Biển tím - tập truyện ngắn Nguyễn Hữu Quý
Bạn đọc đã biết và nhớ đến Nguyễn Hữu Quý với những trường ca, tập thơ và những bài thơ in đều trên các báo. Bây giờ, lại biết thêm một Nguyễn Hữu Quý già dặn và có duyên với cả văn xuôi nữa qua tập truyện ngắn đầu tay Biển tím. Với số lượng 16 truyện, trên 200 trang in, tập truyện gọn gàng mà vẫn đầy sức ám ảnh do tải được nhiều thân phận con người. Dường như khi bắt tay vào viết truyện ngắn anh mới khám phá ra thế mạnh của thể loại này trong việc truyền tải thông điệp nhân sinh, điều mà ngôn ngữ thơ kiệm lời khó giãi bày hết. Đọc văn anh, thấy ngồn ngộn vốn sống đa chiều trải ra trên từng trang viết.
Truyện ngắn Đồi Phượng Hoàng vẫn tím hoa sim có kết cấu lạ thể hiện sự tìm tòi về cách viết của Nguyễn Hữu Quý. Đoạn một là lời tả của tác giả trong vai người đương thời chứng kiến sự việc để làm cái việc “nêu vấn đề truyện”. Đoạn hai là lời của nhân vật con nói về hậu quả việc làm sai trái của người cha, bước đầu bộc lộ tâm lí nhân vật. Đoạn ba là lời nhân vật mẹ của nhân vật con, tức người vợ, người có việc làm sai trái nhằm nêu thái độ của người đương thời với vấn đề đạo đức xã hội và sự kiên cường sống của người phụ nữ phải gánh chịu nhiều dư luận xã hội. Đoạn bốn lại là lời trần thuật của tác giả để đưa sự việc về thời điểm nhân vật truyện đang trong quá trình vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội. Đoạn năm trở về lời trần thuật của nhân vật mẹ để kể rõ hơn về hành vi phạm pháp của chồng mình. Đoạn kết là lời trần thuật của tác giả để đưa ra cách xử lí vấn đề truyện theo hướng nhân văn, vị tha, một cách xử lí khá bất ngờ với diễn biến câu chuyện.
Tư tưởng nhân văn, vị tha bao trùm các truyện ngắn trong tập Biển tím. Trong truyện Đôi mắt lươn tội nghiệp, người thợ sơn tràng vì miếng cơm mà phải chấp nhận cho vợ đi “nói chuyện” với người cán bộ kiểm lâm có “đôi mắt lươn ti hí” dẫn đến cô ta có thai ngoài mong muốn. Đứa trẻ sinh ra có dấu vết nhân dạng cha đẻ rất đặc trưng là “đôi mắt lươn ti hí” kia. Người thợ sơn tràng dù rất yêu vợ con vẫn không chịu đựng nổi nỗi uất hận khi vợ bị người khác làm nhục. Càng yêu thì càng uất. Uất đến mụ mẫm tìm cách trả thù. Nhưng khi thù chưa trả được thì tình địch chết do tai nạn, người thợ sơn tràng đã dẫn vợ con đến viếng kẻ xấu số đáng căm ghét kia. Đứa trẻ còn bé có thể chưa biết, thậm chí suốt đời không biết người cha đẻ của mình nhưng ít nhất nó đã làm tròn phận sự của người con với người cha đẻ.
Cách xử lí bất ngờ ở truyện Chân đất, chân dài và hai người đàn bà khác tô đậm sự bao dung, độ lượng của người phụ nữ Việt Nam yêu chồng thương con. Hai người chồng nông dân chân chất, không may bị cái thói “trưởng giả học làm sang” đưa đẩy vào chốn ăn chơi tốn tiền tổn danh, vậy mà vợ của họ vẫn nuốt nhục nuốt bực xin tha tội cho chồng trước dòng họ.
Sen nở bốn mùa đề cao giá trị của cái đẹp đích thực và lòng vị tha trong sáng. Nhân vật Hạ đã hiến dâng đôi mắt cho nhân vật Xuân (mù bẩm sinh) để cô gái trẻ này có được vẻ đẹp hoàn thiện nhưng cuối cùng anh bị phản bội. Tuy vậy, Hạ vẫn vô cùng vị tha không oán hận trả thù người đã từng yêu mình mà vẫn ước mong cho Xuân hạnh phúc vẹn toàn. Tình yêu của Liên là sự đền đáp xứng đáng cho việc làm thiện nghĩa của Hạ. Truyện mang thông điệp rất rõ là nên đề cao tình thương, cởi bỏ thù hận.
Lòng vị tha ấy có độ mở lớn và cũng rất thời cuộc trong truyện Cổ thành thấp thoáng. Đó là vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc sau chiến tranh ở Việt Nam. Linh hồn liệt sĩ Thắng không muốn về quê chỉ vì thương linh hồn một tử sĩ khác chiến tuyến không nơi nương tựa. Cách xử lí của tác giả thật mềm mỏng, thật hợp lí khi động chạm đến vấn đề nhạy cảm. Tác giả đã dựa vào chất vị tha Việt, văn hóa Việt nên thành công, vượt qua được cái “khó” của vấn đề. “Bom không phân biệt được đâu là lính đỏ, đâu là lính đen, giết tất. Lúc đầu gặp nhau cũng hầm hè dữ lắm, đứa nào cũng nhận mình là vong chính nghĩa, vong chiến thắng, sau nghĩ lại thấy buồn cười quá, thành cát bụi rồi còn làm gì được nữa đâu mà tranh nhau điều ấy. Đều là vong linh Việt cả mà” (trang 58). Khi hai linh hồn đối địch trở về chân giá trị Việt thì lại đem hiểu biết riêng về cái đẹp mang tặng nhau rồi hợp nhất ở cái đẹp vĩnh cửu qua tác phẩm Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...
Nguyễn Hữu Quý đã khéo dùng thủ pháp trùng điệp thời gian để tái hiện cuộc sống dân tộc thời kì chiến tranh chống Mĩ và thời kì quá độ hôm nay. Một dũng sĩ thời chiến giỏi làm kinh tế thời bình, có tâm góp sức làm giàu cho dân làng, vậy mà vấp quả lừa lớn làm kiệt quệ kinh tế cả làng đến mức anh ta phải bỏ làng ra đi. Dân làng xót của đến tịch thu tài sản, một dũng sĩ thời chiến khác đã ngăn chặn sự vi phạm pháp luật ấy, và dân làng cũng chỉ biết kêu trời (Bão làng). Chuyện làm ăn thật giả lẫn lộn, đầy cotilưa phá hoại nền tảng xã hội. Không ít người còn lấy đó làm kiêu hãnh khi tuyên ngôn: “Của cải xã hội đầy tội gì không ra tay vơ vét”. Bão làng đề cao tình người và cảnh báo sự hỗn loạn nền tảng xã hội ở một góc khuất này
Nếu Bão làng chỉ nói về vấn đề xâm hại kinh tế, thì Đồi Phượng Hoàng vẫn tím hoa sim nói về vấn đề xâm hại chính sách ưu đãi người có công. Vấn đề nhạy cảm này được tác giả đề cập ở nhiều góc độ khác nhau. Vọng phu làng Cát nói về việc xâm hại tình cảm thiêng liêng của gia đình liệt sĩ. Nhân vật đại gia đã khéo mua chuộc được tình cảm của người thân nhưng không mua được, không chiếm được tình yêu của người vợ liệt sĩ. Một cơn gió lạnh ngoài bờ biển kịp ngăn chặn tội ác của vị đại gia là chi tiết lạ, khó giải thích trong vấn đề tâm linh.
Truyện Gái làng Nường sông Chiêm là một bản tình ca đẹp thời chiến nhưng lại đầy tính dự báo về sự chia li khốc liệt, không phải chia li về khoảng cách, về thời gian mà là sự chia li âm dương mãi mãi: “Mặt sông Chiêm như vồng lên khi nghe Mùa nói. Tiếng sương rơi lã chã trong màu trăng mờ ảo. Nghe rõ mồn một tiếng vi vu của những cơn gió lạnh vào khuya” (trang 38). “Mặt nước tim tím gợn lên muôn vàn con sóng nhỏ, chập chờn trong nắng chiều tiếng hát đưa linh từ hun hút xưa xa vọng lại nghe vừa tha thiết vừa não nề” (trang 39). Vậy mà về sau, bất hạnh thay, người con gái liệt sĩ học giỏi đầu bảng vẫn khó có việc làm nếu không chịu dâng hiến cái quý nhất của người con gái cho kẻ có chức quyền nhận người.
Một bản tình ca thời chiến đẹp nữa là câu chuyện tình của đôi bạn học chênh tuổi trongChị Nghịt. Người bạn lớn tuổi đã biết kìm nén bản thân để định hướng con đường tương lai học thức cho cậu bạn thông minh, học giỏi. Nghĩ cho nhau và nghĩ cho đất nước.
Chất thơ bàng bạc trong truyện ngắn của Nguyễn Hữu Quý. Hình như đây là thế mạnh của nhà thơ viết văn. Nhiều đoạn trong các truyện ngắn Biển tím, Sen nở bốn mùa, Gái làng Nường sông Chiêm, Cỏ từ quy... đọc như thơ văn xuôi.
Bên cạnh tính khái quát của vấn đề thì dấu ấn cá nhân tác giả khá rõ nét trong từng trang viết. Đó là tính riêng tư, vùng miền. Đọc tập truyện ngắn ta thấy hiện lên sinh động, gần gũi cả một vùng quê hương của tác giả. Đó là thổ ngữ đặc thù, cảnh quan đặc thù của miền đất mà Nguyễn Hữu Quý đã sinh ra và lớn lên (Vọng phu làng Cát, Sen nở bốn mùa, Chị Nghịt, Sơn, Ma nơ canh khỏa thân...). Truyện ngắn Anh em đôi ngả như một tự truyện, đọc truyện này ta cảm nhận được tình cảm anh em, tình cảm gia đình thân thiết, chân thành và cảm động.
Tóm lại, Biển tím là tập truyện ngắn hay, đầy chất đời sống mà vẫn có tính biểu tượng cao. Tuy nhiên trong một số truyện vẫn có điều cần bàn lại. Như việc tác giả sử dụng tính ngẫu nhiên để xử lí tình huống chẳng hạn. Thủ pháp “phục tình huống” trong truyện Biển tím để đồng chí bác sĩ quân y mổ ruột thừa cứu ngư dân chính là bố cô bạn sau này mang tính khiên cưỡng. Việc đưa bức xúc xã hội vào trang viết trực tiếp làm giảm chất văn của truyện như trong truyện Chị Nghịt. Có truyện như được lấy nguyên trên báo dựng nên, như truyện Ma nơ canh khỏa thân (khá gần với chuyện tình đại gia Lê Ân)...
Duyên văn đã bén, hi vọng sau tập Biển tím này Nguyễn Hữu Quý sẽ giàu bút lực hơn nữa để có được những truyện ngắn thuyết phục.
Phạm Thuận Thành
(http://nhavantphcm.com.vn/)