Thiết tha tình biển
Các em trường THCS Lê Hồng Phong Đà Nẵng tham quan cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống của anh Huỳnh Văn Mười.
Từ thuở niên thiếu, ông Huỳnh Văn Mười ở làng chài Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã theo cha ra khơi, lênh đênh trên biển cả. Gia đình ông có truyền thống mười đời làm nghề biển, vừa đánh bắt vừa chế biến hải sản với thời gian trên dưới 250 năm. Ông thiết tha yêu biển, yêu nghề làm biển và hiểu biết sâu rộng về làng chài truyền thống của quê hương mình.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, gia đình ông và người dân làng chài quê ông bỗng nhiên phải đối diện với những thử thách nghiêm trọng, có tính chất sống còn. Chủ trương đô thị hóa tràn đến và diễn ra mạnh mẽ, dữ dội. Làng chài vốn hoang sơ, bình dị ngày nào trở nên sôi động. Đất làng chài ven biển bây giờ trở thành đất vàng, đất kim cương, cần phải được chính quyền thu hồi, giải toả, phân lô, bán nền, dành để xây cao ốc, nhà hàng, khách sạn. Tuyệt đại đa số dân làng không đủ khả năng, không đủ nguồn lực để mua lại mảnh đất mà chính gia đình mình đã cư trú từ bao đời, phải di chuyển nhà ở sâu vào đất liền hay thuê chung cư giá rẻ.
Đô thị hóa để đẩy nhanh tốc độ phát triển của thành phố, để có nguồn thu cho ngân sách nhà nước, để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại là xu thế tất yếu. Nhiều đô thị nổi tiếng trên thế giới, như Đặc khu kinh tế lừng danh Thâm Quyến ở Trung Quốc cũng thoát thai từ một làng chài nghèo khó cách đây chỉ mấy chục năm đấy thôi. Biết vậy nhưng ông Mười vẫn chạnh lòng, vẫn bị tổn thương, bởi ông quá yêu cái nghề từ bao đời của cha ông để lại.
Song hành với chủ trương đô thị hóa là chủ trương hạn chế việc khai thác thủy hải sản gần bờ. Ngư dân hiện đại cần phải đầu tư đóng tàu to thuyền lớn ra khơi đánh bắt xa bờ. Nghe thì dễ mà làm thì chẳng dễ chút nào, bởi đặc điểm của cư dân làng biển là tay làm hàm nhai, ráo mồ hôi là đứt bữa, nguồn lực ở đâu mà đóng tàu to thuyền lớn. Đi vay vốn thì vất vả bởi biết bao thủ tục phức tạp, rắc rối, phiền hà, mà chắc chi thu hồi được tiền mà trả nợ cả gốc lẫn lãi.
Để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và chủ trương đầu tư đánh bắt xa bờ, chính quyền địa phương vận động ngư dân làng chài tiến hành “xả bản”. Xả bản nói nôm na là dùng máy cưa để xẻ các chiếc thuyền truyền thống ra làm nhiều mảnh rồi đem làm củi đốt hoặc vứt bỏ. Năm 2016, làng chài Mân Thái của ông Mười có nhiều chiếc ghe (thuyền) bị xả bản. Nhìn cái phương tiện gắn bó thiết thân của mình để ra khơi hành nghề mưu sinh từ bấy lâu, nay bị cưa xẻ làm nhiều mảnh nhỏ, ông Mười và nhiều ngư dân không cầm được nước mắt. Tất nhiên khi chấp nhận xả bản thì mỗi chiếc ghe thuyền như vậy sẽ được chính quyền hỗ trợ một khoản tiền trên dưới 20 triệu đồng để làm vốn chuyển đổi ngành nghề. Nhưng thực tế thì việc chuyển đổi ngành nghề đối với người dân làng chài gặp vô cùng khó khăn, bởi trình độ học vấn của họ nhìn chung là quá thấp. Giá như Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng hơn, vừa thực hiện tốt chủ trương đô thị hóa, vừa đảm bảo cho người dân sống được với chính cái nghề truyền thống của mình thì sẽ hợp lí hơn, nhân văn hơn rất nhiều.
Xót lòng khi nghề khai thác hải sản của gia đình và của làng chài mình ngày càng mai một, ông Mười tập trung cho nghề làm nước mắm mà gia đình ông cũng có kinh nghiệm, có truyền thống từ nhiều đời nay. Nghề làm nước mắm truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể. Có nơi như ở làng Nam Ô, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, nghề này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước sức ép của thương trường với nhiều sản phẩm nước mắm công nghiệp có sử dụng phụ gia hương liệu và chất bảo quản, ông Mười vẫn kiên định cách làm nước mắm nguyên chất theo những quy định nghiêm ngặt của gia đình và làng nghề mình. Công thức làm nước mắm của ông là dùng cá cơm than thật tươi, muối thật sạch, tỉ lệ 3 cá 1 muối; thời gian ướp phải đủ một năm; chum ướp làm bằng sành chứ tuyệt đối không làm bằng xi măng hoặc bằng can nhựa; mắm nhỉ lấy một nước duy nhất rồi vứt xác chứ không lấy nước thứ hai, thứ ba. Suốt quá trình ướp, ông luôn làm vệ sinh sạch sẽ tất cả các dụng cụ liên quan, tuyệt đối không để ruồi nhặng bu bám, sản sinh trứng rồi nảy nở dòi bọ v.v… Cùng với các hộ làm nước mắm ở làng Nam Ô, nước mắn Mân Thái của ông đảm bảo 4 không: không chất bảo quản, không chất phụ gia, không chất tạo màu - tạo mùi, không dùng đạm tổng hợp. Nhờ thực hiện nghiêm túc những phương pháp và nguyên tắc như vậy nên bước vào phía sau nhà ông sẽ thơm phức mùi nước mắm nguyên chất, tuyệt nhiên không có mùi ươn sình, tanh hôi của cá.
Thực hiện yêu cầu của Nhà nước, nước mắm truyền thống Mân Thái của ông Mười cũng được đăng ký đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, tuy nhiên với ông, cái quan trọng nhất là danh dự, là lương tâm nghề nghiệp. Nếu thiếu cái đó, dù có bao nhiêu biện pháp kiểm tra, giám sát, quản lý, người ta vẫn có thể tìm cách lách qua để làm những điều hệ hại. Đúng vậy, văn hóa trong mỗi con người là cái chốt chặn cuối cùng để không bước qua ranh giới giữa cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác. Giá như ai cũng có lòng tự trọng, có lương tâm, có cái chốt chặn văn hóa ấy thì chắc chắn sẽ không xảy ra hiện tượng tiêu cực khá phổ biến trong đời sống xã hội chúng ta hiện nay.
Trong đời sống hiện đại, một trong những điều đáng lo ngại là con người quên đi cội nguồn, quên đi lịch sử của gia đình, quê hương, đất nước. Lớp trẻ không hiểu biết về lai lịch, nguồn gốc, truyền thống từ quá khứ thì kiến thức và tâm hồn sẽ nghèo nàn, chệch choạc trên đường đi tới tương lai. Ý thức điều này, nên ông Mười đã và đang dành rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để sưu tầm, bảo quản, trưng bày rất nhiều hiện vật, kỉ vật, tư liệu, hình ảnh liên quan trực tiếp đến nghề làm biển. Có thể coi ngôi nhà ở của ông như một nhà truyền thống của làng chài. Đến đây, ta sẽ gặp thúng, ghe nan, dầm, chèo, cột chèo, mành lưới gai, lưới cước, ghiêm đan lưới, vá lưới, cái đuốc, đèn măng-xông, máy nổ, đèn điện - những phương tiện và dụng cụ đi biển một thời, rồi đến cái chum, cái ảng, cái tỉn, cái rổ, cái rá để làm mắm, rồi các tài liệu, giấy tờ để tùy nghi tiện dụng trong quá hình hành nghề làm biển. Rất bất ngờ, thú vị là chính nhờ tấm thẻ Ngư phủ mà chính quyền cũ đã cấp và đóng dấu cho thân phụ ông là lão ngư Huỳnh Văn Mua vào năm 1956, cùng các giấy khai sinh, khai tử đã cấp cho bà con làng chài này mà nhiều người bây giờ mới biết rằng, quận Sơn Trà hiện nay, sau 1954 từng có tên là quận Đông Giang. Và như vậy, trường THTP Đông Giang trước năm 1975 (nay đổi thành trường THPT Hoàng Hoa Thám) mang tên một đơn vị hành chính cấp quận thời ấy chứ không phải do ở phía Đông dòng sông Hàn như nhiều người lầm tưởng. Trước những kỉ vật hiện hữu, ông Mười giải thích rõ về các thời kỳ, các giai đoạn phát triển của làng nghề quê ông nói riêng và xứ Quảng nói chung. Chẳng hạn như các giai đoạn tiếp nối nhau của nghề đánh cá bằng thuyền mành thì có: mành gai, mành vạng, màng đuốc, mành đèn, mành điện… Ông giải thích mới biết rằng, khi người Pháp đến thì mới có đèn măng-xông để đánh cá nên gọi là mành đèn, thay cho mành đuốc trước đó. Rồi khi Mỹ qua đến sau 1975, ngư dân dùng máy nổ thắp đèn điện để đánh cá thì gọi là mành điện v.v…
Và để lưu giữ ký ức làng chài truyền thống quê hương, ông Mười đã dày công phục dựng phần lớn những những công cụ, phương tiện và việc làm chủ yếu của ngư dân như thả câu, thả lưới, kéo lưới, phơi lưới, đan - vá lưới, neo đậu tàu thuyền, chế biến, bảo quản sản phẩm... Rất ấn tượng khi ông phục dựng hình ảnh ngày xưa của mẹ mình - và cũng đại diện cho những người phụ nữ trong làng - với bộ đồ bà ba đen, gánh đôi bầu đi bán mắm khắp các làng quê xứ Quảng. Trước sự năng nổ, nhiệt tình của ông, nhiều người dân làng chài đã tình nguyện tham gia các vai diễn quần chúng một cách vô tư, còn nhiếp ảnh gia ở làng là Nguyễn Quang hỗ trợ về việc chụp ảnh, quay phim, kể cả dùng play-cam ghi hình từ trên cao. Những đạo cụ, trang phục cần thiết cho việc phục dựng hình ảnh thì ông bỏ tiền túi ra mua sắm. Những khoản chi phí lớn hơn thì ông vận động sự hỗ trợ của bà con dân làng hoặc những người làm ăn, sinh sống xa quê. Là người trong cuộc, là người cả đời gắn bó thiết tha và trải nghiệm thực tế cùng nghề biển nên những hiện vật, tư liệu mà ông sưu tầm hoặc hình ảnh mà ông chỉ đạo phục dựng đảm bảo tính chân thực, cụ thể, sinh động.
Lễ hội Cầu ngư - một lễ hội dân gian, mang tính chất tín ngưỡng- tâm linh của cư dân miền biển đất Quảng, đã được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông vui mừng khi lễ hội này được khôi phục tại một số phường vốn là làng chài trước đây, nhưng ông cũng chân thành, thẳng thắn góp ý rằng: nên giữ nguyên bản, nguyên gốc những gì mà các thế hệ đi trước đã làm, tránh đối đa việc thêm thắt, bổ sung, đưa những yếu tố hiện đại vào một cách khiên cưỡng mà mất đi bản sắc lễ hội. Và nếu lễ hội được tổ chức như xưa thì khả năng thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế, đến tham quan, tìm hiểu sẽ nhiều hơn, từ đó góp thêm sản phẩm cho ngành du lịch địa phương.
Đất nước ta được thiên nhiên ưu đãi với vùng biển bao la cùng sản vật trong lòng biển, dưới đáy biển vô cùng dồi dào, phong phú. Và từ bao đời rồi, nhân dân ta coi biển là không gian sống, không gian sinh tồn, là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Những người dân gắn bó với biển, yêu nghề biển thiết tha như ông Huỳnh Văn Mười cần được ghi nhận, tôn vinh trong chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với an ninh- quốc phòng của nước ta hiện nay.
H.H