Nghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân

02.07.2019

Nghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân

Múa đang là loại hình nghệ thuật phổ biến trong đời sống xã hội: múa sinh hoạt như khiêu vũ giao tiếp, múa lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa du lịch, múa biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp, sân khấu quần chúng và múa trên đường phố theo nhu cầu tuổi thanh thiếu niên tiếp thu nhịp điệu hiện đại thế giới.

Hiện nay múa trong lễ hội đang ngập tràn về số lượng nhưng yếu về chất. Đã đến lúc cảnh báo về sự nhàm chán qua những chương trình lễ hội giống nhau về bố cục và ngôn ngữ múa đạo cụ. Riêng múa trong các chương trình biểu diễn văn hóa du lịch, cần chú trọng bản sắc vùng miền, làm sao cho khán giả đến xem nơi này phải lạ hơn nơi khác.

Bây giờ nói tới nghệ thuật múa trên sân khấu chuyên nghiệp.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, múa thật sự là bộ môn nghệ thuật diễn nơi chiến hào với các nội dung đề tài của hiện thực cách mạng, góp phần vào thúc đẩy ý chí tinh thần chiến đấu, chiến thắng của toàn dân. Hiện thực được các nghệ sĩ múa phản ánh vào tác phẩm mang tính thời sự, ngôn ngữ múa diễn đạt những nhân vật cuộc sống chiến đấu, sản xuất dưới bom, bão đạn với những tình tiết dắt dẫn dễ hiểu lôi cuốn người xem, hòa đồng vào tình cảm cách mạng để nâng cao tinh thần chiến đấu hy sinh vì ngày mai chiến thắng. Những tác phẩm là dấu ấn của một thời.

Xây dựng tác phẩm múa hôm nay có một cách nghĩ khác có thể do tư duy thẩm mĩ thời đại, nặng về khái quát tượng trưng. Ngôn ngữ múa cũng phát triển kỹ thuật, kỹ xảo tiết tấu và luật động tiếp thu tính hiện đại.

Tuy nhiên, sự tránh né hiện thực cũng đang có những biểu hiện trong tư duy của nhiều biên đạo múa. Muốn phản ánh hiện thực sâu sắc, nghệ sĩ phải thực sự hiểu biết về cuộc sống, không ít sự lạm dụng đặc trưng khái quát của nghệ thuật múa để làm ra những tác phẩm múa dân tộc chung chung như “Một thoáng quê hương”, “Một thoáng vùng cao”. Niềm vui, hương sắc của vùng này, vùng nọ v.v... Một số biên đạo gia công chế tác cầu kỳ về ngôn ngữ nhưng về cấu tứ, ý tưởng thì vụng về, sơ lược.

Hiện thực xã hội hôm nay, giữa nền kinh tế thị trường, đối tượng thẩm mĩ của nghệ thuật múa chân chính trở nên hạn hẹp. Một thực tế múa khác như múa hiện đại, mang yếu tố tượng trưng, khái quát chưa nhiều người biết thưởng thức. Đại đa số nhân dân lao động chỉ xem múa trên các kênh truyền hình, ít ai có thời gian, tiền bạc đi xem múa nơi nhà hát.

Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trong những năm qua hết sức cố gắng, tài trợ khích lệ cho các tác giả xây dựng các vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng hoặc lịch sử truyền thống dân tộc. Nhưng những tác phẩm đề tài này xem ra chưa phát huy vào đời sống xã hội bởi nhiều lẽ: Ngành múa chưa tìm ra được những phương thức cho các tác phẩm múa chuyên nghiệp sống cùng với người khán giả; Trình độ thẩm mĩ của khán giả với bộ môn nghệ thuật múa chưa cao, chưa đánh giá đúng giá trị của các tác phẩm nghệ thuật múa đích thực.

Từ những lẽ trên, nhiều biên đạo múa phải chạy theo thị hiếu thị trường, hạ thấp giá trị nghệ thuật để làm ra các thành phẩm phục vụ theo yêu cầu trước mắt, thỏa mãn thẩm mĩ tầm tầm, quên đi chức năng phản ánh và giáo dục hiện thực cuộc sống.

Phương hướng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề ra mục tiêu xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng các tác phẩm có giá trị hiện thực cách mạng và tổ chức hoạt động xã hội cho nghệ thuật múa.

Để làm được điều này cần có sự đầu tư tài trợ thích đáng cho việc sáng tác, dàn dựng, phổ biến các tác phẩm có đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài hiện thực xây dựng đất nước. Nhân đây cũng nói thêm về chế độ chính sách đào tạo nuôi dưỡng diễn viên nghệ sĩ biểu diễn múa, lấy cơ thể của mình làm ngôn ngữ thể hiện. Tác phẩm múa muốn cho hay ngoài khâu sáng tác của tác giả, biên đạo còn là sự thể hiện sáng tạo của diễn viên. Những năm qua, dù đã đề xuất rất nhiều về chế độ đặc thù cho nghệ sĩ múa, nhưng Nhà nước chưa đáp ứng được. Trong cơ chế thị trường, Hội Múa dựa vào Nhà nước chỉ một phần, phải có sự vận động tự thân tổ chức các hoạt động xã hội hóa để múa đi sâu, thấu hiểu vào công chúng, vào đại bộ phận công chúng. Từ mọi công tác tổ chức biểu diễn, công tác lý luận hướng dẫn cho công chúng hiểu được cái hay cái đẹp đích thực trong nghệ thuật múa. Khi nghệ thuật múa tạo được sự hiểu biết yêu thích của đông đảo khán giả, ví như có thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm cao cấp của nghệ thuật múa. Sân khấu, nhà hát sẽ là nơi có thu nhập cao để người sáng tác, diễn viên có thu nhập tái sản xuất. Bên cạnh đó, các hình thức quảng bá nghệ thuật múa Việt Nam ra bốn biển năm châu theo con đường văn hóa du lịch chắc chắn sẽ thu được nhiều kết quả, nếu sự đầu tư cho quảng bá chương trình tác phẩm múa dân tộc Việt Nam được đúng đắn và thích đáng.

L.H

Bài viết khác cùng số

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátThơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh HạnhNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân