Nguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu Huyền

02.07.2019

Nguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu Huyền

Sau tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều phát hành năm ngoái đã gây được nhiều dư luận trong công chúng yêu thơ cả nước, đầu năm nay, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh lại ra mắt bạn bè, các độc giả yêu thơ của mình với tác phẩm văn xuôi “Lòng chưa cạn đêm sâu”. Trong tập ký - phê bình này, phần lớn là những bài viết trong những năm nhà thơ đi làm báo, đa phần đều thể hiện cái tình quê in dấu sâu đậm trong lòng tác giả, khiến cho nhiều người khi cầm trên tay tập sách này của ông đều lay động và thương nhớ quê mình da diết. Chẳng khác gì những cảm xúc trong thơ, văn xuôi Nguyễn Ngọc Hạnh cũng đậm đà sâu nặng, vẫn là nỗi niềm về làng quê bên con sông Vu Gia, Đại Lộc không bao giờ vơi cạn. Bằng lối văn chân chất dung dị, thi ảnh đẹp như thơ cứ cuốn hút người đọc quay về với những năm tháng tuổi thơ trước phút xa làng.

Tác phẩm gồm hai phần. Phần Một với 28 bút ký, tản văn về quê nhà và một số bài phê bình về văn chương bạn bè văn nghệ của chính tác giả. Phần hai gần nửa tập sách với nhiều bài viết của các nhà thơ, nhà văn, của bạn bè văn nghệ đã chia sẻ về thế giới thi ca của Nguyễn Ngọc Hạnh.

Từ bút ký “Một ngày quê mẹ”, “Về quê”, tản văn “Không đâu bằng chốn quê nhà”... đều là những cảm xúc từ những hình ảnh in đậm trong ký ức về quê Đại Hồng thao thiết quê hương của tác giả. Nỗi nhớ làng luôn là tâm trạng khắc khoải, bồn chồn đến day dứt: “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê, bóng núi cứ chập chờn...”. Đấy là câu chuyện như huyền thoại của bà cháu cậu bé Thiện Nhân ở Quảng Nam, quê hương của tác giả, khi được nhà báo Mai Anh quyết định nhận làm con và cứu chữa sau khi chân và nhiều bộ phận đã bị thú ăn khi bị mẹ đẻ bỏ rơi. Và Lòng chưa cạn đêm sâu còn chan chứa mến thương với các bài viết nhắc đến những người bạn thơ thân thiết đã qua đời như nhà thơ Trần Khắc Tám, Hoàng Tư Thiện, Đặng Ngọc Khoa, Nguyễn Minh Khôi, Đặng Ngọc Khoa, Nguyễn Trung Bình, nhạc sĩ Thái Nghĩa... đặc biệt hai bài mới viết gần đây về hai nhà thơ tên tuổi Ngô Minh và Nguyễn Trọng Tạo đã lìa xa cõi thế thật cảm động.

Trong bài phát biểu của nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng tại buổi ra mắt tập sách này, ông đã đề dẫn từ những lời bình đầy trang trọng trọng của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha như một phần khái quát đầy đủ nội dung của tác phẩm này: “Người viết về mình cũng hết lòng. Mình viết về người cũng hết lòng. Bởi vậy, Lòng chưa cạn đêm sâu đã để lại một phức cảm của hai chiều cảm xúc khiến người đọc cảm thấy chộn rộn, rạo rực trong khi cầm trên tay cuốn sách này. Để có được cảm xúc đó, điều nhận thấy rõ là tình yêu văn chương của Nguyễn Ngọc Hạnh lúc nào cũng tràn trề, lúc nào cũng đắm lòng không do dự. Đó là năng lượng không bao giờ vơi cạn mà người đã dấn thân vào nghiệp này luôn luôn phải nuôi dưỡng, gìn giữ nó như quả tim nhỏ bé của mình...”

Trong buổi giới thiệu sách đầy sâu lắng, cuộc đời làm thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh với bao thăng trầm như được tái hiện lại qua những câu chuyện chân thành, mộc mạc mà các anh em bạn bè, nhà văn, nhà thơ đã kể lại. Với nhà thơ Bùi Xuân, Nguyễn Ngọc Hạnh là một người bạn giàu tình cảm, nặng tình quê hương. Ông cho rằng, ngay cả những câu thơ, trang văn của Hạnh đều toát lên hình ảnh của vùng quê lam lũ bên con sông Vu Gia quê mình. Theo thời gian thì con sông quê luôn đổi thay, nhưng tình cảm trân quý dành cho quê hương của Nguyễn Ngọc Hạnh chưa có một phút giây nào ngừng lắng đọng, từ thơ cho đến văn xuôi đều chất chứa tình quê.

Nhà giáo, nhà phê bình văn học Huỳnh Văn Hoa với bài viết “Đáy sông ký ức”, như muốn sẻ chia với tác giả về nỗi nhớ làng: “Con sông có nhiều tầng, nhiều lớp thì ký ức của nhà thơ cũng mỗi ngày được nhân lên nhiều tầng, nhiều nghĩa theo dòng chảy của thời gian. Ký ức về làng quê, về bạn bè, về con sông đầu nguồn mãi mãi không bao giờ phai nhạt trong tâm trí đứa con của làng. Với những vần thơ hết sức da diết nhưng dung dị, một hồn thơ hồn hậu, với lớp từ ngữ không hề tung tảy và lớp từ láy đã làm nên nét riêng biệt trong giọng điệu tâm hồn thõ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Còn với nhà thơ Hồ Sĩ Bình, cũng là ký ức, nhưng là kí ức của 30 năm về trước khi ông được đọc những trang thơ về làng quê của Nguyễn Ngọc Hạnh, đến giờ vẫn còn nguyên vẹn khi gặp lại trong “Lòng chưa cạn đêm sâu”. Vẫn là một tâm hồn thơ đậm đà mê đắm những vang vọng hương xưa. Đối với nhà thơ Hồ Sĩ Bình tập sách này mang hơi ấm tình người, lòng nhân đạo sâu sắc, đặc biệt trong bài ký “Buôn gánh”, tác giả viết về một người phụ nữ trong chiến tranh đầy bi kịch của số phận. Những bài ký, ghi chép về nhân vật của Nguyễn Ngọc Hạnh vừa có tính báo chí nhưng vẫn thấp thoáng sự ngọt ngào của văn chương, bàng bạc trong đó là nỗi lòng trắc ẩn yêu thương với những số phận có phần đắng cay của tác giả...

Cuốn sách chúng ta cầm trên tay tuy nhỏ bé nhưng tác giả đã gửi gắm hết lòng mình, bằng chính sự chiêm nghiệm của cả một đời cầm bút, là những xúc cảm chân thành đau đáu về quê hương nguồn cội, về những người thân, những bạn bè một thời đã sống với nghề sẽ còn in đậm trong lòng của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

D.H

Bài viết khác cùng số

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátThơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh HạnhNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân