Thượng nguồn - Lê Trâm

02.07.2019

Thượng nguồn - Lê Trâm

1. Tôi rà thắng, cố trượt theo con dốc dựng đứng. Rồi cũng “trượt” hết cả người lẫn xe xuống cái bến đò ấy. Cả ba, người và xe, cùng lên chiếc thuyền chấp chới sóng nước. Đoạn sông ở thượng nguồn này hẹp nhưng nước chảy xiết, thuyền cứ chao đảo liên tục. Nghe nói hồi mới xây dựng khu kinh tế mới Đồng Làng không dễ gì vượt qua con đò nối hai bến sông Trà Linh - Đồng Làng huyền thoại này. Ngày ấy, cái bến sông cũng chính là nơi tập kết gỗ từ trên rừng đổ về. Cùng trăm thứ lâm sản hầm bà lằng khác. Mây, đót,... đến cả... trái ươi bay!

Anh bạn ở Đội chiếu bóng tỉnh cứ xăm xăm chạy theo con đường bê tông vốn đã quen thuộc với anh ta từ hơn mười năm trước. Đường rõ ràng đã quá dễ đi nhưng sao tịnh không bóng người? Lại thêm một cái bến sông hiện ra trước mắt. Lần này rút kinh nghiệm tôi dừng xe phía đầu con dốc dựng đứng. Nơi này trước kia nước lấp xấp kiểu một cái ngầm thời chiến tranh, anh bạn chiếu bóng bảo thế, nhưng lúc này coi bộ xe qua cũng lút mất... yên xe. Té ra nhầm đường! Lại phải loanh quanh chừng bốn, năm cây số mới tới cái bờ suối phía bên kia.

Có lẽ hồi ấy họ, những người đi kinh tế mới, chủ yếu trông chờ vào những vạt ruộng nho nhỏ chạy dọc con suối này đây.Và những triền núi được vỡ ra để trồng sắn hay bắp. Một thời lương thực được xếp lên hàng đầu. Sau đó là thực phẩm, nhu yếu phẩm. Các thứ sau này hầu như đều phải vận chuyển lên từ đồng bằng, nghĩa là ở xa tít tắp đâu dưới xa xa kia. Tất cả phục vụ cho cái ăn đã! Ngày đó dân còn phải ra khiêng máy chiếu, máy nổ, màn hình các thứ để đội chiếu bóng về chiếu cơ mà.Văn hóa chỉ là món xa xỉ. Cây rừng có chặt về thì cũng chỉ để làm nhà che mưa che gió qua ngày thôi! Chưa phải là đặc sản như bây giờ.

Người hẹn chúng tôi nhà ở đầu xóm Đồng Làng lại đi ăn giỗ đâu đó chưa về. Chỉ còn mỗi hai bà cháu. Hóa ra cô con gái lại là học sinh cũ của tôi. Cô bé về ở nhà chú dưới quê học cấp hai, cấp ba xong đi học trung cấp y vừa tốt nghiệp đang chờ xin việc. Nó bảo kiểu đi học như cháu nhiều lắm thầy ơi, còn số khác thì cơm đùm cơm nắm qua trọ học bên thị trấn Tân An, lâu lâu mới về làng chứ ở đây lớp 3 là hết! Bà mẹ vợ của anh chàng chủ nhà té ra là dân dưới Khánh Bình, Quế Ninh lên đây mở quán bán tạp hóa rồi ở lại luôn. Chừ con cái đứa nào cũng có cơ ngơi hết. Như đứa con gái của bà có cơ sở máy gạo và quán tạp hóa từ bao nhiêu năm rồi, buôn bán cũng tàm tạm. Bà bảo hồi xưa tuy cực nhưng nhộn nhịp lắm. Người ta đi mót ươi, sau đó chặt luôn cả cây để hái trái cho... gọn! Và rồi, chừ chẳng còn cây ươi nào, kiếm trái ươi mần thuốc cũng không ra! Hồi ấy, người ta đi rừng nhiều lắm, gỗ tốt bạt ngàn trên núi, trong kia, tít rừng xanh kia. Hễ chiều xuống là trâu theo nhau từng đàn kéo gỗ ra bến sông chờ xuôi xuống dưới! Có nhiều ngày gỗ về chất chật bãi không chỗ đi. Giờ thì hết rồi, mà cũng đâu thấy ai giàu. Có vài người kha khá thì một số đã dời đi nơi khác, một số cũng đã... theo ông bà rồi, chừ chỉ có rừng keo. Ai khá thì được một số héc nhưng cũng không nhiều lắm. Bây giờ làm chủ ở đây đã là thế hệ thứ hai, thứ ba, sống chủ yếu nhờ các rừng trồng, một ít ruộng và rẫy. Không còn khai thác gỗ tùy tiện như xưa nữa. Bây giờ, đường sá đã mở đi các nơi, như phía trong của làng xưa là rừng giờ đã thông qua đường Trường Sơn Đông chỉ qua mấy cái ngầm nho nhỏ.

Hình như người sống nhờ các rừng keo là chủ yếu mà giá của các rừng keo này chẳng cao bao nhiêu, khó có thể đổi đời ngoại trừ đôi ba người sở hữu diện tích lớn. Đang mùa khai thác keo nên thấy xe chạy khắp nơi, chạy lên tận các vạt rừng ăn sâu vô núi. Trước cửa ngõ vào hầm chui Hiệp Hòa trên đường Trường Sơn Đông nơi chúng tôi qua cũng có hai ba chiếc xe tải đang chất gỗ keo lên chờ chở về xuôi. Rồi chủ nhà cũng kịp về và bày ra một bàn. Nghe kể thấy toàn người quen từ các xã phía Đông lên. Tôi nhớ ngày ấy ra đi thường là những người ít ruộng, nhà có nhiều sức lao động, một số mang theo ý chí “đổi đời” nhờ nơi ở mới nhiều đất đai mầu mỡ. Những cuộc chia ly cũng không ít ngậm ngùi...

2. Có thể nhiều câu chuyện buồn không còn ai nhớ nữa. Phần vì thời gian đã khá lâu, phần vì người ta còn bận bịu bao nhiêu chuyện làm ăn, hơi đâu... nhắc chuyện cũ. Ngồi lại với anh chàng chủ nhà cùng với mấy người nữa, càng hỏi càng gặp thêm người quen. Ông em con ông chú trong họ bảo nửa tiếng nữa sẽ về. Lại nửa tiếng! Hình như các cung đường tính từ nơi này sang nơi khác nên cứ phải nửa tiếng đến một tiếng mới tới chăng? Rồi cũng đủ mâm bát. Ông Bốn Ca ngồi nói chuyện tếu một lát rồi cũng xin kiếu vì mới đi ăn cỗ về. Ông cũng đang định tranh chức vô địch nói lái với ông Tám Lái bên Trà Linh nhưng coi bộ chưa “xi nhê” gì so với anh Tám. Anh bạn chiếu bóng giục sang thăm nhà mấy người quen cũ hồi cùng đội xuống chiếu “phin” hồi... mười năm trước. Nhưng chiếc xe của tôi bỗng câm như hến, loay hoay đạp miết cũng chẳng nổ.

Để thấy rằng bốn mươi năm trước khi có ai đó bịnh hoạn chỉ còn nước khiêng bằng võng qua con đường lầy và rậm rạp lại phải theo ghe qua đò, thêm gần hai chục cây số nữa mới tới bệnh viện huyện ở thị trấn Tân An. Bao nhiêu người đã không kịp đến bệnh viện như đứa con của ông hàng xóm từng ở cùng đội sản xuất của tôi ngày nào? Rồi xe cũng chịu nổ bằng... cái bình ắc quy của xe anh chiếu bóng! Đã ba, bốn giờ chiều. Chúng tôi vội chào lần nữa rồi chạy xe lên đầu xóm. Đứa cháu nguyên là trưởng thôn bày sẵn dĩa nhộng ong cùng mấy ông hàng xóm, cùng bao lời chào thân tình. Tôi ở thôn này thôn kia, xã này xã nọ... Đi sao đành! Thêm vợ chồng ông cựu bí thư xã nữa. Tất cả quây quần bên chiếc bàn bày trước hiên nhà anh chàng cựu cán bộ thôn. Phải viện lý do chưa đi đường này lần nào mới rời được đám tiệc kèm theo lời hẹn lần sau sẽ lên.

3. Anh chàng chiếu bóng bảo ngày trước đi tới đây là ...hết xóm, là bắt đầu đi vào rừng xanh thâm u. Bây giờ thì đường sá đã mở rộng thênh, lúc chiều xe bán tải còn chạy vô tận đây, chắc là qua cầu Tân An rồi chạy vòng xuống theo bờ tây sông Thu Bồn, đi ngược hướng với chúng tôi. Nghĩa là đường mở vô luôn trong rừng. Đang ngổn ngang nên phải vượt qua hai cái ngầm nước khá sâu nhưng có thể vượt được chứ không như cái ngầm từ dưới bến đò Trà Linh lên Đồng Làng lúc sáng. Chạy một đoạn chưa xa đã thấy đường Đông Trường Sơn bày ra trước mắt! Tôi khá bất ngờ! Nghĩa là thay vì chui vô rừng sâu như lúc trước, từ con đường tráng nhựa rẽ theo hướng Bắc sẽ chạy ra tận Thạnh Mỹ và có thể chạy tuốt ra tận Lạng Sơn, còn rẽ theo hướng Nam sẽ chạy vô Trà My; qua Phú Yên, Đắc Lắc đến cầu Suối Vàng - Lâm Đồng  rồi nhập với đường về... Sài Gòn! Đường đã được mở chính tại nơi “tắc” nhất! Về tận chốn xa xôi là Đồng Làng này lại có cơ hội để đi khắp nước, quả thật kỳ diệu!

 Một ngày của tôi như đã làm cuộc hành hương kéo dài đến cả bốn mươi năm. Bốn mươi năm sau cuộc chạy trốn đói nghèo, thượng nguồn bây giờ đã đổi thay, đời sống đã phong phú hơn rất nhiều.

L.T

Bài viết khác cùng số

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátThơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh HạnhNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân