Về miền “Triệu Voi” - Văn Khoa

02.07.2019

Về miền “Triệu Voi” - Văn Khoa

Rong ruổi theo đường 9, ngang Khe Sanh, vượt cửa khẩu Lao Bảo, băng qua những cánh rừng Hạ Lào bạt ngàn với những cây phượng vĩ đỏ rực ven đường, tôi đến Thakhet, một thành phố bên tả ngạn dòng sông Mê Kông, thuộc tỉnh Khammuane.

Chiều Thakhet

Chiều muộn. Nắng vàng còn vương trên những ngọn tháp. Thị xã Thakhet đẹp thanh bình, nằm soi mình xuống dòng sông Mê Kông trong xanh, thấp thoáng các nhà sư đi khất thực, chân trần trên thảm cỏ, mắt mơ màng về cõi Phật. Bên kia bờ là thành phố Nakhon Phanom của Thái Lan, vọng lại tiếng chuông chùa thong thả.

Đầu thế kỷ 20, Lào từng là thuộc địa của Pháp. Và nơi đây, Thakhet (người Việt Nam phát âm Thà Khẹt) được xem như một trong những miền đất cổ kính còn lưu giữ dấu ấn lịch sử của Pháp. Xưa kia, Thakhet là đồn tiền tuyến của các vương quốc họ Môn - Khmer như Sheng La, Phù Nam. Địa danh Thakhet do Pháp đặt tên, nghĩa là “Bến Khách”, thuộc Trung Lào. Không nhiều chùa chiền như thủ đô Vientiane, Thakhet có những biệt thự sang trọng của người Pháp để lại cùng những điểm đến xinh đẹp như chùa That Sikhottabong, bảo tàng Khammouane, thị trấn Lak Sao,... Thakhet là thủ phủ của tỉnh Khammouane với khoảng 63.000 cư dân (người Việt Nam cư trú khá đông nhưng chưa có thống kê chính xác), nằm trên quốc lộ 13, cách Vientiane khoảng 360 km và Savannakhet khoảng 174 km theo hướng Nam Lào.

Hoàng hôn buông dần, tôi lang thang đển Thẳm Phả (thuộc làng Na Kan Sang, cách Thakhek chừng 10 km), nơi có những tượng Phật đồng đen, được phát hiện vào năm 2004. Đường vào Tham Pha Nong Pa Fa chập chùng núi rừng, một vài nhóm du khách người Thái đến đây cầu nguyện. Bên ngoài hang, một biển hiệu cảnh báo cấm chụp hình, vé vào cửa 2.000 kip (tương đương 56.000 đồng), tiền thuê sarong mặc cũng chừng đó. Hang khá nhỏ nên mỗi lần chỉ được vào 15 người sau khi đi ngang qua một cây cầu gỗ và leo lên những bậc thang. Hang có nhiều nhũ thạch đẹp và các tượng Phật bằng đồng. Rất đông người sắp mâm lễ gồm hoa, đèn cầy và tiền để khấn vái. Người ta nói, đất Lào linh thiêng nên tôi thấy, hầu hết du khách cúng lễ, rồi xếp hàng trước một nhà sư đang đọc những câu thần chú trừ tà chờ đeo một sợi chỉ may mắn màu cam.

Trong không gian tĩnh lặng, huyền bí, một cụ già người Lào chậm rãi kể rằng, cách đây 15 năm, một người nông dân tên Boun Nôông lang thang bắt dơi ở vùng này (thịt dơi vốn là món khoái khẩu của dân làng Na Kan Sang). Thấy trên dốc núi, cách mặt đất khoảng 15 m, có một cửa hàng rộng độ 1,5 m, ông quay về nhà lấy đèn pin, trở lại trèo lên tìm tổ dơi. Vừa chui qua cửa hang, hướng mắt theo ánh đèn, ông thấy một bức tượng Phật cao chừng 1 m, hồi hộp đến gần quan sát, ông mới biết bức tượng được đúc bằng đồng. Sau đó, đi sâu vào trong động, ông càng sửng sốt hơn nữa khi phát hiện thêm trên 200 bức tượng Phật bằng đồng kích thước khác nhau từ 15 cm đến 1 m. Suốt một tuần sau đó, cứ tưởng chiêm bao, ảo mộng nên ông chẳng nói với ai. Thế rồi, ông quyết định rủ thêm 9 người đàn ông trong làng cùng trèo lên xem lại. Họ cũng hoang mang, đành thông báo cho giới chức địa phương. Ngay lập tức, thông tin về một hang động có 229 bức tượng Phật bằng đồng có niên đại khoảng 300 năm lan truyền khắp tỉnh Khammouane, lên tận Vientiane và xa hơn nữa.

Từ một bản làng yên tĩnh, Na Kan Sang trở nên nổi tiếng, trở thành một điểm đến linh thiêng của tín đồ Phật giáo cả nước, nhộn nhịp du khách, bình quân khoảng 200 lượt khách mỗi ngày, thời điểm cuối tuần nhiều hơn nữa. Cơ quan du lịch Thakhek bắt đầu triển khai tổ chức và quản lý để bảo tồn di tích, đồng thời khai thác thêm những điểm tham quan dưới chân núi với sự tham vấn của Tổ chức Netherlands Development Organization (SNV) - Hà Lan có văn phòng chính thức tại Thakhet.

Patuxay - Khải Hoàn Môn của người Lào

Vượt 360 km núi rừng hoang vắng, từ Thakhet, tôi đến Viêng Chăn (người Pháp gọi là Vientiane) lúc 18 giờ. Nắng chiều nghiêng đổ vàng vọt từng vạt xuống Patuxay, biểu tượng chiến thắng của người Lào, được xây dựng vào năm 1957. Patuxay được Than Sayastheena, kiến trúc sư người Lào, thiết kế phỏng theo Khải Hoàn Môn của Pháp. Công trình cao 55m, có 4 mặt, mỗi mặt rộng 24m, 7 tầng tháp và 2 tầng phụ, uy nghi giữa Vientiane. Nằm cuối đại lộ ThanonLuang về phía Đông Bắc thủ đô, “Khải Hoàn Môn” của đất nước Lào được đông đảo du khách trên thế giới viếng thăm.

Tôi cùng một vài du khách người Pháp leo lên tầng 7 của Patuxay. Dưới bóng hoàng hôn, Vientiane thật đẹp khi nhìn từ đỉnh cao nhất của Patuxay. Một quảng trường rộng lớn, mọi thứ đều thanh bình và dịu dàng như người dân Lào. Gió từ dòng sông Mê Kông thổi về mơn man, nồng nàn hương phù sa từ ngàn năm của đất nước “Triệu Voi” này.

Theo sử thi Lào, Phra Lak Phra Lam, người lập ra thành phố Viêng Chăn là hoàng tử Thattaradtha, nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử Lào thời cổ đại. Năm 1354, khi Fa Ngum lập ra vương quốc Lan Xang, Vientiane trở thành một đô thị quan trọng. Mãi đến năm 1899, khi người Pháp đặt nền cai trị thuộc địa, Vientiane mới chính thức trở thành thủ đô của Lào. Phát triển đồng hành cùng Phật giáo, tên gọi Vientiane bắt nguồn từ tiếng Pali, ngôn ngữ diễn đạt văn chương của Phật giáo tiểu thừa với nghĩa ban đầu là “Khu rừng đàn hương của nhà vua”, một loại cây quý giữ được hương thơm trong nhiều thập kỷ.

Trả 220.000 kip (616.000 đồng), tôi bước lên một chiếc xe tuk tuk tại một góc đường. Người tài xế nói tiếng Việt rất giỏi cho biết, xe (tối đa chở 6 người cũng trả chừng đó tiền) sẽ đưa khách đến các địa điểm nổi tiếng ở Vientiane như công viên tượng Phật, tháp Pha That Luang, chùa Ho Phra Keo và  Patuxay. Tuk tuk ở Lào có 2 loại, đó là xe 3 bánh và 4 bánh. Xe 4 bánh thực chất là xe tải Hyundai (0,5 hoặc 1 tấn), lắp ghế, đóng thùng để trở thành một xe chở khách. Có 2 lý do để xe tuk tuk 4 bánh tồn tại và phổ biến ở Lào, đó là cảnh sát Lào không cấm những chiếc xe tải dùng để chở người (Việt Nam cấm) và giá cả của loại xe này hợp lý trong bối cảnh các phương tiện công cộng của Lào chưa nhiều. Khách đi xe ngồi quay mặt vào nhau với hành lý giữa 2 dãy ghế phía sau. Trường hợp đông khách, tài xế đưa hành lý của khách lên nóc xe khiến tôi liên tưởng tới những chiếc xe lam (một loại xe 3, 4 bánh) rất phổ biến tại Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ trước.

Đại Bảo Tháp Pha That Luang

Rời bờ sông Mê Kông, tôi lang thang đến Pha That Luang.

Nắng chiều đổ dài trên những bức tường thành màu vàng nhạt. Không gian tĩnh lặng, trầm mặc, thấp thoáng các nhà sư bước chậm dọc theo những dãy hành lang dài hun hút.

Pha That Luang, còn gọi là Pha Chedi Lokajulamani (nghĩa là tháp vàng lớn), một di tích quốc gia quan trọng của Lào, tọa lạc trên một ngọn đồi cách trung tâm thủ đô Vientiane chừng 5 km về hướng Ðông Bắc.

Một nhà sư cùng đi trong đoàn kể với tôi rằng, năm 218 trước Công nguyên, vua Ashoka đề cử hai vị Tăng là Sona và Outala cùng với năm nhà sư người Lào đi Ấn Độ, sau đó họ mang xá lợi (một mẩu xương chậu, có tư liệu ghi là xương đầu gối) của Ðức Phật đem về Vientiane để truyền bá đạo Phật. Xá lợi được cất giữ trên đồi Phou Luang. Sau đó, Chanthabouly Phasitthisack (hay còn gọi là Boulichanh), người cai trị Vientiane lúc bấy giờ, xây một ngôi tháp để lưu giữ xá lợi, gọi là Pha That Luang. Sau này, khi khai quật, các nhà khảo cổ không tìm thấy dấu vết của ngôi tháp nhưng họ phát hiện được những tàn tích của một ngôi chùa do những người Khmer xây dựng vào thế kỷ XII. Năm 1563, sau khi chiến thắng quân xâm lược Miến Điện, vua Setthathirat dời kinh đô của vương quốc Lane Xang từ Luang Prabang về Vientiane. Ba năm sau đó, năm 1566, nhà vua bắt đầu trùng tu lần đầu tiên tháp Pha That Luang.

Là người tôn sùng Phật giáo, mong muốn trở thành người giác ngộ như Ðức Phật nên vua Setthathirat đã cho xây dựng một quần thể tôn giáo bao gồm một ngôi tháp chính (chu vi chân đế 90m x 90m, cao 45m) và 30 ngôi tháp nhỏ hơn với kích cỡ bằng nhau xung quanh ngôi tháp chính, được gọi là những palami stupa (nghĩa là mọi sự hoàn thiện điều tốt đẹp), biểu tượng cho Đức Phật Thích Ca với 30 năm tu hành gian khổ để thành Phật. Mỗi bệ móng của những ngôi tháp nhỏ có tấm bảng vàng khắc ghi những lời dạy của Phật trong Tứ diệu đế (bốn sự thật trong cõi đời). Những tấm bảng này cũng lưu trữ thông tin ngày tháng trùng tu ngôi tháp cùng dòng chữ: “Ngôi tháp này lưu giữ xá lợi của Phật, được vua Setthathirat xây dựng. Cầu mong nó kéo dài hơn 5.000 năm”. Toàn bộ công trình được bao quanh bởi một dãy hành lang dài 85 mét, tôn trí nhiều tượng Phật và tranh vẽ.

Tuy nhiên, vinh quang của Pha That Luang không kéo dài được lâu bởi những cuộc chiến tranh liên miên giữa người Lào, Miến Điện và Siam khiến di tích nhiều lần bị phá hủy. Năm 1900, việc trùng tu lại ngôi tháp được thực hiện bởi người Pháp nhưng không thành công. Một kế hoạch trùng tu khác cũng của người Pháp lại tiếp tục thực hiện vào những năm của thập kỷ 30, đưa Pha That Luang trở lại thời kỳ vinh quang như trước đây của nó. Ngày nay, Pha That Luang là một biểu tượng của thủ đô Vientiane, được in trên tiền và quốc huy của Lào, một địa danh có nhiều người đến tham quan và chiêm bái.

Vườn tượng Phật kỳ lạ bên dòng sông Mê Kông

Tháng 5. Nắng như đổ lửa trên đầu. Nhiệt độ tại Viêng Chăn tầm 40 độ. Tôi vội vã đi dọc theo bờ sông Mê Kông tìm chút hơi mát để đến khu vườn Wat Xiengkuane (hay còn gọi là Buddha Park - Công viên Phật hay Vườn tượng Phật), nơi có hàng trăm bức tượng Phật phủ màu thời gian bên dòng sông xanh đang lững lờ trôi, được xây dựng vào khoảng thời gian (1950-1960), cách thủ đô Lào 28 km về phía Đông. Vườn mênh mông hoa lá, đầy những bức tượng Phật khiến du khách như lạc bước vào cõi thần tiên mấy ngàn năm về trước.

Có lẽ nơi tập trung nhiều du khách nhất là toàn nhà hình quả bí ngô. Khom người chui qua một ô cửa nhỏ, men theo chiếc cầu thanh xoắn ốc, thả bộ dọc theo hành lang hình tròn, qua khe cửa nhỏ le lói ánh sáng, tôi nhìn thấy những bức tượng người chập chờn, ma quái trong các tầng địa ngục tối tăm khiến người yếu bóng vía phải giật mình. Tầng trên cùng, tượng trưng cho thiên đường, chan hòa ánh sánh, gió từ dòng sông thổi vào mát rượi. Từ đây, tôi nhìn thấy toàn bộ quần thể hơn 200 tượng Phật pha trộn với Hindu giáo với những vị thần Shiva, Arjuna, Visnu, Rama, Sita,...

Bounlua Suliat, người sáng tạo khu vườn này là một pháp sư, ông không phải là một hoà thượng thực thụ, không cạo đầu, không mặc áo cà sa. Thế nhưng, ông là người rất tinh thông về triết học Hindu, Phật giáo, thần thoại học, biểu tượng học... Điều đặc biệt, ông cũng không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật tạo hình, điêu khắc. Ông lý giải rằng, tất cả những bức tượng này tạo ra từ những giấc mơ, cảm nhận về thần linh mà ông ngộ ra trong đời sống hàng ngày.

Các tác phẩm mà Bounlua Suliat và các cộng sự của ông đều sử dụng bằng xi măng, thô mộc, không qua sơn phết hay phủ lên bất kỳ một chất liệu gì khác. Màu đen, xám của thiên nhiên, sự bào mòn, rêu phong cũ kỹ của thời gian khiến cho khu vườn tượng Wat Xiengkuane trở nên kỳ bí, linh thiêng. Tất cả các bức tượng đều đẹp với đường nét sắc sảo, thần thái như người thật, có nhiều tượng cao từ 3 đến 5m. Có nhiều pho tượng nhập niết bàn, ngồi thiền, tĩnh tại bên cạnh những tượng thần linh, ác quỷ, nhạc công, vũ nữ và linh thú hình thù kì quái biểu hiện vẻ bức bối với nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau trên từng nét mặt, dường như ẩn chứa nhiều uẩn khúc của cuộc đời, nhân tình thế thái và thời cuộc. Riêng tượng Phật lớn nhất, cao 10 m & dài tới 50 m, nằm bên trái cổng khi bước vào, điểm nhấn của toàn bộ khu vườn với nét mặt hiền hậu, ôn hòa, nụ cười độ lượng. Tất cả đề tôn tạo một khu vườn vô cùng sống động, lôi cuốn, để lại nhiều ấn tượng đẹp cho du khách.

Một dân tộc lấy giáo lý Phật làm “kim chỉ nam” trong cuộc sống hàng ngày thì những bức tượng mang hình hài Đức Phật trong khu vườn đã trở nên vô cùng thiêng liêng đối với họ. Bởi thế, trong không gian trầm mặc và tĩnh lặng này, chúng ta mới tìm thấy được cảm giác bao dung, buông bỏ, để rồi suy nghĩ mãi về những giá trị thiêng liêng của đạo Pháp cách đây trên 2.500 năm. Và có

lẽ chính điều này, vườn tượng Wat Xiengkuane trở nên nổi tiếng, một thành công của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo trong đời sống tâm linh của đất nước Lào.

Sòng bạc Lào

Dừng chân tại ngã ba Seno thuộc tỉnh Savannakhet, tôi bước vào một quán gà nướng ven đường, món ăn đường phố “trứ danh” của Lào. Có lẽ, đây là nơi được người dân Lào và du khách quốc tế đánh giá ngon nhất so với Viêng Chăn hay cố đô Luang Prabang. Giá bán một con gà nướng tại đây khoảng 60.000 kip (170.000 đồng). Gà nướng Savakhanet thường được ăn kèm với cơm nếp Khao Niaw cùng nước chấm Jeow Bong. Thịt gà dai ngon, đậm vị cùng nắm cơm nếp nho nhỏ, dẻo mềm, hòa quyện hương vị chua cay đặc trưng của nước chấm truyền thống Lào, khiến du khách không thể nào quên. Chậm rãi nhai, tôi cảm nhận hương vị mới lạ của gà nướng Savanakhet không giống với bất kỳ món gà nào đã từng thưởng thức.

Cùng với món gà nướng, Savan-nakhet còn nổi tiếng với sòng bài Savan Resort. Đây là một casino nằm trong một resort 4 sao, cách sân bay Savannakhet chừng 10 phút và bờ sông Mê Kông 15 phút lái xe, có nhiều trò chơi được trang bị hiện đại, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nơi đây có hàng trăm phòng nghỉ (giá rất rẻ, tầm 500.000 kip, tương đương 1,4 triệu đồng cho một phòng 2 giường đơn) và nhiều nhà hàng, đặc biệt, khách có thể thư giãn trong các spa hay các dịch vụ mát xa mỗi khi chơi bài xong. Mỗi ngày, hàng ngàn người Thái Lan vượt biên giới đến vui thú đỏ đen tại đây. Bởi thế, Savannakhet được mệnh danh là “Savan Vegas” bên dòng sông Mê Kông. Trong một bài viết về những casino tại Lào, tờ Le Monde của Pháp cho rằng, thực trạng này không thích hợp với một nước nghèo như Lào, quốc gia đứng thứ 130 về chỉ số phát triển con người với thu nhập bình quân trên đầu người chỉ ở mức 300 USD.

Vào casino, tôi qua một lối đi riêng có máy soi và các an ninh to cao người Thái mặt lạnh, nhìn chằm chằm từ đầu đến chân. Bất chợt nghe tiếng kêu bip bip báo hiệu túi quần có vật lạ, một nhân viên đề nghị tôi lấy ra kiểm tra. Nhìn thấy điện thoại, họ đề nghị tôi không được quay phim, chụp ảnh. Có lẽ người quản lý sợ khách đem ma túy và vũ khí vào nên họ tăng cường kiểm soát an ninh. Bên trong, tầng trệt, những sảnh lớn tráng lệ bày ra hàng chục bàn chơi bài blackjack, roulette, baccarat, slot machine, card poker, mini baccarat cùng những loại hình cờ bạc Trung Quốc như xì phé, xập xám, tài xỉu, xí ngầu, mạt chược...với những con bạc giàu có đến từ các nước Đông Nam Á, một số tay chơi người Hoa đeo headphone, chăm chú lắng nghe lệnh chỉ đạo của ông chủ từ xa.

Khi hỏi về lai lịch resort này, cô lễ tân người Thái tâm sự, trước đây, chủ đầu tư Savan Resort là một người Lào có quốc tịch Mỹ định cư tại California, sau này, công ty Sanum (Trung Quốc) có trụ sở tại Ma Cao mua lại, thuê người Thái Lan điều hành và quản lý. Nhìn về khu vực sòng bạc nhộn nhịp, cô chia sẻ, có khoảng 90% người chơi đến từ Thái Lan, còn lại là Lào, Trung Quốc và Việt nam. Khi tham gia sòng, người đánh bài phải sử dụng tiền bath Thái, casino không chấp nhận tiền kip Lào hoặc đồng Việt Nam. Đổi 100 USD, nhận 10 “phỉnh” (còn gọi là token, check, hoặc cheque, một dụng cụ đánh bạc sử dụng trong các casino), tôi dạo vòng quanh sòng bạc để khảo sát. Một người Thái, dường như nhân viên hướng dẫn đi theo tôi mỉm cười, tiếp thị:

- Ở đây, chúng tôi vẫn có “gái” để phục vụ nếu anh thích, đủ hạng từ

Thái Lan, Philippines, Tàu, Myanmar, Campuchia,...

Thấy tôi lắc đầu, gã còn dúi vào tay tấm danh thiếp nói:

- Hãy giữ lấy để gọi khi cần!

Tôi liếc mắt nhìn cuối dãy hành lang, vài cô gái mặc áo dây, chân dài

nõn nà đang “dán mắt” vào những smartphone.

Rời Savan Resort trong buổi sáng tinh mơ, chiếc ô tô phóng nhanh về trung tâm tỉnh lỵ Savanakhet. Thấp thoáng hai bên đường, những ngôi nhà sàn mái tranh, vách nứa đứng lẻ loi giữa vạt rừng hoang dại, một ngôi chợ nhỏ với vài trẻ em đứng bày bán trái cây cùng những loại bánh kẹo Thái Lan. Tôi chợt nghĩ, ở đâu trên thế giới này cũng thế, có những nơi hào nhoáng và tiêu tiền như rác vẫn còn đó, một tầng lớp dân chúng nghèo nàn, khổ cực cùng những mảnh đời khốn khó, chưa có một ngày mai tươi sáng.

Tháp cổ That Ing Hang

Cách trung tâm thành phố Kaysone Phomvihane (tỉnh Savanakhet) 15km theo hướng Đông Bắc, That Ing Hang được xem là điểm hành hương thứ 2 sau Wat Phu - Champasak tại miền Nam nước Lào.

Savannakhet là tỉnh có khá nhiều ngôi chùa với “motif” đồng nhất về hình tượng rắn thần naga, mái đao cong vút, vàng rực những cánh cửa gỗ được chạm khắc tinh vi. Trong đó, That Ing Hang là ngôi chùa cổ nổi tiếng của Lào và Thái Lan, có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm, nơi lưu giữ hàng trăm pho tượng Phật xếp thẳng tắp dọc theo hành lang.

Dưới bóng hoàng hôn tĩnh lặng, vị cao tăng kể rằng, xưa kia ngay tại chỗ Tháp Xá Lợi (ở giữa khuôn viên chùa) có một cây Hang cổ thụ. Hàng ngày, có một vị sư già tựa lưng vào cây Hang để thiền định cho đến khi nhập tịch. Thương nhớ nhà sư, dân làng dựng tháp để lưu giữ xá lợi của ông, đặt tên là That Ing Hang (tiếng Lào gọi là “tựa vào cây Hang”). Năm 1548, That Ing Hang được trùng tu, mở rộng thành một quần thể bề thế. Theo dòng chảy của thời gian, ngôi chùa bị hư hỏng nhiều. Năm 1930, chùa được người Pháp khôi phục nhưng không còn giữ được nét kiến trúc xưa kia.

Thấy tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người mang lẵng hoa đi vòng quanh tháp xá lợi 3 vòng theo chiều kim đồng hồ, một người dân Lào đứng cạnh nói rằng, người nào muốn cầu nguyện thì phải thành tâm khấn vái theo cách đó. Một quy định khắt khe tại đây là muốn vào chùa, phụ nữ phải mặc váy dài qua gối, tuyệt đối không được đặt chân vào bên trong tháp, chỉ có con trai mới được vào nhưng phải bỏ giày để thể hiện lòng tôn kính. Trong tâm thức người Lào, That Ing Hang là ngôi chùa linh thiêng nhất không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh, thu hút một lượng lớn du khách khi đến Lào.

Hoàng hôn buông dần trên lối cỏ còn vương màu nắng nhạt cuối ngày. Tiếng chuông chùa thanh thản ngân vang, thấp thoáng bóng áo cà sa bạt màu sương gió, rất đỗi thân quen của người dân xứ Phật. Chia tay vị sư trụ trì, tôi bước chậm về phía cổng chùa, một vài người dân Lào vẫn còn quỳ lạy, cầu nguyện trước tháp cổ. Trong tâm thức, họ vẫn tin rằng, đất nước Lào sẽ mãi mãi là một miền đất thân thiện, thanh bình bên dòng sông Mê Kông thơ mộng. Cho dù đi nhiều nơi trên thế giới, mỗi lần quay về lại Việt Nam, tôi vẫn thường có cảm giác luyến tiếc nơi mình vừa đến nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Riêng đối với Lào, tôi khó thể quên được hình ảnh người dân Lào hiền lành, tốt bụng, những ngôi chùa trầm mặc, huyền bí, chốn núi rừng bạt ngàn hoang dại, nơi con người buông bỏ hết nỗi lo toan đời thường, tìm về sự an nhiên, tĩnh tại chính trong lòng mình.

V.K

Bài viết khác cùng số

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátThơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh HạnhNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân