Vực nước xoáy

05.04.2024
Vũ Ngọc Giao

Vực nước xoáy

Ảnh minh họa. (Internet)

"Con về thì vô nhà, đứng sau hè chi cho lạnh!”.

Tiếng bà tôi từ trong buồng ú ớ vọng ra như mê ngủ. Tôi giật mình nép sau cánh cửa nén tiếng thở. Trong cái chuồng quây con gà trống đập cánh phành phạch, gáy ran.

Đã sang canh hai. Qua ô cửa chấn song tôi thấy bà trở mình, lọ mọ ngồi dậy tìm bọc trầu bỏm bẻm nhai, mùi trầu nồng nồng thoảng trong căn buồng tối như hũ nút. Buồng bên, cánh cửa thâm sì nứt một đường dài, trăng lọt qua kẽ chiếu xuống nền nhà một quầng sáng xanh lạnh lẽo, em Lem nằm nép vào mẹ ngủ say, nó không hay tôi trở về thăm. Như linh cảm, mẹ cũng trở mình buông một tiếng thở mỏng tang như gió. Ngoài hiên con Mè cuộn tròn rên ư ử trong cái ổ rơm, so với ngày tôi còn ở nhà nó già đi nhiều, bộ lông xác xơ thưa thớt. Ngày tôi ẵm về, nó chưa đầy hai tháng tuổi, sống cùng tôi cho đến ngày tôi đi xa…

Mười năm rồi còn gì.

Mè ngọ nguậy khịt mũi đánh hơi nghển cổ nhìn lên, trong đêm nó nhận ra tôi, cuống quýt vẫy đuôi, ăng ẳng mừng. Tôi vội vàng quay đi, được vài bước đã thấy cánh cửa bật mở, bà đứng bên hiên giơ cao ngọn đèn dầu vơ vất nhìn quanh: “Chiên về hử con?” giọng bà run run: “Về thăm nhà thì vô đi con!”.

Tôi nép bên đụn rơm, nén hơi thở dập dồn trong lồng ngực. Chừng không nghe động tĩnh gì, bà ngồi thụp xuống bên hiên, đôi mắt già nua ầng ậng nước. Bà khóc. Bao nhiêu đêm tôi đã nhìn thấy bà khóc. Khóc vì nhớ tôi. Càng về sáng càng lạnh, bà bỗng ôm ngực ho khan, ruột tôi thắt lại, mấy lần muốn chạy tới ôm, bảo bà vào trong, đừng ngồi ngoài hiên mà đợi, tôi không thể về được nữa. Nhưng tôi cứ đứng chôn chân nhìn bà vời vợi xa qua làn sương mỏng tang.

Gà gáy canh ba. Bà lọ mọ trở vào soạn bọc trầu ra têm. Tôi quyết định rời đi trước khi trời sáng. Ra đến ngõ tôi ngoái lại nhìn căn nhà một lần nữa. Khu vườn này, mảnh sân này, cây bồ kết kia đã chứng kiến tuổi thơ tôi, đã cùng gia đình tôi đi qua bao thăng trầm, buồn vui cuộc đời. Xa rồi, tôi nhớ nó đến quắt quay.

Tôi lẹ làng đi trên con đường làng âm u, nước mắt ứa ra tràn xuống mi, len vào miệng mặn đắng. Hơn bao giờ hết, tôi thèm được trở lại làm con bé Chiên ngày đó, quẩn quanh bên bà, thui thủi trong những lều quán vắng, chiều chiều cùng em gái ra sông ngóng một bóng người trở về. Bóng người đó không ai khác ngoài cha tôi. Năm đó cha lên thuyền xuôi mải miết, cả nhà bặt tin. Người làng bảo cha tôi và bạn thuyền đã chìm dưới lòng sông kia trong một cơn lũ về đột ngột. Nhưng tôi, tôi tin cha vẫn còn đâu đó, chỉ là chưa về được với mẹ, với chị em tôi.

Nhiều năm như thế…

Trong ký ức tôi, lúc bấy giờ đã là cuối thu.

Chiều xế bóng. Trên cái chõng tre ngoài hiên, tôi thức giấc nhìn quanh. Những giọt nắng cuối ngày đánh rơi từng chùm bông lưa thưa xuống vườn, qua kẽ lá những bông nắng buồn thiu đã nhuốm màu phai úa. Cái sân gạch vắng hoe, chỉ có tiếng con Mè rượt đuổi đám gà choai chạy quanh vườn. Giờ này có lẽ mẹ đi chợ chiều, bé Lem lại lẵng nhẵng đòi theo xin mua cây kẹo mút. Ngoài ngõ tiếng tụi con Tép thằng Ve đang cãi nhau, chắc lại chuyện chơi ném lon, con Tép chuyên đời ăn gian, đếm thiếu số lon của thằng Ve. Tiếng chí chóe luôn kết thúc bằng một trận cười hỉ hả.

Tôi đứng lên cột mớ tóc rối mù, lao ra, vừa đến hiên đã nghe buồng trong tiếng bà thều thào: “Chiên à, rót bà miếng nước!”. Tôi xăng xái xuống bếp pha ly nước chè mang vào. Bà ôm ngực ho sù sụ, cả tháng rồi chưa khỏi. Hôm mẹ qua ông Biên làng bên cắt mấy thang thuốc, bà uống vào thì đỡ, hết thuốc bà lại ho. Tôi ngồi bên bà, ruột nóng như lửa đốt, ngoài ngõ tiếng con Tép và thằng Ve cứ vọng vào. Tôi nhấp nhổm nhìn ra nhưng vẫn ngồi yên, để bà một mình trong nhà thì thương. Tôi xoa cái lưng xương xẩu cho bà, vừa lúc nhìn ra đã nghe tiếng bé Lem líu ríu ngoài sân. Mẹ đi chợ về, vừa vào đến hiên đã giục: “Con qua ông Biên cắt thêm cho bà năm thang thuốc, đi nhanh còn về chớ tối!”.

Tôi ngước nhìn trời, mây mù từ đỉnh đồi kéo về âm u, vội vàng chụp cái mũ lên đầu tôi thoăn thoắt đi, bỏ lại sau lưng tiếng bé Lem léo nhéo đòi theo. Con đường đến nhà ông Biên phải đi qua cây cầu nhỏ bắc ngang một nhánh sông gầy chảy ven làng. Qua hết cây cầu tôi rẽ xuống con đường đất. Đó là con đường chạy dọc bờ sông, men theo những bụi cỏ um tùm.

Chiều chưa tắt nắng nhưng sương mù đã kéo về giăng như mắc võng. Nhà ông Biên nằm cuối con đường, trơ trọi trong khu vườn rộng, xung quanh đầy dẫy những bụi xương rồng bao bọc. Nhìn thấy tôi ông vội vàng đứng lên bốc thuốc gói vào tờ báo, không quên dặn dò tôi đi đường cẩn thận.

Con đường trong chiều muộn sẫm lại, hiu hiu buồn. Bên bến sông chỉ còn vài con đò không người lơ thơ trôi. Tôi chợt nhớ cha. Cha ra đi đã bao nhiêu năm? Mẹ lấy ngày cha đi làm ngày giỗ, mỗi năm cứ đến ngày giỗ cha mẹ lại kết một chiếc thuyền giấy thả xuống lòng sông. Bé Lem ngày đó mới hai tháng tuổi, lớn lên chút nữa nó bắt đầu hỏi cha, tôi nhiều lần kéo em đi để nỗi đau không làm mẹ thêm nhức nhối. Trong mơ tôi vẫn thấy cha về, cha kể rằng cha đang ở một nơi rất xa, cha kiếm thật nhiều tiền, rồi cha sẽ về… sẽ về…

Cây cầu bắc qua sông trong màn chiều cũng sẫm lại, những miếng thép lót dưới cầu rung lên dưới chân dù tôi khẽ bước. Hoàng hôn đã về trên sông, chiếu một quầng ráng đỏ xuống mặt sông, lung linh giữa những gợn sóng lăn tăn trông như một chiếc khăn lụa phơ phất. Tôi dừng lại bên cầu ngắm chiếc khăn lụa kỳ ảo ấy, lòng nao nao, xốn xang đến lạ. Mặt sông không sóng mà lòng tôi lênh đênh, mơ hồ nghe như từ xa xăm có tiếng vọng về.

Tôi chợt thấy dưới chân cầu phía bên kia có một vực nước xoáy tròn, trên đó dập dềnh những bông cỏ may rụng đầy, vực nước cứ xoay rồi lan rộng ra thành nhiều vòng tròn khép kín. Tôi lại gần ngắt một nhánh hoa ngũ sắc bên đường thả xuống, vòng nước lại xoay tròn, nhánh hoa mất hút. Tôi đứng yên nhìn vực nước xoáy, chợt thấy lấp loáng dưới mặt sông kia một gương mặt thân thương bao nhiêu năm tôi hằng chờ đợi.

“Cha!” tôi kêu lên. Gương mặt cha lay động, đôi mắt nheo lại khẽ cười, trong đôi mắt đó tôi nhìn thấy nỗi buồn sâu hun hút như đêm.

Gió cuộn về mang theo vài giọt mưa nhỏ xiên chéo xuống lòng sông. Tôi nghẹn ngào đưa tay về phía cha. Trong mênh mông chơi vơi, tôi nhìn thấy cánh tay cha hướng về tôi, bàn tay với những vết chai sần, những đường chéo dọc ngang. Bàn tay này, ngày tôi còn bé cha thường chìa ra cho tôi nắm, dắt tôi đi dọc triền sông vào mỗi chiều đón tôi trở về từ ngôi trường làng cách nhà hơn hai cây số. Mắt nhạt nhòa vì thương, tôi cúi xuống. Sâu hơn… sâu hơn chút nữa để chạm được vào cha…

 Tôi thấy mình trôi. Trôi mãi. Cho đến khi nằm gọn trong vòng tay cha. Bồng bềnh sóng nước.

Cha đi trước, qua một cây cầu bắc ngang như dải lụa. Tôi bên này cầu chạy theo. Nơi xa kia cha đứng đợi tôi, gương mặt đau thương trong cái nhìn dịu dàng, khắc khoải.

* * *

Đêm nay tôi lại về thăm nhà. Sắp hết năm. Tôi nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ em quá đỗi! Con đường làng thiêm thiếp ngủ dưới trăng. Nhà tôi kia rồi! Ánh trăng cuối thu vằng vặc soi xuống mảnh sân lỏng chỏng những viên gạch vỡ, quét qua song cửa sổ hắt vào buồng, ngang trời lóng lánh mấy vì sao, có vì sao sáng rỡ, có vì sao nhạt nhòa. Vì sao nào là phần số tôi?

Con Mè say ngủ, cuộn tròn trong tấm áo cũ của bà, mũi khìn khịt như ngày còn bé. Tôi lại gần xoa cái lưng đã trơ những đốt xương sườn, nó vẫn không hay biết gì. Bên thềm, từng giọt sương khuya rả rích rơi trên tóc, tôi tựa cửa nhìn từng góc sân, nơi nào cũng đầy ắp nhớ thương. Mảnh vườn giờ đây lúp xúp nhiều cỏ dại, mẹ không còn sức lực như ngày trước, chỉ trồng vài cây ăn trái, thêm vạt rau thưa. Mẹ tần tảo đầu chợ cuối chợ, cuộc sống không đến nỗi nào nhưng sao cứ mãi chông chênh.

Qua ô cửa tôi nhìn thấy bà thức giấc từ bao giờ, lặng lẽ đến bên bàn thờ thắp nén nhang, mùi trầm ấm sực thoảng ra hiên. Tôi chợt nhận ra đêm lạnh quá, lạnh đến tái tê! Tôi bỗng thèm được vào nhà, được chạy đến ôm bà khóc cho thỏa nỗi nhớ thương, được vùi đầu vào lòng mẹ như ngày xưa, được ôm em Lem vào lòng mà hít hà đầu tóc chua lè của nó. Hai chị em chiều chiều lại dắt nhau ra đầu làng đợi mẹ về, nhìn những cơn gió đuổi nhau, những ngày mưa lại ra hiên giơ tay hứng nước rồi hắt vào nhau mà cười.

Tôi thèm đến bên cái chum sành uống ngụm nước mưa hứng từ cái thân dừa đã mục, thèm được cùng em ra sân nhặt những trái bồ kết rụng vào nướng trên lửa than cho mẹ gội đầu, cùng bà nằm ê a hát trên chiếc chiếu hoa trải bên hiên trong những đêm hè, cùng mẹ đi chợ làng, lúc trở về hai tay nặng trĩu cá tôm… Nhưng tôi vẫn đứng chôn chân bên hiên, chẳng thể gọi tên ai, cũng chẳng thể nào nhấc bàn chân bước thêm qua cánh cửa kia. Khoảng cách giữa tôi và mọi người sao xa xăm quá!

… Giờ thì tôi đã được về quê mình, được nằm cạnh cha trên ngọn đồi ngày xưa cha thường cho tôi theo lên rẫy. Ngày ngày tôi nhìn xuống cánh đồng xem người làng làm cỏ lúa, khai mương, xem đàn trâu ra đồng mỗi sớm.

Ở nơi này, tôi được ngắm hoàng hôn vào mỗi chiều buông. Tôi chỉ thương trong căn nhà nhỏ kia bà tôi còn vật vã với những cơn ho lúc trở trời, thương mẹ sớm tối loay hoay ruộng vườn, em Lem chưa đủ lớn khôn. Tôi thương em thơ thẩn buồn vui một mình, ngơ ngác vào ra trong thế giới riêng của nó vào những chiều mưa, mắt ngóng ra ngõ như đợi, như chờ. Nó đợi tôi về…

Đêm. Trăng đã về bên kia núi, tiếng con chim vịt lẻ bạn lại kêu từng hồi nhớ thương, khắc khoải.

V.N.G