Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy Hường

02.07.2019

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy Hường

NSND Nguyễn Nho Tuý sinh ngày 12 tháng 1 năm 1898, hiệu là Hàm Quan, bí danh Thuần Chi, ngoài ra lúc trẻ còn được gọi là Kép Thủ. Quê gốc ông ở xã Điện Minh, huyện Điện Bàn nhưng sinh ra và lớn lên tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông còn có tên khác là Đội Tảo (tên này xuất phát từ việc Nguyễn Nho Túy là người giỏi nghề ở Quảng Nam ra Huế hát cho gánh ông Hoàng Chín - một Hoàng tử rất mê hát Bội rồi được phong chức Suất đội, hàm tùng Thất phẩm theo ngạch lính nên gọi là Đội Tảo). Nguyễn Nho Túy sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống là diễn viên tuồng cung đình dưới triều Nguyễn. Cha ông là Bốn Quảng (Thập Quảng) cũng là một kép hát có nghề vững vàng, hiểu biết sâu rộng trong triều. Thời gian cha của cậu bé Thủ được triều đình Huế gọi ra làm diễn viên cho đội tuồng Hoàng cung và được cử làm Thập trưởng phụ trách mười diễn viên thuộc Bộ Lễ nhưng phiên chế ngạch quân thì Thủ còn nhỏ tuổi, gia đình lại nghèo nên Thủ phải sang chăn trâu cho ông cậu. Tuy vậy, ngay từ nhỏ Thủ đã yêu thích hát Bội và có giọng hát tốt nên những điệu hò, câu Tẩu Mã... cậu bé thường hay hát cho bạn bè nghe để mua vui, giải trí. Có lần, cậu đi giữ trâu, nhưng mải mê hát tuồng nên trâu ăn lúa của người ta. Chủ ruộng độ lượng bảo: “Mày phải hát câu nào la (mắng) con trâu này! Nếu hát 'trên cả tuyệt vời' thì tao tha tội!”. Không một chút ngần ngừ, cậu bé Thủ cầm lấy thanh tre, xuống bộ chỉ vào con trâu, cất lên điệu lối:

“Phản tặc kia tội mày khôn thứ

Gươm thiêng này trừ khử loài gian”

Những lần Thập Quảng về thăm quê, thấy con có giọng hát tốt, ham học hỏi, đam mê hát Bội nên ông dạy thêm cho con diễn tuồng, thổi kèn và cả nhạc tài tử. Thủ còn chịu khó học chơi đàn bầu với một cụ già trong xóm. Sau khi cha mãn hạn lính trở về quê đã đưa Thủ vào gánh hát học nghề để nối nghiệp nhà. Lúc đó Thủ mới khoảng chừng 13 tuổi. Ban đầu Thủ chỉ làm quân ó hiệu ở hậu trường rồi làm quân báo. Những năm sau đó, ông học thêm các vai lớn hơn: từ vai đào em, thế nữ đến các vai đào chính (đào chiến, đào trào, đào phiên) như Loan Dung, Trại Ba, Phương Cơ... Ở tuổi 14, ông đã đóng rất đạt vai Hồ Nguyệt Cô trong vở Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu đóng những vai kép em và bấy giờ Thập Quảng mới đưa con thụ giáo các bậc thầy như Nhưng Bá, Quyền Ngữ... rồi làm diễn viên ở trường hát của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh. Tại đây, ở tuổi 23, từ vai đào, kép em, Nguyễn Nho Túy chuyển sang đóng các vai kép trắng, kép đỏ, kép xanh, kép đen... Ông khẳng định tài năng của mình qua giọng ca ngọt ngào, điệu múa điêu luyện và được mệnh danh là “Con rồng trên sân khấu". Nhưng không vì thế mà ông sớm tự mãn. Ngược lại, thời kỳ này ông ra sức học tập, tiếp nhận và khám phá bí quyết của nghề nghiệp qua những lời chỉ dạy tận tình của các thầy Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhưng Bá. Ngoài ra, ông còn học cách diễn của Phó Phẩm, Chánh Đệ; nghề võ của cụ Chánh Lơn; lối múa của ông Phó Ca Trập ở Quảng Ngãi và học cả chữ Hán, chữ Nôm, thơ phú, sách thuốc Bắc, sách địa lý... Tất cả những kiến thức ấy tuy không theo một hệ thống nào cả nhưng đã giúp Đội Tảo lần ra cái thần của vai diễn để có thể đóng được hầu hết các loại vai: lão võ, lão văn, tướng, nịnh... và cả các vai riêng biệt như Trương Phi, Quan Công. Người trong nghề bấy giờ gọi ông là kép đội được hầu hết các dàn mũ mão trong tuồng. Năm 28 tuổi, ông nhận bằng phó ca của triều đình Huế.

Sau khi nổi tiếng ở Quảng Nam từ tuổi 30, Đội Tảo ra Huế học thêm các bậc thầy hát Bội ở mảnh đất này như: học vai kép trắng, cách đi hia tuyệt vời của bà Cầm; học vai lão, hề, tướng của nghệ sỹ bậc thầy Đội Em; học cách thể hiện tình cảm nhân vật bằng sắc mặt của ông Cửu Đốc; học phong cách múa đầy sáng tạo của diễn viên Ba Thu. Ít lâu sau, ông xin về quê lập gánh hát và đi lưu diễn khắp Quảng Nam, Thanh Hóa, Phan Thiết...

 Không chỉ có hát hay, Đội Tảo còn rất giỏi về múa tuồng, nhất là nghệ thuật sử dụng đôi hia mũi cong trên sàn gỗ như trượt băng của ông thì đến nay vẫn không ai bì kịp. Bạn bè, đồng nghiệp trầm trồ khen ngợi: “Chân hia của ông Tảo biết nói”. Đội Tảo còn rất thành thạo trong việc sử dụng ngọn giáo. Trong tập sách “55 năm trên sân khấu tuồng” (Nguyễn Nho Túy kể, Lê Ngọc Cầu ghi) đã kể lại quá trình rèn luyện lao động nghệ thuật thật công phu gian khổ của ông: “Riêng đôi hia tôi phải tập ngót mười năm mới sạch nước cản”. Ông nói về phép đi hia: “Hia vốn cong, đế lại hẹp, mặt đế chỉ bám vào đất độ vài phân để có thể di động đôi chân được dễ dàng và cách đi đứng cũng biến hóa ra nhiều tư thế. Xỏ chân vào hia mà đứng rất dễ bị chệch qua, chệch lại, dễ bị trật gót. Đi đã ngay rồi nhưng múa không rành rọt cũng dễ bị trật đế. Đứng ngồi không đúng quy cách dễ bị chệch ống. Hia bị chệch thì đường nét nghệ thuật cũng không còn. Đi hia phải chú ý gót và mũi cho thẳng nối tiếp nhau, chân nọ chân kia cân phân. Khi đứng chân trụ thì đứng nửa hia sau, khi đứng chân chữ đinh thì lại chỉ đứng bằng gót, khi ngồi thì mũi hia chân trong đế dính đất, còn chân đặt chữ đinh thì gót lại dựng lên. Nếu ngồi chữ đinh cho rộng dáng phơi bào, phơi mảng thì cả chân trụ và chân đinh đều dừng hai phần hia phía gót. Nếu ngồi chữ bát thì chân đinh nên nghiêng về phía trong cho mãng khỏi trễ xuống mà đế hia được nhẹ nhàng hơn...”

 

Với chân hia tay giáo và giọng hát thiên phú mượt mà cùng sự ham học hỏi, tìm tòi của mình đã đưa Đội Tảo đến vị trí cao nhất của nghệ thuật tuồng. Ông nổi tiếng ở các vai kép hào hoa phong nhã mà vẫn khí khái hiên ngang như Địch Thanh, Đổng Kim Lân, Lý Phụng Đình, Đào Phi Phụng và một số vai chính nổi bật khác như Triệu Đình Long thả con (Dương Chấn Tử), lão Ngạn Quan (Giác oan), Trụ Vương (Trầm Hương Các)... Ông được chọn là người đóng kép giỏi trong Ngũ mỹ (năm người đóng tuồng giỏi nhất) của tỉnh Quảng Nam: Lão văn ông Phẩm (Chánh Phẩm, tức Nguyễn Phẩm), lão võ ông Đệ (chánh ca Đệ), kép ông Tảo, nịnh ông Lai (Sáu Lai, tức Nguyễn Lai), Văn Phước Khôi. Người rành nghề trong Nam ngoài Bắc đều phục tài năng của Đội Tảo và vẫn không thể nào quên các vai diễn của người nghệ sĩ tài hoa này. Ông cũng là kép hát hiếm hoi được chọn vào diễn trong cung đình và được triều đình nhà Nguyễn phong chức Đội. Cùng chung chùm sao sáng của Quảng Nam (Chánh Phẩm, Chánh Đệ, Ngô Thị Liễu), Đội Tảo với lối hát tình tứ, lối diễn tinh tế đã trở thành “cây đa, cây đề,” một thời vàng son tô điểm cho sân khấu tuồng cung đình.

Khi cách mạng tháng Tám (1945) bắt đầu diễn ra, Đội Tảo đã gần 50 tuổi được bổ sung vào đội võ sinh, tham gia cướp chính quyền tại thị xã Hội An rồi dạy võ cho lực lượng dân quân tự vệ. Những lúc Ty tuyên truyền Quảng Nam mời các nghệ sỹ hát Bội bàn việc đưa nghệ thuật phục vụ Cách mạng, Đội Tảo hăng hái tham gia đóng vai chính trong các vở “Cờ giải phóng” (hay Gia đình cách mạng), “Kiều Quốc Sĩ”, “Lòng già yêu nước”. Đặc biệt là vai Thi Sách trong vở “Gương liệt nữ” do Tống Phước Phổ sáng tác.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), NSND Nguyễn Nho Túy tham gia kháng chiến rồi gia nhập Đoàn Tuồng liên khu V do Hoàng Châu Ký thành lập năm 1952 (theo quyết định của Thường vụ Khu ủy Khu V) cùng các nghệ sĩ Nguyễn Lai, Phó Sơn, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm,... góp công xây dựng đoàn. Sau ngày tập kết ra Bắc (1954) Đoàn tuồng Liên khu V vinh dự được diễn cho Bác Hồ xem vở “Chị Ngộ”. Trong vở này, nghệ sỹ Nguyễn Nho Túy đóng vai cụ Bảng - một ông già nông dân yêu nước, có con trai là du kích bị giặc Pháp bắt giết. Đây là vai tuồng hiện đại đầu tiên của tác giả Nguyễn Lai do chính Nguyễn Nho Túy dàn dựng từ những mô hình tuồng cổ cùng với những sáng tạo mới đã được công chúng yêu tuồng cho là thành công, đến nay vẫn còn được khán giả nhắc đến như một tác phẩm mẫu mực về tuồng trong lịch sử Hiện đại. Đặc biệt được Bác Hồ khen là phần thưởng tinh thần vô cùng to lớn. Vì thế, ông càng phấn khởi, tự hào, ra sức phục hồi vốn cổ và sáng tạo ra nhiều nhân vật mới trên sân khấu tuồng.

 Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Nguyễn Nho Túy vinh dự được gặp và diễn nhiều lần cho Bác Hồ xem. Đặc biệt, ông là người nghệ sĩ sân khấu đầu tiên được nhân dân bầu làm Đại biểu quốc hội khóa III. Trong những kỳ họp Quốc hội ngày ấy, ông đều được trực tiếp nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trước Quốc hội. Và một kỷ niệm không thể nào quên là có lần Bác đã gặp riêng NSND Nguyễn Nho Túy trong lúc giải lao, và ân cần dặn dò: “Tuồng tốt đấy, đó là vốn quư của dân tộc nhưng cần phải cải tiến, không nên giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, chớ có gieo vừng ra ngô”. NSND Nguyễn Nho Túy xúc động tiếp thu từng lời nói vô cùng sâu sắc của Bác và hứa sẽ cùng đồng nghiệp thực hiện lời dạy của Người. Cho đến hôm nay, câu nói của Bác vẫn còn nguyên giá trị, là định hướng, kim chỉ nam cho Nhà hát tuồng Đào Tấn cũng như cho cả ngành sân khấu dân tộc Việt Nam đi tới.

Sinh thời, nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy thường tâm sự: "Dưới chế độ cũ, chức gì cũng chỉ là một kép hát, sống khổ nhục đủ điều. Nếu không có nhân dân yêu mến đùm bọc thì nghệ thuật truyền thống của cha ông sẽ bị mai một và những nghệ sĩ chúng tôi cũng chết dần chết mòn trong cảnh thất nghiệp và đói nghèo. Chỉ có Đảng, có Bác Hồ thì cuộc sống người nghệ sĩ mới đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp của nó là "Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa".

Hai mươi năm tập kết ra Bắc là thời kỳ người nghệ sĩ bậc thầy Nguyễn Nho Túy có những đóng góp rất lớn cho nghệ thuật hát Bội về nhiều mặt: nghiên cứu lý luận, tham gia giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ diễn viên tuồng. Công trình “Những Nguyên tắc, Quy tắc phát âm trong Tuồng” của ông ra đời trong thời gian này. Cũng với tập sách “55 năm trên sân khấu tuồng”, NSND Nguyễn Nho Túy đã có lời nhận xét từng nhân vật trong vở tuồng cổ nổi tiếng “Sơn Hậu” của tác giả Đào Tấn khá xuất sắc: “Đổng Kim Lân là người tận trung với nước với vua, có hiếu với mẹ, chí tình với bạn, có nghĩa với mẹ con Thứ Phi, mang một tinh thần căm ghét không đội trời chung với bọn nghịch tặc, hết lòng vì sự nghiệp chung, hiến dâng cuộc đời mình cho trật tự chúa sáng tôi hiền. Đó là người chí dũng song toàn trước bạo quyền bất khuất, khi tấn công quân thù thì chí dũng oanh liệt, khi gặp tai biến thì mưu trí khôn khéo. Còn sự hy sinh của Khương Linh Tá là tấm gương nghĩa khí, ngọn đèn soi đường cho cả thế hệ”.

 Chính NSND Nguyễn Nho Túy cũng là người đã trực tiếp đào tạo nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho ngành Tuồng cả nước như Võ Sĩ Thừa, Đình Bôi, Đinh Quả, Minh Ngọc, Tiến Thọ, Đình Sanh, Vĩnh Phô, Hưng Quang, Quang Hạnh, Nguyễn Kiểm...

 NSND Võ Sĩ Thừa - một trong những người học trò xuất sắc của nghệ sĩ bậc thầy Nguyễn Nho Túy từng kể lại trong cuốn “Võ Sĩ Thừa - Tình yêu và nghệ thuật”- NXB sân khấu Việt Nam : “Sau ngày tập kết ra Bắc, tôi lại được học vai Tạ Ngọc Lân của của thầy Nguyễn Nho Túy, tôi mới thấy rõ vai Tạ Ngọc Lân của tuồng Quảng Nam có nét riêng và đặc sắc so với tuồng Bình Định. Đối với tuồng Quảng Nam, nhân vật Tạ Ngọc Lân bước đi hơi dài, hai đầu gối mở rộng, đầu lắc lư và động tác múa đơn giản. Ví dụ, thầy hát Nam câu:

“Trông chừng gai gốc thẳng xông

Đường nghê nhẹ tách, cửa rồng chân noi”

Câu hát Nam trên chỉ dùng một động tác “đởm” là đủ và vẫn làm rõ tính cách của vai Tạ Ngọc Lân. Hoặc lớp “Đốt dinh Kim Hùng” và  Kim Hùng nhảy vào lửa cũng đơn giản trong vài động tác. Còn vai Tạ Ngọc Lân theo phong cách tuồng Bình Định thì bước đi ngắn, gối kẹp lại, đầu không lắc lư, động tác khá phức tạp. Ví dụ, cũng câu hát Nam trên, sau động tác “đởm”, chiếc gậy kẹp thẳng và lật trái một vòng tròn rồi ngã ngồi và nhổ gai. Khi Tạ Ngọc Lân đốt dinh Kim Hùng, phải một lần nhảy trái, hai lần nhảy lộn rồi mới phóng lửa đốt dinh và dùng thế võ hiểm mới cõng được Kim Hùng nhảy vào lửa.” Như vậy, nhờ được học thêm thầy Nguyễn Nho Túy mà Võ Sĩ Thừa mới biết điểm khác biệt trong cách diễn cùng một nhân vật giữa tuồng võ Bình Định và tuồng văn Quảng Nam. Vì thế, Võ Sĩ Thừa lại được trải nghiệm và tích lũy, làm “giàu” thêm vốn nghề quý mà cha ông ta để lại.

            Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) NSND Nguyễn Nho Túy về công tác tại Đà Nẵng, tiếp tục giảng dạy cho các diễn viên trẻ trong đoàn tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi dạy, ông rất chú ý lắng nghe học trò hát, nếu hát sai chỗ nào thầy chỉnh sửa ngay. Thầy Nguyễn Nho Túy dạy học trò rất tỉ mỉ: “Đào đi thì hai gối phải sát lại nhau, thân hình thẳng, không vẹo bên này bên kia, hai bàn chân đi một bước vẽ thành đường thẳng, dù có đi vòng cũng vậy, gót chân sau đưa đúng đầu bàn chân trước bước lên. Đi như vậy sẽ nhẹ nhàng kín đáo, lại giữ được cái cuổn khỏi méo và bàn chân cũng không lòi ra, không vướng víu. Kép thì đi bước cũng tương tự như đào, nhưng khoảng cách của mỗi bước xa hơn, thân hình thẳng không chao đảo, xiêu vẹo, kỵ đi “vòng rây”, kỵ đứng “phỏng lửa”. Đứng phải đặt chân theo chữ đinh, không được trơ, cứng, không để chết đôi hia. Ngồi cũng đặt chân theo chữ đinh, có khi theo hình chữ bát, cũng có lúc ngồi dựng hia. Người đói cái đầu tỉnh táo, cái chân rã rời nên khi đi cái đầu không chao đảo nhưng ngắt lên có vẻ nặng nề, còn đôi chân run rẩy trông chừng mất cả sinh lực. Người say đôi chân khỏe khoắn nhưng đầu lại quay cuồng nên khi đi cái đầu nghiêng ngả chao đảo ra sau mà đôi chân bước tới xem như còn khỏe. Người say thì chân bước tới mà đầu cứ như níu lại, còn người đói thì đầu muốn bước mà chân đi không nổi... Người diễn viên tuồng biểu hiện tâm tư tình cảm nhân vật không chỉ qua múa tay, múa chân mà còn bằng cả múa mặt, múa đầu, múa mắt, múa vai, thậm chí múa cả thớ thịt ở má, ở mũi... Nói chung là phải “toàn thân đô thị nghệ”. NSND Nguyễn Nho Túy rất thương học trò, nhất là những người làm được nghề ông lại càng quý. Ông dành phần lớn thời gian trong quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình cho công tác giảng dạy, đạo tạo diễn viên trẻ.

Quan điểm của NSND Nguyễn Nho Túy về hát rất khoa học. Chỉ hát khi nào cần hát chứ không phải vì hát hay mà chỗ nào cũng phô trương khoe hơi khoe giọng. Ông nói gọn: “Nói thường hát nảy” và rất chịu khó ngồi nghiền ngẫm từ lý trong câu hát để thể hiện cho tinh tế, sâu sắc. Cụ thể, trong trích đoạn “Kim Lân thượng thành” (tuồng Sơn Hậu) vì phải day dứt, trăn trở giữa trung và hiếu, Kim Lân đã tìm kế hoãn binh hẹn 3 ngày sau trở lại đầu hàng, trong lòng đầy xót xa uất hận:

“Xếp ngọn ngù lui khỏi Tạ Thành

Gượng lên ngựa trông chừng Sơn Hậu

 

Nam:

Sơn Hậu phăng phăng lối cũ

Đoái Tạ thành lụy đổ dường mưa

Ngọn cờ tiếng trống bơ thờ

Thảo thân ngay chúa sững sờ hai vai”

 

Không thể hát Nam Bình được (tính chất trang trọng) và cũng không thể hát Nam Ai (tính chất bi lụy) nên các nghệ sĩ bậc thầy đã sáng tạo ra lối hát Nam Thương hoặc Nam Bình Lụy. Trên cơ sở sáng tạo ấy, NSND Nguyễn Nho Túy đã mạnh dạn thay đổi, hát hẳn vế “Đoái Tạ thành lụy đổ dường mưa” bằng làn điệu Nam Ai vì ông cho rằng: dù là tướng nhưng Kim Lân cũng vẫn là con người, có phải gỗ đá gì đâu mà không có lúc bi lụy, cứ hát Nam Ai cho xúc động. Quả nhiên, vế đó hát Nam Ai đã gây hiệu ứng mạnh mẽ, để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả “ghiền” tuồng.

Hay một trường hợp khác chứng minh sự sáng tạo của NSND Nguyễn Nho Túy, trong câu hát Nam đưa thư của nhân vật Nô bộc (tuồng Sơn Hậu):

“Bất lẫn cúi vâng lời ngọc

Dám đâu sai chân tóc mảy lông”

Nếu hát theo Nam bình thường thì tính chất vui, trang nghiêm không hợp với nhân vật Nô bộc nên ông cố tình hát chênh đi 2 chữ “vâng” và “sai” để tạo ra tính cách khúm núm và sợ hãi. Chính sự hát chênh đó đã trở thành khuôn mẫu cho điệu Nam đưa thư và người trong nghề thường nói: “Nếu không hát được điệu Nam đưa thư thì không phải là người rành nghề”. Cho đến nay, những người đã xem NSND Nguyễn Nho Túy biểu diễn vẫn không sao quên được những vai kép điệu nghệ, đôi mắt, cái miệng rất có duyên cùng giọng ca ngọt ngào, uyển chuyển, tình tứ đã ăn sâu vào tâm thức của những người yêu tuồng.

 

NSND Nguyễn Nho Túy còn là người có công lớn trong việc phục hồi và phát triển nghệ thuật tuồng truyền thống với hàng chục vở cổ được ghi lại, diễn lại; hàng trăm làn điệu và động tác được ông truyền lại cho thế hệ trẻ. Theo lời kể của Giáo sư Hoàng Chương -  Tổng giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy Nghệ thuật dân tộc: “Mùa hè năm 1977, tôi vào trực tiếp chỉ đạo quay phim về tuồng cổ ở Đà Nẵng. Nghệ sỹ bậc thầy Nguyễn Nho Túy tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn cố gắng diễn cho chúng tôi ghi lại những vai tuồng nổi tiếng của ông để làm tư liệu nghiên cứu và giảng dạy. Những lúc bàn về khai thác nghệ thuật tuồng truyền thống, NSND Nguyễn Nho Túy thường nhắc tới lời dạy của Bác Hồ như để định hướng cho mọi người trước thực trạng sân khấu tuồng đã có xu hướng lai căng và kịch hóa”.

Đó cùng là lần cuối cùng NSND Nguyễn Nho Túy lên sân khấu diễn để quay phim, ông rất vui và nói với các đồng nghiệp rằng: “Đời tôi chỉ còn một ước mơ lớn nhưng chưa thực hiện được, đó là việc thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu tuồng! Nhưng tôi tin các thế hệ diễn viên trẻ sẽ thực hiện được nhiệm vụ vinh quang này...”. Và lòng tin của người nghệ sỹ bậc thầy này đã thành hiện thực khi các thế hệ học trò của ông đã thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu Tuồng như NSND Võ Sỹ Thừa vai Hồ Chủ Tịch trong vở “Sáng mãi niềm tin”, NSND Lê Tiến Thọ vai Bác Hồ trong vở “Không còn đường nào khác”.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, có một kỷ niệm về tình bạn đẹp giữa NSND Nguyễn Nho Túy và nghệ sỹ Nguyễn Phẩm. Năm 1939, khi một số nghệ sĩ hát Bội của Quảng Nam vào Bình Định dự hát hội. Đêm diễn vở “Võ Tòng đả hổ”, nghệ sỹ Nguyễn Nho Túy vào vai Võ Tòng. Một diễn viên Bình Định vào vai con hổ. Biết diễn viên đất võ này có “ngón”, nghệ sĩ Nguyễn Phẩm dặn dò Nguyễn Nho Túy phải giữ mình kẻo vị hổ vồ thật. Dù có võ và đã thận trọng giữ mình, “Võ Tòng” vẫn bị “Hổ” cào xước cả mặt, không diễn được nữa.

Đêm sau diễn vở “Sơn Hậu”, theo dự kiến của Ban chỉ đạo hát Bội, kép Bình Định đóng vai Đổng Kim Lân ở đoạn “Phá tiểu giang sơn” và một kép Quảng Nam thay vai ấy ở đoạn “Kim Lân qua đèo”. Biết bạn diễn của mình đang buồn, nghệ sĩ Nguyễn Phẩm chân thành khuyến khích Nguyễn Nho Túy đảm nhiệm vai ấy để lấy lại uy tín nghề nghiệp nhưng ông vẫn cứ phân vân mãi.

Sắp vào buổi diễn, hai người đều hóa trang, nghệ sĩ Nguyễn Phẩm cố tình làm chậm lại nhưng giục Nguyễn Nho Túy làm nhanh lên. Đến lúc Đổng Kim Lân thay vai phải ra tuồng, cả hai đều có mặt sau cánh gà. Lấy cớ là Nguyễn Nho Túy đã hóa trang và phục trang xong, Nguyễn Phẩm đẩy Nguyễn Nho Túy ra sân khấu. Thông cảm và tin tưởng tấm lòng ưu ái của bạn, Nguyễn Nho Túy tập trung tài nghệ biểu diễn. Tiếng trống chầu nối tiếp giòn giã vang lên khen ngợi vai kép nổi tiếng của đất Quảng Nam. Sau lần diễn ấy, khán giả Bình Định nhớ mãi hình tượng “Đổng Kim Lân qua đèo” qua tài nghệ của Nguyễn Nho Túy. Và sau lần đó, tình bạn giữ hai người nghệ sĩ càng thêm bền chặt, gắn kết. Nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy thêm phần yêu thương, quý trọng người bạn nghề luôn gắn bó với mình, cùng vượt qua những khó khăn, vướng vấp trong cuộc đời làm nghệ thuật.

Về gia cảnh, Nguyễn Nho Túy có người con nối nghiệp là NSƯT Nguyễn Văn Hảo (Bốn Hảo) - người độc nhất học được nghệ thuật đi hia mũi cong của ông. Con gái ông Hảo là NSƯT Nguyễn Thu Hà - ngôi sao tuồng miền Trung hiện nay. Như vậy là cụ Nguyễn Nho Túy - “con rồng trên sân khấu” đã có thể yên tâm khi có thế hệ nối nghiệp của ông cha.

Nguyễn Nho Tuý là một nghệ sĩ xuất sắc, đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển sân khấu tuồng hiện đại. Ông còn là ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ông mất vào ngày 30 tháng 6 năm 1977. Sau khi mất, năm 1984, ông được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngay từ đợt đầu tiên. Đến nay, NSND Nguyễn Nho Túy đã đi xa gần 40 năm rồi nhưng ngành tuồng cả nước vẫn mãi mãi nhắc tên ông như một thần tượng.

T.H

Bài viết khác cùng số

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátThơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh HạnhNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân