Những giải pháp chủ yếu để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao của cả nước

05.04.2024
Bùi Văn Tiếng

Những giải pháp chủ yếu để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao của cả nước

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 1 năm 2019 của Bộ Chính trị khóa XIII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết số 43-NQ/TW) đã xác định một trong những mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành (…)  một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao (…) của đất nước”. Nhân sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, bài viết này xin đề xuất những giải pháp chủ yếu để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao của cả nước, trước hết là của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (bao gồm 14 tỉnh/thành phố từ Thanh Hóa tới Bình Thuận) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết số 26-NQ/TW).

*

 Trước khi đi vào các giải pháp cụ thể, xin đề cập một số vấn đề về quan điểm. Theo tôi, để thành phố bên sông Hàn có thể sớm trở thành trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao của cả nước, những người trực tiếp lao động trên các lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế và nhất là những người quản lý trên các lĩnh vực này cần hết sức chú trọng đến tính chất liên kết vùng - hướng tới liên kết cả nước/liên kết khu vực và quốc tế nhưng chủ yếu vẫn là liên kết vùng, vẫn phải xuất phát từ liên kết vùng; cũng như cần chú trọng không chỉ sức thu hút mà cả sức lan tỏa của địa phương trong quá trình phấn đấu trở thành trung tâm. Theo quan sát của tôi thì khi nghĩ về liên kết vùng, tất cả các địa phương trong vùng đều nhận thức rõ rằng nếu muốn đi nhanh thì nên đi một mình còn nếu muốn đi xa tốt nhất là nên đi cùng nhau; tuy nhiên trong thực tế của quá trình liên kết vùng nhiều năm nay, có thể thấy địa phương nào cũng muốn vươn lên hàng đầu, muốn vượt lên phía trước, muốn địa phương mình trở thành trung tâm duy nhất trên từng lĩnh vực.

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 43-NQ/TW đánh giá Đà Nẵng rằng “sự liên kết, hợp tác của thành phố với các địa phương trong vùng và cả nước chưa thường xuyên, thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao”, từ đó yêu cầu “chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương”; “đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh hạt nhân của thành phố Đà Nẵng và lợi thế vùng; tạo sự thống nhất trong liên kết, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương miền Trung - Tây Nguyên, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và xúc tiến, huy động nguồn lực triển khai thực hiện kế hoạch và nội dung liên kết, nâng cao sức cạnh tranh để cùng phát triển”. Và không phải ngẫu nhiên mà trong một nghị quyết dành riêng cho thành phố Đà Nẵng, Bộ Chính trị lại giao nhiệm vụ cho “các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, nhất là các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố Đà Nẵng, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”.

*

Về các giải pháp chủ yếu để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa - thể thao, Nghị quyết số 43-NQ/TW định hướng ngắn gọn: “Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội (…) hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng”, chưa đề cập các giải pháp về phát triển thể thao. Trước hết, với tư cách một trung tâm văn hóa của vùng, Đà Nẵng cần phải làm nhiều việc nhằm “hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng”, nhưng theo tôi cần tập trung làm nổi bật hai cái khác biệt, riêng có của một thành phố hơn 130 năm là văn hóa giao thông đô thị và văn hóa cư trú nội thành. Văn hóa giao thông đô thị góp phần hình thành bản sắc văn hóa Đà Nẵng, góp phần tạo nên khác biệt cho Đà Nẵng với một mạng lưới đường phố ngày càng dày đặc; cùng với đó là rất nhiều giao lộ phần lớn đã được lắp đặt hệ thống tín hiệu đèn vàng - đèn đỏ - đèn xanh và rất nhiều dải phân cách cũng như lối đi ưu tiên cho bộ hành... Có người nói rất đúng rằng văn hóa giao thông không gì khác là ý thức tôn trọng của người tham gia giao thông với những người đang cùng mình tham gia giao thông, thậm chí với cả những người không tham gia giao thông. Ở đây tôn trọng đi liền với nhường nhịn. Điều gì dẫn đến ý thức nhường nhịn? Đó chính là văn hóa xếp hàng. Khi một người biết kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình chứ không chen ngang lấn tới để giành lợi thế/ưu tiên thì mới có thể tự giác dừng ở giao lộ khi đèn vàng/đèn đỏ, mới có thể tự giác không đi ngược trên đường một chiều, mới có thể tự giác nhường đường cho xe cứu thương/cứu hỏa…, thậm chí khi cần mới có thể tự nguyện nhường nhịn ưu tiên/lợi thế cho người khác, chẳng hạn nhường cho xe chạy sau đang ra hiệu xin vượt... Làm nổi bật văn hóa giao thông đô thị với tư cách cái khác biệt, cái riêng có của thành phố mình, người Đà Nẵng không thể không thể hiện ý thức tôn trọng/nhường nhịn ấy[1].

Văn hóa cư trú nội thành cũng góp phần tạo nên khác biệt cho Đà Nẵng, góp phần hình thành bản sắc văn hóa Đà Nẵng. Trong cuốn sách Đào chuông xuống núi xuất bản năm 2014, tôi từng nêu cái nhìn của mình về con người đô thị, bao gồm con người Đà Nẵng quê tôi: “Con người đô thị nói chung sống chen chúc nhưng xa cách. Nhiều ngôi nhà đô thị kín cổng cao tường khiến con người sống ở đó vừa có cảm giác yên tâm không bị ai quấy nhiễu lại vừa như đang tự giam mình trong nỗi cô đơn”[2]. Và sống chen chúc nhất trong những người đô thị sống chen chúc là cư dân các chung cư cao tầng, là cư dân trú ngụ trong những căn nhà liền kề hình ống tại các khu dân cư đông đúc ở nội thành. Chen chúc gần gũi đến mức hầu như thường xuyên chạm mặt nhau đến thế sao gọi là xa cách? Sở dĩ như vậy là bởi cư dân đô thị được cố kết thành cộng đồng khác với cư dân nông thôn thường có quan hệ huyết thống, dòng tộc hoặc quan hệ đồng hương lâu đời, nếu không cùng nhau gầy dựng văn hóa cư trú nội thành rất dễ “gần nhà xa ngõ”. Sở dĩ như vậy còn do xuất phát từ chính sự chen chúc, sát vách sát tường trong điều kiện cách âm hạn chế, nhất là ở các chung cư cao tầng - nếu không cùng nhau gầy dựng văn hóa cư trú nội thành thì rất dễ “vô tình hóa ra người có lỗi”… Cho nên để góp phần tạo nên khác biệt cho Đà Nẵng, góp phần hình thành bản sắc văn hóa Đà Nẵng, người Đà Nẵng phải hết sức chú ý đến việc xây dựng văn hóa cư trú nội thành, làm thế nào để sống chen chúc mà vẫn không xa cách, làm thế nào để “tối lửa tắt đèn có nhau” mà vẫn rất mực tôn trọng thế giới riêng tư của hàng xóm láng giềng, làm sao để luôn thăm hỏi quan tâm đến người sống gần mình mà không tỏ ra tò mò tọc mạch... Để xây dựng văn hóa cư trú nội thành, cần suy ngẫm về phương châm mà hơn 2.500 năm trước Khổng Phu Tử từng khuyên nhủ đồ đệ của ông: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân - Cái gì mình không muốn thì chớ gây ra cho người khác. Tuy nhiên điều cốt lõi nhất trong văn hóa cư trú nội thành mà người Đà Nẵng hướng tới là lòng khoan dung về văn hóa, sẵn sàng chấp nhận cái khác mình. Sở dĩ như vậy là vì “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, hàng xóm láng giềng có nhiều cái khác với mình, từ sở thích cho đến phong cách, từ tín ngưỡng cho đến đam mê… Chỉ có một điều giống nhau rất dễ nhận ra: Tất cả đều có chung một khát vọng là làm thế nào để cùng nhau giữ gìn và xây dựng bản sắc văn hóa Đà Nẵng, phấn đấu để Đà Nẵng sớm trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước.

Ngay Nghị quyết số 43-NQ/TW dành riêng cho Đà Nẵng cũng chỉ định hướng chung là phải “hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng”; còn chính người Đà Nẵng phải tự mình xác định truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng nằm ở tọa độ nào trên bản đồ truyền thống, văn hóa người Quảng, người miền Trung và người Việt Nam. Ngay cả việc trồng cây xanh cho một đô thị sinh thái, người Đà Nẵng có thể nghĩ gì khi thành phố kết nghĩa Hải Phòng đã nổi tiếng với thương hiệu “Thành phố hoa phượng đỏ” và mới đây thành phố Tam Kỳ tỉnh lỵ của Quảng Nam cũng đang hướng tới thương hiệu “Thành phố hoa sưa vàng”? Rồi thương hiệu “Thành phố hoa đào” của thành phố Lạng Sơn tỉnh lỵ của Lạng Sơn hay thậm chí thương hiệu “Thành phố hoa hồng” của thành phố Đồng Hới tỉnh lỵ của Quảng Bình…

Thể thao cũng là một khía cạnh của văn hóa và cả văn hóa lẫn thể thao đều là tài nguyên của công nghiệp không khói - không phải ngẫu nhiên mà hiện nay văn hóa và thể thao cùng do một cơ quan quản lý nhà nước đảm trách ở Trung ương là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do vậy muốn Đà Nẵng sớm trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước, không thể không đồng thời phấn đấu để Đà Nẵng sớm trở thành một trung tâm thể thao của cả nước. Một trung tâm văn hóa của cả nước phải là nơi đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia và châu lục trở lên; một trung tâm thể thao của cả nước cũng phải là nơi đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Cần nhìn nhận các sự kiện thể thao do địa phương đăng cai tổ chức cũng là tài nguyên du lịch có sức thu hút huấn luyện viên/vận động viên (và các cộng sự cùng người thân tháp tùng) giống như các lễ hội văn hóa là tài nguyên du lịch có sức thu hút đông đảo du khách thập phương. Đà Nẵng từng đăng cai thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ III vào tháng 8 năm 1992, Vòng chung kết giải Bóng đá U16 châu Á vào tháng 9 năm 2000, Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12 năm 2010, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5) vào tháng 9 năm 2016 và sẽ đăng cai Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife lần thứ XI vào tháng 3 năm 2024 (đây là cuộc thi thường niên do Đà Nẵng độc quyền đăng cai tổ chức từ năm 2013 đến nay), Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ XIII vào tháng 6 năm 2024 (đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai), Giải Vô địch Taekwondo châu Á lần thứ XXVI vào tháng 3 năm 2024 (đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai), giải Vô địch Roller Sports Đông Nam Á và giải Roller châu Á mở rộng vào tháng 3 năm 2024  (đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai). Theo tôi Đà Nẵng nên tiếp tục đầu tư các cơ sở thi đấu (hiện nay mới có Cung Thể thao Tiên Sơn, Câu lạc bộ Bơi - Lặn Đà Nẵng, Nhà tập võ Taekwondo, Câu lạc bộ Đua thuyền Đồng Nghệ, cùng Sân vận động Hòa Xuân - xin nói thêm rằng theo Đề án số 7245/ĐA-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2022 về Phát triển thể thao quần chúng với việc nâng cao sức khỏe, cải thiện thể trạng người dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thì Sân Vận động Hòa Xuân cũng chỉ mới đạt quy mô 20.000 chỗ ngồi; và theo báo cáo Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 của Cục Thể dục Thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tháng 12 năm 2023 thì hiện nay “Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng còn thiếu một số hạng mục cơ bản như bể bơi, sân đá bóng, đường chạy tiêu chuẩn”... - để có thể đăng cai tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn các sự kiện thể thao tầm cỡ châu Á và quốc tế.  

 Một trung tâm thể thao của cả nước cũng phải là nơi có nhiều cơ sở đào tạo vận động viên. Đà Nẵng vốn có thuận lợi về lĩnh vực này với hai đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng thành lập tháng 3 năm 1994 và Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng thành lập tháng 4 năm 2007 - tiền thân là Trường Trung học Thể dục Thể thao Trung ương III thành lập năm 1977, được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Thể dục Thể thao Trung ương III vào năm 1997); với Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng III của Quân khu 5 thành lập tháng 12 năm 1994; với Khoa Giáo dục Thể chất và Trung tâm Thể thao Đại học Đà Nẵng (tháng 1 năm 2021, Khoa Giáo dục Thể chất và Trung tâm Thể thao Đại học Đà Nẵng đã đăng cai tổ chức thành công Khóa đào tạo Huấn luyện viên Futsal cấp I Quốc gia do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức cho các học viên bóng đá Futsal) và với Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo Vận động viên Thể dục Thể thao thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên để sớm trở thành một trung tâm thể thao của cả nước, Đà Nẵng cần sớm hình thành các học viện thể thao ở một số chuyên ngành - không nên lập học viện thể thao đa ngành - hoặc công lập hoặc ngoài công lập kiểu như Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai ở huyện Đăk Đoa tỉnh Gia Lai thành lập từ năm 2007, hay như Học viện Bóng rổ Hà Nội (HNBA) thành lập năm 2021… Chuyên ngành bóng đá có nhiều dấu ấn ở Đà Nẵng với Câu lạc bộ Bóng đá SHB Đà Nẵng/ Công ty Cổ phần Thể thao SHB Đà Nẵng, nên việc hình thành một học viện bóng đá chắc có nhiều thuận lợi; chuyên ngành bóng rổ phù hợp với thể thao học đường nên cũng sẽ có thuận lợi khi hình thành một học viện bóng rổ…; tương tự là chuyên ngành Taekwondo với Câu lạc bộ Taekwondo Trường Đại học Đông Á thành lập vào tháng 10 năm 2018…  

*

Về các giải pháp chủ yếu để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm giáo dục - đào tạo, Nghị quyết số 43-NQ/TW định hướng chủ yếu ở bậc đại học: “Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế”; “đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm là (…) Khu đô thị Đại học Đà Nẵng”; còn về giáo dục - đào tạo nói chung thì chỉ nêu định hướng “phát triển hiện đại hóa các ngành dịch vụ, nhất là giáo dục - đào tạo (…) tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng”. Đối với giáo dục đại học ở Đà Nẵng, mới đây Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra mục tiêu “đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia” - qua đó tôi nghĩ rằng câu chuyện Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế - đều thuộc tiểu vùng Trung Trung Bộ - cùng phấn đấu trở thành Đại học Quốc gia mới là thách thức lớn của giáo dục đại học Đà Nẵng, chứ thách thức không chỉ và chủ yếu cũng không nằm ở câu chuyện Làng Đại học Đà Nẵng - nay đổi tên thành Khu đô thị Đại học Đà Nẵng - bị chậm tiến độ giải phóng mặt bằng suốt hai thập niên qua...

Quán xuyến tư duy liên kết vùng, cả Đại học Quốc gia Đà Nẵng và Đại học Quốc gia Huế trong tương lai cần phải hợp tác liên kết về đào tạo và nghiên cứu khoa học để đủ sức cạnh tranh với các đại học quốc gia ở hai đầu đất nước chứ không phải để cạnh tranh với nhau. Chẳng hạn về đào tạo ngành khoa học sức khỏe, chắc chắn Đà Nẵng không thể mà cũng không nên cạnh tranh với Huế bởi Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế có bề dày truyền thống gần bảy mươi năm, có chất lượng giáo dục đạt tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở ba chương trình đào tạo Dược học, cử nhân Y tế công cộng và cử nhân Điều dưỡng, lại có cả Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế được thành lập năm 2002 và đã được công nhận là Bệnh viện Công lập hạng I với gần 700 giường; vậy Khoa Y Dược Đà Nẵng (thành lập từ năm 2007) phải phát triển theo hướng nào khi được nâng cấp và không loại trừ khả năng hợp nhất với Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược - Bộ Y tế để trở thành một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Đà Nẵng nhằm vẫn có thể tận dụng được thế mạnh về đào tạo nhân lực ngành khoa học sức khoẻ của Huế lại vừa phát huy được thế mạnh riêng có của mình (nên chăng cần tập trung vào việc hình thành các chuyên ngành mà Đà Nẵng có ưu thế như phòng chống đột quỵ, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học…).

Hay chẳng hạn trên lĩnh vực đào tạo nghệ thuật, hiện nay ở Huế đã có Trường Đại học Nghệ thuật và Học viện Âm nhạc Huế - vậy Đà Nẵng cần làm gì để khi nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng thành trường đại học và không loại trừ khả năng đưa về trực thuộc Đại học Quốc gia Đà Nẵng, vẫn có thể tận dụng được thế mạnh về đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của Huế lại vừa phát huy được thế mạnh riêng có - nghĩa là phải tính toán thật kỹ nhằm tạo được những thế mạnh riêng có, “không đụng hàng” với Trường Đại học Nghệ thuật và Học viện Âm nhạc ở ngay bên kia núi Hải Vân! Xin nói thêm, hiện nay Đà Nẵng - và chắc không riêng Đà Nẵng - đang thiếu những nghệ sĩ sáng tác lẫn nghệ sĩ biểu diễn, đặc biệt là những nghệ sĩ có thể sống được với nghề/với tác phẩm nghệ thuật của mình. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học của Đà Nẵng đều là người làm văn chương bằng tay trái, nhất là những người chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là tình cảnh phổ biến của các họa sĩ, nhà lý luận phê bình hội họa; của các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc; của các đạo diễn và tác giả kịch bản sân khấu cũng như điện ảnh… Chính vì không có điều kiện làm nghệ thuật bằng tay phải nên phần đông nghệ sĩ sáng tác ở Đà Nẵng thường không được cập nhật thông tin liên quan đến các thành tựu mới trong nghiên cứu lý luận văn chương và nghệ thuật của thế giới. Rồi chính sự bất cập vừa nêu của giới sáng tác đã dẫn đến sự bất cập của giới biểu diễn. Làm sao nghệ sĩ múa - dẫu có hồn đến mấy, thăng hoa đến mấy vào ngôn ngữ của vũ điệu - có thể tránh được tình trạng biểu diễn đơn điệu - rõ nhất là đối với múa Apsara - khi các biên đạo múa chưa thật sự sáng tạo nên những vũ khúc hay…   

Liệu có thể cải thiện được tình trạng chưa như mong đợi về tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật hay không? Theo thiển ý, muốn được thế thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tạo nguồn theo hướng coi trọng đào tạo chất lượng cao, luôn tìm cách tôn vinh các tài năng nghệ thuật. Làm nghề gì cũng đòi hỏi tài năng nhưng làm văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là đối với các bộ môn nghệ thuật thì càng không thể không khẳng định tài năng và đánh giá cao những người thực sự có tài. Cố họa sĩ Lưu Công Nhân từng cho rằng trong sáng tác hội họa, đạo đức nghề nghiệp không gì khác là phải thật sự có tài, phải vẽ được những bức tranh đẹp. Tài năng trong nghệ thuật được hình thành do thiên phú nhưng chủ yếu do được đào tạo hẳn hoi trong nhà trường và quan trọng hơn là do được thường xuyên hành nghề nhằm tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và đổi mới tư duy sáng tạo. Tạo nguồn tài năng trong nhà trường cần tiến hành bằng cả hai phương thức: Đầu tư để chủ động tuyển chọn người có triển vọng đưa đi đào tạo và trải thảm đỏ để thu hút tài năng sẵn có đã qua đào tạo. Còn tạo nguồn tài năng trong thực tiễn hành nghề thì không có cách nào hiệu quả hơn việc tăng cường tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong nhà hát, kể cả việc mở rộng hoạt động giao lưu đối ngoại về văn hóa để cử đoàn nghệ thuật của nước ta đi tham gia các liên hoan biểu diễn nghệ thuật ở nước ngoài; đi đôi với việc tổ chức các giải thưởng văn học nghệ thuật hằng năm để trao giải nhằm tôn vinh những tài năng thực sự, đồng thời tạo điều kiện để nghệ sĩ sáng tác của nước ta được gửi tác phẩm đi dự thi tại các giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc/khu vực và cả ở nước ngoài.

Đương nhiên Đại học Quốc gia Đà Nẵng tương lai vẫn phải tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có từ các chuyên ngành đào tạo của Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ… Vừa qua Đại học Đà Nẵng đã đăng cai tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, mở ra một hướng đào tạo mới nhằm tạo thêm hấp lực cho thương hiệu Đại học Đà Nẵng. Tuy nhiên cần thấy các ngành đào tạo về Công nghiệp bán dẫn rất đa dạng - từ kỹ thuật điện tử, khoa học máy tính, các ngành vật lý vật liệu, hóa học và các ngành khác hỗ trợ thêm chứ không chỉ những ngành thời thượng như thiết kế vi mạch công nghiệp bán dẫn…

Đồng thời cũng cần thấy chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia Đà Nẵng tương lai tuỳ thuộc phần lớn vào chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố (nói phần lớn vì phạm vi tuyển sinh của Đại học Đà Nẵng hiện nay còn được mở rộng đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum… và cả một số huyện phía nam Thừa Thiên Huế). Vì vậy Trường Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm Kỹ thuật thuộc Đại học Đà Nẵng hiện nay cần tích cực tham gia vào việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông Đà Nẵng - và giáo viên phổ thông ở các tỉnh thuộc phạm vi tuyển sinh của Đại học Đà Nẵng - theo hướng đủ sức đảm đương việc dạy-học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều môn tích hợp như các môn Lịch sử, Địa lí được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lí, các môn Hóa học, Sinh học, Vật lí được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên... hiện nay chưa kịp đào tạo giáo viên liên môn tương thích.  

Nói đến giáo dục - đào tạo trong phát triển chủ yếu là nói đến đào tạo và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho kinh tế - không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thường không chỉ quan tâm vấn đề văn hóa của kinh tế mà còn quan tâm vấn đề kinh tế của văn hóa… Hơn hai thập niên qua, Đà Nẵng chủ yếu mới quan tâm tới nguồn nhân lực ở khu vực công lập - thực chất là nguồn nhân lực chất lượng cao dành riêng cho khu vực công lập. Tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm như vậy là đúng hướng, nhưng đã đến lúc Đà Nẵng cần quan tâm cả nguồn nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp thông thường và nguồn nhân lực ở khu vực ngoài công lập, chẳng hạn vừa tiếp tục thu hút và sử dụng đối tượng tinh hoa cho khu vực công lập, lại vừa thu hút và sử dụng đối tượng tinh hoa cho khu vực ngoài công lập… Đặc biệt khi đặt vấn đề về phát triển nguồn nhân lực, không nên đồng nhất lĩnh vực kinh tế với sở chủ quản, chẳng hạn cần thấy vai trò của Sở Văn hóa và Thể thao trong việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực của các điểm tham quan như thuyết minh viên ở bảo tàng/nhà trưng bày/di tích… là nguồn nhân lực không thể thiếu trong phát triển mũi nhọn công nghiệp không khói; trong việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực thể thao biển/du lịch biển như người cứu hộ ở các bãi tắm, như huấn luyện viên lướt sóng/dù lượn...

*

Về các giải pháp chủ yếu để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm y tế chất lượng cao, Nghị quyết số 43-NQ/TW định hướng: “Kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn”; “phát triển hiện đại hóa các ngành dịch vụ, nhất là y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới”. Những năm qua, ngành y tế Đà Nẵng với 24 đơn vị trực thuộc, 4 bệnh viện ngành đóng trên địa bàn, 7 bệnh viện tư nhân, 21 phòng khám đa khoa tư nhân và hơn 1.900 phòng khám, quầy thuốc, nhà thuốc... thời gian qua, các đơn vị đang dần kết nối các dữ liệu y tế, hình thành nền tảng hạ tầng y tế số; đồng thời ngành y tế Đà Nẵng cũng đặt ra tầm nhìn tới năm 2030 ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế thành phố, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Đà Nẵng đang có nhiều thành tựu trong chuyển đổi số nên câu chuyện “hình thành nền y tế thông minh” ở Đà Nẵng tuy không đơn giản nhưng cũng không quá khó. Cái khó nhất vẫn là câu chuyện liên kết vùng trên lĩnh vực y tế như thế nào cho thật hiệu quả, cho đạt mục tiêu cùng thắng/ win-win. Nghị quyết số 26-NQ/TW khi đề ra mục tiêu “phát triển thành phố Đà Nẵng, thành phố Vinh và thành phố Huế thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu” vẫn nhấn mạnh ưu thế của thành phố Huế: “Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế”. Trên đường phấn đấu trở thành trung tâm y tế chất lượng cao, Đà Nẵng vừa phải biết tận dụng ưu thế này ở ngay bên kia đèo Hải Vân, vừa phải tạo khác biệt của riêng mình trên cả hai phương diện điều trị và đào tạo - nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn Đà Nẵng cần sớm hình thành một số trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao giúp phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm ở giai đoạn chưa có triệu chứng (như ung thư, tim mạch…), từ đó can thiệp sớm mang lại hiệu quả điều trị cao - hiệu quả hoạt động của các trung tâm này cũng là tài nguyên của du lịch y tế; trước mắt cần tập trung xây dựng một trung tâm phòng chống đột quỵ theo phương thức xã hội hóa.  

*

Trở lên là những giải pháp chủ yếu để phát triển Đà Nẵng thành trung tâm trên từng lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và y tế chất lượng cao. Điều đáng nói là để triển khai thực hiện các giải pháp ấy, cần hết sức chú trọng giải pháp mang tính bao trùm - giải-pháp-của-giải-pháp: Tạo sự kết nối trong từng lĩnh vực và giữa ba lĩnh vực này với nhau, chẳng hạn giáo dục - đào tạo phải được kết nối để đảm bảo nguồn nhân lực quản lý và tác nghiệp văn hóa - thể thao cũng như quản lý và tác nghiệp y tế; ngược lại qua kết nối, bản thân giáo dục đào tạo cũng có điều kiện để phát triển y tế học đường, văn hóa học đường và thể thao học đường…

B.V.T

 

[1] Xem thêm Bùi Văn Tiếng, Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, Tạp chí chuyên đề Đô Thị và Phát Triển số 67- 2017, ngày 04 tháng 7 năm 2017.

[2]  Bùi Văn Tiếng, Đào chuông xuống núi, NXB. Đà Nẵng, 2014, trang 38, 39.