Văn chương và người viết trẻ hôm nay: Trở về - Khám phá, đối diện thử thách
Hai tuyển tập thơ và văn xuôi giới thiệu tác phẩm của đại biểu tham dự Hội nghị những người viết trẻ toàn quốc lần thứ 10
Văn chương
Tôi chắc chắn rằng đây là từ quá phổ biến và quen thuộc; dẫu vậy, với tôi, vẫn thật cần thiết phải nhìn lại nó ở đây bởi sự quen thuộc lắm lúc có thể dẫn chúng ta đến những mặc định chủ quan trong khi mỗi người, qua quá trình học hỏi và sáng tác, đã bồi đắp và tự xây dựng định nghĩa “văn chương” riêng cho chính mình.
Ở đây, tôi đề cập đến văn chương như một loại hình nghệ thuật mà người nghệ sĩ thay vì làm việc với sắc màu hay hình khối, họ làm việc với ngôn từ để tạo ra tác phẩm nhằm truyền tải một vấn đề, một thông điệp hoặc tiết lộ cách khéo léo về thế giới quan của mình. Theo tôi, đặc tính cốt lõi của nghệ thuật chính là sự tập trung. Người nghệ sĩ tập trung vào đối tượng mà họ muốn nắm bắt, diễn giải. Đối tượng ấy có thể là một người, một vật, một sự kiện trong cuộc sống hoặc sự kiện của tinh thần, cũng có thể là một trạng thái, một khái niệm trừu tượng… “Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống”, câu nói này nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng những người làm nghệ thuật cũng như trong công chúng. Tuy nhiên, nghệ thuật không phải là cuộc sống, chúng ta hiểu rõ ràng rằng toàn bộ đời sống này, tất cả sự kiện của mỗi một người cũng như của toàn xã hội không phải là một tác phẩm, nếu một người bê hết những gì đang diễn ra để tường thuật lại một cách trung thành và hoàn toàn không lựa chọn trong sáng tác của mình thì anh ta chỉ đang làm công việc ghi chép đơn thuần, không thể đồng nhất hành vi ghi chép ấy với hành vi sáng tác văn học. Sự khác biệt nằm ở chỗ để tạo ra sản phẩm văn chương, người sáng tác có sự lựa chọn, sắp đặt chi tiết, thông qua việc gia công từ ngữ, người sáng tác làm cho văn bản trở nên lấp lánh đồng thời bảo toàn những gì họ ký thác dưới vỉa tầng ngôn ngữ. Một tác phẩm văn học là tác phẩm vừa có nội dung trên bề mặt văn bản vừa có nội dung bên dưới con chữ, giữa các ký tự, các dòng, các đoạn… Bước vào sáng tác của họ là khám phá một thế giới quan riêng biệt. Cuộc sống cung cấp chất liệu cũng là nơi văn chương bắt rễ, nhưng chính sự gia công mới tạo ra tác phẩm.
Óc quan sát. Lòng cảm thông. Trí tưởng tượng. Theo tôi đây là ba từ khóa cho hoạt động sáng tác và cũng là ba từ khóa để một người đọc có thể bắt đầu khám phá một tác phẩm văn học.
Người viết trẻ
Tiêu chí nào để một tác giả được xem là trẻ? Dựa vào tuổi đời hay tuổi cầm bút? Những tác giả ở độ tuổi hai mươi, ba mươi thường được gọi là tác giả trẻ. Đồng thời, có nhiều tác giả đã vào độ tuổi xế chiều nhưng chỉ vừa bắt đầu sáng tác, tuổi cầm bút đếm chưa qua khỏi bàn tay và họ cũng tự nhận mình là “người viết trẻ”, là “tấm chiếu mới” trong lĩnh vực văn chương.
Với tôi, người viết trẻ là người vừa trở về với văn chương và đang trên đường học hỏi, khám phá, định hình lối đi cho riêng mình. Tôi tin rằng một tác giả dù xuất sắc và cá tính đến đâu thì cũng không thể định hình cái gọi là phong cách ngay khi vừa bắt đầu sự nghiệp sáng tác mà nó phải hình thành qua quá trình lao động, bằng sự trau dồi, va chạm và quá trình đi sâu vào cái tôi của mình, người viết dần dần khẳng định cá tính, con đường, đích đến của mình. Người viết trẻ, theo như tôi hiểu thì họ có thể ở bất cứ độ tuổi nào, mười tám, đôi mươi, ba mươi, bảy mươi, tám mươi, họ có thể chỉ mới cầm bút hôm qua thôi nhưng cũng có thể cầm bút mười năm, hai mươi năm nhưng vẫn trên đường học hỏi, tìm kiếm, khẳng định cá tính văn học của mình.
Văn chương - trở về hơn là đi đến
Là một tác giả trẻ, tôi thường nhận được câu hỏi “lý do nào khiến bạn đến với văn chương” và tôi thường phải dừng lại rất lâu mới có thể nói điều gì đó về việc này. Khi đã suy nghĩ thật sâu vào quá trình sáng tác và học hỏi của mình, tôi không cho rằng khi một người bắt đầu sáng tác là khi họ “đi đến” với văn chương, mà ngược lại tôi cho rằng đó là sự trở về. Theo tôi, mục đích của văn học là làm phát lộ vẻ đẹp và sự đa dạng của đời sống con người, là mở ra những góc nhìn mới mẻ, là tìm kiếm ý nghĩa và kiến giải cho sự tồn tại của chính mình và của xã hội, là thúc đẩy con người biết “ngước lên cao”, đứng trên sự hữu hạn của bản thân và kiếp sống để tiếp cận những giá trị tinh thần mới. Tất cả những điều này, theo tôi, đều thuộc về bản tính của con người, tôi tin rằng, trong mỗi con người, ngay từ lúc được sinh ra Thượng đế đã ít nhiều đặt để và ký thác những điều trên, cách thức thể hiện ở mỗi người mỗi khác, phản ứng và lựa chọn của mỗi người mỗi khác nhưng thậm chí ngay cả khi chúng ta không nhận ra hoặc chối bỏ thì chúng cũng không hoàn toàn mất đi. Vì vậy, tôi không cho rằng hành trình này là “đến với văn chương” mà là trở về, bước đầu tiên là trở về với chính con người mình. Hành trình sáng tác là hành trình của việc lắng nghe tiếng nói bên trong, kích hoạt giác quan, phát triển tư duy, mở rộng mĩ cảm, tìm kiếm cái tôi chân thật của mình… Và như thế, càng trở về với chính mình bao nhiêu, càng có được sự tập trung và gần với văn chương bấy nhiêu.
Khi nói về văn chương và người viết trẻ, nhiều lần tôi nghe người ta nhận xét “người trẻ hiện nay ít tha thiết với văn chương”. Họ đưa ra một vài so sánh để chứng minh rằng trước đây có một thế hệ nhà văn, nhà thơ “máu lửa” với nghề nghiệp, sống và chết bằng ngòi bút, nghiệp bút, họ muốn chứng minh thế hệ đi sau đang dần quay lưng và thờ ơ với văn chương, không chỉ người viết mà công chúng yêu thích đón đọc tác phẩm văn học cũng dần thưa vắng. Một vài thống kê về việc tiêu thụ các sản phẩm văn học hiện nay có thể thuyết phục được nhiều người tin vào điều đó, nhưng theo tôi đó chỉ là một nhận xét chủ quan dựa trên hiện tượng. Tôi nghĩ rằng con người ở bất cứ thời đại nào trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào vẫn âm thầm khao khát được giãi bày tâm tư, lí tưởng, niềm tin, đau khổ, ẩn ức… Con người không bao giờ có thể thôi tìm kiếm chính mình, tìm kiếm đồng loại, tìm kiếm sự cảm thông, tìm kiếm điều gì đó sâu sắc ở cuộc đời này và văn chương cho chúng ta phương tiện lẫn con đường để thực hiện những điều trên. Tuy nhiên, cách thể hiện niềm “tha thiết” với văn chương ở mỗi nhóm người hay ở mỗi thế hệ là có sự khác nhau và đó chỉ là những gì hiển lộ trên bề mặt mà người ta có thể thấy nó bằng quan sát vội vàng khi bỏ qua cái mạch ngầm chảy trong lòng xã hội. Mạch ngầm ấy tôi tin là bất biến chừng nào còn có con người trên trái đất. Khi công chúng thờ ơ với một sản phẩm nào đó thì có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng sản phẩm ấy chưa thỏa mãn nhu cầu của họ. Tôi không hình dung được ngành xuất bản truyền thống và việc sáng tác trong tương lai sẽ phát triển và thay đổi như thế nào nhưng tôi tin rằng dù là dưới hình thức nào, văn chương vẫn tồn lại như nhu cầu tất yếu của con người.
Và, mỗi mùa đi qua của cuộc đời đều là thời điểm thích hợp để bắt đầu hành trình trở về này.
Văn chương và hành trình khám phá của người viết trẻ hôm nay
Cuộc đời mỗi người nhìn rộng ra thì chỉ quanh đi quẩn lại trong vòng sinh, lão, bệnh, tử, tình yêu, danh lợi, niềm tin, lẽ sống… Văn chương nhìn rộng ra cũng xoay quanh bấy nhiêu đề tài, thế nhưng, văn chương vẫn luôn đòi hỏi luôn thúc bách sự ra đời của sáng tác mới. Tôi đã từng chất vấn bản thân mình tại sao đã có Romeo và Juliet, có Layla và chàng điên rồi mà khắp mặt đất này người ta vẫn viết mãi những câu chuyện tình? Và hôm nay, tới lượt tôi, tôi vẫn muốn viết. Liệu có thực sự cần và phải viết hay không?
Tự hỏi cho đến tận cùng, câu trả lời là có. Tôi thấy mình cần viết bởi điều trước nhất việc sáng tác mang lại cho tôi chính là cơ hội để nhìn sâu vào cuộc đời và sống trọn vẹn hơn. Thời đại nào có vấn đề của thời đại ấy. Mỗi thời đại có một áp lực riêng, mỗi thời đại đặt ra cho cư dân của mình những câu hỏi mà mỗi người chỉ có thể trả lời bằng chính cuộc đời riêng của họ. Như thế, mỗi thời đại sẽ có câu chuyện riêng của nó mà không bao giờ lặp lại. Nhà văn là người có thể tập trung lắng nghe và phát hiện ra câu chuyện rồi kể lại nó trên trang viết của mình, bằng cách kể riêng có của mình.
Là một người viết trẻ, tôi thường được nhắc nhở về cái mới trong văn chương, về cảm thức sáng tạo và thái độ quyết liệt đoạn tuyệt với những gì được xem là đã cũ hoặc là kinh điển để khẳng định sự độc đáo như cá tính của mình nhưng tôi chưa bao giờ chủ trương tìm kiếm thứ gì như thế. Tôi không cho rằng công việc của người viết trẻ là tạo ra một cái gì đó hoàn toàn mới, mới như một kiểu giật gân, thay vào đó, tôi cho rằng họ cần sống một cách sâu sắc, cần tương tác, cảm thông và mở rộng mọi đường biên của mình để đón nhận cả quả ngọt lẫn trái đắng mà thời đại dành cho thế hệ của mình. Tôi quan niệm rằng hành trình sáng tác là hành trình khám phá chính mình và đồng loại, là đi sâu vào con người, đi sâu vào thời đại, hiểu và sống tâm thức của thời đại mình. Cuộc sống tự thân đã luôn mới, điều mà người viết cần nhất, theo tôi, chính là những bước chân khai phá trên chính mảnh đất hiện thực mà họ đang đứng, họ cần một đôi chân vững vàng để bám trụ vào cuộc đời và một tâm hồn rộng mở biết ngước lên cao.
Người viết trẻ và những khó khăn khi bắt đầu sự nghiệp
Tôi không nghĩ rằng chỉ người viết trẻ mới gặp phải khó khăn, mà tất cả người viết dù ở giai đoạn nào của sự nghiệp cũng có những khó khăn nhất định. Khó khăn là mẫu số chung của người cầm bút, tuy nhiên, có một số vấn đề sẽ trở nên quan trọng và mang tính quyết định hơn đối với những tác giả mới bắt đầu sự nghiệp.
Khó khăn của người viết trẻ mà tôi sẽ đề cập sau đây theo tôi là khó khăn của những người viết chuyên nghiệp, họ đã lựa chọn công việc viết lách và dành toàn thời gian cho nó. Tôi hiểu rằng nhiều người đến với văn chương một cách tình cờ, ngẫu hứng, với họ, văn chương là cuộc dạo chơi, là thứ trang sức tao nhã hoặc là sở thích như người ta thích đánh cầu lông hay bóng bàn, cũng có người xem văn chương là góc tâm sự nơi họ có thể kể những chuyện riêng tư mà không lo bị phán xét. Ở đây, tôi không đề cập đến họ.
Khó khăn lớn nhất, theo tôi, chính là làm sao để người viết thực sự bước ra khỏi tác phẩm của mình sau khi hoàn thành nó. Sáng tác một tác phẩm giống như nặn một chiếc bình gốm, phải bắt đầu từ một khối đất nhão nhoẹt rồi nặn, rồi vuốt, rồi nung… cho đến khi hoàn thành họa tiết trang trí cuối cùng. Chiếc bình hoàn tất, công chúng có thể ngắm nó, cũng có thể sờ nắm, khen chê, mua bán… Dù chiếc bình xuất sắc hay xấu xí thì người thợ gốm cũng phải hiểu rằng mình là Đấng sáng tạo ra nó, mình chịu trách nhiệm về nó nhưng công việc sáng tạo đã hoàn tất. Và là người sáng tạo thì không thể nhảy vào chiếc bình gốm của mình để sống được, cho nên mọi khen chê hay vinh quang có được là vinh quang dành cho tác phẩm, công việc của một tác giả là tiếp tục với những sản phẩm mới. Điều này nói ra thì thật dễ nhưng để thực hiện được, với một tác giả trẻ, thật không dễ dàng, nó đòi hỏi bản lĩnh và sự tỉnh thức để đối diện và bước qua những khen chê đầu tiên trong sự nghiệp, không đánh mất dũng khí của người cầm bút trước những lời mỉa mai, cũng không tự nhấn chìm mình trong những danh xưng được xem là hào nhoáng như “nhà văn” hay “nhà thơ” - những từ này, theo tôi, là danh hiệu mà người sáng tác có được nhờ vào cảm tình của bạn đọc.
Dẫu biết là khó nhưng tôi vẫn luôn hi vọng những người sáng tác dù đang ở giai đoạn nào trong sự nghiệp của mình cũng hãy dành cho nhau cái nhìn công bằng và thái độ sòng phẳng khi đánh giá sáng tác của nhau. Điều tôi mong chờ nhiều nhất chính là tác phẩm được đánh giá với tư cách là một sản phẩm văn học chứ không phải đánh giá bản thân tác giả, cũng không phải đánh giá tác phẩm thông qua tác giả. Đối với người sáng tác, một lời khen “hay” hoặc một câu chê “dở” có thể mang lại cho họ cảm xúc nhưng không thể mang lại cho họ điều gì giá trị, cái họ thực sự cần là một lời phê bình chân thành để biết cái hay cái dở nằm ở đâu để có thể điều chỉnh và đầu tư cho những sáng tác sau. Sự chân thành và nhiệt tình từ phía người đọc là điều mà một tác giả trẻ cần mà vô cùng thiếu.
Sáng tác là công việc chỉ có thể làm một mình, định mệnh của nhà văn là định mệnh của cô đơn, phải chấp nhận điều này trong toàn bộ quá trình sáng tác và chấp nhận nó trong phần lớn cuộc đời của một tác giả. Việc tham gia vào các Hội nghề nghiệp như Hội nhà văn là cơ hội để người viết trẻ được nhìn nhận và tôn trọng đúng với công việc họ làm, điều quan trọng và cần thiết hơn nữa là họ cần sự đồng cảm và đánh giá của hội đồng chuyên môn.
Đường xa vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân, tôi tin rằng bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào cũng là thích hợp cho sự tỉnh thức, trở về, thay đổi.
L.H