Thơ Đỗ Xuân Đồng

02.07.2019

Thơ Đỗ Xuân Đồng

Nhà văn Đỗ Xuân Đồng sinh năm 1952 ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Anh tham gia kháng chiến từ rất sớm (1965), đến năm 1969 anh ra miền Bắc học tập rồi du học ở Ba  Lan (1974-1982) chuyên ngành Kiến trúc. Sau khi ra trường năm 1983 anh lại chọn Ngân hàng Vietinbank tại Đà Nẵng làm việc đến lúc nghỉ hưu.

 Công việc Ngân hàng dù bận rộn bao nhiêu, anh Đỗ Xuân Đồng cũng dành nhiều tâm huyết cho văn học. Anh viết nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Từ năm 1996 đến nay anh liên tục cho ra mắt bạn đọc các tập: Giọt nắng (Tập thơ,1996), Lời của sóng (Tập thơ, 1997), Bập bẹ (Thơ Thiếu nhi, 1999), Mầm đất (Trường ca, 2006). Từ 2018 đến nay, anh xuất bản 10 tác phẩm 3 Trường ca: Cát trở dạ, Hạt Phù Sinh, Đau đáu trường xưa; 2 tập thơ: Mùa quê, Gửi chút hương lòng; 1 tập truyện ngắn: Hạnh phúc của con cá rô đồng và 4 tiểu thuyết:  Cây dừng thiêng, Uẩn khúc Truông Bò, Dòng sông không yên tĩnh, Mẹ và con.

Trong thời gian qua, nhà văn Đỗ Xuân Đồng không may mắc bệnh nặng bệnh viện và gia đình đang tích cực điều trị. Tạp chí Non Nước cầu chúc anh vượt qua bạo bệnh này và gửi đến bạn đọc chùm thơ mới của anh.

 

Hồn nhiên

Hồn nhiên nhìn chiếc lá rơi

Nhặt về làm chiếc thuyền bơi hiên nhà

Hồn nhiên chờ mẹ chợ xa

Reo mừng nhìn thấy có quà mẹ cho

Hồn nhiên cái tuổi học trò

Gởi thương, gởi nhớ vu vơ lặng thầm...

 

Hồn nhiên ơi! Tuổi trăng rằm

Ước mơ chắp cánh như tằm ăn dâu

Để rồi một sáng mai sau

Óng vàng dải lụa thắm màu thiên thanh

 

Hồn nhiên một thuở tuổi xanh

Sáng trong, tinh khiết bức tranh cuộc đời

Ngoái nhìn yêu mãi không thôi

Biết bao giờ trở lại thời hồn nhiên?

 

Đêm sáng

Víu cành sương oằn vào đêm thao thức

Đêm huyền mơ sương huyễn hoặc dưới trăng

Kẻ vô thường nhìn sương trăng tình tự

Quăng lưới đời chờ đợi mỏi mòn giăng

 

Đêm huyền mỹ gợi bao điều huyền diệu

Ta lạc vào những góc khuất sáng tươi

Chợt nhận ra đêm tràn đầy ánh sáng

Như khi ta nhắm mắt thấy hồn người.

 

Màu yêu

Như muôn ngàn màu sắc

Lấp lánh trong cõi đời

Màu yêu tôi bắt gặp

Trong một lần rong chơi

 

Như trong mơ không tưởng

Như ở chốn thiên đường

Màu yêu sao thánh thiện

Ánh lên, quá ngỡ ngàng

 

Tôi bàng hoàng nhìn ngắm

Màu yêu hút hồn tôi

Sắc màu và hương nhụy

Cuốn tôi đi khắp trời

 

Ôi cái màu thánh thiện

Tôi ôm ghì trăm năm

Màu yêu cười bẽn lẽn

Đôi mắt nhìn xa xăm...

 

Thời gian dù nghiệt ngã

Màu yêu vẫn nguyên trinh

May đời còn một chút ...

Cho màu yêu thắm tình..

 

Gom

Tôi gom giọt nắng hè oi bức

Để sưởi mùa đông lúc giá băng

Tôi gom giọt nhớ miền ký ức

Để ấp iu khi tuổi chiều tàn

 

Đời lắm vui buồn ai chẳng trải

Gây dựng bao nhiêu để cho vừa?

Giờ gom giọt nắng, gom giọt nhớ

Gom biết bao nhiêu cũng chẳng thừa

Còn lại chút tình là vĩnh cửu

Sống đẹp một giây cũng vui rồi.

 

Khoảnh khắc

Bình minh vừa rạng chân trời

Hoàng hôn đã xuống, mình tôi cõi trần

Thương con chim lẻ bầy đàn

Tiếng kêu não ruột bay ngang lưng trời

 

Bay về đâu hỡi chim ơi?

Cuối hoàng hôn là đêm chơi vơi buồn

Cho ta gửi chút tình suông

Thức cùng đêm với hư không phận người

 

Chào bình minh của tôi ơi!

Chào hoàng hôn -  kết kiếp người mong manh!

 Đ.X.Đ

Bài viết khác cùng số

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng và biển trong chúng ta - Vũ Ngọc GiaoChuyện về đôi mắt - Huyền TrangChị tôi bên bến sông - Diệu PhúcNgười vẽ trời ở phía đằng Tây - Bùi Việt PhươngThượng nguồn - Lê TrâmVề miền “Triệu Voi” - Văn KhoaTình trẻ bụi đời - Uwem Akpan Giáo dục nhân văn: Ý niệm và kiến nghị - Huỳnh Như PhươngKỳ nghỉ hè thú vị - Thu HiềnTiếng ve rừng - Huỳnh Trương PhátThơ Đỗ Xuân ĐồngGiả sử, anh, em và người khác - Bùi Tiến SĩChiều không anh - Nguyễn Cát ChuyênEm & mèo & tôi; Mùa xanh - Hoàng Thụy AnhVề nhánh san hô chết - Đỗ Thượng ThếTiếng gọi - Nguyễn Thị Anh ĐàoGiàn mướp đắng - Mỹ AnBỗng dưng - Quốc LongNhư quên mùa hè! - Tăng Tấn TàiQuê hương ngày trở về; Chiều Tịnh trúc viên - Nguyễn Tấn TuấnĐi tìm hạnh phúc cho quê hương; Bút Bác Hồ - Phan Thanh MinhSự tích miếu bà Trà Linh - Phạm LamĐọc “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” của Nguyễn Ngọc Thiện - Vy Thị PhươngNguyễn Ngọc Hạnh: Nặng lòng với quê - Diệu HuyềnNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy người nghệ sỹ Tuồng xuất sắc - Thúy HườngVăn trẻ đối diện quá khứ và thời đại - Nguyễn Thanh TâmCông trình Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân đã sớm vận dụng lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam - Vũ Đình AnhHọa sĩ Trần Thế Vĩnh: được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc - Minh HạnhNghệ thuật múa với hiện thực xã hội - Lê Huân