Nhạc sĩ Thuận Yến và những ca khúc sống mãi

07.05.2024
Trương Quang Lục

Nhạc sĩ Thuận Yến và những ca khúc sống mãi

Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công. Ông lấy bút danh là Thuận Yến từ năm 1965, khi công tác ở chiến trường B. Bút danh Thuận Yến từ đâu ra, đây là điều ít người biết. Hai chữ Thuận Yến được ông đặt ra từ hai địa danh quê mẹ (Phú Thuận) và quê cha (Đông Yên) đều ở Quảng Nam. Khi ông có sáng tác ghi bút danh Thuận Yên từ chiến trường B gửi đến cơ quan Đài TNVN ở Hà Nội, thì không biết vì sao lại trở thành Thuận Yến, một cái tên rất nữ tính, còn mãi đến ngày nay.

Từ nhỏ, cậu bé Công đã từng nghe cụ thân sinh chơi đàn bầu, có nhiều dịp xem cải lương, hát bội, bài chòi, hát hò khoan đối đáp… ở vùng quê Duy Xuyên, nên đã mê nhạc và bắt đầu học nhạc khá sớm. Đó là vào năm 1956, lúc 15-16 tuổi, cậu bé Công mới lớn đã được nhận vào công tác văn phòng của Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Liên khu 5. Trong tủ sách của cơ quan có 2 quyển sách về ký âm pháp và hòa âm, thế là anh ngấu nghiến đọc, tự mày mò tìm hiểu cách sáng tác bài hát và tập chơi đàn violon. Năm 1953, anh được cử đi phục vụ văn nghệ cho dân công, bộ đội ở chiến trường Bắc Tây Nguyên. Bên cạnh việc biểu diễn các bài tân nhạc, dân ca, đàn violon, guitare…, anh còn sáng tác một số ca khúc, chủ yếu để phục vụ kịp thời tại chỗ. Sau này anh cũng không còn nhớ hết các bài đầu tay, ngoài đôi ba câu nào đó.

Sau Hiệp nghị Genève không lâu, tháng 10-1054, Thuận Yến tham gia Đoàn văn công quân đội Liên khu 5, rồi tập kết ra miền Bắc. Trong thời gian này, Thuận Yến có sáng tác một số bài như Chiến sĩ Hải Vân, Hát về anh tân binh… Các bài này cũng chưa được phổ biến trong quần chúng.     

Từ 1961 đến 1964, ông được cử đi học trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội. Tốt nghiệp xong, năm 1965 ông đi chiến trường B, tham gia vào Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên-Huế.

Sau khi được trang bị kiến thức âm nhạc có bài bản, rồi lại được vào công tác ở một chiến trường vô cùng ác liệt như chiến trường Trị Thiên-Huế, Thuận Yến có nhiều cảm xúc để cho ra đời những sáng tác hay trong thời gian này. Từ khi đi B, ông đã viết một loạt ca khúc khá thành công, được quần chúng yêu thích như Mỗi bước ta đi (1965), Hát mừng quê ta giải phóng (1965), Bài ca đội nữ tiếp vận (1966), Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin (1968), Những bàn chân không nghỉ (1969), Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc (1969)…  

Về hoàn cảnh ra đời của bài hát Mỗi bước ta đi, nhạc sĩ Thuận Yến kể lại: Hồi ấy, ông đang công tác tại chiến khu Thừa Thiên-Huế. Trong những ngày tháng Năm lập công dâng Bác, tin chiến thắng từ Bầu Bàng, Bến Cát, Phước Long, Sông Bé, Qui Nhơn... tới tấp dội về, nhiều nơi thuộc vùng nông thôn Nam Bộ và miền Trung được giải phóng. Trong niềm vui đó, ông đã cảm xúc viết nên bản hành khúc Mỗi bước ta đi. Hôm ấy là vào ngày 27-5-1965. Với nhịp điệu hành khúc hùng mạnh, giai điệu, tiết tấu nồng nhiệt, bài ca Mỗi bước ta đi tạo cho người nghe cảm giác như đang sống trên điểm nóng của chiến trường, hừng hực khí thế chiến đấu của người chiến sĩ Giải phóng quân. Chính ca khúc Mỗi bước ta đi là tác phẩm đầu tiên đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Thuận Yến.

Một sáng tác khác nổi tiếng của Thuận Yến là ca khúc Bà mẹ miền Nam tay không thắng giặc. Để biết được hoàn cảnh ra đời của bài hát này, chúng ta hãy nhìn lại bối cảnh cuộc đấu tranh của bà con miền Nam khi bắt đầu có cao trào Đồng khởi từ năm 1960 ở Bến Tre, sau đó lan rộng cả miền Nam. Trong cao trào xuất hiện “đội quân tóc dài” tập hợp hàng ngàn chị em phụ nữ tay không đấu tranh với giặc bằng tình cảm thuyết phục, lý lẽ sắc bén, thái độ kiên quyết. Ban đầu giặc cũng đã ra tay đàn áp, nhưng với với lòng dũng cảm, với ý chí kiên cường, niềm tin và sức mạnh chân lý của chị em phụ nữ, sau cùng chúng cũng đã phải khuất phục. Chính hình ảnh cao đẹp của bà mẹ trong “đội quân tóc dài” này đã tạo cảm xúc cho nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác bài hát Bà mẹ miền Nam tay không thắng giặc vào năm 1969 tại chiến trường Trị Thiên-Huế. Ông đã hoàn thành bài hát trong vòng 3 ngày. Đây là một ca khúc khá hoàn chỉnh về bố cục, cấu trúc câu đoạn và về giai điệu, ý tứ ca từ. Về khúc thức, là một ca khúc theo 3 đoạn đơn A-B-Á. Giai điệu của hai đoạn A và Á được xây dụng trên motif “do do mi sol do” (“Gieo lúa trồng khoai…”, “Không thể ngồi yên…”, ”Sông nước Cửu Long…”) và được phát triển thành đoạn nhạc nhẹ nhàng, đằm thắm, nhưng cương quyết gợi lên hình ảnh người mẹ miền Nam trung hậu, nhưng đầy niềm tin và ý chí. Giai điệu đoạn B theo nhịp đi, rắn rỏi được xây dựng theo motif “do sol sol fa, mi si si la”, “sol do do si, fa si si sol (“Mẹ đã đứng lên…”, “Giành lấy chính quyền…”), tiếp tục được phát triển thành đoạn nhạc, thể hiện tinh thần bất khuất, lòng dũng cảm, kiên cường của bà mẹ trong “đội quân tóc dài” của phụ nữ miền Nam. Đi đôi với giai điệu trầm hùng là ca từ mang nhiều hình tượng văn học, không lên gân mà tình cảm sâu đậm, nên bài hát đi vào lòng người và đầy sức thuyết phục. Có thể xem đây là một trong những đỉnh cao về âm nhạc trong sự nghiệp văn học nghệ thuật thời chống Mỹ cứu nước.    

Thuận Yến ở chiến trường B được 6 năm, đến giữa năm 1971, ông được chuyển ra miền Bắc, tiếp tục học đại học âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Như được chắp cánh, từ đó ông sáng tác càng thêm khỏe, đã có trên 500 tác phẩm âm nhạc.  

Đáng chú ý Thuận Yến là một trong những nhạc sĩ có nhiều sáng tác nhất về Bác Hồ. Ông có đến 14 bài viết đề tài Bác Hồ. Trong kháng chống Mỹ, anh có bài Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin viết tại chiến trường B. Sau 1975, anh có bài Người tạc tượng bác Hồ trong niềm vui thống nhất nói lên niềm xúc động của người thợ chạm khắc đá tượng Bác tại thắng cảnh Ngũ Hành Sơn ở TP. Đà Nẵng. Ông còn có bài Miền Trung nhớ Bác, giai điệu mang đậm âm hưởng dân ca miền Trung. Và còn nhiều sáng tác khác nữa về Bác.                   

Sau bài Mỗi bước ta đi nổi tiếng, NS Thuận Yến còn sáng tác khá nhiều bài về người chiến sĩ, nổi bật trong số này có bài Màu hoa đỏ ra đời năm 1991, được quần chúng yêu thích, nghe rất xúc động. Chiến tranh đã qua lâu rồi, thế nhưng trên đài phát thanh và đài truyền hình ngày ngày xướng ngôn viên vẫn thông báo tìm tin tức và phần mộ đồng đội. Như mọi người dân trong nước, nhạc sĩ Thuận Yến cảm thấy đau lòng mỗi khi nghe lời thông báo. Ông đến gặp nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ở tòa soạn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội để trao đổi, gợi ý viết phần lời về đề tài này theo bố cục của âm nhạc. Thuận Yến tâm sự với tôi: “...Trước đây, mình và Mậu cùng sống những ngày vô cùng gian khổ và ác liệt trên chiến trường Trị Thiên-Huế, đường Chín-Khe Sanh, thành cổ Quảng Trị..., nên khi nghe mình đề nghị cộng tác viết về những chiến sĩ đã hy sinh, thì Mậu nhất trí ngay...” Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu hoàn thành bài thơ vào ngày hôm sau. Vài ngày sau đó, Thuận Yến phổ nhạc xong bài thơ thành ca khúc. Điều gì đã làm cho bài Màu hoa đỏ đi vào lòng người như vậy? Nếu như bài thơ của Nguyễn Đức Mậu mang nội dung chắt lọc, ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích, giàu cảm xúc, thì giai điệu của Thuận Yến lại vừa trữ tình, ngợi ca vừa dân gian pha chất thính phòng. Tình cảm của các tác giả bài hát như bị dồn nén từ lâu nên một khi được khơi nguồn thì cảm hứng tuôn chảy dào dạt. Đó chính là động lực để ca khúc Màu hoa đỏ ra đời trong thời gian khá nhanh. Bài hát được quần chúng, nhất là các chiến sĩ trẻ, yêu thích coi đó như một phác thảo chân dung của “người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”. Vì thế, Màu hoa đỏ là một trong những ca khúc được Bộ Quốc phòng tặng giải xuất sắc nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập quân đội (1944-1994).

Một lĩnh vực sáng tác khác khá thành công của Thuận Yến sau ngày đất nước thống nhất là những bản tình ca. Có thể kể đến những bài nổi bật như Đi trong hương tràm (thơ Hoài Vũ-1982), Chia tay hoàng hôn (thơ Hoài Vũ-1990), Khát vọng (thơ Đoàn Thị Lam Luyến-1993)… Thời chống Mỹ ở Long An, có lần nhà thơ Hoài Vũ đã tận mắt chứng kiến gương hy sinh vô cùng anh dũng của một nữ chiến sĩ giao liên ở vùng Tháp Mười, nơi có đồng tràm mênh mông bên dòng sông Vàm Cỏ Tây. Sau ngày giải phóng, anh có dịp trở lại chiến trường xưa, chợt nhớ hình ảnh cô giao liên hy sinh ngày ấy và thế là bài thơ Đi trong hương tràm ra đời. Khoảng tháng 5-1982, trong một dịp đi thực tế sáng tác ở Quân khu 2, Thuận Yến tình cờ bắt gặp bài thơ Đi trong hương tràm trên tờ tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông vô cùng xúc động, liền chép vào quyển sổ tay của mình. Một tháng sau, trong chuyến công tác tại Thác Bà, tỉnh Yên Bái, giữa không gian hồ nước mênh mông, xanh biếc, anh đọc lại bài thơ của Hoài Vũ, liên tưởng đến đến Đồng Tháp Mười cũng xanh biếc, mênh mông. Và cảm hứng âm nhạc bỗng vụt đến, điệu hò Đồng Tháp chợt vang vọng trong anh, thế là giai điệu đoạn mở đầu hình thành và ngay trong đêm đó, anh viết xong ca khúc Đi trong hương tràm phổ thơ của Hoài Vũ.

Ca khúc Chia tay hoàng hôn của Thuận Yến ra đời từ bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ của nhà thơ Hoài Vũ. Bài thơ ghi lại niềm thương đau chia ly của đôi trai gái trong khói lửa bom đạn chiến tranh. Cuối năm 1990, đầu năm 1991 Thuận Yến tình cờ bắt gặp bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ, ông xúc động cảm thấy như nhà thơ đang nói về một kỷ niệm khó quên của chính mình. Ông bồi hồi nhớ lại khoảng hai mươi năm về trước, một buổi chiều giữa rừng đại ngàn Trường Sơn, ông bùi ngùi, đau xót chia tay người vợ trẻ mới cưới, một cô văn công giải phóng. Cô lên đường ra Bắc chữa bệnh, còn ông ở lại chiến trường. Trong cuộc thi ca nhạc toàn quốc năm 1991 có một ca sĩ đoạt giải thưởng lớn với ca khúc trữ tình Chia tay hoàng hôn, đó là Thanh Lam, con gái nhạc sĩ Thuận Yến.

Sau khi kết thúc khóa học trung cấp rồi đại học âm nhạc, Thuận Yến đã viết một số bài khí nhạc như bản Xuân về trên đất mỏ cho violon và piano, bản sonate Tự nguyện cho violon và piano, tranh giao huởng 5 chương Khúc nhạc miền Trung... Tuy có viết khí nhạc, nhưng thế mạnh của nhạc sĩ Thuận Yến vẫn là thanh nhạc. Quần chúng nhớ đến ông chính là ở lĩnh vực này và những ca khúc của ông sẽ sống mãi trong lòng quần chúng.

***

Nhạc sĩ Thuận Yến sinh ngày 15-8-1935, quê Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam là một trong số các nhạc sĩ Việt Nam được giải thưởng Nhà nước. Ông mất ngày 24-5-2014 tại Hà Nội.

T.Q.L