“Đu trend người nổi tiếng” - hấp dẫn những trang đời nghệ sĩ
Bìa sách Đu trend người nổi tiếng của nhà báo - nhà văn Lê Công Sơn (do NXB Tổng hợp TP.HCM) ấn hành.
Viết về những góc khuất trong đời sống của các nghệ sĩ nổi tiếng, đó là nội dung tác phẩm mới “Đu trend người nổi tiếng” của nhà báo - nhà văn Lê Công Sơn (do NXB Tổng hợp TP.HCM) vừa ấn hành. Anh cũng một cây bút quen thuộc từng có nhiều tác phẩm đã xuất bản: Răng mà thương mà nhớ, Loanh quanh Sài Gòn.., rất được độc giả yêu thích.
Lôi cuốn bao chuyện đời, chuyện nghề
Trước khi trình làng tập sách này, nhà báo - nhà văn Lê Công Sơn (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) đã từng xuất bản tập tản văn Răng mà thương mà nhớ (2018), tập khảo cứu Loanh quanh Sài Gòn (2020). Và Đu trend người nổi tiếng là tập sách phản ánh đúng sở trường mà anh đang công tác.
Đu trend người nổi tiếng có độ dày trên 300 trang với hơn 30 bài viết về những nhân vật là người hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật như: Mạc Can, An Chi, Hồng Vân, Minh Nhí, Xuân Nghị, Lan Phương, Vân Sơn, Lê Minh Quốc, Nguyễn Phong Việt, Lê Sa Long, Trần Thế Phong... Ở bài viết của tác giả, họ đã sống với cuộc đời thực chứ không phải những vai diễn trên sân khấu. Ở đó, những câu chuyện về cuộc đời và những câu chuyện nghề đã được chia sẻ.
Không dễ dàng gì mà người ta chia sẻ những câu chuyện đời tư của mình, huống nữa những nhân vật Lê Công Sơn chọn đều là người của công chúng. Không dễ để họ có thể trò chuyện một cách tự nhiên và cởi mở như vậy. Đó cũng là một nghệ thuật hay nói cách khác là một kinh nghiệm làm nghề của anh. Đồng thời anh cũng viết rất tự nhiên, để bản thân đứng ở ngoài chứ không lậm vào trong câu chuyện của nhân vật. Mà cách diễn đạt của anh rất mượt, rất văn chương và mới mẻ không khô khan như bản chất của báo chí.
Phải nói rằng anh đã rất chuyên nghiệp khi có thể thuyết phục nhân vật của mình chia sẻ những góc khuất của cuộc đời, “tâm sự thầm kín” với anh những chuyện đời tư cá nhân. Đó là kỹ năng đặt câu hỏi. Điều này thực sự rất quan trọng. Vì có nhiều người hỏi đến mức người ta không muốn trả lời. Mà là một người làm báo tay ngang, cũng từng đi phỏng vấn, tôi đã thấy được sự chuyên nghiệp của nhà báo Lê Công Sơn. Anh đã hạn chế đến mức tối thiểu những câu hỏi phủ định, đồng thời câu hỏi cũng mang tính vấn đề và những điều anh khai thác đều là những góc nhìn mới của anh về nhân vật. Điều đó tạo cho họ sự thoải mái và tự nhiên chia sẻ hết những tâm tư, tình cảm của mình.
Chẳng hạn như nghệ sĩ Vân Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã mạnh dạn chia sẻ về chuyện tình yêu với người yêu đầu đời khi đã thành gia lập thất. Đó là điều rất khó nói. Nhưng bằng cách nào đó, nhà báo Lê Công Sơn đã có thể thuyết phục họ chia sẻ. Cũng như vậy, các nghệ sĩ đã chia sẻ chuyện bếp núc, những khó khăn mà họ đã trải qua, những lần vấp ngã trên đường đời… Những câu chuyện ấy sẽ khiến cho người mộ điệu thêm yêu thương những người thần tượng của mình.
Đọc tựa đề, tôi nghĩ rằng nhân vật trong cuốn sách sẽ chỉ là diễn viên. Nhưng không. Các nhân vật của anh đến từ nhiều ngành nghề khác nhau như: diễn viên, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà thơ, ảo thuật gia, nhạc sĩ… Điều đó đã mang lại sự đa dạng cho cuốn sách và mang lại nhiều nội dung giá trị khác.
Những thông điệp “ngầm”
Cuốn sách nào cũng sẽ mang lại những thông điệp. Và tôi nghĩ rằng văn chương, báo chí luôn truyền tải những thông điệp vô cùng nhân văn. Trong cuốn Đu trend người nổi tiếng, tôi cho rằng nhà báo Lê Công Sơn đã “cài cắm” rất nhiều những thông điệp ý nghĩa trong đó.
Mỗi nhân vật là một bài học đáng để chúng ta suy ngẫm. Tôi nghĩ rằng nghệ sĩ Mạc Can sẽ là “Gương mặt thân quen” với một số phận không mấy suôn sẻ nhưng ông luôn mỉm cười với nó, dù trong hoàn cảnh nào thì ông vẫn rất hóm. Ông luôn bông đùa, cười tươi dù cuộc đời luôn gặp nhiều phong ba. Và rồi cuối cùng, ông vẫn sống, vẫn cống hiến, vẫn đứng vững vàng giữa tình yêu thương của mọi người. Hay ca sĩ Randy cũng thế, anh luôn được mọi người yêu thương, anh đã có nhiều người mẹ, dù rằng tạo hóa cho anh kiếp mồ côi. Có lẽ dù cuộc đời có bạc đãi ta đến đâu, thì vẫn còn những vòng tay yêu thương luôn chào đón mình.
Ngoài thông điệp về việc sống tích cực, tác giả còn gửi gắm vào đó lời nhắn nhủ về tấm lòng nhân ái. Đó là khi anh nhắc đến những quỹ thiện nguyện của các nghệ sĩ như: Nguyên Vũ (Bồ câu trắng), Hòa Hiệp (Ấm tình mùa xuân). Với thông điệp cho đi là còn mãi, anh đã lan tỏa nguồn năng lượng của những quỹ thiện nguyện từ những người nghệ sĩ đến với đông đảo quần chúng.
Trong cuốn sách có đề cập đến nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn với những bức ảnh đời thường ở đường phố Sài Gòn, nhạc sĩ Kiều Tấn với những chương trình cổ nhạc, học giả An Chi với những nghiên cứu về tiếng Việt, nghệ nhân Vũ Kim Lộc với việc phục chế những chiếc mão thời Nguyễn… Những điều ấy đã góp giữ gìn những giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, đó cũng chính là những hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước, yêu những giá trị quý báu của dân tộc. Đó chính là những lời nhắn gửi về tình yêu nước mà Lê Công Sơn đã gửi gắm vào tác phẩm.
Và cũng trong cuốn sách này, người đọc sẽ nhận thấy thông điệp về những con người luôn tận tụy với công việc, làm cho cái nghề của họ trở nên trong sạch và cao quý. Đó chính là những người nghệ sĩ đúng nghĩa.
Để kết lại bài viết này, tôi xin phép được chia sẻ vài điểm khuyết của cuốn sách để bài viết tròn trịa. Cuốn sách mang lại nhiều giá trị như thế nhưng có một số bài viết tác giả lại sa đà vào người không phải nhân vật chính. Chẳng hạn ở cuối bài viết về nghệ sĩ Vân Sơn, anh đề cập hơi nhiều về danh ca Ý Lan. Mà những gì đọng lại, những gì tạo dư ba trong lòng bạn đọc về nhân vật chính của bài viết lại nằm ở những phần cuối cùng, điều đó phần nào đã làm mất bớt giá trị bài viết dù không đáng kể.
Nhưng dẫu sao nhà báo Lê Công Sơn cũng đã mang đến cho chúng ta những câu chuyện thú vị, vừa mang tính thời sự lại vừa mang theo những điều riêng tư, nhiều ý nghĩa từ những nhân vật của anh. Nào, hãy cùng Đu trend người nổi tiếng với nhà báo - nhà văn Lê Công Sơn, để nhân nha thưởng thức cuốn sách mới, độc giả sẽ bị cuốn hút bởi những điều đặc biệt và bao câu chuyện thú vị đến từ cuốn sách.
N.N.T