Một lối vào thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mạc Tử của Vũ Hải

07.05.2024
Hồ Thế Hà

Một lối vào thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mạc Tử của Vũ Hải

(Đọc tác phẩm Hàn Mạc Tử - Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Vũ Hải,
Nxb Văn học, tái bản lần 1, 2023)

Hàn Mạc Tử (1912 - 1940) là thi sĩ nhiều lần đặc biệt và ám ảnh nhất của Phong trào Thơ mới và của nền thơ hiện đại Việt Nam, bởi trong toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ ông có sự tích hợp, tương tác kỳ diệu những tư tưởng văn hóa - nghệ thuật - tôn giáo nhuần nhuyễn với trình độ kiến trúc “siêu ngôn ngữ” mới lạ, biến hóa và ảo ẩn. Đời người - Nghiệp thơ - Phận số của Hàn thi sĩ đều phức hợp, độc đáo và liên tục bất ngờ xuất phát từ chính bản mệnh đời và duyên mệnh văn chương cũng như quan niệm nghệ thuật của Hàn Mạc Tử. Vì vậy mà từ trước đến nay, rất nhiều người tôn vinh ông như thi sĩ biệt tài quá cỡ, đã tạo nên những chấn động mà không một nhà Thơ mới nào vươn đến được. “Đó là độ richte của Hàn Mạc Tử”. Và Chế Lan Viên - bạn thơ cùng thời đã nhận định một cách tiên tri và trực giác về ông: “Mai sau, những cái Tầm thường, Mực thước sẽ biến đi và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử”. Còn Trần Thanh Mại -  bạn văn thân thiết đương thời cũng cho rằng Hàn Mạc Tử là “người đầu tiên làm cuộc cách mạng văn chương”. Những nhận định trên vẫn còn nguyên giá trị và gợi mở nhiều hướng nghiên cứu bổ sung mới mẻ về thơ của thi sĩ biệt tài này.

Đã có hàng trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ về thi giới Hàn Mạc Tử liên tiếp ra mắt bạn đọc với những kiến giải và những hướng tiếp cận khác nhau để không ngừng phát hiện và làm đầy những giá trị mới ở từng yếu tố tham gia cấu thành chỉnh thể nghệ thuật của mỗi bài thơ, mỗi tập thơ. Thơ Hàn Mạc Tử - từ hiện thực văn bản đến hiện thực tiếp nhận luôn là một quá trình, luôn là “cấu trúc ngôn từ động”. Điều ấy chứng minh cho thi tài và hấp lực của thơ Hàn Mạc Tử.

Trong bài viết ngắn này, tôi muốn tiếp nhận một công trình nghiên cứu về thơ Hàn Mạc Tử theo định hướng khoa học riêng của nhà nghiên cứu Vũ Hải: Hàn Mạc Tử - Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình do Nhà xuất bản Văn học tái bản lần thứ nhất và phát hành năm 2023.

Cần nói thêm rằng đây là công trình được ấn hành sớm (1996), nhưng được tác giả ấp ủ và viết trước đó khoảng hơn 10 năm (1985). Nghĩa là viết khi công cuộc Đổi mới Đất nước chưa được khởi động và cái nhìn của xã hội đối với các tác giả thơ thuộc Phong trào Thơ mới còn chủ quan, phiến diện, nếu không muốn nói rằng, Thơ mới bị phủ nhận và qui kết là lãng mạn tiêu cực và cá nhân chủ nghĩa. Chưa kể, trường hợp Hàn Mạc Tử được coi là một ca đặc biệt: Nhà thơ của đạo quân Thánh giá, là thi sĩ tôn giáo siêu hình, thần bí, kinh dị. Vậy mà Vũ Hải - một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, nhận học vị cử nhân văn chương lại dũng cảm ấp ủ và lặng lẽ nghiên cứu nhà thơ nhiều lần kinh dị này với sự đam mê và ngưỡng mộ đặc biệt để sau đó công trình được ra mắt bạn đọc trong giai đoạn Đổi mới. Chúng tôi đánh giá cao sự lựa chọn theo phán đoán đúng này của Vũ Hải.

Công trình được cấu trúc thành các phần có tính hô ứng và logic nhân quả như sau: Phần Mở đầu: Cảm nhận đau khổ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử, Phần thứ hai: Hành trang cho thơ, Phần thứ ba: Thơ Hàn Mạc Tử - Những chắp cánh mới. Nhìn vào cấu trúc các phần khái quát như thế, giúp người đọc nhận ra được cảm quan khoa học của tác giả là muốn đi từ cuộc đời Hàn Mạc Tử và những vấn đề có liên quan đến chung quanh bản thân Hàn Mạc Tử; từ đó tạo ra hành trình sáng tạo thơ Hàn Mạc Tử qua các giai đoạn trên cơ sở bản thân nhà thơ tự giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ để tạo thành đặc điểm thơ cho từng thi phẩm theo từng không gian và thời gian sống và hành trạng đau khổ của chính nhà thơ. Những xung động/ xung năng có liên quan đến quan niệm thơ, tư tưởng thơ, nội tâm thơ và diễn biến thơ để tạo thành thi pháp thơ, khuôn mặt thật của thơ Hàn Mạc Tử sẽ trở thành những tiêu điểm tư tưởng - thẩm mỹ thơ Hàn Mạc Tử để Vũ Hải triển khai nghiên cứu.

Với ý hướng tính khoa học như thế, ở Phần Mở đầu, Vũ Hải đã thấy được sự cảm nhận khổ đau của Hàn Mạc Tử khi nhà thơ nhìn sâu vào thế giới nội tâm của mình để hiểu được cội nguồn sự sống với tất cả niềm vui và những khổ đau, bất hạnh để dấn thân vào niềm đam mê đang đón đợi, nuôi dưỡng hồn thơ: “Sự trở lại chính mình cho nư tình bản ngã hay sự bùng nổ của tâm thức? Tất cả đều là một. Vì vậy, khai phá cuộc đời thi ca Hàn Mạc Tử là sự khai phá tuyệt diệu về một thế giới nội tâm sâu sắc. Cái thế giới mà trong đó tất cả những cảm nhận về cuộc đời dâu bể của nhà thơ hầu như đã đạt đến chân giá trị tuyệt hảo. Rằng đau khổ không còn là đau khổ nữa mà đau khổ chính là dấu ấn của những hạnh phúc tiềm tàng trong ẩn dụ. Thứ hạnh phúc độc đáo không dễ gì trong đời thường chúng ta ai cũng có, cũng bắt gặp. Đây là một thứ hạnh phúc đặc biệt mà Hàn Mặc Tử đã chọn. Bi hùng trong bi thương. Một lựa chọn, một dấn thân đầy can đảm. Để rồi cuối cùng, tuyệt đích vẫn là sự trở lại chính mình”[1] [8]. Trở lại chính mình để hồn thơ bừng thức và trên thế gian này, từ đây, bên cạnh Hàn Mạc Tử - đời, lại bắt đầu có Hàn Mạc Tử - thơ mà Gái quê là một cột mốc giá trị tiên đoán một nhà thơ lớn trong tương lai: “Gái Quê là dấu ấn của một cảm nhận đau khổ đầu đời mới chớm rộ. Nhưng Hàn Mạc Tử đã sớm nhận ra chân giá trị của nó để rồi cũng không là đau khổ nữa. Đau khổ đã biến thành nghệ thuật. Một thứ nghệ thuật vốn được chắt lọc, chọn lựa, lắng sâu và đọng lại với thời gian...” [13]. Vũ Hải cho rằng, nhờ khổ đau mà Hàn Mạc Tử đã đi đến tận cùng của sự sáng tạo: “Bởi sự tồn tại đương thời của Hàn Mạc Tử đồng nghĩa với khổ lụy. Song nếu ta vội vàng dừng chân ở những nỗi thống khổ mà thi nhân từng phải gánh vác đa mang thì thật là ta quá sai lầm. Sai lầm này cũng gần như là một sự phản bội. Không có sáng tạo nào trường tồn trong nỗi u uất, tù hãm của tư tưởng. Chỉ có những tư tưởng sau khi được ngời sáng sẽ thắp lên ngọn đèn cho chân tâm nhà nghệ sĩ. Và ngọn đèn đó là đuốc soi đường cho thi nhân đi tiếp cuộc hành trình của bản thân mình. Trong cuộc hành trình đó, chúng ta có thể chia ra thành ba đoản khúc như sau: Từ đau khổ tuyệt vực đến những cảm nhận tự tại - Để rồi từ những cảm nhận vốn có, nhà nghệ sĩ trưởng thành, tự thắp đuốc cho mình, mở ra cho mình một sáng tạo. Và sáng tạo đã chan hòa được với chân giá trị đích thực của nó để đạt đến hạnh phúc cũng tuyệt vực như nhà nghệ sĩ đã từng đau khổ tuyệt vực - Đau khổ là đoản khúc đầu và hạnh phúc lại chính là đoản khúc sau trong cuộc hành trình trở lại chính mình của sáng tạo [13]. Từ đó, Vũ Hải chứng nghiệm rằng Hàn Mạc Tử làm thơ chính là hành trình trở lại chính mình. Và thi nhân đã tìm thấy hạnh phúc trong sáng tạo: “… Hàn Mạc Tử trong thực tế nhiều lần đã tìm ra được hạnh phúc ở chính mình. Hạnh phúc là đam mê và thực hiện được chính đam mê đó. Hạnh phúc là sáng tạo và đã sáng tạo được. Sáng tạo không có gì ghê gớm nếu như không là sự lao động thuần túy. Một chịu khó trong đau khổ, can trường sống - can trường viết - can trường biết câm lặng, giấu mình trong khổ ải để ngời sáng lên khuôn mặt thật chính mình hay nói một cách khác, phải là SỰ TRỞ LẠI CHÍNH MÌNH - Đó là con đường duy nhất mà Hàn Mạc Tử đã chọn”[2]. Đó là những nhận định mới mẻ và chân xác để Vũ Hải tiếp tục chứng minh cho thực tại thi ca tuyệt đích về sau của Hàn Mạc Tử.

Nằm trong chủ đích truy tìm chân xác con người/ chân dung Hàn Mạc Tử ở các quan hệ bản chất, Vũ Hải đã dày công nghiên cứu và xác định bút danh đúng của nhà thơ là Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử? Từ việc cho rằng bút danh có liên quan đến sự trở lại chính mình của Hàn thi sĩ, thì việc xác định đúng bút danh lại càng quan trọng. Vậy vì sao có hiện tượng nhầm lẫn này xảy ra cho đến ngày hôm nay là câu hỏi được Vũ Hải truy tìm và minh định cụ thể ở chương hai của Phần thứ hai một cách có lý và có chứng cứ để mong trả lại cho nhà thơ nguyên trạng bút danh thật của mình là Hàn Mạc Tử: “Như vậy sự ra đời của tập Gái quê (1936), Hàn Mạc Tử có sử dụng bút danh Hàn Mặc Tử, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Trong thực tế, nhà thơ đã dọn đường cho chính mình và từ đó, từ sau năm 1936, sau những cảm nhận đau khổ về mình, Hàn Mạc Tử đã vượt qua những thử thách cam go để trở lại chính mình, đích danh, đích thị chỉ một mình là Hàn Mạc Tử như cũ và khước từ mọi vay mượn khác hơn để tự bước vào con đường thơ một cách tự tại. Một thế giới mà trong đó mọi khổ lụy cùng hạnh phúc đã được sắp xếp ngang bằng” [39].

Sau khi đã chứng thực được sự trở lại chính mình bằng bút danh Hàn Mạc Tử, Vũ Hải đã tiếp tục minh giải cuộc đời và con người cuả thi nhân, xem đây như là hành trang đặc biệt cho việc thám mã và giải mã thơ Hàn Mạc Tử. Nguồn cội quê hương như chánh quán và trú quán cũng như quan hệ gia đình, người thân, người yêu và quá trình học tập, sinh trưởng, công tác và sáng tạo có nhiều cách hiểu thiếu nhất quán về nhà thơ tài danh này cũng được tác giả công trình phân tích và minh xác chu đáo. Ngay cả những bút danh Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh,… cũng được Vũ Hải phân tích, lý giải cặn kẽ gắn với từng sự kiện và bước ngoặt sáng tác với từng thi phẩm và cuộc đời khổ đau, bi kịch của nhà thơ một cách hợp lý. Và tác giả đi đến kết luận: “Cuộc đời Hàn Mạc Tử là một cuộc đời đau thương mất mát, của bi kịch. Một thi nhân tài hoa càng yêu đời bao nhiêu, càng bị đời hất bạc, loại ra ngoài cuộc sống bấy nhiêu. Nhắm mắt lìa đời không một mảnh tình riêng. Ngoài các bà Phước trong trại phong Quy Hòa ra, nhà thơ không còn thấy được một người thân yêu nào. Tất cả đều là vấn đề cho cái gọi là số mệnh - một số mệnh bất hạnh, cay cực. Và chính nó, cái số mệnh vốn có thực ấy đã làm sáng danh cho đời sau một thi nhân Hàn Mạc Tử đúng nghĩa. Nhà thơ chỉ mất đi thể xác, nhưng tâm hồn thi nhân những dòng sống, những dòng tuyệt tác vẫn còn vang vọng mãi trong chúng ta. Mỗi bước đường đi với cuộc đời, Hàn Mạc Tử đều để lại một bài thơ hay, lạ, hiếm, quý mà không dễ gì những người làm thơ khác ai cũng có, cùng tìm thấy được. Hàn Mạc Tử đã lấy cuộc đời mình làm hành trang cho những sáng tạo độc đáo, bất tử. Những sáng tạo ấy gắn liền với giải thoát, vứt bỏ hết mọi đau thương bất hạnh để mãi mãi trường tồn vĩnh hằng” [68].

Tìm hiểu sự trở lại chính mình ở các bình diện căn nền nêu trên kéo theo một nhiệm vụ quan trọng khác nữa là phải xác lập cho được tính cách và tư tưởng Hàn Mạc Tử ngay từ lúc mới tập làm thơ cho đến những kiệt tác về sau. Vũ Hải cho rằng, ngay khi những bài thơ đầu tay xuất hiện “Từ trong tiềm thức, Hàn Mạc Tử đã là một nhà thơ của tự do. Tự do cảm nhận, lãng mạn, tự do siêu thoát, giải thoát” [71]. Nhưng giai đoạn đầu “cảm quan lãng mạn là mấu chốt”, nhưng ông vẫn có những khác biệt, mang tính thuần tuý: “Giai đoạn này vấn đề xã hội đối với Hàn Mạc Tử còn rất mơ hồ. Nhà thơ không thể oán hờn hay trách cứ thời đại. Cái ngông của Tản Đà, cái cười mỉa mai của Tú Xương, cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tinh thần phục cổ của Nguyễn Du hay thái độ bất bình của một số thi nhân trong phong trào thơ mới, đều mang ý nghĩa bất bình với xã hội, nhưng ở Hàn Mạc Tử lúc bấy giờ dường như chỉ là những ảnh hưởng vì thiên nhiên, do thiên nhiên. Thi nhân đã sống và sáng tạo trong trăng, mộng, tình yêu và ảo tưởng” [73]. Vũ Hải còn nhận định tiếp khi so sánh Hàn Mạc Tử với các nhà thơ khác cùng thời: “Một số người cầm bút giai đoạn này, mắc phải sai lầm nghiêm trọng là lao sâu vào con đường lãng mạn. Họ quá hấp tấp, vội vàng dẫn đến căn bệnh thời đại không đau mà ốm, không bệnh mà rên, khác với nỗi buồn vô duyên vô cớ mà Hàn Mạc Tử đã tâm sự khi nghĩ đến Thương Thương, vì thực ra thì chẳng vô duyên chút nào. Lãng mạn ở Hàn Mạc Tử là bẩm sinh, kết tinh từ yếu tố tự nhiên, thiên nhiên, trí tưởng tượng tài hoa và phần nào đó ảnh hưởng lãng mạn Pháp nhưng lại rất thuần túy Việt Nam” [75]. Nhận định này rất sát đúng với Hàn Mặc Tử ở giai đoạn khởi đầu. Nhưng lãng mạn của Hàn Mạc Tử tiếp theo ở các giai đoạn sau, ông đã có cái nhìn hiện thực, nhưng là hiện thực mang cảm quan sinh thái thiên nhiên, nghiêng về cảnh sắc và màu sắc trong những không gian mà ông gắn bó, sống trải. Đã đến lúc nhà thơ phải nhìn vào cõi tục, không thể mơ mộng hão huyền mãi mà quên đi thực tế khổ ải của mình. Khi ấy, nhà thơ có cái nhìn phức hợp khác trước mà Vũ Hải cho rằng: “Đây là giai đoạn nửa tỉnh, nửa say của Hàn Mạc Tử. Từ lãng mạn đến hiện thực, rồi từ hiện thực, Hàn Mạc Tử quay trở lại thương tiếc quá khứ” [82].

Từ khi biết mình mang bệnh nan y, nhà thơ mới cảm nhận được sự đen bạc và cay đắng của cuộc đời, nhà thơ mới nhìn thực tế bằng cái nhìn khác, một thực tế dần dần làm cho nhà thơ cô đơn, tủi buồn và gần như tuyệt vọng. Bên cạnh những bi kịch của tình yêu càng làm cho thi nhân đau đớn. Nhà thơ đau thực sự chứ không phải đó là căn bệnh của thời đại tự đau, tự rên mà nhiều người gán cho các nhà Thơ mới: “Như vậy, không thể nói rằng Hàn Mạc Tử mang tật Không đau mà ốm, không bệnh mà rên như một số nhà thơ thời bấy giờ. Tất cả nỗi buồn đều có nguyên cớ, tiếng kêu thương oán hờn ấy chính là tiếng lòng của nhà thơ, nỗi đau đời, đau tình, đau vì bệnh tật, vì nguy cơ phải dứt bỏ con đường nghệ thuật. Cái nghiệp chướng làm thơ, đang run lên từng hồi, cung bậc cao nhất của cảm xúc, nhưng một bàn tay vô hình nào đó như nắm chặt, ghì thật chặt, không cho thi sĩ cầm bút họa thành thơ, đến nỗi thi nhân gần như là phải thống thiết van xin” [85]. Nhà thơ dẫu đau đời, nhưng vẫn yêu thơ, muốn được sống và sáng tạo. Và vì vậy, bắt đầu xuất hiện cái nhìn nghệ thuật mang màu sắc chính trị trong thơ Hàn để từ lãng mạn tiến dần về hiện thực: “Không ý thức được vấn đề dân tộc, ái quốc, kẻ thù, thực dân... nhưng vô hình trung, tính cách Hàn Mạc Tử thể hiện trong thơ giai đoạn này cũng mang màu sắc chính trị. Đây là một bước đi tất yếu từ lãng mạn đến hiện thực. Sự phẳng lặng êm đềm đã nhường chỗ cho những đợt sóng ào ạt đã tác động vào tính hồn nhiên trong sáng trong thâm tâm con người Hàn Mạc Tử. Nhà thơ đã oán trách thời đại nhiều hơn. Cái nghèo khổ bệnh tật, sự bạc đãi, những bất hạnh đối với một thi nhân cũng nhiều hơn. Xã hội mà đồng tiền đã chi phối được tất cả: Tình yêu - con người - nghệ thuật... Và cũng chỉ oán trách, Hàn Mặc Tử không đi tìm nguyên nhân. Với nhà thơ, chung quy tất cả mọi vấn đề đều do thế thái nhân tình gây ra. Phải nói rằng đây là những thất vọng trước cái mới, trước hiện thực. Những thất vọng này đã vô tình tố cáo xã hội đương thời” [88], Từ đó, Vũ Hải cho rằng “Ở Hàn Mạc Tử, sự đau thương, nỗi bất hạnh trong cuộc đời thi nhân là bức tranh tố cáo xã hội một cách trung thành. Hàn Mạc Tử không lên án, cũng không tự nhận đã đưa vào thơ mình yếu tố xã hội nhằm mục đích chính trị. Thơ điên, một lần nữa ta cần nhấn mạnh, đây là tiếng kêu thương của một tâm hồn tha thiết với cuộc đời, nhưng mới bước chân vào đời đã gặp tai biến. Thi sĩ sống trong niềm khắc khoải vô biên. Thơ xuất phát từ máu, lệ và hồn, những cay đắng chua xót không vượt ra ngoài tâm tưởng nhà thơ. Hàn Mạc Tử không còn định hình một cái gì nữa, khi thì mộng ảo, lãng mạn, ca vang trong niềm hạnh phúc - những bài thơ viết về Thương Thương - khi thì chìm đắm trong nỗi ghê sợ của bệnh tật, những hồn ma bóng quỷ đi về trong ký ức. Với cái chết, nhà thơ hầu như chấp nhận nó một cách êm ái, nhưng có lúc lại trở nên hung dữ lạ thường. Nhà thơ đã gào thét đến rướm máu để giành lại sự sống, dù thể xác ngày mỗi oằn oại trong sự hành hạ, dày vò của cơn bệnh. Rõ ràng thi nhân có sự rối loạn về tinh thần, thiếu ổn định. Thơ ra đời lúc tỉnh, lúc say hòa nhịp cùng trái tim tan vỡ” [89]. Sự lý giải của Vũ Hải về tình trạng này trong thơ Hàn Mạc Tử giúp ta càng hiểu thêm về vô thức trong sáng tạo, nhưng là sự vô thức hợp lý, logic của hoàn cảnh tác động đến nhà thơ. Cho nên quá trình xuất phát là lãng mạn, chuyển đến hiện thực, rồi từ hiện thực quay về lãng mạn cũng là một logic không thể khác của hành trình thơ Hàn Mạc Tử mà Mật đắng, Máu cuồng Hồn điên được xem là sự vận động sự hợp qui luật, càng chứng tỏ sự gặp gỡ kỳ diệu giữa hiện thực và vô thức sáng tạo để thành hình tượng thơ, ngôn từ thơ tân kỳ và thật sự chúng đã trở thành “thi ca chi bảo”.

Từ những chứng minh trên, Vũ Hải đúc kết lại hành trình và tư duy nghệ thuật của Hàn Mạc Tử và xem đó như là mô hình sáng tạo mang tính cá nhân của Hàn Mạc Tử trong tương quan giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ: “Giai đoạn đầu, nhà thơ sống theo những cảm quan tự nhiên của mình, không ham muốn cuộc sống bên ngoài nhục thể và luôn để tâm hồn thư thái, yên tĩnh. Hàn Mạc Tử đã tìm được hứng khởi vô biên trong sáng tác thi ca. Thơ ở đây là cảm xúc nhất thời, không là hình thức lựa chọn đề tài như ý kiến một số người. Bước vào làng văn, hành trang của người thanh niên nhỏ nhắn ấy là cuộc sống phóng khoáng với một tâm hồn thuần khiết tự nhiên, nhìn cái gì cũng dễ yêu, dễ mến, dễ rung động... Cho đến mãi về sau này, khi cơn bệnh hoành hành, đau khổ đến cùng cực, Hàn Mạc Tử vẫn giữ được cảm xúc chân thành với thơ: Tôi làm thơ, nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng. Anh sẽ thấy hơi đàn lả lướt theo hơi thở của hồn tôi và chìm theo những sóng điện nóng ran trút xuống bởi năm đầu ngón tay uyển chuyển. Anh sẽ run theo khúc ngân nga của tơ đồng, sẽ để mặc cho giai âm rền rĩ nuối tiếc không ngưng. Và anh sẽ cảm giác lạ, nhìn không chớp mắt một tia sáng xôn xao tại có vì sao vỡ. Những thứ ấy là âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng điên rên vang dưới ngòi bút” [110-111].

Xuất phát từ hiện thực thi ca Hàn Mạc Tử, Vũ Hải tiếp tục đi sâu vào bên trong, bên sau của ngôn từ và hình tượng thơ để chỉ ra các trạng huống tình cảm và những diễn biến phức tạp của chúng để qui chiếu thành cái nhìn nghệ thuật và các tính chất đặc biệt của thơ Hàn Mạc Tử. Nhà thơ luôn có cái nhìn xôn xao, tươi non về cảnh vật thiên nhiên. Chúng tác động đến tình cảm của chính mình và xã hội, khiến cho ông càng thêm yêu thiên nhiên, con người và yêu sự sống đến nồng nàn, ngây ngất. Bên cạnh đó, nguồn Đạo cũng là đối tượng tạo thi hứng cho nhà thơ để trở thành những hình tượng điển hình có tính cứu rỗi tâm hồn bi ai của chính Hàn Mạc Tử. Những hình tuọng như Đức mẹ đồng trinh Maria, đấng hằng sống và Trăng, Hồn, Máu, chân dung những người tình trong thơ ông trở thành những mẫu gốc (archétypes) mang nghĩa. Đó chính là tình yêu và sự sống, tạo thành các quan hệ bản chất và quan hệ tương tác với chính nhà thơ. Chúng trở thành những ẩn dụ và nhân hoá trong cảm nhận giao cảm, giao hoà của thi nhân để thành nguồn thơ lai láng về tình yêu, về người thân, về thiên nhiên và tôn giáo. Tất cả đều diễn ra từ trạng huống đau thương và buồn bã của thi nhân. Vì vậy mà “Kết thúc một giai đoạn, một cuộc đời, trong tình cảm Hàn Mạc Tử toàn những buồn thương, cay đắng, bệnh tật, nước mắt, máu, lệ và hồn trào dâng, hủy diệt nhà thơ, làm tiêu tán con người thi nhân. Đứng trong trào lưu những danh nhân nổi tiếng một thời đại trong thi ca, đây thực sự là một con người sống tình cảm, biết yêu thương và yêu thương đúng nghĩa theo quy luật thời gian cùng với tiềm thức bên trong của nó. Và cũng chính yếu tố đa sầu, đa cảm ấy, đã đem đến không ít những đau thương, khổ lụy cho nhà thơ” [136]. Và cuối cùng là sự kết tinh thành thế giới nghệ thuật thơ tinh anh và độc sáng.

Vũ Hải tiếp tục nghiên cứu sự vận động và phát triển thế giới thơ và thế giới nội tâm của Hàn Mạc Tử ở những cung bậc cảm xúc đặc biệt, Vũ Hải đã quay lại giải mã các từ ngữ, hình tượng như: trăng, ngọc, tình si, cái chết trong các thi tập Gái quê, Cẩm châu duyên... Vũ Hải cho rằng “thể hiện nội tâm trong thơ Hàn Mạc Tử có lẽ nằm gọn ở những yếu tố sau: Ngoài mảng thơ viết về thiên nhiên, con người, cảnh vật, một thời sung sức còn lại là chuyện con trăng, chữ ngọc, tình si và cái chết”. Và tác giả lý giải theo luận điểm của mình: “Tất nhiên khi đưa ra vấn đề này, chúng tôi đã dựa vào công trình nghiên cứu của mình và đã tự đặt câu hỏi: Vì sao trong thơ Hàn Mạc Tử có quá nhiều bài viết về Trăng, hoặc vì sao Hàn Mạc Tử hay nhắc gợi đến chữ Ngọc trong thơ?... Cách đây mười hai năm chúng tôi đã không tự lý giải được, nhưng với suy nghĩ hiện tại của chúng tôi ngày nay, Tình si và Cái chết là điều quá rõ ràng, bởi đó là nguyên nhân của những thất vọng mà Hàn Mạc Tử không thể tránh được. Hàn Mạc Tử gào thét trong thơ mình để tự giải phóng nội tâm - còn chuyện con Trăng, chữ Ngọc? Đó cũng là một biểu hiện của tâm thức. Trong cái thế giới thực thiếu ánh sáng của sự sống (với Hàn Mạc Tử lúc này) cộng đức tính lãng mạn trước đây muốn lạc vào thiên nhiên vô cùng, vô tận, Hàn Mạc Tử đã chọn trăng làm không gian cho mình. Và cái chọn đó đồng điệu với tâm hồn thi nhân. Trăng trở thành là nguồn xúc tác chảy mãi không nguôi trong lòng thi sĩ. Còn chữ Ngọc lại là một chuyện khác” có liên quan đến Ngọc Sương, chị ruột của thi sĩ Bích Khê, dì của Mộng Cầm và cũng là một trong những “người tình” cảm tính mà mọi người gắn cho Hàn Mạc Tử (chứ không phải người yêu thật). Lý giải về chữ “ngọc” xuất hiện trong thơ hàn Mạc Tử, Vũ Hải cho rằng “giữa Ngọc Sương và Hàn Mạc Tử không có mối dây liên lụy tình cảm nào hơn. Vậy thì, chữ Ngọc xuất hiện nhiều trong thơ Hàn Mạc Tử, không thể chỉ nhất một vì sự có mặt của Ngọc Sương. Ngọc tượng trưng cho một cái gì thanh tao tinh khiết, mà theo chúng tôi Ngọc chính là tâm hồn của thi nhân - muốn hướng đến một cái gì đó cao xa thánh thiện... Đời sống nội tâm Hàn Mạc Tử gói gọn trong chừng ấy vấn đề. Hàn Mạc Tử yêu trăng, nghĩa là yêu chính khoảng không gian mà mình đã chọn và thơ Hàn Mạc Tử đã thể hiện đầy đủ những đặc tính ấy. Trăng trong thơ thi nhân ràng rịt mãi cùng nhà thơ cho đến ngày tận thế. Trăng được viết ra bằng những lời thống thiết muôn màu muôn vẻ. Trăng trong “Ở đây thôn Vỹ Dạ” được nhân cách hóa như một cô gái dân gian múc ánh trăng vàng đổ đi. Nhà thơ thì muốn đặt trăng lên thuyền để chở trăng về cho kịp tối nay. Ánh trăng, con trăng chính đã góp một phần thành công trong sáng tác nghệ thuật của Hàn Mạc Tử. Bài thơ Bẽn lẽn nhà thơ đã khéo sử dụng lối nhân hóa, so sánh dí dỏm, hình ảnh bóng trăng như thiếu nữ” [146]. Và Vũ Hải cho rằng “bóng trăng như thiếu nữ “là một nét mới trong phát triển nghệ thuật do tự chân tâm Hàn Mạc Tử suy diễn” [147]. Về sau, ánh trăng không còn mang thuộc tính như trước mà có thêm những thuộc tính mới gắn với cuộc sống thật của thi nhân: “Càng về sau này hình tượng ánh trăng với bệnh cùi của thi nhân là một nét mới rất độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật. Lời thơ có vẩn đục, do nội tâm bấn loạn nhưng ý thơ gợi hình, mỗi câu, mỗi lời đều bốc lên từ sức rung cảm mãnh liệt của thi nhân. Hàn Mạc Tử đã sáng tác gần như trong cơn điên loạn, trong nỗi đau thương” [152]. Qua đó, nhà thơ đã để lại cho đời những vần thơ sáng láng, độc đáo về hình tượng trăng. Hình tượng Hồn cũng được Hàn Mạc Tử thể hiện đậm đặc trong thi giới của mình được Vũ Hải lý giả cặn kẽ, thuyết phục: “Ngọc, trong thơ Hàn Mạc Tử cũng chính là hồn của thi nhân. Nhà thơ ví Ngọc với sự thanh tao, tinh khiết, trong sáng. Đó là ý niệm từ tâm thức Hàn Mạc Tử, một ý niệm luôn hướng thiện, nghĩ về cái đẹp và muốn sống với chính nó - cái đẹp trong tâm hồn, giữa cuộc đời” [157]. Còn “Hồn” xuất hiện ở các tập thơ giai đoạn sau lại có những ý nghĩa mới/ khác như Vũ Hải đã chỉ ra một cách có căn cứ xét từ tâm lý học sáng tạo văn học: “Hồn xuất hiện nhiều lần giai đoạn sau trong thơ Hàn Mạc Tử. Thi sĩ thật sự lạc vào cõi âm. Sáng tác thơ không còn là nhạc khúc ngân vang, là âm thanh cùng cảnh vật dần tan, mờ ảo. Thơ mất hết sắc thái nghệ thuật hài hòa, chỉ còn lại những hồn ma hoan lạc, cùng thi sĩ ngao du đây đó. Nhà thơ mất phương hướng, mất cả ý niệm thời gian, không gian, ngụp lặn, mệt lả trong đêm, tưởng chừng như cái chết, hồn ma luôn theo đuổi bên mình”. Chúng tôi rất tán thành với nhận định mới mẻ này của Vũ Hải.

Vậy là từ các hình tượng nghệ thuật được phân tích và xác tín như trên, Vũ Hải đã đúc rút lại vấn đề một cách kết tinh về chất thơ và hồn thơ cũng cái nhìn nghệ thuật của Hàn Mạc Tử như sau: “Thiên nhiên và đặc biệt là ánh trăng, đạo giáo, tình yêu, chữ ngọc là nguồn thi hứng của tác giả, bên cạnh nó, bệnh cùi, nỗi bi ai, những ám ảnh của cái chết, chính góp một phần công lao lớn trong sáng tạo nghệ thuật. Về sau này, mỗi câu thơ của Hàn Mạc Tử chúng ta có thể nói rằng là một ít tâm huyết máu thịt của thi nhân. Thơ Hàn Mạc Tử, có thời gian, gắn liền với cuộc đời phản ảnh nội tâm, những mất mát, bất hạnh của chính bản thân tác giả. Là tiếng tiêu, khúc hát từ trong sáng, nhịp nhàng, pha loãng, phối hợp với bi ai đến kêu rên thống thiết và cuối cùng là bẻ gãy sóng điện ngân vang của tơ lòng. Thơ bị hủy diệt, thực sự là khúc tiêu sầu đứt đoạn do âm hưởng của niềm đau, tương đồng với thanh cao, quá cao trong tiềm thức thi nhân. Thực sự là âm điệu tự nhiên trong tâm hồn Hàn Mạc Tử, cảm xúc thế nào thì thơ bộc ra thế ấy. Hoàn toàn không phô diễn cố tạo. Thế giới thơ chính là thế giới nội tâm của Hàn Mạc Tử. Thơ mới làm cho bộ mặt văn học Việt Nam đổi mới, Hàn Mạc Tử đã góp một phần không nhỏ trong sự đổi mới ấy” [177-178]. Nhận xét này một lần nữa khẳng định tài năng thi ca vượt ngưỡng của Hàn Mạc Tử so với các nhà thơ cùng thời của Phong trào Thơ mới. Và trong sự phát triển của Khoa Nghiên cứu văn học hiện nay ở nước ta, có thể khẳng định rằng Hàn Mạc Tử là nhà thơ lớn, tiên phong với thi tài độc sáng.

Chương cuối cùng của Phần thứ ba - phần cuối cùng của chuyên luận Hàn Mạc Tử - Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình, tác giả Vũ Hải đã tiếp tục cho độc giả những thức nhận bất ngờ khi chứng minh Hàn Mạc Tử là nhà thơ của sự độc sáng kỳ lạ. Bằng tài năng thiên bẩm đặc biệt, ông tự tạo ra cho riêng mình và nền thơ hiện đại Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ XX một thi pháp thơ tân kỳ bằng sự kết tinh những yếu tố của thơ hiện đại thế giới với cái nhìn nghệ thuật, cảm quan nghệ thuật và cuộc sống nội tâm riêng trên hành trình trở lại chính mình như một điềm lạ của sự xuất hiện một thi tài: “Điềm lạ hay là những biểu hiện cho sự ra đời của một dòng thơ lạ? Cái dòng thơ mà ở trong đó nụ cười cùng nước mắt đã chan hòa làm một. Thi nhân ý thức rõ về cái chết của mình, ca vang, cười tràn trong triền miên bất hạnh. Người chờ giải thoát, chờ được trường tồn với sáng tạo. Và chính đây là con đường nhanh nhất giúp Hàn Mạc Tử vượt lên trên tất cả để chỉ còn lại là THƠ với THƠ. Thơ không đứng đơn chiếc, độc lập, không dừng chân tại một nơi, một lúc, một ngõ hẹp nào trong ẩn hình sâu xa tự tiềm thức của nhà thơ, mà với Hàn Mạc Tử, thơ lúc này phơi trải, bay lên - như chính hồn thi nhân cũng phơi trải bay lên với không gian, thời gian...

Vì vậy, sau những đổ nát với cuộc đời, Hàn Mạc Tử đã trở lại chính mình, tự chắp thêm cho mình đôi cánh mỏng. Đó không phải là đôi cánh của thiên thần đưa con người về cõi tiên mà là đôi cánh của nghệ thuật chắp cánh thêm cho thơ Hàn Mạc Tử những dòng mới, lạ... làm say lòng người. Những trộn trạo của âm thanh, sắc màu, tiếng thơ, tiếng nhạc, hồn thơ hay hồn thi nhân bấy giờ chỉ là một. Một chuỗi cười giữa đau thương và bệnh tật, cái chết... nghe ra tưởng chừng như kinh dị, dấu ấn với khuôn mặt đau khổ, điên loạn... Nhưng với thơ chuỗi cười ấy là một nghệ thuật độc đáo” [180]. Và “Phải chăng tự tâm thi nhân đã thấy được rằng rồi đây sẽ còn mãi một Hàn Mạc Tử trường tồn bất diệt với nghệ thuật? Thứ nghệ thuật tuyệt hảo ấy đã được người thơ đánh đổi bằng tất cả tâm can mình - bằng những đau khổ triền miên không nguôi - bằng nhục hình, bằng án quyết trước lúc ra pháp trường - Cái chết đang dần đến, và thi nhân lúc này đã chuồi mình ra, đưa khuôn mặt thật mình ra để đón nhận nó một cách thản nhiên tự tại. Giữa giờ phút cam go ấy, thời gian với Hàn Mạc Tử bấy giờ gần như là một sự thôi thúc. Thơ buồn mà không hẳn buồn - Thơ đi như khúc nhạc hào hùng, mặc dù ta vẫn thấy ở đây phần nội dung bài thơ là máu, nước mắt” [181].

Từ đây, tác giả chuyên luận tự cho phép mình đi đến một nhận xét thuận chiều khác để ngưỡng mộ một thi nhân tài năng nhưng mệnh yểu: “Đó là tất cả những gì, cảnh thơ... người thơ... tình thơ... những chắp cánh mới về một dòng thơ lạ... Một mùa xuân tươi trẻ, hiện hữu - đã có mặt trở lại trong thơ Hàn Mạc Tử - là khát vọng của thi nhân đang và sẽ mãi mãi được trường tồn trong lòng người đọc những ai yêu thơ Hàn Mạc Tử. Và dẫu sao đi nữa, trong nắng ấm của hiện tại, khi mà mọi bí mật được khai phá, được công nhận, tất cả chúng ta xin hãy ngừng lại một giây, chỉ một giây thôi để lắng nghe và nhớ... - Nhớ gì? Nhạc lòng hay chính là khúc tiêu sầu muôn thuở trong thơ Hàn Mạc Tử: [198]. Đấy là ý nghĩa và giá trị cuối cùng còn lại của Thi ca Hàn Mạc Tử giữa cuộc đời đau thương nhưng vô cùng kỳ diệu này.

***

Hàn Mạc Tử xuất hiện giữa cuộc đời và từ giã cuộc đời này như một định mệnh cay nghiệt, nhưng những gì thi nhân để lại là duyên mệnh thi ca bất tử. Sự phục sinh, nếu có thể gọi như thế về thi tài Hàn Mặc Tử chính là sự vượt lên mọi đau khổ của hiện sinh đời người để trở về lại chính mình trên hành trình sống và hành trình tâm linh, sáng tạo. Và di sản cuối cùng ông để lại chính là THƠ - một VŨ TRỤ THƠ tuyệt đích, giúp ông giải thoát mọi đau khổ tận cùng của một kiếp sống thi nhân để tồn tại mãi mãi trong ánh hào quang rực rỡ của chính mình và sự đồng vọng của nhân loại thổn thức biết mê đắm và tôn vinh những giá trị vĩnh cửu của Thi ca.

Toàn bộ công trình Mạc Tử - Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Vũ Hải chính là nỗ lực và đam mê, ngưỡng vọng Hàn Mạc Tử để tạo nên hiệu quả khoa học mới mẻ theo cách tiếp cận riêng của mình trước một đối tượng đã có quá nhiều công trình nghiên cứu và đạt những hiệu quả từ trước đến nay. Vì vậy, đây là công trình có hướng nghiên cứu bổ sung những giá trị mới về Cuộc đời và Thi ca Hàn Mạc Tử rất đáng trân trọng và tiếp nhận. Nhờ vậy mà bức tranh tiếp nhận Thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử ngày càng phong phú, đa dạng và tiếp tục mở ra nhiều hướng tiếp cận khác từ nhiều lý thuyết hiện đại của nhiều hệ hình nghiên cứu khác nhau.

Vỹ Dạ, tháng 3 - 2024

H.T.H

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Vũ Hải, Hàn Mạc Tử - Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình, Nxb Văn học, Đà Nẵng, 2023.

Hồ Thế Hà, Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và chân dung, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2018.

Trần Thanh Mại, Hàn Mặc Tử, Nxb Tân Việt Hà Nội, 1940.

Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ, Nxb Lao động, Hà Nội, 1992.

Đặng Tiến, Thơ - Thi pháp và chân dung, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2009.

Chế Lan Viên, Tạp chí Ngày Mới, ngày 23 - 11, 1940.

 

[1] Những trích dẫn trong bài viết chỉ ghi số trang trong ngoặc vuông được trích từ tác phẩm Hàn Mạc Tử - Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của tác giả Vũ Hải, Nxb Văn học, Đà Nẵng, 2023.

[2] Hồ Thế Hà, Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và chân dung, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2018, tr 24.