Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như Phương

02.07.2019

Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như Phương

Tác dụng của máy móc càng trở nên quan trọng trong xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp, thì giáo dục nhân văn càng trở nên bức thiết. Đó là nơi phát ra tiếng gọi của lương tâm và lương tri nhân loại. Qua giáo dục nhân văn, có thể nhận thấy tầm vóc và sức mạnh tinh thần của con người tự do, không xu thời, không nghiêng ngả và khuất phục trước bất cứ quyền lực nào đi ngược lại những giá trị nhân văn.

Ý niệm về giáo dục nhân văn

Đời sống kinh tế - xã hội đất nước ta đang phát triển, nhưng có lẽ đời sống văn hóa - tinh thần chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Những giá trị nhân văn đang bị xét duyệt và thử thách. Khi văn hóa - tinh thần không phát triển tương xứng, chưa nói tình trạng thụt lùi hay khủng hoảng, thì phát triển kinh tế - xã hội khó mà bền vững.

Hiện nay, khái niệm “giáo dục nhân văn” có thể gợi ra ba phương diện nội dung có liên quan với nhau như sau:

Một, giáo dục nhân văn là giáo dục kiến thức, quan niệm và lịch sử của các môn học thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn (humanities). Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng latin “humanus” có nghĩa là thuộc về con người, có tính người. Ở phương Tây, vào thời Phục hưng (thế kỷ 14-16), xuất hiện những học giả có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ và văn học Hy Lạp, La Mã; họ dành thời gian để khảo cứu và phổ biến tư tưởng của những tác gia thời Cổ đại, như những triết gia thuộc phái Tự nhiên luận, phái Khắc kỷ, Socrate và các môn đệ... Những học giả đó chuyên tâm sưu tầm, chú giải, đối chứng để phục hồi các văn bản một cách khả tín nhất, từ đó dịch thuật và công bố rộng rãi những tác phẩm ấy, làm phục sinh những giá trị văn hóa nhân bản bị lu mờ dưới thời Trung cổ vốn xem thần giới là trung tâm. Từ đó các môn học nhân văn hình thành và phát triển như một khoa học song song và độc lập với thần học và kinh viện học.

 Ở phương Đông thời Cổ đại, Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, với những trước tác Tứ thư, Ngũ kinh, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh... đặt nền tảng không chỉ cho giáo dục nhân văn mà cho toàn bộ nền giáo dục và học vấn của con người. Ở ngã ba đường của giao lưu văn hóa, một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, chứng kiến các bậc tiền bối tiếp thu và tích hợp cả giáo dục nhân văn của phương Đông và phương Tây và để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá như hiện nay. Đặt vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục nhân văn hàm nghĩa phát huy tinh hoa Đông Tây trong việc đào tạo các môn triết học, văn học, sử học, ngôn ngữ học, nghệ thuật học... Ngày nay giáo dục nhân văn theo nghĩa này gần với thuật ngữ “giáo dục khai phóng” (liberal education), theo đó một số trường đại học đề cao việc giáo dục các môn nhân văn cơ bản cho cả sinh viên những chuyên ngành khoa học kỹ thuật, tự nhiên và kinh tế.

Hai, giáo dục nhân văn có thể hiểu theo nghĩa hẹp là quảng bá, giáo dục chủ nghĩa nhân văn hay chủ nghĩa nhân bản (humanism). Trong thực tiễn văn hóa thời Phục hưng ở phương Tây, xuất phát từ Ý, đã hình thành một trào lưu triết học, văn hóa, văn nghệ lấy con người làm gốc, xem đời sống con người là giá trị tối thượng, hướng đến việc giải phóng cá nhân khỏi sự đè nén về tinh thần và những ràng buộc về tư tưởng của chế độ phong kiến, chủ nghĩa kinh viện và thần học Ki-tô giáo thời Trung cổ. Tuy mãi đến năm 1765, trong ngôn ngữ Tây Âu mới xuất hiện thuật ngữ “humanism”, nhưng trào lưu này đã khởi phát từ cuối thế kỷ 13 và đạt thành tựu rực rỡ suốt ba thế kỷ sau đó với những tác phẩm của I. Dante, F. Petrarca, G. Boccaccio, L. Alberti, F. Rabelais, T. Tasso, W. Shakespeare...

Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng ở châu Âu ra đời trong điều kiện kinh tế phát đạt, thị trường được hình thành, hệ thống giao thông mở rộng, khoa học - kỹ thuật và công nghệ phát triển dẫn đến những thay đổi và cải cách về mặt văn hóa, tư tưởng và tôn giáo. Những làn sóng khoa học, nghệ thuật và văn chương đã di chuyển theo những con đường mới, nối liền những trung tâm kinh tế vừa xuất hiện. Đây là kỷ nguyên của những phát kiến khoa học và những khám phá nghệ thuật lớn lao. Nhờ nghiên cứu và tranh luận, con người tin rằng có thể tự mình tìm ra chân lý mà không cần sự trợ giúp của một đấng thiêng liêng nào.

Trong tất cả những sự khám phá ấy thì quan trọng nhất là sự khám phá về chính con người. Những chuyến du hành giúp con người mở rộng nhãn giới, đồng thời cũng nhận ra những giới hạn của bản thân mình. Với tất cả sự ưu ái và tôn trọng, con người phát hiện ra vẻ đẹp của tâm hồn cùng lúc với vẻ đẹp của cơ thể như một bộ phận của tự nhiên và cần được phát triển theo quy luật tự nhiên. Nếu triết học của thời Trung cổ là thần học, nghiên cứu và tôn vinh Thượng đế; thì triết học của thời Phục hưng là chủ nghĩa nhân văn, nghiên cứu và tôn vinh con người.

Dần dần, trên đà phát triển của văn hóa, thuật ngữ “chủ nghĩa nhân văn” không giới hạn trong trào lưu chống Thần quyền thời Phục hưng mà mở rộng ngoại diện cho cả những hệ thống tư tưởng khác biệt cùng nêu chủ trương, trên lý thuyết, đề cao giá trị con người, thương yêu và bảo vệ con người. Theo ý nghĩa đó, người ta nói đến chủ nghĩa nhân bản/ nhân văn Nho giáo, chủ nghĩa nhân bản Phật giáo, chủ nghĩa nhân bản Ki-tô giáo, chủ nghĩa nhân văn Mác-xít, chủ nghĩa nhân văn hiện sinh... Tuy nhiên, trong thời hiện đại, đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn diện về môi trường sinh thái, những luận điểm “con người là thước đo của mọi sự”, “con người là kẻ làm luật cho chính mình”, “con người là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài” như quan niệm của một số nhà tư tưởng thời Cổ đại, Phục hưng và Khai sáng không còn có sức thuyết phục nữa và người ta đang nói đến một chủ nghĩa nhân văn sinh thái luận, trong đó đề cao sự cộng đồng tồn tại của các tạo vật thiên nhiên mà con người chỉ là thành viên.

Ba, giáo dục nhân văn, còn có thể hiểu là giáo dục tinh thần, lối sống nhân văn, nhân ái và nội dung này thấm đẫm trong toàn bộ nền giáo dục của đất nước, từ bậc mầm non đến bậc đại học. Giáo dục nhân văn chính là dạy làm người ở đời theo một triết lý giáo dục nhất định. Theo tinh thần đó, giáo dục nhân văn kế thừa và đổi mới những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc xét thấy vẫn còn thích hợp với thời nay. Đó là:

- Đề cao đạo lý nhân nghĩa, uống nước nhớ nguồn, cách đối xử tình nghĩa giữa người và người; kế thừa triết lý nhân ái của Nho giáo, từ bi của Phật giáo, bác ái của Ki-tô giáo.

- Quan tâm đến những con người bình thường, nhất là những con người khốn cùng, đau khổ vì bất hạnh hay bị áp bức, bóc lột; góp phần bênh vực, giúp đỡ, cứu vớt đồng bào, đồng loại trong cơn hoạn nạn.

- Thể hiện sự khoan dung, khoan hòa trong cuộc sống; tìm kiếm sự hòa giải và hòa hợp giữa con người với môi trường thiên nhiên, cá nhân với gia đình, tập thể, cộng đồng; xóa bỏ hận thù và xung đột giữa các thành phần dân tộc; thể tất đối với những lầm lỡ của con người.

- Coi trọng năng lực và hạnh phúc cá nhân; tôn vinh và phát huy những sáng kiến và sáng tạo của những tài năng trong các lĩnh vực sản xuất, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật.

- Thấm nhuần tinh thần dân chủ trong những quyết định liên quan đến đời sống cộng đồng; không áp chế và gò ép tha nhân vào khuôn khổ cứng nhắc; thực hiện sự bình đẳng giới và bình đẳng giữa các thế hệ, các tộc người; tôn trọng những tiếng nói khác biệt về chính kiến, quan niệm sống.

Những nội dung giáo dục nhân văn nói trên có liên quan đến tất cả các môn học (tự nhiên, xã hội, nhân văn...), góp phần nâng cao phẩm cách văn hóa của dân tộc, phẩm cách của người học cũng như người dạy học. Giáo dục nhân văn, như vậy, là một nỗ lực chung của toàn hệ thống giáo dục, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường và xã hội.

Mấy kiến nghị về giáo dục nhân văn 

Trong thế kỷ 20, sau hai cuộc thế chiến, trên thế giới xuất hiện nhiều tổ chức và hoạt động liên quan đến giáo dục nhân văn. Liên đoàn đạo đức và nhân văn quốc tế thành lập ở Amsterdam năm 1952; các Hội đoàn hay Phong trào nhân văn Hoa Kỳ, Anh, Bỉ, Hà Lan, Ấn Độ... lần lượt ra đời. Họ xuất bản các tạp chí định kỳ, các tuyển tập tiểu luận, tổ chức những hội thảo về các chủ đề: Truyền thống nhân văn, Chủ nghĩa nhân văn và văn học nghệ thuật, Quan hệ con người như là nền tảng của văn học nghệ thuật...

Giáo dục nhân văn là một sự nghiệp bền bỉ, kiên trì cần sự tham gia của toàn xã hội, trong đó nhà trường đại học giữ vai trò nòng cốt. Trước thực trạng xã hội hiện nay, chúng ta không bi quan, sốt ruột hay hốt hoảng, nhưng cũng không được bàng quan, chậm trễ. Mỗi cơ sở đào tạo đều cần có chiến lược và chương trình của mình góp phần vào sự nghiệp giáo dục nhân văn.

Dù đào tạo ngành nghề gì, mỗi trường đại học cũng cần có chương trình giáo dục khai phóng (liberal education) của mình như một cách vận dụng sáng tạo chương trình giáo dục đại cương (general education) của Bộ. Chương trình này lâu nay gặp phải mâu thuẫn sau đây: sinh viên ba học kỳ đầu học dàn trải những môn chung mà không thật thiết thực với ngành nghề, làm giảm hứng thú và ảnh hưởng thời lượng dành cho chuyên ngành. Khó khăn ở đây không chỉ về thời gian mà còn về tổ chức giảng dạy, khi những môn học nhân văn (Cơ sở văn hóa Việt Nam, Dẫn luận ngôn ngữ học, Tiếng Việt thực hành, Mỹ học đại cương...) thiếu những giáo trình cập nhật, thiếu giảng viên có uy tín. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông không chuẩn bị cho học sinh kiến thức và suy nghĩ nền tảng về tâm lý học, đạo đức học, logic học như nhà trường ở các nước tiên tiến.

Nhà trường đại học hiện nay phải bù đắp vào khoảng trống đó, không chỉ cho các sinh viên sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn mà còn cho sinh viên các ngành khác. Một hệ thống chương trình các môn nhân văn, có thể là bắt buộc hay tự chọn (nhiệm ý) là cần thiết, chẳng hạn tâm lý học và đạo đức học để bồi dưỡng y đức cho các thầy thuốc tương lai; mỹ học và nghệ thuật học cho các kỹ sư xây dựng; lịch sử nghệ thuật và lý thuyết sinh thái luận cho những người làm du lịch... Nhà trường cũng nên có chương trình sinh hoạt ngoại khóa mà sinh viên tham dự tự do, để mời các diễn giả có uy tín nói những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp, về sứ mạng của giáo dục, về những hiện tượng mới trong văn hóa, nghệ thuật...

Giáo dục nhân văn sinh động và hiệu quả không chỉ là hoạt động học thuật, sách vở. Nó còn có thể triển khai bằng những sinh hoạt điền dã, thực tế, thể nghiệm như tiếp cận kho tàng văn hóa dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng; Tìm hiểu sâu cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nhất Linh, Phan Khôi...; Tổ chức những chuyến đi dã ngoại về Hội An, Mỹ Sơn, dọc sông Thu Bồn lên Hòn Kẽm Đá Dừng, đến huyện Tây Giang dự lễ hội tạ ơn rừng của người Cơ Tu... Giáo dục nhân văn như thế sẽ truyền cho sinh viên tất cả các ngành tình yêu quê hương đất nước cụ thể và sâu sắc.

Riêng các ngành chuyên khoa học xã hội và nhân văn, các môn học nhân văn cần đi vào chiều sâu theo tinh thần đối thoại và so sánh văn hóa. Học lý luận và lịch sử các ngành học (triết học, văn học, sử học, văn hóa học, ngôn ngữ học, nghệ thuật học...) nên là học những lý thuyết, quan niệm, trào lưu đối thoại với nhau trên đường đi tìm chân lý. Những trường đại học chấp nhận duy trì các chuyên ngành nhân văn là chấp nhận thử thách của những lợi ích trước mắt để khai thác những tinh hoa quá khứ mà dự phóng cho những giá trị mới của ngày mai.

Hơn mười năm trước, Drew G. Faust, hiệu trưởng Trường Đại học Harvard, phát biểu: “Bản chất của một trường đại học là trách nhiệm độc nhất vô nhị của nó với quá khứ và tương lai, chứ không chỉ đơn giản với hiện tại [...]. Một trường đại học vừa nhìn về phía trước, vừa nhìn lại quá khứ theo những cách bắt buộc phải mâu thuẫn với mối bận tâm và đòi hỏi nhất thời của công chúng. Trường đại học cam kết với sự vô thời hạn, và những sự đầu tư này sẽ tạo ra mùa gặt mà chúng ta không thể dự đoán và thông thường không thể đo lường được”. (“Giáo dục đại học - trách nhiệm đối với quá khứ và tương lai”, Báo Tuổi Trẻ, ngày 16-10-2007).

Các khoa nhân văn ở các trường đại học lãnh sứ mạng đào tạo những con người làm gạch nối giữa cổ điển và hiện đại, giữa truyền thống và cách tân, giữa văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Do sự đánh giá và đãi ngộ của xã hội, những người này đang suy giảm vị thế và sản phẩm tinh thần của họ nhiều khi không đủ sức chống đỡ trước cơn xâm thực của chủ nghĩa duy lợi. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu không có những khoa đào tạo này và những con người được đào tạo này thì đại học Việt Nam có gì khác với đại học nước ngoài và có còn xứng đáng là đại học Việt Nam?

Trong một trường đại học và cả một nền đại học, những khoa nhân văn này không phải là để trang điểm mà để tạo thành hồn cốt của nền giáo dục. Thậm chí, nếu những khoa này kiệt sức thì cả nền giáo dục với định hướng và mục tiêu cao cả của nó khó thể phát triển bền vững. Nhìn vào hướng đi của các khoa nhân văn, người nghiên cứu lịch sử giáo dục có thể dự đoán được nhà trường đại học đang đi về đâu, đang phục vụ ai cũng như có thể hình dung được hình ảnh và số phận tương lai của nó.

 

Từ thời đại của Khổng Tử và Socrate, những trường lớp đầu tiên đều coi trọng giáo dục nhân văn. Sự tiến bộ và vai trò không thể chối cãi của khoa học, kỹ thuật, kinh tế, thương mại dần dần làm lu mờ vai trò của giáo dục nhân văn. Nhưng khi những cuộc chiến tranh tàn phá và tiêu diệt nhân loại; khi xã hội khủng hoảng về tinh thần, phong hóa suy đồi; khi khoa học tiềm ẩn nguy cơ phá hủy quy luật tự nhiên (thủy điện phá hoại môi trường, sinh sản vô tính, chỉnh sửa gien người...) thì lại có tiếng báo động, như lời cảnh báo của F. Rabelais năm trăm năm trước: “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn lụi của tâm hồn”. Giáo dục nhân văn trở thành niềm hy vọng cứu chữa những vết thương và nỗi thống khổ của con người.

Tác dụng của máy móc càng trở nên quan trọng trong xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp, thì giáo dục nhân văn càng trở nên bức thiết. Đó là nơi phát ra tiếng gọi của lương tâm và lương tri nhân loại. Qua giáo dục nhân văn, có thể nhận thấy tầm vóc và sức mạnh tinh thần của con người tự do, không xu thời, không nghiêng ngả và khuất phục trước bất cứ quyền lực nào đi ngược lại những giá trị nhân văn.

Giáo dục nhân văn có chiều sâu và hiệu quả sẽ giúp thế hệ trẻ tự định hướng cho cuộc đời và hành động của mình, tự sáng tạo ra bản thân mình, đồng thời góp phần sáng tạo một “hoàn cảnh có tính người” (Karl Marx) ngay trên đất nước mình.

H.N.P

Bài viết khác cùng số

Kỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnNghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnThơ Đỗ Xuân ĐồngNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê HuânHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh Hạnh