăng ở nhiều báo địa phương và trung ương, cách đây không lâu, báo Công An TP. Hồ Chí Minh cuối tuần ngày 30 tháng 4 có đăng 3 bài của anh. Tôi mua một tờ về đọc, thấy mừng cho anh, thơ anh viết lên tay hơn trước rất nhiều. Chừng hơn một tuần sau Đặng Huy Lập tới chơi và trao cho tôi tập bản thảo thơ có tên “Nụ hôn rừng”. Đây là tập thơ thứ tư, (3 tập trước là “Tình quê hai nỗi nhớ” NXB Thanh Niên 2010, “Sóng Ngàn Sâu”NXB Hội Nhà Văn 2012, “Lời biển hát” NXB Hội Nhà Văn 2013).
Dấu ấn của những ngày chiến trường gian khổ rất ấn tượng:
Đỏ quạch đường bao vết xe lăn
Có phải em chăng
Cô nuôi quân thả khói xanh vào gió
Bếp nuôi quân lửa đỏ
Cơn đói theo anh vào rừng sâu.
(Nhớ mưa Đồng Hới)
Anh lính công binh gặp cô nuôi quân, nhìn từ xa, bếp nuôi quân có “khói xanh”, đến gần có“lửa đỏ” vậy mà vẫn chịu “cơn đói theo anh vào rừng sâu”. Đây là đói cơm hay đói tình? Có lẽ cả hai. Thơ kín đáo, ẩn ý, kiệm lời.
Trong thơ Đặng Huy Lập, cảm động nhất là những bài thơ anh viết về người thân, đồng đội và những vùng quê để lại cho anh nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Đây là người mẹ và những hình ảnh đẹp về đồng quê:
Mẹ ngồi trút nắng ra phơi
Lúa trong tay mẹ nắng ngời phù sa.
(Hạt gạo mẹ tôi)
Viết về người chị vất vả, chịu nhiều thiệt thòi:
Vạt áo đời tơi tả cánh đồng xưa
Câu ví dặm hát chưa tròn số phận
Ngưỡng cửa tình yêu một đời lận đận
Hai lần qua sông, chẳng tròn phận mà thương
(Nỗi buồn chị tôi)
Đặng Huy Lập có cách nói khá gợi cảm: “Vạt áo đời tơi tả cánh đồng xưa”, vừa cụ thể, vừa khái quát. “Câu ví dặm hát chưa tròn số phận” cũng là câu thơ hay. Hai câu dưới thì buồn đau nhiều nhưng nghệ thuật thơ thì không bằng hai câu trên.
Sau nhiều năm xa cách, anh trở lại quê nhà:
Ta như nhỏ lại trước quê
Con đò bến đợi góc hè dậu thưa
Cổng ai chẳng khép bao giờ
Liếp tre mòn cả đợi chờ tháng năm
(Tình quê)
Trong khổ thơ trên thì ngược lại, hai câu trên thường, hai câu cuối là hay nhất “Cổng ai chẳng khép bao giờ” là hình ảnh tương đối đặc biệt, ấn tượng. “Liếp tre mòn cả đợi chờ tháng năm”, đắc địa nhất là chữ “mòn”, nói lên nhiều nỗi niềm, xa xót và buồn đau, rất tiêu biểu và phổ biến thời hậu chiến.
Những vùng hành quân qua, để lại cho anh nhiều kỷ niệm khó quên:
Sông Trầu nước biếc đôi bờ
Cho anh gửi lại câu thơ hẹn hò
Khi nào nắng nhú đồng ngô
Anh về viết tiếp lời thơ Sông Trầu
(Về lại Sông Trầu)
Hay kỷ niệm về Cao Nguyên:
Về Cao Nguyên qua nẻo đường dài
Ngút mắt ngắm đồi chè xanh mượt
Sáo ai reo lưng đèo gió hát
Suối rì rào tâm sự với ngàn mây
(Gặp em cô gái Gia Lai)
Hòa bình thống nhất, anh có điều kiện thăm thú nhiều nơi, đến quê hương Quan họ:
Nước sông Cầu dềnh dàng câu duyên nợ
Rằng thương nhau “người ơi, người ở”
Xin đừng về để dạ em đau
Trên mạn thuyền câu hát trao nhau.
(Gửi em câu hát Hội Lim)
Mới nghe hát thôi, nhà thơ đã cảm nhận đó là “câu duyên nợ”, trong khi anh chưa có duyên nợ gì ở đấy. Ôi, cái nghiệp của người cầm bút luôn mắc nợ cuộc đời là vậy và cái duyên thì giăng mắc ở mọi nơi mọi lúc. Anh còn nhận được tín hiệu trái tim: “Xin đừng về để dạ em đau”. Có người nói nhà thơ phải thấy, phải cảm được những điều mà người bình thường không thấy, không cảm được. Có như vậy cuộc đời mới cần đến thơ, chứ chỉ có sao nói vậy, thật thà như đếm thì sao gọi là thơ được, có chăng chỉ có thể gọi là ca vè mà thôi.
Trên báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn VN số 23, ngày 4-6-2016, nhà thơ Trần Nhuận Minh nói rõ hơn về một số đặc điểm cần có của thơ mà một thời gian dài bị quên lãng: “Cái đa thanh của thơ, cái phong phú và nhiều tầng của ngữ nghĩa, để thơ có “thi tại ngôn ngoại”; cái mờ ảo làm cho thơ trở thành huyền diệu; tính phi lí nghệ thuật của hình tượng và cấu trúc nhiều biểu tượng của ngôn ngữ, làm chơ thơ vươn tới cái xa xăm…”
Nhà thơ Đặng Huy Lập cũng đang mong muốn vươn tới những điều trên.
Làng Sen vẫn nở đầy hoa
Mây Nam Đàn vẫn bay ra Ba Đình
(Lời ru quê hương)
Trong cặp lục bát này, câu sáu thì bình thường, thậm chí rất thường, nhưng câu tám thì đã cố gắng tiếp cận tới “tính phí lí nghệ thuật của hình tượng”. Vầng mây Nam Đàn ở đây vừa thực, vừa ảo, “vẫn bay ra Ba Đình” là hiện thực trong tâm tưởng. Thơ rất cần thứ hiện thực này, hiện thực lồng với siêu thực. Có một dạo chúng ta rất dị ứng với “siêu thực” cho đấy là tàn dư của chế độ cũ chỉ đáng vứt xọt rác. Nhưng nghệ thuật cũng như khoa học là phạm trù khách quan, có tính độc lập. Giả sử câu trên chỉ viết theo lối tả thực: “Mây NamĐàn vẫn bay ra Cửa Lò” thì là sự thực nhìn thấy rõ nhưng không thơ, cái không nhìn thấy kia mới là thơ.
Anh về quê viếng thi hào Nguyễn Du:
Kiệu ai thấp thoáng đường quê
Phải chăng Kiều đã hiện về viếng ông
(Viếng cụ Nguyễn Du)
Cặp lục bát này lại hoàn toàn tưởng tượng, thơ dễ chấp nhận và cũng mang lại hiệu quả thẩm mỹ nhất định.
Hình ảnh mùa thu quê hương:
Con sáo sậu xa rồi cành khế vắng
Chỉ anh thôi bóng chìm vào im lặng
Khoảnh khắc thu cứ thăm thẳm đáy lòng.
(Thu hoài niệm)
Đã có nhiều thơ hay về mùa thu, nhưng Huy Lập vẫn có những câu thơ xúc động bởi tình yêu quê hương nhưng quan trọng hơn là anh để tâm quan sát cảnh vật. Nói về mùa thu, không phải chỉ có nước mây cổ điển mà rất bình dị: “con sáo sậu”, “cành khế vắng”, chi tiết này vào thơ anh thật tự nhiên. “Khoảnh khắc thu” là ngắn ngủi, tương phản với “thăm thẳm đáy lòng” là sâu lắng và dài lâu. Câu thơ tả tâm trạng khá đắc địa.
Hoàng hôn rớt xuống đầu làng
Từng hồi chuông đổ ngân vang sương mờ
Thánh đường áo tím mộng mơ
Xốn xang anh đợi lối chờ em qua
(Nỗi nhớ Giang Điền)
Bốn dòng thơ trong khổ thơ trên là một hoàn cảnh có thấp thoáng tâm linh và tình ý, rất nên thơ và mơ màng nhưng chưa ấn tượng bằng bốn câu sau:
Cuộc ly biệt chia thành hai nỗi nhớ
Một khoảng trời treo hai đầu duyên nợ
Một con tàu chìm dần cuối hoàng hôn
Một bóng người lặng lẽ phía cô đơn.
(Nhớ chuyến tàu xưa)
Bốn câu trong khổ thơ là bốn trạng thái tâm tư, hoàn cảnh có thể đứng riêng biệt, tưởng như không liên hệ gì với nhau, nhưng thực ra vẫn là một. Tôi thấy thơ hiện đại cách tân bây giờ nhiều trường hợp như thế, tức là có nhiều khoảng trống để người đọc liên tưởng (thường gọi là gián cách thẩm mỹ) và tất nhiên mỗi người, mỗi hoàn cảnh có những liên tưởng khác nhau, khoảng trời mỹ cảm của thơ càng phong phú. Hãy để ý xem, phần đầu của mỗi câu đều sử dụng bút pháp tả chân: “cuộc ly biệt, một khoảng trời, một con tàu, một bóng người”, nói chung là rất cụ thể, có thể nhìn thấy, chạm tay vào, sờ thấy được. Nhưng phần cuối của mỗi câu lại có khuynh hướng siêu thực: “hai nỗi nhớ, hai đầu duyên nợ, chìm dần cuối hoàng hôn, lặng lẽ phía cô đơn”. Nói chung là mơ hồ, trừu tượng. Ấy là tạm tách ra để nói chơi, chứ bài thơ luôn là chỉnh thể thẩm mỹ mà nội dung, nghệ thuật không thể tách rời nhau.
Yếu tố quan trọng tạo nên chất thơ có lẽ cần có sự kết hợp như vậy: hiện thực và siêu thực; cụ thể và trừu tượng. Tất nhiên viết được như thế này không phải dễ, phải khổ luyện nhiều lắm.
Đặng Huy Lập luôn có khát khao tìm hiểu nghệ thuật thi ca và anh đang hăng say kiếm tìm không mệt mỏi. Phải rồi, cũng như lĩnh vực tình yêu, trước khi đến được tình yêu đều trải qua giai đoạn tìm hiểu.
Em và thơ cả hai phía đợi chờ
Kết niềm tin qua tháng ngày trôi nổi
(Em và thơ)
Rất mong nhà thơ Huy Lập tìm được tình yêu và niềm tin qua cái đẹp ảo diệu của thi ca.
Nguyễn Vú Tiềm
(nhavantphcm.com.vn)