Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng hiện nay

05.04.2024
Đinh Thị Kim Ngân

Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng hiện nay

Miếu thờ Bà Chúa Ngọc ở tổ 1, làng Sơn Thủy, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh ĐT.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Nói về nguồn gốc hình thành, một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Thánh Mẫu có từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần rất phát triển trong xã hội mẫu hệ (gọi nữ thần là Mẹ-Mẫu-Mế). Qua quá trình tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ mẹ thiên nhiên ban đầu đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam. Việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người của Đạo Mẫu đã dễ dàng đi vào đời sống dân gian, bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi con người.

Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam, tứ phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ, lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt dẻo dai, uyển chuyển phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất nước. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển.

Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng; thừa nhận sự tương đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa. Đối với người dân Việt Nam, Đạo Mẫu là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển.

Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này một lần nữa khẳng định những giá trị không thể phủ nhận của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống của người Việt.

Cũng như cư dân ven biển ở Nam Trung Bộ, cư dân Đà Nẵng nói riêng “đã thiết lập mối quan hệ đa chiều với môi trường môi sinh, cụ thể là tạo mối quan hệ mật thiết với Đất - Nước/Biển và Người đã khuất. Trong tâm niệm của cư dân, đây là các tác nhân quan trọng không kém thần Nam Hải, Đông Hải. Các đối tượng đó được thiêng hóa thành các Thần Thánh, Thần Mẫu và Nhân Thần, được thờ phụng theo tinh thần dung hợp, khoan hòa và tôn trọng của những người con xa quê”[1].

Niềm tin về tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Đà Nẵng được hình thành từ nhiều nguyên nhân. Niềm tin đó, trước hết xuất phát từ quan niệm “có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”. Nhất là đối với cộng đồng cư dân sinh sống bằng nghề biển, nhiều rủi ro lắm hiểm nguy, thì quan niệm này lại càng ăn sâu vào trong tâm thức của họ. Bên cạnh đó, khi mới đến định cư ở những vùng đất mới, người Việt đã Việt hoá vị Thánh Mẫu Pô Inư Nagar của của người Chăm thành Thiên Y A Na, trước là tưởng nhớ công ơn của bà đối với vùng đất này, sau là để cầu xin sự phù trì phù hộ để được yên ổn, no ấm.

  1. Thực trạng của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng hiện nay

Tại Đà Nẵng, tín ngưỡng thờ Mẫu bao hàm cả thần trên đất liền và thần cai quản vùng biển, có thần của người Việt và thần của người Chăm, bao gồm:

Thiên Ya Na: Có nguồn gốc từ nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm, trong quá trình mở cõi được người Việt tiếp nhận và thờ phụng. Tại làng Thanh Khê, Bà được gọi là “Thánh phi”, còn ở làng Nam Thọ, danh hiệu tôn xưng của Bà là “Thánh Mẫu Thiên Yana Diễn Phi Chúa Ngọc”[2].

Bà Đại Càn, hay còn gọi là Tứ Vị Thánh Nương: Đối với cư dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung, cư dân Đà Nẵng nói riêng, bà Đại Càn là nữ thần Biển độ trì cho những ngư dân đi biển vượt qua gió cao, sóng lớn để cập bến an toàn. Ở làng Nam Thọ và Mỹ Khê từng có miếu thờ Bà Đại Càn với tên gọi đầy đủ trong các bản sắc phong còn lưu lại tại hai làng là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần.

Bà Dàng Què/Dàng Râu: Theo ghi chép của tác giả Nguyễn Xuân Hương, Bà Dàng Râu vốn là đàn ông, người Trung Quốc. Trong chuyến vượt biển từ Trung Quốc sang Việt Nam buôn bán, gặp bão bị đắm thuyền, xác ông trôi vào lưới một ngư dân, người này vớt lên và chôn cất tử tế. Đến ngày mở cửa mả, hồn về đạp đồng ngang tự xưng là “Bà”. Ngư dân gọi là Bà Vàng Râu, đọc trại là Dàng Râu[3]. Trong Luận án Tiến sĩ văn hoá học, Lê Thị Thu Hiền cho rằng “bà Dàng Què còn có tên gọi là Dàng phi phu nhân/Dương phi phu nhân, một vị nữ thần của người Chăm. Một lần bà về báo mộng với vua Nguyễn, vua Nguyễn cho gọi chức sắc của làng Nam Thọ ra Huế, ban sắc phong và yêu cầu dân Nam Thọ lập miếu thờ Bà. Dân đi núi, ai đi qua miếu Bà mà giả vờ chân đi cà nhắc thì Bà bắt đi như vậy luôn, nên dân còn gọi Bà là Bà Dàng Què[4].

Bà Ngũ Hành hay Ngũ Hành nương nương - Ngũ Hành tiên nương: Xuất phát từ năm yếu tố bản thể của vũ trụ (mộc, hỏa, thổ, kim, thủy) được thần nữ hóa thành Mộc đức Thánh phi, Hỏa đức Thánh phi, Thổ đức Thánh phi, Kim đức Thánh phi, Thủy đức Thánh phi. Ở làng Nam Thọ còn có miếu thờ bà Thủy Long thần nữ ở bãi Nồm. Có ý kiến cho rằng Thủy Long thần nữ chính là bà Thủy, tách ra từ Ngũ Hành mà thờ riêng do đây là tác nhân vừa gây tai họa nhưng vừa phò trợ để tránh đi tai họa[5]. Hoặc có ý kiến lại cho thờ bà Thủy Long là hình thức tín ngưỡng riêng biệt, xuất phát từ quan niệm thuần túy bản địa thờ cúng lực lượng tự nhiên luôn đe dọa con người, không liên quan đến Bà Ngũ Hành vốn có xuất xứ ngoại lai[6]. Liên quan đến các vị Nữ thần cai quản vùng biển còn có Tứ nương thần nữ, theo người dân Nam Thọ là bốn vị nữ thần thuộc con cháu Long Vương.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay, có rất nhiều nơi thờ tự riêng Thánh Mẫu Thiên Y Ana hoặc phối hợp với thờ các thần khác trong các di tích như: Đình Dương Lâm ở Hòa Phong, đình Đại La ở Hòa Sơn, đình Phước Thuận ở Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), đình Nam Thọ ở Thọ Quang (quận Sơn Trà), đình Trung Nghĩa, dinh Bà ở Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Miếu Bà Phường Chào[7], miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Bà Chúa Lồi ở làng Sơn Thủy, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn và trong động Huyền Không, động Tàng Chơn thuộc Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn),… cùng với 15 sắc phong Thiên Y Ana của các vua nhà Nguyễn ở các đình làng. Ngoài ra, còn thấy danh xưng bà trong các văn tế tại hầu hết các đình, miếu trên địa bàn thành phố cũng như nhiều linh tượng thờ Bà được chế tác bằng đá, sành sứ, đất nung,... Các pho tượng thường thể hiện hình dáng người phụ nữ trong tư thế ngồi, trên đầu đội vương miện, mặc áo choàng nhiều lớp với nhiều màu sắc sặc sỡ. Nổi bật về các điểm thờ Mẫu Thiên Y Ana phải kể đến Miếu Bà, Bà Nà - Núi chúa và Tam Giang Thánh Điện[8].

Vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng chính là Thánh Mẫu Thiên Y Ana (ở Bắc Bộ vị thần chủ trong thờ Mẫu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh) đã tạo nên điểm khác biệt căn bản trong tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Đà Nẵng nói riêng, cư dân Nam Trung Bộ nói chung so với Bắc Bộ. Ở đây thường thờ một Mẫu, không kết hợp theo kiểu tứ giáo: Mẫu, Phật (Phật Bà Quan Âm, Phật Thích Ca), Quan Thánh và các đối tượng khác như Thổ thần, Thổ địa, Cô hồn như ở Quảng Ngãi[9].

 Ban thờ Mẫu tại Đà Nẵng khá đơn giản theo mô hình: Mẫu - Tả ban, Hữu ban (phối tự các loại thần), cũng không tích hợp đông đảo thần linh theo thứ bậc như Bắc Bộ gồm: Tứ phủ công đồng bao gồm: Tứ phủ chầu Bà, Ngũ vị Tôn Ông, Tứ phủ Quan Hoàng, Tứ phủ Thánh Cô, Tứ phủ Thánh Cậu, như các điện thờ Mẫu ở Huế[10]; hoặc như hệ thống thang thứ bậc phổ biến ở miền Bắc: Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu, Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu, Ngũ Hổ, ông Lốt với khoảng 60 vị thánh[11].

Tín ngưỡng thờ mẫu đã đồng hành với cư dân Đà Nẵng hàng trăm năm. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay của các công trình văn hoá nói chung và các công trình thờ Mẫu nói riêng điều đó được thể hiện ở việc cơ sở thờ tự ít được tu sửa quy mô, có nơi bị dịch chuyển, xây lại đơn giản, có nơi bị nhà dân lấn chiếm; nghi lễ giản lược; lễ hội thu hẹp cả về thời gian và quy mô, người dân tham dự không nhiều; kinh phí đóng góp hạn chế, khó huy động. Về việc tôn tạo, trùng tu, bảo dưỡng di tích thờ Mẫu, ngoại trừ phường Thọ Quang có tiến hành kiểm kê di tích 1 năm/lần, còn những nơi có các cơ sở thờ Mẫu chỉ khi có đơn của Ban khánh tiết, phường, quận mới cử người xuống các làng kiểm tra thực trạng di tích tín ngưỡng nhưng rất ít khi có động thái tích cực trong vấn đề giải quyết kinh phí xây dựng và sửa chữa. Những hoạt động tín ngưỡng ít nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền, các lễ cúng lớn như lễ vía bà vào tháng 3 Âm Lịch, ngoài những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu đến viếng đền, điện và một số nơi tổ chức hầu đồng, thì phía Ủy ban nhân dân phường thường chỉ lập đoàn dâng hương, kèm lẵng trái cây. Do đó, các điện thờ Mẫu chỉ duy trì tổ chức lễ nghi, thiếu kinh phí để tổ chức lễ hội (Phỏng vấn sâu, Thủ am Tam Giang Thánh Điện, ông T. V. H, Đà Nẵng, ngày 25-7-2022).

Sự biến mất của một số cơ sở thờ tự tín ngưỡng như miếu Bà Đại Càn ở làng Mỹ Khê, cùng sự vắng bóng một số nghi lễ trong thực hành tín ngưỡng như lễ vía Đại Càn Quốc gia Nam Hải, lễ vía Ngũ hành tiên nương ở làng Nam Thọ là minh chứng cho sự mai một của tín ngưỡng thờ Mẫu tại khu vực này. Có nhiều nhân tố tác động đến thực tế trên, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do sự thay đổi về sinh kế (nghề nghiệp thay đổi, phương tiện sinh kế thay đổi, môi trường thay đổi,...). Thực tế ở làng Mỹ Khê cho thấy, khi sự phụ thuộc và sự gắn kết với biển, tựa vào biển để sinh sống ngày càng nhạt dần, người dân hướng vào tìm cách sinh tồn ở lục địa như buôn bán tạp hóa, làm trong nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, cơ quan nhà nước,... Không còn người có nhu cầu thực hành, không còn mục đích hay niềm tin phục vụ cho thực tế đánh bắt cá để sinh tồn..., vậy nên tín ngưỡng thờ Mẫu của cộng đồng dân cư nơi đây cũng vì thế mà mất dần. 

Cùng với việc một số cơ sở thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu đã mất đi, một số cơ sở của tín ngưỡng này dù vẫn đang tồn tại song đã ẩn chứa nguy cơ mai một. Từng là nơi khói hương nghi ngút, nay lăng Bà Mỹ Khê nằm trơ trọi trên vỉa hè đường Võ Nguyên Giáp, quanh năm đóng cửa im lìm, rất ít người cầu cúng. Sự thu hẹp không gian thờ tự do quá trình đô thị hoá tại Đà Nẵng, việc tổ chức vội vàng mang tính chiếu lệ của các buổi lễ, sự suy giảm quy mô cuộc lễ/lễ cúng, suy giảm niềm tin và thực hành tín ngưỡng, hay khó khăn trong việc duy trì đội ngũ thực hành nghi lễ… đã để lại hệ quả đáng lo ngại, đó là sự thiếu kết nối giữa giới trẻ với các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng, bởi thế hệ trẻ sẽ chính là chủ nhân trong tương lai của các tín ngưỡng nơi đây. Đồng thời cũng gây khó khăn trong việc đào tạo đội ngũ thực hành tín ngưỡng kế cận, một khi lớp thanh niên không có kiến thức và không nhận thức đúng về giá trị tín ngưỡng truyền thống của làng/địa phương mình, dẫn đến thái độ thờ ơ, thậm chí là quay lưng với một tín ngưỡng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hiện Đà Nẵng có hơn 200 am, đền, điện tư gia và thực tế sinh hoạt tín ngưỡng hầu đồng có diễn ra, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân theo đạo Mẫu. Tuy vậy, không ít đền, điện đã lợi dụng lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin và sự sợ hãi của một bộ phận người dân để trục lợi, làm xấu hình ảnh tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài ra, sự thực dụng của kinh tế thị trường, người dân đến đền thờ Mẫu chủ yếu để cầu xin tài lộc, không biết trong tâm họ có hướng đến Mẫu không?

  1. Bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng hiện nay

Thứ nhất, Đà Nẵng cần đầu tư và khai thác du lịch tâm linh qua các cơ sở thờ Mẫu. Để thu hút khách du lịch tâm linh tại các điểm thờ Mẫu, các đơn vị quản lý di tích cần tìm tòi, sáng tạo nhiều hướng đi mới, trong đó có việc áp dụng công nghệ 4.0, thông qua các website và trang mạng xã hội nhằm tiếp tục phát huy giá trị di tích. Song song với công tác quản lý, bảo vệ, công tác bảo tồn di tích cũng cần được chú trọng. Các cơ sở thờ Mẫu tại Đà Nẵng có giá trị về lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng, tạo ra những dấu tích và cảnh quan gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của người dân. Do đó, muốn bảo tồn di tích lịch sử phải hiểu bản chất của di tích. Các cơ quan quản lý di tích lịch sử cần tạo ra một danh sách và lý lịch đầy đủ về các di tích lịch sử. Phải xây dựng được hệ thống lý lịch của di tích để không chỉ nhà khoa học mà người dân cũng hiểu, từ đó hướng tới chung tay gìn giữ, bảo tồn. Xây dựng một website riêng về các cơ sở thờ Mẫu tại Đà Nẵng để người dân, du khách trong nước và quốc tế có thể truy cập để tìm hiểu thêm thông tin về di tích.

Thứ hai, khoanh vùng bảo vệ nguyên trạng của di tích lịch sử. Chính vì vậy cần khoanh vùng di tích, có thể xây dựng nhà trưng bày để thấy được những dấu ấn của lịch sử tại nơi này. Điều này thể hiện ở việc xây dựng lại hay trùng tu các cơ sở thờ tự tín ngưỡng qua các thời kỳ lịch sử luôn cố gắng theo nguyên mẫu kiến trúc, trang trí, bài trí cũ; thể hiện qua việc phục hồi lại các nghi lễ theo trình tự lễ thức của cha ông (dựa trên các văn bản viết hay sang làng bạn học hỏi). Các cơ sở thờ tự được trông nom thường xuyên, thỉnh thoảng có gia cố, sơn phết lại; các lễ cúng được tổ chức đều đặn với đầy đủ lễ vật, văn tế, nghi thức; các lễ hội vẫn cố gắng duy trì theo định kỳ “tháng 7 tiệc cha, tháng 3 tiệc mẹ” hàng năm của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thứ ba, để bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu là trách nhiệm chung của tất cả những người đang sinh sống tại Đà Nẵng. Theo đó, cần xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, xây dựng được những quy chế quản lý, quy định rõ ràng cho sự phát triển ở từng khu vực, đặc biệt ở các khu vực di tích cần bảo tồn, những công trình được cải tạo, mở rộng phải đảm bảo cùng phong cách kiến trúc hoặc có sự tương xứng, tương hợp. Ngoài ra, các nhà quản lý cần thực thi các chính sách về bảo vệ môi trường; truyền thông cho du khách và người dân địa phương về ý thức cùng nhau gìn giữ các điểm di tích thờ Mẫu. Việc cần thiết và cơ bản chính là đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng sinh hoạt văn hóa, bằng cách khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống của dân tộc trong mỗi người dân tới toàn cộng đồng.

Kết luận

Để làm một việc hết sức lớn lao là bảo tồn và phát huy giá trị di của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đà Nẵng cần rất nhiều thứ, từ chủ trương, chính sách, ngân sách, tính cấp bách, sự đồng thuận, sự hiểu biết, thái độ, tinh thần trách nhiệm, năng lực của địa phương. Điều cấp bách hiện nay, để bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu tại khu vực này là phải làm lại một cuộc khảo sát toàn diện với sự tham gia của các nhà quản lý (quản lý Nhà nước và quản lý văn hóa, tín ngưỡng, quản lý đối tượng sở hữu), các nhà khoa học để tìm sự đồng thuận. Từ sự đồng thuận sẽ triển khai cấp tốc việc khoanh vùng di tích và sau đó mới là các giải pháp thu hút nguồn lực để có thể thực hiện các quy trình bảo tồn và khai thác theo các mô hình hiện đại nhưng vẫn giữ được tính lịch sử của các di tích này trước khi quá muộn.

Đ.T.K.N

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nhất Lang (1962), Đồng bóng, Nhà in Lê Cường, Hà Nội.
  2. Lê Thị Thu Hiền (2017), Biến đổi tín ngưỡng của cư dân ven biển Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa, Luận án Tiến sĩ văn hóa học, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, tr. 56.
  3. Nguyễn Xuân Hương (2009), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng, Từ điển Bách khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội, tr. 116, 257.
  4. Nguyễn Xuân Hương (2011), Tín ngưỡng thờ Nữ thần của người Việt ở xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
  5. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  6. Đinh Thị Kim Ngân (2022), “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Đà Nẵng”, Tạp chí KHXH Miền Trung, số 1, tr. 51.
  7. Nguyễn Hữu Thông (2001), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung, Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 58.
  8. Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam, tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 30-309.
  9. Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.

10. Nguyễn Đăng Vũ (2003), Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Văn hóa và Nghệ thuật, Thư

 

[1] Nguyễn Xuân Hương (2009), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng, Từ điển Bách khoa và Viện Văn hoá, Hà Nội, tr 257.

 

[2] Đinh Thị Kim Ngân (2022), “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Đà Nẵng”, Tạp chí Khoa học xã hội Miền Trung, số 1, tr 51.

[3]  Nguyễn Xuân Hương (2009), Sđd, tr 116.

[4]  Lê Thị Thu Hiền (2017), Biến đổi tín ngưỡng của cư dân ven biển Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa, Luận án Tiến sĩ văn hóa học, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, tr 56.

[5] Đinh Thị Kim Ngân (2022), tài liệu đã dẫn, tr 51.

[6]  Ngô Đức Thịnh (2002), Đạo Mẫu ở Việt Nam, tập 1, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr 309.

[7] Miếu Bà Phường Chào tọa lạc ở 927 Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Theo các cụ cao niên trong làng thì miếu được xây dựng từ thời Tự Đức. Cho tới ngày nay dân làng vẫn còn lưu truyền câu chuyện bà Phường Chào “đốt chợ”. Theo người dân địa phương thì xưa kia làng Nam ô có chợ Nam Ô. Ở làng có một vị nữ thần linh thiêng (nhân dân gọi bà Phường Chào), thỉnh thoảng bà lại đốt chợ. Thời đó chợ lợp bằng tranh tre nứa lá nên sau một vụ cháy lớn thì chợ còn lại một đống tro tàn. Thấy vậy, nhân dân trong làng lập miếu thờ bà, từ đó bà chuyển từ hung thần sang phúc than phù hộ cho nhân dân trong làng bình yên.

 

[8]  Đinh Thị Kim Ngân (2022), tài liệu đã dẫn, tr 51.

[9]  Nguyễn Đăng Vũ (2003), Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Văn hóa và Nghệ thuật, Thư viện Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, tr 63.

[10]  Nguyễn Hữu Thông (ch.b) (2001), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 58.

[11]  Ngô Đức Thịnh (2002), Sđd, tr 30.