Vệt sáng cuối những câu chuyện dài

07.05.2024
Lê Trâm

Vệt sáng cuối những câu chuyện dài

(Đọc Mưa qua Triền Rang, tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Như Hiền, NXB Thế giới 2023)

16 truyện ngắn trong tập truyện Mưa qua Triền Rang của Nguyễn Thị Như Hiền xoay quanh những không gian quen thuộc: Một làng quê xa xôi giáp sông giáp núi đến những dãy nhà trọ nghèo nàn nơi thành phố cũng xa xôi không kém. Những cuộc ra đi trở về mang theo bao nhiêu ước vọng, thành và không thành, như một cái cớ để neo lấy cuộc đời, để có thêm niềm hy vọng mà sống tiếp. Ở đó nghèo đói, chiến tranh và dịch bệnh như là cơn cớ tạo nên bao cuộc chia ly thấm đẫm nỗi đau mà phần lớn nước mắt đều lặn hết vào trong, để, hình như tạo thành vệt sáng cho cuộc đời mỗi nhân vật. Nhà văn Uông Triều viết về truyện của Như Hiền: “Nguyễn Thị Như Hiền mạnh ở cốt truyện và cách kể. Hiền thường viết về những thân phận ở dưới đáy, những cảnh đời cơ cực, bi ai nhưng ở cuối con đường ấy vẫn sáng lên ánh sáng của thiện lương và niềm hy vọng. Về kĩ thuật, Hiền giỏi ém câu chuyện, đến tận những dòng cuối cùng độc giả mới biết toàn bộ nội dung và bật ra sự ngỡ ngàng.
Cách viết ấy không hề dễ vì nó đòi hỏi sự dồn nén, tiết chế cũng như phải “thiết kế” sao cho vừa có sự hấp dẫn xuyên suốt vừa bảo toàn cấu trúc.”

Ở một nơi “mồ hôi nhiều hơn những giọt mưa” như nền của những truyện ngắn trong Mưa qua Triền Rang số phận con người thật khốn khó. Tất cả khô khốc, người ta khát mưa như là đang khát khao chờ đón hạnh phúc. “Dãy Triền Rang tháng bảy chẳng khác gì mồi rơm khô chỉ chực chờ một tia lửa là bùng cháy lên dữ dội… Lội giữa ruộng, ngoảnh mặt lại không hằn lên một dấu chân người qua” (Mưa qua Triền Rang). Ở đó là những băn khoăn ở lại hay là bỏ xứ đi tìm sự thay đổi của vợ chồng Hoàng - Như cứ thôi thúc, dằn xé ngày đêm. Khát cháy. Dữ dội. Bế tắc. Hy vọng. Mọi thứ dồn nén lên cuộc sống bấp bênh của hai vợ chồng Hoàng - Như mỗi ngày. May mà có một cơn mưa và đứa bé câm xuất hiện (không hề ngẫu nhiên) giữa cuộc sống họ: ”– Ưa… Ưa… Mưa… Mưa”. Rồi cũng kêu rõ thành tiếng. Tiếng mưa. Tiếng của hạnh phúc.

Những cuộc ra đi - trở về, phần lớn là trở về lặp lại trong nhiều truyện ngắn của Như Hiền. Tất thảy bày ra những cuộc lựa chọn nhiều khi đầy may rủi cho một cuộc mưu sinh không có điều gì hứa hẹn chờ đón phía trước. Mà, cuộc ra đi vì mưu sinh ấy, trải qua năm tháng lại thiết lập nên một lớp người mới tha hương nơi xa, đa phần là thành phố, tiếp nối không ngừng. Nhiều khi bỏ lại những căn nhà, mảnh vườn, những thửa ruộng cằn khô không người chăm sóc… tạo nên những gam màu buồn nơi quê xứ.

Những số phân người chắp vá, run rủi, lao đao lận đận tạo nên Má, Hai và Út trong “Những cơn gió băng đồng” với một màn đen bí mật phủ lên quá khứ ba người suốt bao nhiêu năm. Má lo cho Hai, và lo cho cả Út với nỗi niềm thinh lặng, cắn răng chịu đựng bao nhiêu năm tháng, cho đến khi Út đi học, rồi Út về thành phố (Hai không phải là chị của Út mà chính là mẹ của Út, đứa con sinh ra bởi một gã “không phải là con người”, được Má chở che, đùm bọc, chăm sóc với tư cách đứa con út của Má cho đến khi Út trưởng thành). Có vẻ như mọi thứ êm ả dành hết phần cho Út còn bao đắng cay thì Má và Hai nhận hết, nhận và chịu đựng hằng ngàn đêm, hằng ngàn ngày. Rồi trời cũng phải sáng như cái kết của truyện: “Má nói cánh đồng làng mình hai mùa mưa nắng. Mùa nắng, những cơn gió khô khốc thổi ngược thổi xuôi vừa đi qua một đám cháy khiến cỏ cây héo rũ, từng đường cày như nung lửa. Nhưng rồi cái nóng ghê người ấy cũng nhường chỗ cho những cơn gió mát lành ủ hương lúa trổ đòng. Mình thương cánh đồng tận cùng máu thịt thì sẽ đợi được tới ngày những cơn gió mát rượi băng đồng…” (Những cơn gió băng đồng).

Những lưng chừng, lừng khừng ở - về, ra đi hay ở lại còn lặp lại ở nhiều truyện ngắn khác, nhất là khi nhiều nhân vật bị chìm đắm trong đại dịch covid-19 kinh hoàng. Là đứa con đầu của ông bà Tám quyết định rời bỏ quê nhà để vào nam làm công nhân. Cũng có thể chỉ cần một chuyến trở về trọn vẹn cũng đủ ấm lòng những người làm cha làm mẹ còn ở lại quê nhà như ông bà Tám với bữa Mỳ Quảng ấm cúng dành cho con, cháu trong Nơi chốn bình yên. Hoặc với một ông già 70 lủi thủi suốt cả cuộc đời mình nơi căn nhà trọ nhếch nhác của thành phố rồi cuối cùng cũng tìm thấy sự ấm áp nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh, trong chuyến về quê có thể là cuối cùng, ấm áp với chậu mai vàng ôm trong lòng (Đã thấy mùa xuân). Hoặc, tình cảnh buồn bã của hai người bạn thân ngày trước nơi quê cũ tình cờ gặp nhau ở bệnh viện Chợ Rẫy, trước những khó khăn chồng chất khó thể thoát ra họ vẫn tìm thấy được những niềm ấm áp khi nghĩ đến một chuyến về lại chốn xưa (Về nghe gió hát)

Có thể thể tìm thấy trong tập sách những câu chuyện khác như câu chuyện “của riêng đàn bà”, chỉ đàn bà mới hiểu và cũng là câu chuyện của những người đàn bà ở quê trước những thay đổi của chung quanh. Những quan sát tinh tế của tác giả khiến truyện có thêm chiều sâu (Tiệm của đàn bà). Hay, chuyện một người thầy hy sinh gần như cả đời mình cho bao lứa học trò ở một làng quê nghèo, có thể đã được định danh “một cuộc đời sang trọng” trong mắt học trò và phụ huynh nhưng có khi với thầy Sang mọi thứ cũng bình thường thôi, “chẳng có chi quan trọng” (Một cuộc đời sang trọng). Hay, sự trở lại đầy bất ngờ của “người đàn ông của xa xưa tưởng đâu bặt hẳn tin” đã làm nên kết thúc ngọt ngào cho một câu chuyện kéo dài bao nhiêu tháng năm bên bờ sông Thu Bồn. “Trời đứng gió oi bức, mà lòng ba người ai cũng như có từng đợt gió dưới sông Thu thổi lên mát rượi” (Ngược gió sông Thu)

Có thể vì thế mà Mưa qua Triền Rang được độc giả của nhóm văn chương “Cộng đồng Văn xuôi” bầu chọn là một trong 10 cuốn sách văn học của năm 2023.

L.T