Nơi bình yên chim về

05.04.2024
Trần Thị Xuân Thu

Nơi bình yên chim về

Thật khó mà tin giữa lòng thành phố Đà Nẵng tấp nập, sôi động lại có một làng cò yên ả nên thơ đến thế. Không biết tự bao giờ loài chim trắng ấy đã về lập làng tại nơi đây. Tôi tạm gọi đó là Làng Cò.

Làng Cò nằm trên ba doi đất lúc chìm lúc nổi theo mùa và theo con nước trên sông Hàn. Nơi ấy chỉ có cây Bần mới định cư, mới kiên gan bám trụ được. Những cây Bần xanh nghít với rễ cây mọc ngược lại khiến tôi nhớ đến những loài cây giữ đất ở Cà Mau. Đất lấn ra biển đến đâu thì Đước và Mắm vươn ra giữ đất đến đấy. Nếu như cây Đước với rễ lộ thiên mọc xuống “trổ xuống nghìn tay ôm đất nước” thì cây Mắm với rễ mọc ngược lại như “vươn lên nghìn tay nâng đất nước”. Không gánh trọng trách nơi “đầu sóng ngọn gió” như Đước, Mắm ở Cà Mau, những rặng Bần bên bờ tây sông Hàn chỉ khiêm nhường, nhẹ nhàng tạo nên nét đẹp yên bình, thơ mộng, mời gọi chim về. Và như thế, cây Bần được nhiều người biết đến trong câu ca dao “Thân em như trái bần trôi/ Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu” gợi đến thân phận trôi nổi, phập phù, không tự định đoạt được phận mình của người phụ nữ trong xã hội xưa giờ. Đối với người Đà Nẵng, loài cây ấy, những trái bần trôi ấy không biết từ đâu đến vẫn đáng được bén rễ, xanh cây trên đất này.

Rặng cây xanh mọc nổi giữa làn nước trong xanh ấy tự bao giờ đã trở thành nơi trú ngụ bình yên của những “cư dân” áo trắng, chân siêu dài đáng yêu này. Sáng sáng, từng đàn cò lần lượt rời tổ bay về phương Nam. Phía ấy là Quảng Nam yêu thương, liền khúc ruột mềm với Đà Nẵng. Là nơi còn nhiều những khoảng không xanh mát với ao hồ sông suối, ruộng đồng để cò lặn lội mưu sinh. Chiều chiều, cò lại ngược hướng bay về tổ. Mỗi chiều về, cò bay dọc theo sông Hàn - một trong số rất ít con sông Việt độc đáo chảy song song với biển, ngược hướng từ Nam ra Bắc - về đậu trắng cả rặng cây khiến ai một lần nhìn thấy lòng không khỏi thầm ước mình thành thi sĩ hay nhạc sĩ. Dù chỉ một thoáng thôi khi cảm xúc chợt thăng hoa từ những gì thật bình dị mà quá đỗi bất ngờ vì giữa lòng thành phố, cò về. Xa xa, từng đàn cò trắng bay về dọc bờ đông sông Hàn. Có đàn bay bổng trên cao phác nên những nét chấm phá mê hoặc giữa lưng chừng trời. Có đàn lại bay là là mặt nước, cánh trắng chấp chới trong nắng chiều cộng hưởng với mặt nước ánh bạc tạo nên vẻ đẹp lấp lánh của dòng sông ánh sáng. Có đàn về muộn khi hoàng hôn vừa chạm mặt sông. Thong thả, nhẹ nhàng, cánh chim cứ vậy mà bay hết đường bay của mình rồi vòng sang phía Đảo Xanh nhập làng. Những chấm trắng ấy như những nốt nhạc dịu chuyển động trên dòng sông êm là nét hoàn thiện tuyệt đẹp của bài thơ sông Hàn trong thời khắc ngày tàn.

Làng Cò giữa lòng thành phố nhìn phía nào cũng đẹp như mơ. “Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hàn” hay “Đứng bên tê Hàn ngó bên ni Hàn” đều có những góc cảm riêng đầy chất thơ. Dịch chuyển về “bên ni Hàn”, từ phía Đảo Xanh, khoảng bốn, năm giờ chiều cho đến sáu, bảy giờ sáng hôm sau những cư dân hiền lành, đáng yêu ấy đậu sáng cả rặng cây. Không gian tĩnh lặng ấy chốc chốc lại chuyển động mềm như lụa. Cò bay tầng thấp, cò lượn tầng cao. Khi lẻ loi cánh nhỏ. Lúc dập dìu đôi bóng trắng bên nhau. Ấn tượng nhất vẫn là hiệu ứng đàn nối đàn cất cánh lên lượn vòng nhẹ nhàng, rồi thanh thản hạ cánh xuống trên mỗi vòm cây. Khoảnh khắc cả một vùng sông nước giữa lòng thành phố chuyển động bởi hàng trăm cánh cò rập rờn mềm mại khiến ta như vỡ òa cảm xúc. Không gian như thực như mơ ấy đã chạm vào một cõi rất Việt trong hồn người.

Đã từ lâu, “Con cò bay lả bay la”, “Cánh cò bay lả rập rờn” trên đồng ruộng, giữa thơ ca đã chiếm trọn niềm yêu trong bao trái tim. Nơi đâu có cánh cò bay lả bay la, nơi đó có cả một khoảng trời bình yên. Khoảng trời ấy cứ khiến lòng người lắng lại, tim người mềm đi, mềm đi… Và đâu chỉ thế, cò còn gợi lên trong lòng người bao niềm thương cảm về phận người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội xưa. “Cái cò lặn lội bờ sông”, “Con cò lặn lội bờ ao”, “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”. vất vả, nhọc nhằn, đầy bất trắc là thế mà vẫn âm thầm hy sinh, mà vẫn chọn cho mình lối sống thanh cao, có chết vẫn không chịu “chết đục”, để phước lại cho con bằng phẩm hạnh trong sạch của mình. Hình ảnh ấy khiến ta lại nhớ đến mẹ, đến bà của mình và bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, nhân hậu, thủy chung, “nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng”.

Đất lành chim đậu. Loài chim trắng mang vẻ đẹp thuần Việt ấy giờ đây đã trở thành một phần an hòa, sống động, gắn bó máu thịt với dòng sông Hàn thơ mộng, với người Đà Nẵng sâu nặng nghĩa tình, với cả thành phố đầu biển cuối sông sôi trào mạch sống này. Giữa lòng phố chim về, yên bình đến lạ. Đà Nẵng ơi sao mà yêu đến thế...

T.T.X.T