Cảm nhận hai lần đến Điện Biên
Tham quan Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tôi may mắn được đến mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ hai lần, nơi có chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7 tháng 5 năm 1954. So với quãng thời gian năm 1954 lịch sử ấy đến năm 2018, năm mà lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Điện Biên thì quả là một quãng thời gian quá dài. Nhớ lại, thời điểm đó, từ Hà Hội tôi đến Điện Biên bằng đường bộ, trong lòng cứ háo hức như đứa trẻ khi hình dung những địa danh lịch sử mình sẽ được đến, những nơi mà trước đó chỉ nghe qua các bài văn, câu thơ thời đi học, đặc biệt là những địa danh đã đi vào lịch sử như: Đồi A1, cánh đồng Mường Thanh, hầm Đờ Cát, cứ điểm Him Lam, Hồng Cúm... Đó còn là những “kiến thức” về Điện Biên qua những tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh có hình ảnh hoa ban trắng, hoa ban đỏ, những điệu múa xòe hoa, múa sạp của đồng bào dân tộc Thái, là bài hát nổi tiếng “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, là tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” của Hữu Mai... Tất cả những gì nghe và biết đó đã được “mục sở thị” trong hai chuyến đi của tôi đến Điện Biên vào năm 2018 và năm 2023, tuy chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng đã lắng đọng trong tôi những cảm nhận đặc biệt về mảnh đất lịch sử này.
Quãng đường di chuyển từ Hà Nội đến Điện Biên khoảng 450km, tuy có nhiều chặng đèo dốc quanh co nhưng do chất lượng đường khá tốt nên xe chạy nhanh chỉ đi trong ngày là tới. Trên những chặng dừng chân để check-in dọc đường thì ngoài phong cảnh đẹp thì không thể bỏ qua những địa danh lịch sử. Điểm đầu tiên có thể kể đến địa danh nổi tiếng cũng là ranh giới giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên là con Đèo Pha Đin lịch sử. Tuy đã làm mới để thay thế Pha Đin cũ nổi tiếng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng cũng lên xuống, uốn lượn với cảnh vật hùng vĩ của núi rừng, sông suối hai bên đường. Đến đây tôi lại nhớ đến câu thơ:
“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh”.
Pha Đin ngoài ý nghĩa về mặt lịch sử, gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, còn luôn “níu chân” du khách dừng lại chụp ảnh mỗi khi qua đây không những vì phong cảnh non nước hữu tình, hùng vĩ mà nó còn có ý nghĩa về mặt bản sắc. Từ “Pha Đin” theo tiếng địa phương nghĩa là trời đất, đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất, nên chọn vị trí này để “săn mây” thì thật là tuyệt vời.
Năm năm (2018-2023) là quãng thời gian hai lần người viết đến Điện Biên, so với lần đến trước vào năm 2018 thì lần đi năm 2023 này, đã thấy rõ bước chuyển mình và phát triển hơn của Điện Biên với nhiều thay đổi về hạ tầng giao thông, cảnh quan, nhất là đoạn bắt đầu vào tỉnh Điện Biên. Chỉ tiếc là cả hai lần đến Điện Biên của tôi đều không trùng với mùa hoa ban nở nên chưa chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của loài hoa đã đi vào thi ca nhạc hoạ mỗi lần nói đến miền Tây Bắc hay Điện Biên.
Một điều chắc chắn mà đa số những ai mỗi khi đến Điện Biên là đều sẽ đi thăm các khu di tích, địa danh lịch sử như: khu di tích đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đồi A1; tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, bảo tàng chiến thắng Điện Biên, hầm Đờ Cát… Đó là những điểm đến hầu hết nằm trong phạm vi của thành phố Điện Biên, còn nếu đi xa hơn một chút, có một địa điểm cũng rất đáng đến là di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Đặc biệt nếu đến Điện Biên vào mùa lúa chín thì thật là tuyệt vời. Tiếc rằng, cả hai lần đến Điện Biên, tôi đều không có cái may mắn được ngắm cánh đồng lúa chín nhưng cũng được “an ủi” phần nào bởi những cánh đồng lúa xanh ngăn ngắt, thoang thoảng mùa hương đặc trưng của lúa đang thì con gái.
Nhớ lại lần thăm đồi A1 năm 2018, do đi vào buổi chiều, lại đi tranh thủ nên không có hướng dẫn viên, anh chị em trong đoàn đến đây và nắm bắt thông tin về di tích qua nhưng tấm bảng chú thích gắn tại các hiện vật, vị trí như xe tăng, hầm hào và đặc biệt là miệng hố lớn do bộ đội ta đào đường ngầm đưa bộc phá vào nổ tung trung tâm đồi A1, tạo cú đánh mang tính quyết định đánh chiếm quả đồi có vị trí hiểm yếu này. Vào buổi chiều hôm ấy, có một bác lớn tuổi, mặc bộ quân phục đã cũ, ngực đeo huân chương lững thững đi lên đồi và tự giác làm người thuyết minh cho đoàn khách Đà Nẵng. Một nhân chứng sống thật hiếm hoi và “chất lượng”. Hỏi ra mới biết, bác là Phạm Bá Miều, hiện sinh sống ở thành phố Điện Biên, người Tiểu đội trưởng ở thời điểm đó (năm 2018) đã 88 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, say sưa nói về những kỷ niệm đánh chiếm đồi A1. Được biết, bác Miền cũng là người từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ quan trọng là chỉ huy tiểu đội của mình đánh chiếm đồi A1 bằng bộc phá vào đêm 06/5/1954, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm năm sau (năm 2023), khi trở lại nơi này tôi không còn gặp bóng dáng của người cựu chiến binh đó trên đồi A1 nữa.
Năm 2018 do thời gian có hạn nên tôi không đến thăm được nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đồi A1 thì chuyến đi năm 2023 tôi đã được đến đây để thắp hương tri ân các anh hùng của trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đồi A1 có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có bốn ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Không gian nghĩa trang rất yên tĩnh, không khí trong lành, môi trường xanh, sạch, đẹp đúng nghĩa một công viên nghĩa trang. Hàng ngày, nghĩa trang mở cửa từ sáng đến chiều tối để đón du khách từ các tỉnh trong nước và quốc tế viếng thăm.
Đến Điện Biên hai lần tôi đều đến thăm bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nếu đã đến Điện Biên mà không ghé thăm bảo tàng này thì thật là thiếu sót. Bảo tàng được khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 2012 trên diện tích 22.000m2 và chính thức mở cửa đón khách vào ngày 05/5/2014 sau 19 tháng thi công, bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên hiện nay. Công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc và phần nội dung trưng bày, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, xứng tầm với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Năm 2023, bảo tàng lịch sử này còn quy mô và hoành tráng hơn với điểm nhấn là bức tranh panorama tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là bức tranh panorama lớn nhất Đông Nam Á và nằm trong 10 bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh. Có thể nói, đây là bức sử thi hội họa lớn nhất tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng... khắc họa chân dung của hơn 4.500 nhân vật một cách hoàn chỉnh và sống động. Bức tranh được thể hiện trong một không gian tròn khép kín với chiều dài 132m, cao hơn 9m cùng phần mái vòm, tổng diện tích bức tranh gồm 2.500m2 tranh và 700m2 sắp đặt với bốn trường đoạn liên hoàn. Lần ghé thăm bảo tàng năm 2023 vừa qua, có một chi tiết đáng nhớ là nhóm bạn bè từ Đà Nẵng khi đến đây, do có trang phục áo đỏ sao vàng khá ấn tượng đã được các bạn phóng viên của Truyền hình Thông tấn “bắt cóc bỏ dĩa”. Và tôi đã thay mặt nhóm phát biểu cảm tưởng về bảo tàng này với cảm xúc dâng trào về những gì đã được chứng kiến, cảm nhận.
Đến Điện Biên ngoài những điểm tham quan như đã nêu, cũng cần nói qua về thành phố Điện Biên Phủ, một thành phố nhỏ xinh, được bao bọc bởi núi non hùng vĩ với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Điện Biên Phủ không lớn lắm, nằm gọn giữa lòng chảo Điện Biên, phố xá cũng khá yên ả, tầm 8 giờ tối trở đi và 6-7 giờ sáng người qua lại thưa thớt. Tìm một quán cà phê để uống không phải là dễ vì người dân ở đây và các nơi mình đến ở Tây Bắc, không có thói quen uống cà phê mỗi sáng như trong Nam. Các nhà hàng quán ăn cũng chỉ tập trung ở vài khu vực và có những món ăn đặc trưng của vùng Tây Bắc như thịt trâu gác bếp, chẩm chéo, gà nướng mắc khén, cá suối nướng, còn gọi là món Pa pinh tộp theo tiếng Thái... Những món đặc sản trên mà nhâm nhi với chén rượu ngô trong không khí se lạnh thì thật là tuyệt vời...
Tuy đã được đến Điện Biên hai lần, nhưng đối với người viết những quãng thời gian đó vẫn còn ngắn ngủi, chưa thể đi hết những địa điểm ghi dấu cuộc chiến oai hùng lừng lẫy năm châu, khi ra về vẫn còn nuối tiếc vì có quá ít thời gian. Năm nay là tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sẽ có nhiều sự kiện, lễ hội quy mô được tổ chức để chào mừng sự kiện trọng đại này. Người viết đã hai lần đến và vẫn còn muốn đến Điện Biên nhiều lần nữa để chứng kiến những thay đổi diệu kỳ trên mảnh đất anh hùng này.
D.H