Người con gái mù

07.05.2024
Phan Đức Nhạn

Người con gái mù

Ký họa của bùi Quang Ảnh.

Có nỗi đau nào não ruột hơn nỗi đau người mẹ phải nhói lòng khi nhìn thấy đứa con mình rứt ruột đẻ ra lại khuyết tật. Chị Ngô Thị Thanh đứa con ngoan hiền của mẹ Đẩu đã chịu chung nỗi đau ấy - nỗi đau mang tên người con gái mù. Bù lại gia đình đã dành cho chị Thanh sự chăm chút đặc biệt để tâm hồn chị luôn trong trẻo và trái tim luôn nồng ấm yêu thương…

Năm 1963 khi cha mẹ chị Thanh đi dạm hỏi chị tôi cho anh Bốn Lụa thì hai bên gia đình thêm gần gũi, gắn bó. Tôi nhớ mãi buổi sáng chị Thanh xách cái lồng nhốt con gà mái lên nhà để tặng người chị dâu tương lai, ở lại ăn trưa cùng gia đình tôi và câu chuyện của chị với mọi người thật đầm ấm, thân thiết. Sau buổi chuyện trò ấy giọng nói mọi người trong nhà lưu lại trong trí nhớ của chị. Mà lạ lắm, mắt mù nhưng tai lại thính, trí nhớ thật tuyệt vời, khả năng phân biệt giọng nói của những người mình từng gặp là sự bù đắp mà tạo hoá đã ban cho họ. Chị đi đường bằng cảm nhận dò đường thay cho đôi mắt. Người Bình Dương nói trời phú cho người con gái mù ấy khả năng cảm nhận mọi việc xung quanh. Chị không nhìn thấy màu cờ hoa ngày quê hương mình được giải phóng, nhưng cuộc sống rộn ràng của người dân đổi thay dưới chính quyền Cách mạng đã truyền vào chị cảm xúc thông qua người thân và bà con làng xã.

Từ năm 1967 quân địch tập trung đánh phá vùng giải phóng. Thế trận giằng co giữa ta và địch trải ra khắp vùng nông thôn rộng lớn. Chiến tranh tàn khốc, anh Bốn Lụa cùng mẹ Đẩu nấp trong hầm trúng bom chết oan uổng, người con gái mù mất mẹ, mất anh cuộc đời chị thêm khốn khó, chìm nổi. Phong trào cách mạng Bình Dương lên cao, mỗi người dân là một phần trong làn sóng cách mạng ấy. Nhà nhà làm cách mạng, người người làm cách mạng, không ai đứng ngoài và chị - người con gái mù sáng dạ, sáng lòng đã vượt qua điểm yếu khuyết tật để góp phần hữu ích cùng quê hương.

Cách mạng và nhân dân đã tin tưởng lựa chọn chị làm người đưa thư, kết nối liên lạc từ khu dồn trong lòng địch ra vùng giải phóng. Yếu tố bất ngờ ấy đã giúp chị vượt qua những nghi ngờ, dễ dàng vượt qua những chốt gác để giữ đường dây liên lạc, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 Sau ngày đất nước thống nhất, tôi về Bình Dương hỏi thăm chị, được biết chị đã rời Bình Dương, địa phương sắp xếp chị an dưỡng trọn đời ở trại thương binh nặng Hội An. Ngày giáp Tết năm Đinh Tỵ (1977) chị tìm tới số nhà 80/12 đường Hải Phòng, Đà Nẵng thăm gia đình tôi. Cuộc gặp thật bất ngờ và xúc động. Tôi vui mừng nói lớn em chào chị Thanh! Chị đặt hai bàn tay lên vai tôi, mừng rỡ, ôi thằng út Nhạn của chị Bốn chừ cao bằng ri rồi, mới đó mà gần chục năm trời cách biệt. Tôi nắm tay mời chị ngồi trên ghế tựa ở bàn nước, rồi báo cho cha biết có chị Thanh tới thăm cha. Cha bước tới kéo cái ghế ngồi đối diện, ông hỏi: Con biết bác không? Chị Thanh cười rất tươi, dạ biết, con có nghe mẹ kể về bác… Cha tôi lặng im một chút rồi ông nói: Nghe bà con kể chuyện con làm giao liên, nhiều lần che mắt, qua mặt bọn lính gác, chuyển thư từ và vũ khí từ vùng giải phóng vào cơ sở ở khu dồn cho du kích, làm được như vậy là giỏi lắm. Chị Thanh dạ rồi nói cũng có lần vì thám báo chỉ điểm mà cháu bị bắt quả tang đang gánh mìn qua trạm gác Phú Duyên, chúng nhốt tù hơn một năm mới thả. Nghe giọng nói quê mình quen thuộc, ấm áp, nhìn gương mặt sáng láng, nụ cười rất duyên, Thanh như một bản sao y hệt cô Một, làm cha nhớ lại người con gái ngày xưa là bạn thân ái với cha trong làng. Sau bữa cơm gia đình cha con tôi tiễn chị, ra tới cửa chị đột ngột dừng lại: Ấy chết, chị có mang con gà nhốt trong cái lồng tre biếu bác mà quên béng, chị để chỗ cửa nhà, em đem vô dùm chị…

Trước cửa nhà, anh xe ôm chờ sẵn, xe nổ máy, chị sửa lại tư thế ngồi, chị chào rồi hẹn lại lần sau. Cha con tôi đứng nhìn theo, chiếc xe chở chị xa dần, xa dần nhưng trong tôi còn đọng mãi hình ảnh người chị, người con gái mù Bình Dương gần gũi, thân thiết!

Bình Dương, 26.3.2024

P.Đ.N