Sự tích miếu bà Trà Linh - Phạm Lam

02.07.2019

Sự tích miếu bà Trà Linh - Phạm Lam

Một trong những truyền thuyết dân gian kể rằng, Bà Thu Bồn là nữ tướng của nhà Lê, được sắc phong “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”.

Khi triều đình bị giặc bao vây, đuổi đánh, bà cùng một đoàn người chạy đến Phường Rạnh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam thì ngã ngựa, bị quân thù giết chết, đẩy xuống dòng sông.

Xác bà trôi theo dòng nước rồi tấp vào ven bờ một làng mạc phía hữu ngạn. Cư dân của làng này ngày đó còn thưa thớt, chủ yếu làm nghề chài lưới, trồng tỉa ven sông, cuộc sống rất nghèo khổ. Thấy xác bà nữ tướng bị giặc sát hại, người dân đã cùng nhau đưa bà lên bờ tổ chức an táng với lòng tiếc thương vô hạn. Từ đó, “vong linh” bà nữ tướng luôn hiện hữu độ trì cho dân làng tai qua, nạn khỏi, cuộc sống được ấm no, nhà nhà hạnh phúc.

Với lòng tôn kính về một nữ tướng của dân tộc, người dân dọc hai bờ đã đặt tên dòng sông mang tên bà là sông Thu Bồn. Còn bà con dân làng của một làng ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên lại đặt cái tên của làng mình là làng Thu Bồn để luôn ghi nhớ người nữ tướng trung trinh của dân tộc.

Hằng năm, cứ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, người dân làng Thu Bồn thuộc xã Duy Tân lại tổ chức lễ hội bà Thu Bồn, mang đậm nét tín ngưỡng dân gian.

Còn ở làng Trà Linh thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam thì có bà Trà Linh. Những người cao niên kể rằng, bà Trà Linh là chị ruột của bà Thu Bồn; nhưng cũng có người lại kể, bà là chị chồng của bà Thu Bồn. Chồng bà Thu Bồn là ông Bình Yên. Hiện nay làng Bình Yên, xã Phước Ninh,  huyện Nông Sơn vẫn còn mang tên ông.

Trong lúc bà Thu Bồn bị sát hại, bà Trà Linh cùng một đoàn người tiếp tục băng đèo, vượt núi kéo nhau chạy về hướng thượng nguồn sông Thu Bồn, đến một vùng đất phía trên Hòn Kẽm - Đá Dừng hẻo lánh để cư ngụ. Trong đoàn người ấy có võ sỹ Trần Bình, là một người đả hổ, bảo vệ dân làng mà dân gian còn truyền tụng cho đến ngày nay.

Khi đến đây, bà Trà Linh đã chọn một trảng đồi nhỏ dưới chân Hòn Kẽm - Đá Dừng, có độ cao so với mặt sông mùa nước cạn chừng độ 20 đến 30 mét để làm nơi cư ngụ.

Những người trong đoàn cùng chạy giặc thì tá túc dọc hai bờ sông  trong một khu vực hoang sơ của núi rừng rậm rạp. Họ cùng nhau khai hoang vỡ hóa, cuốc rẫy làm nương, cấy trồng lúa nước, khoai sắn đầy nhà, lúa gạo dư dã; đêm đêm thì thả lưới bủa câu, cá tôm nhiều vô kể. Dưới cái bóng đoan trang, hiền thục, đức độ của một trinh nữ Trà Linh dòng dõi, dân làng quần tụ bên nhau có được cuộc sống bình yên, an lạc, người người ấm no, gia đình hạnh phúc, ai nấy đều rạng ngời vào niềm tin của cuộc sống mới.  Và cũng từ đó làng Trà Linh mang tên bà được ra đời.

Khi cuộc sống đã khấm khá, bà Trà Linh cùng dân làng tổ chức Lễ Hội đua ghe. Họ chia ra từng nhóm, đốn tre chẻ nan, đan, lận, dùng những thân tre đặt ruột, thẳng, chắc làm vành, dùng dầu hắc ín lấy từ một loại cây rừng để quét trong và ngoài kín kẽ, tạo nên những chiếc ghe thon nhỏ, giảm sức cản tối đa của nước, và có kích cỡ bằng nhau để làm thành những chiếc ghe đua trong những ngày lễ hội. Hai bên mạn của đầu mui ghe còn được tạc nên đôi mắt sắc sảo như thổi hồn sông nước vào đó, để nó có sự tinh tường, lướt nhanh, lách nhẹ qua những chướng ngại vật về đích an toàn, thắng cuộc. Cứ vào mùa xuân thì cuộc đua ghe lại được bắt đầu. Thường thì có từ 3 đến 5 chiếc phô diễn sức mạnh lướt sóng của mình. Trên từng chiếc ghe, những tay đua cự phách đồng thanh cất lên những điệu hò khoan thưa - nhặt, quyến rũ lòng người.  Dân làng hai bờ hò reo vang dội. Nhiều người vì quá hâm mộ đã xắn quần lội nước, quên cả mực nước nông sâu, trên tay cầm chiếc nón lá, hay chiếc khăn lau mặt, khoát, vẫy liên hồi để cổ vũ cho đội nhà mà khan cả giọng. Lễ Hội đua ghe ngày ấy ở nơi này đã tồn tại cho đến ngày nay.

Cuộc sống dân làng đang yên vui nhưng không hiểu sao vào một ngày nọ bà Trà Linh lại biến mất. Phải chăng bà đã bị trượt ngã và trôi theo dòng nước lũ trong một cơn lũ càn quét qua làng? Mãi đến bây giờ vẫn không được nghe ai kể về sự ra đi vĩnh viễn của bà, chỉ toàn là chuyện "đoán già, đoán non" vậy thôi.

Tuy bà ra đi về với cõi vĩnh hằng nhưng "linh hồn" bà vẫn hiện hữu phù hộ, độ trì cho dân làng luôn có cuộc sống ấm no, an lạc.

Tỏ lòng tôn kính đối với một trinh nữ dòng dõi có công gây dựng làng quê, bà con dân làng Trà Linh đã chung cùng góp sức xây nên ngôi miếu tại nơi bà cư ngụ để thờ cúng theo nghi thức đình làng. Năm 2002, ngôi Miếu được tôn tạo khang trang hơn. Hai trụ biểu phía trước với hai câu đối cầu mong cho dân làng được toại nguyện hai chữ Phước và Tài: "Đông tiền sơn cao thiên tứ phước/Tây hậu thủy thâm địa sinh tài".

Hằng năm cứ vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, bà con dân làng sắm lễ vật chi nghi, cung kính, cầu nguyện "vong linh" bà, và tổ chức Lễ Hội đua ghe để tưởng nhớ bà, người đã có công tạo dựng môn thể thao sôi động và vui nhộn ở vùng đất này. Vật thờ cúng thường trực được treo trên áng thờ của bà là mô hình một chiếc ghe thu nhỏ. Bên cạnh Miếu thờ còn được dựng lên một lán trại để cất giữ những chiếc ghe đua thời trước, như phô bày sự gìn giữ của lớp người hậu thế về một nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước do bà để lại.

Trong những năm lễ hội đua ghe còn thịnh hành, trước khi đưa đội ghe của làng đi thi đấu ở nơi khác, họ luôn luôn đến Miếu Bà khấn vái, cầu nguyện, và sau đó, lúc nào cũng có giải mang về. Sau những trận mang quân đi đánh xứ người, bà con lại sắm lễ vật tạ ơn "vong linh" bà đã xa giá phù hộ. Rồi họ cùng nhau chén tạc, chén thù, mừng vui chiến thắng vang dội cả một làng quê vùng sông nước.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bà con dùng những chiếc ghe đua này để đưa những cán bộ hoạt động bí mật đến vùng hạ lưu xây dựng cơ sở cách mạng và vận chuyển lương thực, thực phẩm cho cách mạng.

Câu chuyện về Miếu Bà Trà Linh còn bao điều bí ẩn, mờ ảo xa xăm trong tâm thức của bao người mà không còn bất cứ một cụ cao niên nào biết được. Thật tiếc thay!

Ngày khánh thành nhà sinh hoạt cộng đồng và cũng là Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân năm 2018, tôi và nhà thơ Thái Bảo - Dương Đỳnh vinh dự được bà con thôn 2, làng Trà Linh mời về cùng dự. Tôi có dịp nói chuyện với bà con về những nét văn hóa đặc sắc nơi đây, khơi gợi việc lập nên một tuyến du lịch sơ khai ban đầu để phát huy những giá trị tinh thần do thiên nhiên ban tặng và giá trị văn hóa của các bậc tiền nhân để lại, và đã được sự đón nhận nồng nhiệt, hồ hởi của bà con. Thế mới biết, bà con dân làng nơi đây khao khát có được một điều gì đó mới mẻ, tạo nên sự thay đổi cuộc sống của bao đời lam lũ trên những bờ khe, hốc núi mà vẫn chưa thoát được cái nghèo, cái khổ còn đeo bám quanh năm.

Chia tay bà con, chia tay vị Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Luân, ra về mà lòng tôi cứ miên man mơ tưởng về một viễn cảnh nhộn nhịp của các du khách gần xa đến đây chiêm ngưỡng, thẩm thấu những nét văn hóa đặc sắc nơi đây mà không một nơi nào có được.

Giá như những mẩu chuyện dân gian, những câu chuyện huyền thoại, những điển tích huyền bí về Thuồng luồng và Ba Hang, Gành Tiên và Nước Mắt, Trần Bình và Mãnh Hổ, Miếu bà Trà Linh, Thạch Tinh Tửu, Cố Hương Tửu, về Lễ Hội đua ghe, câu chuyện về trận Chiến thắng Trực thăng vận năm nào, về cụ Bà Năm Nghê đã phải chấp nhận hy sinh đứa con thân yêu của mình để bảo vệ một tập thể cán bộ cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ... được xâu chuỗi lại, để xây dựng thành một tuyến du lịch hẳn hoi thì hay biết nhường nào!

P.L

Bài viết khác cùng số

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátThơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh HạnhNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân