Đọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị Phương

02.07.2019

Đọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị Phương

Trong số những người nghiên cứu về lý luận văn học và văn học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là nhà văn, nhà báo chuyên đi sâu nghiên cứu lịch sử lý luận, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX. Sau 6 cuốn sách in riêng, ông vừa cho ra mắt tuyển tập tiểu luận - phê bình - chân dung văn học 1974 - 2017 có nhan đề: Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương xuất bản năm 2018. Đây là tập sách thứ 7 thuộc loại nghiên cứu lý luận phê bình của PGS.TS. Nguyễn Ngọc.

Sách tuyển chọn những bài nghiên cứu lý luận, phê bình và chân dung văn học đã được tác giả công bố trong các Hội thảo khoa học, các báo, tạp chí chuyên ngành từ năm 1974 trở lại đây. Nội dung tuyển tập được trình bày thứ tự trong ba phần chính gắn bó trong một chỉnh thể là: Tiểu luận và nghiên cứu; Phê bình; Chân dung văn học.

Phần thứ nhất, Tiểu luận và nghiên cứu: Các vấn đề lý luận được tác giả nghiền ngẫm, theo sát những chủ đề lớn và trình bày môt cách rành rẽ: Đường lối văn nghệ của Đảng và sự phát triển của văn học nghệ thuật; Đề cương văn hoá Việt Nam - văn kiện mở đầu vạch đường dẫn lối về phương hướng chiến lược dự báo những bước phát triển viễn cảnh của nền văn hoá Việt Nam. Những bài viết có tính thực tiễn cao được tác giả làm rõ như: Nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của lý luận văn học Việt Nam qua tiếp thu Lý luận văn học từ nước ngoài. Đó là sự tìm tòi, định hướng phát triển phù hợp để lý luận văn nghệ ở Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.

Trong bài viết Chiến lược phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật phát triển, làm rạng danh đất nước, tác giả khẳng định: “Đã đến lúc, chúng ta cần phải có chiến lược và quyết sách táo bạo để phát hiện, bồi dưỡng, trân trọng, đãi ngộ, sử dụng đích đáng, giúp tài năng văn học nghệ thuật phát triển thăng hoa tới những đỉnh cao, làm rạng danh đất nước hôm nay và mai sau..

Chúng ta cần có đội ngũ văn nghệ sĩ giàu tài năng. Cần thực hiện những chiến lược và quyết sách để phát hiện bồi dưỡng, trân trọng, đãi ngộ, sử dụng đích đáng các tài năng, phát huy tính chuyên nghiệp của tài năng tâm huyết với nghệ thuật. Nếu tác giả không có được một hệ thống kiến văn uyên bác, giàu tính phản biện khoa học thì khó làm nên những trang viết sắc sảo như vậy. Ông có những bài nghiên cứu về Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hải Triều, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan; Nguyễn Đình Chiểu; những sáng tác Vũ Trọng Phụng, Nam Cao; nhà thơ, nhà văn hoá dân tộc Nông Quốc Chấn. Có thể nói, trong độ lùi cần thiết của lịch sử, những bài nghiên cứu của ông đã nhìn nhận thỏa đáng các khía cạnh nghiên cứu của vấn đề.

Phần thứ hai, Phê bình: Ông phê bình những tác phẩm thơ, truyện ngắn, chân dung văn học, hồi ký - tự truyện, tiểu thuyết... Đặc biệt, trong phần này, ông dẫn lời bình 14 truyện ngắn

Việt Nam đương đại - của tác giả là những nhà văn nổi tiếng như: Xuân Thiều; Y Ban; Nguyễn Huy Thiệp; Trung Trung Đỉnh; Vi Hồng;... Ông có phần riêng tập hợp những bài viết sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Ma Văn Kháng. Đó có phải do ông có “tình yêu dành riêng cho bạn bè và văn chương, thể hiện tất cả sự nâng niu, trìu mến với tôi” (Ma Văn Kháng)? Tác giả chứng minh rằng Ma Văn Kháng là cây bút văn xuôi cần mẫn và say mê sáng tạo, với những tiêu đề như: “Ma Văn Kháng - Tác giả văn học lực lưỡng”; “Một cây bút văn xuôi sung sức, một đời văn sáng tạo”; “Con người giữa dòng xoáy và những ham muốn đời thường”... Cũng theo tác giả, “Phê bình văn học tuyệt nhiên không phải chỉ là một cuộc rong ruổi phiêu liêu trên bề mặt văn bản chữ nghĩa với những giây phút thăng hoa, hứng thú đột khởi. Mà cao hơn thế, phê bình là một hành động của nhận thức, một sự tự ý thức có chủ đích. Chủ đích của phê bình không dung nạp sự tùy tiện, võ đoán, ăn may, mà đòi hỏi tập trung làm sáng tỏ những vấn đề văn học có ý nghĩa xã hội, nhân sinh và nghề nghiệp...”

Đọc kỹ những bài phê bình trong sách này, chúng tôi càng thấm thía lời Hoài Thanh cho rằng nhà phê bình bên cạnh việc nói đúng về tác phẩm, cao hơn, phải vắt óc sáng tạo để không lặp lại ý của người khác, mà đến lượt mình, vẫn tìm ra chỗ đặc sắc nơi văn bản tác phẩm để nói và nói một cách hay.

Phần Ba còn lại, là Chân dung văn học một số nhà Lý luận, phê bình. Ông dựng lại chân thực về chân dung của 34 nhà lý luận, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX và gần 10 bài viết về chân dung văn học. Trong đó, có những nhà lý luận đầu ngành như Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Phong Lê, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử... Cái hay của tuyển tập, là người đọc vừa “học hỏi” được những bài nghiên cứu phê bình của tác giả, vừa có thêm thông tin tư liệu cần thiết từ những chân dung văn học. Hoạt động khảo cứu và phê bình văn học có thể gặp gỡ và hội tụ khi viết chân dung văn học. Viết chân dung về các nhà văn vừa như là khảo cứu văn học, lại vừa như là phê bình văn học.

Với 850 trang, ông sắp xếp khoa học từng phần trong tuyển tập theo từng chặng đường của lịch sử văn học Việt Nam đương đại. Nhiều người cho rằng sở trường của ông có được do tố chất “thiên bẩm” mà người khác ít có, nhưng mấy ai hình dung được niềm đam mê hết mình trong lao động khoa học của ông, khi ông tâm huyết, miệt mài làm việc quên mình trên từng trang sách?

Với những độc giả nói chung, việc xuất bản tuyển tập hoặc tập sách (là tập hợp những bài đã viết) thì không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ đó là “nhiệm vụ” công bố, trình bày trước công chúng. Đành rằng thời nay, việc tác giả tự in sách đã trở nên phổ biến và có thể nói là “dễ dàng”. Chỉ cần tập hợp bản thảo, bỏ chút tiền túi ra là đã có thể có sách riêng tặng bạn bè. Nhưng chọn ra được đích đáng các bài viết, bản thảo, những bài nghiên cứu miệt mài trong hơn 40 năm để tập hợp lại thì không hề đơn giản.

Như Lỗ Tấn từng nói “trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”, trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng vậy, có những lĩnh vực, khi người nghiên cứu khởi nghiệp, nó chưa từng được ai rẽ lối đi vào. Với những người nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp thì công việc này rất gian khổ và cần mẫn. Có thể nói không ngoa rằng đó là sự đam mê hết mực, tinh thần “phu chữ” của người viết - tức cần mẫn trên cánh đồng học thuật, nâng niu, trân trọng từng câu chữ thì may ra mới có được thành công ít nhiều.

Tiếp xúc với ông, nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên trong ngành đều tìm thấy ở ông hình ảnh một người thầy mẫu mực, giản dị, tận tình với học trò, đối xử với mọi người chân thành, trung thực, nhân hậu, một nhà khoa học chân chính và đời thường. Đọc tuyển tập này, tôi cảm nhận sẽ có thêm động lực mạnh mẽ, được tiếp thêm tri thức cho niềm say mê nghiên cứu lịch sử văn học và lý luận văn học.

Tôi cầm trên tay tuyển tập này, quan tâm cả đến những trang cuối của sách, nhìn phần phụ lục với tiểu sử tự thuật, ảnh của tác giả với gia đình và bạn bè; có thư mục nghiên cứu về tác giả rất công phu. Lời tác giả ở đầu sách “tôi chọn tuyển từ các bài đã đăng trên 6 cuốn sách đã in riêng, thêm một số bài mới viết từ sau 2015, hoàn thành cuốn tuyển tập này, ghi dấu hành trình của một đời cầm bút.” Có lẽ, chính điều này mà nhà nghiên cứu Vũ Nho cho rằng đây là tác phẩm để đời của ông. Hàng ngày ông cần mẫn lĩnh hội, thẩm thấu, góp nhặt, chắt lọc từng chút kiến thức để rồi đúc kết chúng trong từng câu chữ.

Ông đã và đang tham gia công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành ngữ văn, ngành báo chí tại một số cơ sở đào tạo sau đại học trong cả nước từ hơn 20 năm gần đây. Đặc biệt, niềm say mê nghiên cứu, nếp làm việc bền bỉ, liên tục của ông khiến lớp trẻ, khâm phục, noi gương. Cảm giác chung khi đọc toàn bộ tập sách là tác giả có kiến văn uyên bác, hàm xúc, đọng lại những kỷ niệm, ghi dấu về một đời hoạt động bền bỉ với văn chương, nghệ thuật. Khi nhắc tới cuốn sách này, người ta có thể quên đi nhiều chi tiết, nhiều hình ảnh, nhưng dấu ấn về tác giả thì sẽ khắc sâu vào tâm trí người đọc - một tấm gương sáng về tinh thần tự học, say mê nghiên cứu khoa học, một nhà giáo mẫu mực, hiền minh.

Có một sự trùng hợp là cả 7 tập tiểu luận - phê bình của ông đã xuất bản, tập nào cũng đều có điểm “đặc biệt” giống nhau. Đó là chữ “và” kết nối hai vế trong tên cuốn sách: Văn chương và tác giả (1995); Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (2000); Phong cách và đời văn (2005); Lý luận, phê bình và đời sống văn chương (2010); Văn chương, nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận (2015), và lần này Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương cũng không phải ngoại lệ. Phải chăng, đó là điểm nhìn và tư duy của nhà nghiên cứu, lý luận phê bình chuyên nghiệp - luôn nhìn mọi việc khách quan, đa chiều, trong mối quan hệ biện chứng, cộng sinh.

Có một điều cũng cần nói thêm, minh chứng cho sự trân trọng những giá trị tinh thần của ông, ngoài tuyển tập này. Đó là bảo tàng - Thư viện gia đình của ông (phôi thai từ năm 1962) với cái tên “Thế Uẩn Thư trai”. Bảo tàng - Thư viện đã giúp vào việc lưu trữ bằng hiện vật truyền thống tốt đẹp của đại gia đình, nền nếp gia phong từ bao đời đã được bồi đắp, từ đó giáo dục con cháu noi gương kế thừa và phát huy những điều tốt, khắc phục những điểm bất cập còn tồn tại.

Nơi đây còn tạo mọi điều kiện đáp ứng cho việc tự học, nghiên cứu, quán triệt tác phong khảo sát thực chứng, khiêm tốn nhún nhường, chịu khó tích lũy kiến thức cho mọi thành viên trong gia đình, không phân biệt các thế hệ già, trẻ. Tất cả sách, báo, tạp chí, tài liệu... được bài trí chật kín cả hai phòng của tầng 4, thậm chí cả tại nơi nghỉ, làm việc. Nhìn ngoài có vẻ bề bộn nhưng thực ra đã được sắp xếp một cách ngăn nắp, hợp lí và hết sức khoa học, hài hòa. Có thể nói những nguồn sách báo, tư liệu và kỷ vật đó thật là vô giá thuộc văn hóa đọc, ít người có được.

Bằng tình yêu khoa học, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện đã dành trọn thời gian quý báu cho nghiên cứu, phê bình văn học trong quỹ thời gian đã trải 7 thập kỷ tuổi đời. Tình yêu ấy như phấn thông vàng lặng lẽ, lan tỏa truyền tình yêu đến các thế hệ nghiên cứu khoa học kế cận.

V.T.P

Bài viết khác cùng số

Kỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnNghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnThơ Đỗ Xuân ĐồngNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê HuânHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh Hạnh